Theo dõi và chăm sóc sau khi phá thai Chủ Nhật, 14/04/2024, 14:00
(Ảnh: internet)
Phá thai là phương pháp để chấm dứt thai kỳ ngoài ý muốn có thể xảy ra nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ. Làm thế nào để theo dõi và chăm sóc sau khi phá thai để cơ thể sớm phục hồi và tránh được các rủi ro?
1. Dấu hiệu bình thường sau phá thai là gì?
1.1. Sau khi phá thai bằng thuốc:
- Phần lớn bạn nữ sẽ thấy ra máu như hành kinh trong vòng 10 ngày kể từ khi uống thuốc. Tuy nhiên, một số ít bạn gái có thể thấy ra máu nhẹ kéo dài hơn.
- Một số bạn gái có thể bị sốt trong vài giờ, đôi khi kèm theo ớn lạnh. Mặc dù vậy, triệu chứng này không nguy hiểm và sẽ nhanh chóng qua đi.
1.2. Sau khi hút thai:
- Nhân viên y tế sẽ kiểm tra mạch, huyết áp và tình trạng ra máu, sau đó bạn có thể ra về nếu sức khỏe ổn định.
- Thông thường, bạn sẽ thấy ra máu giống một kỳ kinh bình thường và đau bụng do co cơ tử cung trong vài ngày đầu sau đó đau bụng sẽ giảm và ít ra máu hơn.
1.3. Sau khi phá thai bằng phương pháp nong và gắp:
- Nhân viên y tế sẽ thường xuyên theo dõi sự hồi phục của bạn trong vòng 1- 4 tiếng đồng hồ hoặc lâu hơn nếu cần thiết, sau đó bạn có thể ra về.
- Thông thường, bạn sẽ thấy ra máu và đau bụng do co cơ tử cung trong vài ngày đầu. Nếu các dấu hiệu trên nặng lên thì bạn cần liên hệ với cơ sở y tế.
2. Dấu hiệu bất thường nào có thể xảy ra sau khi phá thai?
Bạn nên quay lại cơ sở y tế để khám ngay nếu thấy một trong các dấu hiệu sau:
- Đau bụng ngày càng tăng hơn.
- Ra máu nhiều hoặc kéo dài trên một tuần và lượng máu không ít đi.
- Sốt hoặc ớn lạnh.
- Khí hư có mùi hôi.
- Khi phá thai bằng thuốc, sau khi uống thuốc lần 2, bạn bị sốt từ 380C trở lên, kéo dài hơn 1 ngày, không ra máu trong vòng 24 tiếng.
Trong trường hợp có biến chứng sau khi phá thai, bác sĩ sẽ có biện pháp xử trí thích hợp với từng loại biến chứng và tình trạng sức khỏe của bạn.
3. Chăm sóc sau khi phá thai như thế nào?
- Nghỉ ngơi: sau phá thai phụ nữ cần được nghỉ ngơi đầy đủ, tùy thuộc phương pháp phá thai và tình trạng sức khỏe của mỗi người mà thời gian nghỉ ngơi tối thiểu là 10 ngày cho đến 1 tháng.
- Để giảm cảm giác khó chịu, đau do các cơn co tử cung, bạn có thể sử dụng miếng đệm sưởi ấm để chườm bụng, massage bụng, ngực theo chiều kim đồng hồ, có người thân hỗ trợ khi di chuyển, chăm sóc sức khỏe và tinh thần.
- Uống các thuốc theo đơn và chỉ dẫn của bác sĩ, tái khám sau 2 tuần.
- Theo dõi cơ thể nếu có các dấu hiệu bất thường như sốt, dịch âm đạo có mùi hôi, ra máu nhiều, bụng dưới co cứng và đau nhiều,… thì phải đến tái khám ngay. Trường hợp sau phá thai mà máu ra quá nhiều hơn 2 tuần chưa hết, hoặc kinh nguyệt sau 8 tuần chưa có lại nên tới các cơ sở y tế để được thăm khám.
(Ảnh: internet)
- Vệ sinh, tắm rửa bình thường. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý:
+ Sau khi phá thai không nên tắm ngay, không tắm bằng nước lạnh, không ngâm người trong bồn tắm, không tắm quá lâu. Bạn có thể vệ sinh thân thể bằng việc lau nước ấm và rửa bộ phận sinh dục. Khi bạn cảm thấy cơ thể tạm hồi phục trở lại sẽ tắm rửa bình thường.
+ Khoảng 3-4 ngày sau khi phá thai bạn có thể gội đầu. Khi gội đầu, nên dùng ấm, không gội đầu quá lâu. Sau khi gội đầu, bạn nên sấy tóc khô ngay để tránh bị nhiễm lạnh da đầu.
+ Vệ sinh vùng kín sạch sẽ theo sự hướng dẫn của bác sĩ, không thụt rửa sâu trong âm đạo (không đưa tay hay đồ vật vào sâu trong âm đạo để vệ sinh), dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ phù hợp, không sử dụng các chất tẩy rửa mạnh; vệ sinh vùng kín từ trước ra sau, tránh vệ sinh ngược.
+ Nhà tắm kín gió, tránh gió lùa, sử dụng nguồn nước sạch.
- Thay quần áo, đồ lót hàng ngày, mặc đồ rộng, thoáng mát. Thay băng vệ sinh thường xuyên như kỳ kinh bình thường cho đến khi hết ra máu (khoảng 4 giờ thay 1 lần), không dùng tampon, cốc nguyệt san.
- Chế độ ăn uống: Không cần phải kiêng bất kỳ loại thức ăn nào mà nên ăn bổ sung những thức ăn nhiều chất sắt và bổ dưỡng như thịt bò, thịt nạc, trứng, sữa và các loại rau xanh. Uống đủ lượng nước (1,5-2 lít/ngày), uống nước ấm. Mặc dù không cần kiêng cữ gì đặc biệt nhưng bạn nên hạn chế các đồ có nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều đường, tránh các đồ uống có ga, có cồn,…
- Tránh lao động nặng (gánh/ vác nặng) trong vài tuần đầu tiên sau khi phá thai.
- Quan hệ tình dục:
+ Không được quan hệ tình dục ít nhất là 14 ngày sau khi phá thai, kể cả thủ dâm, vì thời gian này bộ phận sinh dục bị tổn thương do can thiệp chưa hoàn toàn phục hồi, nếu quan hệ có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng hoặc các biến chứng khác.
+ Sau 2 tuần, bạn có thể quan hệ tình dục nhưng không nên quan hệ với tần suất dày. Khi quan hệ cần chú ý đến cảm nhận cơ thể, xem có bị đau hoặc chảy máu bất thường hay không để đến ngay cơ sở y tế.
+ Hãy sử dụng biện pháp tránh thai theo hướng dẫn của nhân viên y tế để tránh thai. Sau khi phá thai 10-14 ngày bạn sẽ có khả năng có thai nếu quan hệ tình dục mà không sử dụng biện pháp tránh thai, vì vậy bạn phải sử dụng biện pháp tránh thai ngay lập tức để tránh mang thai và không nên mang thai trong ít nhất 2-3 tháng sau khi nạo thai để cơ thể phục hồi tốt hơn. Sử dụng bao cao su là một lựa chọn tốt trong khi tìm các biện pháp tránh thai khác.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng và lo lắng quá mức sẽ gây ảnh hưởng tới sức khoẻ và cả chu kỳ kinh nguyệt
Bao cao su là biện pháp tránh thai an toàn, nhiều ưu điểm
4. Thời gian cơ thể phục hồi sau khi phá thai
- Không có mốc thời gian phục hồi chuẩn sau khi chấm dứt thai kỳ ở mọi phụ nữ. Người phá thai trong 3 tháng đầu thai kỳ và không có biến chứng gì sẽ cảm thấy bình thường sau khoảng 1 tuần. Trong khi đó, hiện tượng chảy máu âm đạo sau khi phá thai sẽ diễn ra trong khoảng 6 tuần. Tuy nhiên, khoảng thời gian này có thể ngắn hơn hoặc dài hơn tùy vào mỗi người.
- Nếu phá thai khi tuổi thai đã lớn hoặc gặp phải biến chứng trong quá trình thực hiện, bạn cần nhập viện để xử lý biến chứng. Thời gian phục hồi hoàn toàn của bạn sẽ lâu hơn tùy vào mức độ nghiêm trọng của biến chứng.
- Thời điểm có thể mang thai sau khi phá thai: là khoảng từ sau 3 tháng, lúc đó cả thể chất và cơ quan sinh dục đã được ổn định.
5. Bạn gái cần hỗ trợ gì về mặt tinh thần sau khi phá thai?
Sau khi phá thai, bạn có thể cảm thấy không bình thường. Bạn cũng có thể cảm thấy buồn hoặc có thể thấy tội lỗi hay xấu hổ. Điều quan trọng là bạn nên tự chăm sóc thật tốt và cố gắng ăn đủ chất để nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Nếu bạn không ngủ ngon, hãy cố gắng thư giãn như trò chuyện với bạn bè, làm những việc mà bạn thích, tập thể dục hay vận động nhẹ nhàng như đi bộ.
Một số bạn phàn nàn rằng, sau khi phá thai, họ cảm thấy dễ khóc, dễ cáu giận, lo lắng quá mức trước khi có kinh nguyệt. Những biểu hiện này có thể mất đi sau vài tháng. Sự an ủi và động viên của bạn trai, gia đình, bạn bè và người thân có thể giúp bạn nhanh chóng hồi phục hơn.
Một số bạn có thể gặp rắc rối trong mối quan hệ với chồng hoặc bạn trai. Nguyên nhân có thể là do hai người có hai cách nhìn nhận khác nhau về việc phá thai. Hoặc có thể anh ấy không hiểu bạn đang nghĩ gì hay đơn giản là nói với bạn rằng: "Thôi quên điều đó đi" mà không cố gắng tìm hiểu và chia sẻ xem bạn đang nghĩ gì. Hãy chân thành chia sẻ cảm xúc của mình để người ấy hiểu và thông cảm. Nếu bạn thật sự cảm thấy trầm cảm, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc các chuyên gia tâm lý để được giúp đỡ thêm.
Xem thêm:
1. Tìm hiểu về phá thai an toàn
2. Các nguy cơ đối với sức khỏe phụ nữ sau khi phá thai
TSBT tổng hợp
Nguồn: Tài liệu Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bộ Y tế; tudu.com.vn
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin khác
- Các nguy cơ đối với sức khỏe phụ nữ sau khi phá thai Chủ Nhật, 14/04/2024, 00:00
- Tìm hiểu về phá thai an toàn Thứ Bẩy, 13/04/2024, 00:00
- Một số lưu ý liên quan đến phá thai Chủ Nhật, 20/07/2014, 00:00
- Phá thai an toàn Thứ Bẩy, 19/07/2014, 00:00
- Các nguy cơ khi phá thai Thứ Bẩy, 08/03/2014, 00:00
- Các biện pháp phá thai Thứ Sáu, 07/03/2014, 00:00
- Phá thai bằng thuốc Thứ Ba, 04/03/2014, 00:00