mãn kéo dài khi ta chờ đợi
Nếu trước mặt bạn là một miếng kẹo dẻo và chỉ có hai lựa chọn: ăn luôn hoặc chờ 15 phút để được miếng kẹo nữa, bạn sẽ chọn cách nào? Đây là thí nghiệm kẹo dẻo kinh điển của Đại học Stanford (Mỹ) về khả năng trì hoãn sự thỏa mãn (delayed gratification).
Theo đó, khi ta cưỡng lại sự thỏa mãn trước mắt để có được lợi ích lớn hơn, cảm giác hài lòng cũng tăng lên đáng kể. Trong nhiều trường hợp, điều thực sự khiến ta hạnh phúc không phải là điểm kết của trải nghiệm, mà là quá trình chờ đợi để đi tới điểm kết đó
Đây chính là nguyên nhân ta thường thích ngày thứ Sáu hơn là thứ Bảy và Chủ Nhật, bởi thứ Sáu là thời điểm ta mong đợi đến cuối tuần. Sự háo hức trước một chuyến đi xa cũng là một ví dụ như vậy. Khoảng thời gian này mang lại cảm giác tương tự như khi ta phấn đấu để đạt một mục tiêu. Vì vậy, nó kích thích não bộ sản sinh ra dopamine - hormone của động lực và hạnh phúc.
Ta chờ thời cơ chín muồi để “tung chiêu”
Nhiều khi chúng ta “để dành” không phải để gây ấn tượng với người khác, mà để tạo lợi thế cạnh tranh cho chính mình. Trong trường hợp này, ta cố tình đánh lạc hướng khiến đối phương đánh giá thấp khả năng của ta so với thực tế.
Một ví dụ điển hình là các môn thể thao đối kháng như võ thuật hay đấu kiếm. Không ít võ sĩ tấn công ở mức bình thường trong suốt trận đấu, rồi tung chiêu lợi hại nhất để “knock out” đối thủ ở cuối hiệp. Chiến lược này cốt để “tung hỏa mù” đối phương, làm họ lơ là việc phòng thủ.
Việc chơi bài cũng là một ví dụ như vậy. Chúng ta hay ém những lá bài mạnh đến gần cuối ván mới “xuất chiêu”, vừa để đánh lạc đối phương vừa để chừa đường phòng thân.
Khi nào thì việc để dành sẽ “phản pháo”?
Không phải lúc nào việc “để dành” cũng mang đến cho bạn cái kết hoàn hảo. Chẳng hạn khi bạn để dành món ngon, nó có thể nguội ngắt ở cuối bữa ăn và không còn ngon nữa. Hoặc trong một kỳ nghỉ, bạn để dành điểm đến thú vị nhất đến ngày gần cuối, để rồi gặp trời mưa đúng hôm đó.
Tâm lý “khổ tận cam lai” cũng là điều không ít người lựa chọn trong sự nghiệp. Họ dành những năm tháng tuổi trẻ cắm mặt vào làm việc, kiếm thật nhiều tiền để nghỉ hưu sớm và tận hưởng cuộc sống.
Nhưng khi thực sự đạt tự do tài chính, họ lại không còn sức khỏe do lối sống mất cân bằng trước kia. Họ cũng bỏ lỡ nhiều thời khắc quan trọng của cuộc đời (như chứng kiến con cái trưởng thành), mà khi nhìn lại họ mới thấy tiếc nuối.
Vì vậy, có những lúc chúng ta không nên trì hoãn mà hãy tận hưởng trái ngọt ở hiện tại. Bởi chính trong những giây phút này, ta dễ có được những kỷ niệm đẹp nhất cuộc đời.