Duyên cũng giống như rất nhiều người khuyết tật Việt Nam khác mong muốn được yêu thương, chăm sóc, nhưng thực tế đó vẫn chỉ là mong ước. Nhiều người cố kìm nén những khao khát của bản thân, từ chối nhu cầu sinh lý và xem hạnh phúc là một cái gì đó xa vời. Trong khi đó, đa phần cộng đồng xã hội vẫn cho rằng người khuyết tật chỉ cần ăn uống, sinh hoạt đầy đủ đã là tốt lắm rồi.
Nguyễn Thị Huyền, ở Hà Giang, hiện học thiết kế website ở Trung tâm Nghị lực sống, chia sẻ: “Trước đây em rất mặc cảm, không dám tiếp xúc với mọi người. Từ khi ra Hà Nội, em gần gũi với mọi người, tham gia lao động và thấy cuộc sống tươi đẹp hơn”.
Cô gái trẻ cũng cho biết mình tham gia nhảy flash mob vì cũng muốn xã hội nhìn nhận người khuyết tật toàn diện hơn. “Bọn em vẫn có thể tự lao động, tự kiếm sống và cũng mong muốn được yêu, được hạnh phúc và được kết hôn”, Huyền nói. Huyền cho biết đã có bạn trai rồi nhưng xin được giữ bí mật.
Chia sẻ với báo chí gần đây, bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CHHIP) cho biết, đa số xã hội Việt Nam quan niệm đã là người khuyết tật thì không nên sinh con. Mà trong xã hội, mối quan hệ yêu đương luôn theo tư duy: Đã yêu là phải dẫn đến hôn nhân, đã có hôn nhân là phải sinh con. Từ cách nghĩ này mà nhiều người khuyết tật có nhu cầu về tình dục cũng như có năng lực tình dục nhưng vẫn phải chối bỏ tình yêu.
“Nhiều người vẫn cho rằng người khuyết tật ngay cả việc tự chăm sóc bản thân đã có nhiều khó khăn chứ chưa nói gì đến việc sinh con, chăm sóc con. Vì thế, họ hầu như chỉ được quan tâm đến việc ăn ở, sinh hoạt hàng ngày mà bị mọi người bỏ qua quyền tình dục. Tỷ lệ thanh niên khuyết tật nước ta có quan hệ tình dục vô cùng thấp, gần như không”, bà Tú Anh nói.
Chính kỳ thị này đã làm người khuyết tật thêm tổn tương. Theo kết quả điều tra của CCIHP, có đến 60% người khuyết tật bị trầm cảm từ nhẹ đến nặng. Nguyên nhân không phải vì họ mặc cảm, buồn chán về khiếm khuyết của bản thân mà vì cách nhìn, thái độ của cộng đồng.
Bên cạnh đó, cũng theo bà Tú Anh, chính vì thái độ phủ nhận nhu cầu sinh lý, tình dục của người khuyết tật, đặc biệt đối với người khiếm thính, người câm, nên trong các chương trình hỗ trợ cho người khuyết tật không có tài liệu bằng ngôn ngữ tương ứng, ngôn ngữ sinh sản, tình dục.
“Ngôn ngữ, số từ của người khiếm thính vô cùng ít, chỉ khoảng 30% số từ nên kể cả những câu thông thường cũng phải viết đơn giản mới hiểu được. Vốn từ ít ỏi nên việc giao lưu để nói về tình dục rất khó khăn”, bà Tú Anh.
Rất nhiều bạn trẻ tình nguyện cũng tham gia nhảy flash mob nhằm kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng đối với vấn đề quyền tình dục cho người khuyết tật. Ảnh: N.P.
Để thay đổi những tư tưởng đó, gần 100 người khuyết tật và hàng trăm bạn trẻ đã cùng tham gia vũ điệu nhảy tập thể tại Gò Đống Đa, Hà Nội, ngày 22/9. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng ưởng ứng ngày Sức khỏe Tình dục Thế giới năm nay do Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số cùng RutgersWPF tổ chức. Thông điệp hoạt động flash mob của người khuyết tật là “Tôi tự hào, Tôi nhảy, Tôi yêu”.
Với hoạt động này, ban tổ chức hy vọng kêu gọi sự quan tâm và ủng hộ của xã hội đối với quyền tình dục của người khuyết tật. Đồng thời, nhảy múa tập thể cũng khiến họ tự tin hơn về vẻ đẹp cơ thể của mình, khám phá khả năng tiềm ẩn trong các hoạt động tưởng chừng như chỉ dành cho những người không có khuyết tật.
Theo Vnexpress