Những khó chịu khi mang bầu Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
![Những khó chịu khi mang bầu Những khó chịu khi mang bầu](https://tamsubantre.org/media/news/p_5_7_111.jpg)
Đau lưng
Khi mang thai, đặc biệt khoảng 3 tháng đầu và những tháng cuối, phụ nữ thường có cảm giác đau mỏi ở sống lưng. Điều này đương nhiên gây ra lo lắng cũng như bất an cho thai phụ. Nhưng theo các bác sĩ sản khoa, hiện tượng này hoàn toàn bình thường. Khi mang thai, cơ thể người mẹ sẽ tiết ra một loại hoóc môn làm căng các dây cơ bụng và giảm hoạt động của dây chằng. Thêm vào đó, khi thai lớn, lưng phải gánh thêm trọng lượng của em bé nên những cơn đau lưng càng xuất hiện nhiều.
Tuy là hiện tượng khó tránh, nhưng nếu biết cách, bạn vẫn có thể phòng ngừa và làm giảm các triệu chứng khó chịu này thông qua chế độ ăn uống, ngủ, nghỉ và luyện tập đúng cách.
Trước tiên, khi bầu bí, bạn hãy chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, tránh tình trạng ăn quá nhiều vào cùng một thời điểm. Tiếp theo đó, hãy đưa ra thời gian biểu cho việc sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya thường xuyên. Khi đi đứng, bạn phải giữ lưng thẳng, khi ngồi, hãy ngồi thẳng theo lưng ghế. Việc này sẽ giảm áp lực cho lưng và khiến những cơn đau ít có cơ hội xuất hiện. Song song với việc đó, bạn cần tránh xa những đôi giày cao gót. Nó vừa không an toàn cho di chuyển, vừa khiến việc giữ lưng thẳng gặp nhiều khó khăn, vì khi đó bạn có xu hướng đổ về phía trước. Cuối cùng, bạn hãy chăm chỉ luyện tập với các bài thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, dưỡng sinh... Tất nhiên, việc này cần trở thành hoạt động thường xuyên, nếu không, thật khó để nó phát huy tác dụng.
Đau ngực
Bởi sự căng tức ngực là do hoóc môn gây ra, thế nên, để chấm dứt hiện tượng này, bạn không cần dùng thuốc. Nếu thấy quá khó chịu, bạn nên bổ sung vitamin E và D mỗi ngày. Trong trường hợp cần một biện pháp giảm đau tức thời, bạn có thể sử dụng phương pháp chườm lạnh hoặc đắp lá bắp cải lạnh lên ngực. Bên cạnh đó, thay cho những chiếc áo ngực có gọng sắt hoặc bó sát để tôn dáng ngực, bạn nên chọn loại áo bằng vải cottong, vừa mềm mại, vừa thấm hút mồ hôi tốt. Hơn nữa, khi mang thai, ngực sẽ lớn hơn bình thường, thế nên, hãy loại bỏ những chiếc áo cũ và tìm cho mình cái khác có size lớn hơn.
Khó thở
Tuy không phải là triệu trứng phổ biến của những người mang thai, nhưng nếu thấy khó thở trong giai đoạn này, bạn cũng đừng quá lo lắng. Các bác sĩ sản khoa khẳng định, đây là hiện tượng bình thường. Bởi trong giai đoạn thai nghén, người mẹ cần nhiều oxy hơn và thở nhanh là một trong những cách để lấy oxy vào cơ thể. Thêm vào đó, lượng progesterone gia tăng và ít nhiều ảnh hưởng đến phổi, khiến trung tâm điều khiển hô hấp trên bị kích thích. Do đó, nhịp thở trở nên khó khăn và gấp gáp hơn. Hiện tượng này đặc biệt trở nên nghiêm trọng (nhịp thở khó khăn, đôi khi như trong quá trình chuyển dạ) khi thai lớn hơn và gây áp lực lên cơ hoành.
Khi gặp phải hiện tượng này, bạn cần tăng thời gian nghỉ ngơi. Nếu phải đi lại, hãy di chuyển với tốc độ thật chậm, tránh lao động nặng. Khi ngủ, bạn có thể kê cao gối để dễ thở hơn và nên giữ cho vùng lưng được thẳng khi ngồi để phổi có khoảng không, thuận tiện hơn cho việc tiếp nhận oxy.
Khó thở trong giai đoạn thai kì còn có thể do hen suyễn hoặc viêm phổi. Thế nên, nếu bạn có tiền sử về bệnh này, hoặc đang phải đối mặt với những nguy cơ, hãy cẩn trọng bằng cách tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Cảm giác đau nhói ở bụng dưới
Trong quá trình mang thai, nhiều người vẫn gặp hiện tượng thỉnh thoảng bụng dưới lại có cảm giác đau nhói. Trong thời gian đầu, theo các chuyên gia, bụng dưới có thể đau tưng tức vì thai đang tìm cách bám vào tử cung, hoặc bạn bị ốm nghén. Khi thai lớn hơn, cảm giác đau là do sự căng cơ. Những dấu hiệu này trở nên rõ ràng hơn khi bạn thay đổi tư thế, ho, hay khi ngồi xổm và đứng dậy. Nếu các hiện tượng này chỉ thoáng qua thì hoàn toàn vô hại, song nếu nó là những cơn đau kéo dài, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Có một cách đơn giản giúp bạn thấy dễ chịu hơn khi bị đau bụng dưới là hãy ngồi xuống, nhấc cao chân và thư giãn. Khi trở dậy, hãy nghiêng người và đứng dậy từ từ. Việc này giúp giảm áp lực cho cơ bụng. Bạn cũng cần thường xuyên đi lại để máu có thể lưu thông khắp cơ thể.
Đau và tê ngón tay
Khi mang thai đến tháng thứ 6, nhiều người sẽ gặp phải hiện tượng như đau đau, tê tê ở đầu ngón tay, đặc biệt là ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa. Sở dĩ như vậy là vì khi cơ thể bạn bị phù nề, áp lực từ rãnh cổ tay căng phồng sẽ gây tê, nóng và đau các ngón tay. Đôi khi, nó còn lan lên cả cánh tay nữa.
Nếu gặp phải hiện tượng này, bạn cần tuyệt đối tránh xa việc gối đầu lên tay. Khi thấy đau hoặc tê, hãy vẩy tay cho đến khi cảm giác này thuyên giảm. Bên cạnh đó, bạn cần thường xuyên vận động các ngón tay và cẳng tay, cũng như hạn chế ăn các thức ăn có nhiều gia vị, vì việc này sẽ làm tăng tình trạng phù nề.
Khi bầu bí, tất nhiên, bạn sẽ phải “hứng chịu” nhiều biểu hiện khó chịu, nhưng nếu biết phòng tránh và khắc phục, bạn sẽ vượt qua thời kì thai nghén một cách an toàn.
Hoài An (tổng hợp)
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Cách để người phụ nữ vượt qua nỗi sợ hãi khi mang thai và sinh con Thứ Sáu, 15/03/2024, 12:00
- 10 loại thực phẩm nhiều sắt - phụ nữ nên ăn sau ngày 'đèn đỏ' Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Quan hệ tình dục trong ngày 'đèn đỏ' có lợi ích và rủi ro gì? Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Ra máu bất thường có phải là dấu hiệu ung thư buồng trứng? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- 6 loại thực phẩm bà bầu cần tránh khi mang thai Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Có nên đi bộ, tập thể dục trong ngày 'đèn đỏ'? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Rượu bia ngày Tết có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản? Thứ Bẩy, 10/02/2024, 00:00
- Vì sao phải khám sàng lọc trước khi mang thai? Thứ Tư, 07/02/2024, 10:45
- Phòng tránh các bệnh lây truyền từ mẹ sang con Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00
- 5 dấu hiệu cảnh báo u xơ tử cung - nhận biết sớm để can thiệp hiệu quả Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00