Tại sao chúng ta lại... MỆT ??? Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Hầu như ai trong chúng ta cũng có lúc thấy mệt mỏi, "mệt muốn xỉu, bủn rủn chân tay". Tuy nhiên, nếu sau một giấc ngủ dài mà bạn vẫn không thể nào "lại sức", hoặc bạn bị "hụt hơi" khi mới được nửa ngày, hoặc lúc nào cũng cảm thấy rã rời, đấy là khi "cơ chế mệt mỏi" trong bạn "có vấn đề"!
Mệt ơi là mệt!
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, hiện tượng mệt mỏi đang có dấu hiệu tăng lên nhanh chóng, mặc dù chưa có con số thống kê chính thức nào về số người phải chịu đựng những cơn mệt mỏi dai dẳng, vô cớ. Nhưng theo bác sĩ đa khoa Alf Liebhold thuộc Bệnh viện Sydney, đây là một xu hướng hết sức phổ biến.
Trước tình hình đó, sự gia tăng của các sản phẩm tăng lực là điều dễ hiểu. Năm ngoái, doanh số đồ uống tăng lực - đồ uống nhẹ có chứa caffeine và đường - trên toàn thế giới đã tăng 23%. Mỗi năm, nhà sản xuất vitamin Blackmores thu được 22 triệu USD từ việc bán các loại dược phẩm bổ sung. Và cách đây khoảng bốn năm, guarana - một loại chất kích thích có nguồn gốc thảo dược - đã được tung ra thị trường. Giờ đây, guarana đã xuất hiện trong hầu khắp các sản phẩm, từ thỏi sô-cô-la cho tới túi trà. Rõ ràng, nhu cầu "tăng lực" của chúng ta không phải là nhỏ.
Vậy đâu là thủ phạm khiến chúng ta mệt mỏi? Theo Liebhold, chính cuộc sống bon chen đã tước đi sinh lực của chúng ta. Ông nói: "Tôi nghĩ rằng xã hội hiện đại đòi hỏi ở con người nhiều hơn so với trước đây. Rất nhiều người phải làm những công việc buồn tẻ. Tôi biết có nhiều người không hề đi nghỉ một lần nào trong suốt ba năm liền, thậm chí còn không dám nghỉ một ngày nào khi bị ốm. Họ sợ bị mất việc. Áp lực liên tục đồng nghĩa với việc chúng ta không được thư giãn đầy đủ, giống hệt như tình trạng sử dụng thiết bị điện tử với một thỏi pin xạc nửa vời. Và kết quả là chúng ta lại càng trở nên quá mệt mỏi nên không thể thực hiện việc phục hồi năng lượng, chẳng hạn như nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí."
Học... ngủ. Ngủ... học...
Nếu cảm thấy mệt mỏi, bạn nên trả lời câu hỏi sau: Bạn đã ngủ đủ chưa? Mặc dù chúng ta vẫn có thể làm việc bình thường ngay cả khi chưa ngủ "đẫy mắt", nhưng rõ ràng là thiếu ngủ liên tục sẽ dẫn tới hiện tượng mệt mỏi kinh niên.
TS Darren Mansfield là một chuyên gia nghiên cứu rối loạn giấc ngủ thuộc Trung tâm Giấc ngủ Epworth tại Melbourne (Australia). Ông cho biết, hiện tượng mất ngủ thường xuất hiện khi mọi người vừa trải qua một thời kỳ căng thẳng, trầm cảm hoặc lo lắng. Ngay cả khi thời kỳ này đã qua đi, chứng mất ngủ vẫn còn lại vì đã bắt rễ sâu trong chu kỳ ngủ của chúng ta rồi. Theo lời Mansfield, mọi người hầu như đã quên là mình phải đi ngủ như thế nào, vì vậy họ cần phải được "huấn luyện" lại. Ông dạy cho mọi người kỹ thuật thư giãn trước khi đi ngủ và khuyên rằng, nếu đến 3 giờ sáng mà mắt vẫn cứ "mở chong chong" thì tốt nhất là đừng có cố gắng đi ngủ nữa. Thay vào đấy, chúng ta nên dậy và đọc một cuốn tiểu thuyết loại "vớ vẩn" (đừng nên đọc những cuốn hấp dẫn) để đầu óc trở lại với trạng thái mệt mỏi tự nhiên, sau đó lại tiếp tục đi ngủ.
Ngoài ra, Mansfield còn khuyên mỗi người nên duy trì nhịp độ đồng hồ sinh học của cơ thể bằng cách đi ngủ và dậy vào một giờ cố định trong ngày, đồng thời hạn chế sử dụng caffeine. Ông nói: "Mọi người sẽ bị rơi vào cái vòng luẩn quẩn: Caffeine làm hỏng giấc ngủ. Vì thiếu ngủ nên họ cảm thấy mệt mỏi và càng mệt mỏi lại càng muốn dùng caffeine".
Tập nặng vào cuối giờ chiều và tắm nước ấm trước khi đi ngủ sẽ giúp chúng ta dễ ngủ hơn. Thân nhiệt giảm xuống chút ít sau khi thực hiện các hoạt động "làm nóng" có thể khiến cho cơ thể chóng buồn ngủ. Và đừng quên uống một cốc sữa nóng trước khi lên giường bởi sữa chứa acid amin tryptophan có tác dụng "ru ngủ" rất tốt
Vậy tại sao lại phải ngủ?
Câu trả lời rất đơn giản, nhưng không phải ai cũng biết: Giấc ngủ giúp cơ thể hồi phục và tái tạo năng lượng. Theo Darren Mansfield, cách dễ nhất để tìm ra câu trả lời là hãy xem những gì xảy ra cho cơ thể khi chúng ta... không ngủ. Các cuộc thử nghiệm về mất ngủ đã cho thấy rằng, sau 14 ngày không ngủ, chuột kiệt sức và chết. Đối với con người, ba ngày không chợp mắt sẽ khiến cho chúng ta trở nên "lẩm cẩm", đãng trí và bắt đầu xuất hiện ảo giác. Bất kể tác dụng của giấc ngủ là gì thì nó cũng vẫn đóng một vai trò hết sức quan trọng. Mansfield cho biết: "Tất cả mọi động vật đều phải ngủ. Mọi chiến lược sinh tồn của động vật đều được điều chỉnh xung quanh nhu cầu về ngủ chứ không phải giấc ngủ được điều chỉnh là để sinh tồn."
Trị mất ngủ
Đôi khi, mệt mỏi là kết quả của những căn bệnh như nghẹt thở khi ngủ - cơ khí quản của bệnh nhân bị chùng quá mức và xẹp xuống. Khi bệnh nhân tỉnh dậy, cơ khí quản lại căng trở lại nên có thể tiếp tục thở bình thường. Vấn đề nằm ở chỗ: Những khoảng thời gian thức giấc ngắn ngủi nhưng thường xuyên kia không cho phép bệnh nhân đạt tới giai đoạn ngủ sâu, nghỉ ngơi hoàn toàn. Và do bệnh nhân thường xuyên rơi vào trạng thái gà gật nên họ không thể nào nhớ được điều gì xảy ra với mình, vì vậy họ cũng chẳng giải thích được tại sao lại cảm thấy kiệt sức vào buổi sáng.
Tuy nhiên, nếu đêm đêm bạn ngủ sâu, thẳng giấc mà vẫn cảm thấy cơ thể "như đi mượn" thì cần phải xem xét lại nguyên nhân gây mệt mỏi. "Thủ phạm" có thể là một hoặc nhiều trong "những cái tên" sau: căng thẳng, phòng làm việc thiếu oxy, bữa ăn thiếu chất, có vấn đề về tuyến giáp, nhiễm khuẩn, có ký sinh trùng, thay đổi hormon, dị ứng, kém điều chỉnh cột sống, thiếu máu, buồn chán, tăng cân, trầm cảm, lo lắng, bệnh van tim, chất độc môi trường, v.v... Vấn đề nằm ở chỗ: Mệt mỏi là triệu chứng của hầu như tất cả các bệnh - ngay cả một trận cảm thông thường cũng có thể khiến cho bạn cảm thấy kiệt sức. Khi không xác định rõ "thủ phạm", vấn đề chữa trị sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.
Trong trường hợp mệt mỏi kéo dài, bạn nên đi khám để tìm xem có phải mình bị triệu chứng lao lực mạn tính không? Cứ 100 người thì lại có một người là nạn nhân của căn bệnh này và nó thường tạo điều kiện cho những bệnh truyền nhiễm khác như viêm tuyến bạch cầu, kèm theo nhiều triệu chứng như đau cơ, đau khớp, khó tập trung, khó nhớ, hay cáu bẳn. Nhưng tệ nhất vẫn là khi bác sĩ không xác định được nguyên nhân cụ thể nào cả. Theo GS Andrew Lloyd, chuyên gia thuộc ĐH New South Wales (Australia), căn bệnh gây ra do chức năng não, chứ không phải do dị tật cơ thể, và hầu hết bệnh nhân đều tự hồi phục trong vòng sáu tháng kể từ ngày phát hiện bệnh. Đối với những người không tự hồi phục được, các kỹ thuật quản lý và nhóm hỗ trợ sẽ giúp họ bớt bệnh.
Chế độ ăn uống
TS Liebhold cho biết: Khi có người than phiền về chứng mệt mỏi, ông luôn tìm kiếm trước hết những nguyên nhân rõ ràng nhất. Ông nói: "Có những biểu hiện rất rõ ràng. Chẳng hạn, một người đang ở tuổi mãn kinh, có kinh nguyệt không đều mà lại còn ăn kiêng nữa thì chắc chắn là họ đang bị một dạng thiếu máu dinh dưỡng đơn giản (thiếu sắt)"
Theo Leonie McMahon, nhà thiên nhiên liệu pháp ở Sydney, châm cứu là một trong những phương pháp hữu hiệu để chữa trị tình trạng "phong toả năng lượng". Bà tin rằng ăn sáng không đủ cũng là một nguyên nhân khá phổ biến gây mệt mỏi; và để tạo thêm năng lượng, tốt nhất là bạn nên tăng lượng protein cho bữa sáng.
Nhìn chung, xét trên quan điểm dinh dưỡng, để cho cơ thể được đầy đủ năng lượng, chúng ta nên ăn thịt đỏ, lá rau xanh và ngũ cốc. Loại thức ăn này sẽ giúp hồng cầu phát huy tối đa vai trò chuyển oxy tới cơ bắp. Ngoài ra, nước cũng là một yếu tố quan trọng. Nếu cơ thể bị mất nước, lượng máu trong cơ thể sẽ giảm xuống, buộc tim phải hoạt động mạnh hơn để bơm đủ máu đi khắp cơ thể. Tương tự, nếu chúng ta bị béo phì thì tim cũng phải chịu nhiều sức ép nên rất chóng mệt.
Mệt mỏi là căn bệnh cực kỳ khó chịu không chỉ vì bản chất khó xác định nguyên nhân gây bệnh của nó. Và để tránh mệt mỏi, hãy tự hỏi bản thân xem bạn đã sống một cách khoa học chưa. Dù hoàn hảo đến đâu, cơ thể chúng ta vẫn là một cỗ máy cần được nghỉ ngơi hợp lý.
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Ra dịch nâu sau khi quan hệ có sao không? Thứ Ba, 05/03/2024, 00:00
- Khả năng lây nhiễm bệnh tình dục Thứ Sáu, 16/02/2024, 00:00
- Ngực phát triển không đều? Thứ Ba, 30/01/2024, 00:00
- Tự ti về bản thân Thứ Hai, 22/01/2024, 00:00
- Liệu mình có thai hay đó là sự thay đổi của cơ thể khi sắp đến chu kỳ kinh nguyệt Thứ Hai, 15/01/2024, 00:00
- Cảm thấy chán nản, mệt mỏi nhưng không hiểu vì sao Thứ Hai, 08/01/2024, 00:00
- Em có phải đồng tính hay không? Thứ Hai, 01/01/2024, 00:00
- Có bình thường không khi bản thân nghĩ nhiều về sex Thứ Hai, 25/12/2023, 00:00
- Vợ chồng ít gần gũi Thứ Hai, 18/12/2023, 00:00
- Lo sợ chuyện mình thích 1 người sẽ bị bạn cùng lớp tiết lộ ra ngoài Thứ Hai, 04/12/2023, 00:00