Sau khi du học, mình về Việt Nam và bước vào đời với sự ngạo nghễ. Mình có tình yêu thanh mai trúc mã, đang làm quản lý ở một công ty nước ngoài với thu nhập cao, là con trai duy nhất trong một gia đình Hà Nội viên mãn.
Một mình giữa Sài Gòn, mình chưa bao giờ thấy lạc lõng bởi dường như cả thế giới đang xoay quanh mình.
Nhưng rồi biến cố đầu tiên trong cuộc đời xảy đến. Công ty của mình gặp khó khăn đến mức không thể trả lương nhân viên. Và bạn có biết "định luật Murphy" không, đấy chỉ là điểm bắt đầu.
Khi đột ngột bị đẩy ra khỏi công việc hoàn hảo, mình thấy…không sao cả. Sài Gòn chưa bao giờ hẹp hòi cơ hội, và mình sẽ lại sớm tìm được chỗ đứng mới bằng năng lực và sự tự tin.
Nhưng liên tiếp sau đó chỉ là lời từ chối, lần đầu tiên đối diện với sự nghi ngờ bản thân. Mình buộc phải lựa chọn: gạt bỏ đi cái tôi để bắt đầu lại công việc mới ở vị trí và mức thu nhập thấp hơn, hoặc tiếp tục thất nghiệp chờ đợi cơ hội.
Những uất ức ấy theo mình vào cả chuyện tình cảm, những lời nói yêu thương dần vơi bớt, chỉ còn lại oán trách. Và rồi chúng mình chia tay.
Tất cả bị cuốn phăng và vùi lấp dồn dập như thế chỉ trong vài tháng.
Mất tất cả công danh, sự nghiệp, người yêu và thêm trận ốm thập tử nhất sinh, mình dần nhận ra bản thân đang rơi vào trầm cảm. Sẽ thật khó để miêu tả, hay hữu hình hóa cảm giác của sự trầm cảm vì trải nghiệm của mỗi người là khác nhau.
Nhưng nếu có thể, bạn hãy xem bộ phim chữa lành Our Blues của Hàn Quốc, nơi mà sự trầm cảm của Người mẹ trẻ Min Seon A được khắc họa là như những ngọn đèn vụt tắt, là tấm thân chìm sâu dưới đáy đại dương không lối thoát.
Diễn biến tâm lý lúc ấy thật là phức tạp, mình không còn có thể làm chủ được bản thân. Lòng sông sâu dưới chân cầu Sài Gòn như có lực hút vô hình, mỗi lần đi qua mình đều vô thức nhìn xuống.
Vùng vẫy trong cơn tuyệt vọng, mình tìm tới những chốn thân thuộc, những người bạn để rồi cũng chỉ lặng lẽ ngắm nhìn mọi thứ trôi qua, không nói, không cười. Cố tỏ ra là mình ổn, nhưng lại chỉ mong chờ một câu hỏi ân cần “mày ổn chứ?”
Những suy nghĩ xô lệch cứ xuất hiện trong đầu: mình thật cô độc, ai cũng đang trong vòng xoáy cuộc đời của chính họ. Vậy thì ai muốn hiểu tâm tư của một thằng thất bại cơ chứ và rằng chẳng còn ai mình có thể tin tưởng. Mình muốn làm đau bản thân mình!
Mình thực sự đã có kế hoạch cho việc đó. Nhưng như một điều kỳ diệu hay sự liên kết tiềm thức nào đó đến giờ mình vẫn không thể lý giải.
Ngay trước mọi khoảnh khắc dại dột, không chỉ một lần, điện thoại cứ reo lên và những bàn tay ấm áp cứ vô tình đưa về phía mình, là chị Linh: “Em có muốn qua công ty chị nói chuyện không? Chị thấy em cần ra ngoài”, là chị Thục: “Mày về Hà Nội rồi vẫn tốt chứ?”, là anh Young Ghill: “Đi ăn tối không? Tao nghĩ mày đang không ổn” và là chị Cún “Uh, chị hiểu cảm giác ấy.”
Vậy đấy, chỉ cần một câu nói, một cử chỉ ấm áp ấy đã khiến mình bật khóc nức nở, để rồi tự trấn an, dừng mạch cảm xúc tiêu cực và cho tâm hồn thêm thời gian hồi phục.
Mình nghĩ mỗi người trong chúng ta đều có thể trở thành những người cứu hộ, sống chậm lại một chút, quan tâm hơn đến những người xung quanh, biết đâu một ngày nào đó bạn sẽ trở thành cứu tinh cho người nào đó.
Và sẽ thật tốt nếu những ai đang đi một mình trong màn đêm trầm cảm đọc được những dòng tâm sự của mình. Mình hiểu cảm giác ấy lắm, những lời khuyên là vô nghĩa vì lúc ấy thế giới chỉ còn lại mình bạn mà thôi.
Nhưng hãy dùng những nỗ lực cuối cùng của bạn để tìm về với những người yêu dấu của mình nhé. Rồi thời gian sẽ chữa lành tất cả, vì "ta đến với cuộc đời không phải để bất hạnh."
Theo Vietcetera.