Người chuyển giới và khát vọng được là chính mình Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
tamsubantre.org - Ngày 29/8 vừa qua tại Hà Nội, Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) đã phối hợp với tổ chức CARE quốc tế ở Việt Nam, Rosa Luxemburg Stiftung và Cơ quan Phát triển quốc tế Úc (Đại sứ quán Úc tại Hà Nội) tổ chức hội thảo "Khát vọng được là chính mình" - các vấn đề pháp lý và thực tiễn của người chuyển giới".
Từ nghiên cứu thực tiễn...
Phần 1 của hội thảo công bố kết quả cuộc điều tra, nghiên cứu đầu tiên về cộng đồng người chuyển giới do iSEE thực hiện. Tất cả 34 người chuyển giới tham gia nghiên cứu đều chia sẻ khao khát, mong muốn được mọi người nhìn nhận họ đúng giới tính họ mong muốn.
Nghiên cứu đã cho thấy nhiều người, trong đó có cả những người làm việc về LGBT vẫn còn nhầm lẫn khái niệm “chuyển giới”. Thực chất giới, giới tính và xu hướng tình dục là các khái niệm khác nhau. Người chuyển giới không phải là người đồng tính và chuyển giới không có nghĩa là phải trải qua phẫu thuật. Đối với người chuyển giới thì “bản dạng giới” là điều quan trọng nhất. Điều đó có nghĩa là khi một người nam có ham muốn tình dục với một người nam khác hay một người nữ có ham muốn tình dục với một người nữ khác thì được coi là người đồng tính. Còn khi một người sinh ra với giới tính là nam nhưng nhìn nhận mình là một người nữ, mong muốn trở thành nữ giới hay một người nữ sinh ra với giới tính là nữ nhưng nhìn nhận mình là một người nam, mong muốn trở thành nam giới thì được coi là người chuyển giới, cho dù chưa thực hiện bất kỳ can thiệp nào nhằm làm thay đổi hệ cơ quan sinh dục hay hình thể. Khi một người thực hiện các liệu pháp điều trị hóc môn, teo cơ, nâng ngực hay phẫu thuật, thay đổi cơ quan sinh dục từ nam sang nữ hay từ nữ sang nam thì được coi là người chuyển giới tính.
Người đồng tính, người chuyển giới, chuyển giới tính… đều bị kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực từ chính gia đình, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, nếu người đồng tính bị kỳ thị, chối bỏ bởi xu hướng tình dục thì vẫn có cơ hội để “che giấu” thân phận hoặc lựa chọn thời điểm “come out” khi đã được chuẩn bị về tinh thần. Còn với người chuyển giới, bản dạng giới của họ phơi bày lồ lộ, dù muốn hay không muốn “lộ diện” thì người khác cũng dễ dàng nhận ra nên họ gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận các cơ hội về học tập, việc làm và phải chịu rủi ro về sức khỏe khi sử dụng các loại thuốc, hóa chất để thay đổi cơ thể mình theo giới, giới tính mong muốn.
TS Phạm Quỳnh Phương (iSEE), trưởng nhóm nghiên cứu cho biết nhiều người chuyển giới đang sống ngoài pháp luật do có quá nhiều thứ “không”: Không có CMND, không sử dụng tên khai sinh và không được thừa nhận giới tính thực sau khi phẫu thuật. Và chính vì thiếu sự bảo vệ của pháp luật đã khiến họ trở thành một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử và cả bạo lực từ phía gia đình, xã hội đã khiến nhiều người trầm cảm, dẫn đến ý định tự tử hoặc tự tử”.
Bạn Cát Thy, một người chuyển giới từ nam sang nữ ở TP. Hồ Chí Minh cho biết bạn không thể đi máy bay khi được mời ra Hà Nội tham dự hội thảo này, cho dù iSEE đã nỗ lực tác động nhưng không một hãng hàng không nào chấp thuận khách hàng có chứng minh thư nhân dân ghi là nam giới nhưng bề ngoài nhìn thấy được lại là nữ giới. Rốt cuộc bạn đã phải đi bằng tàu hỏa. Và do không có tiền sang Thái Lan phẫu thuật cũng như không tìm được bác sỹ đồng ý điều trị ở TP.HCM nên Cát Thy phải lựa chọn hình thức “tự điều trị” bằng thuốc teo cơ, nâng ngực, dưỡng da mặc dù biết rõ sự đau đớn, nguy hiểm. “Khi bơm silicôn vào người, em đau đến nỗi phải cắn răng vào gối. Nhưng dù đau đớn, em vẫn thấy hạnh phúc khi mình được làm con gái. Vì em tuy mang thân xác của đàn ông nhưng bản chất thật sự của em là con gái”, Cát Thy chia sẻ.
Còn Ngọc Ly, người chuyển giới từ nam sang nữ ở Hà Nội, tâm sự trong nước mắt: “Mọi chuyện bắt đầu từ năm lớp 10 khi em tham gia một cuộc thi sắc đẹp cho người chuyển giới. Tấm hình em trong cuộc thi đó không hiểu sao một bạn cùng lớp lại tìm thấy trên mạng. Từ đó là chuỗi ngày bi kịch bởi các bạn bè ở lớp không ngừng dè bỉu, kỳ thị em. Giờ ra chơi nào sách vở, cặp sách của em cũng bị dội nước ướt sũng. Em báo cô chủ nhiệm nhưng cô cũng chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Hành động kỳ thị lên đến đỉnh điểm khi em liên tục bị 5 - 7 bạn trai trong lớp đánh hội đồng. Nỗi đau về thể xác không nhiều nhưng em sống trong sự ức chế tột độ. Hậu quả cuối cùng, sau gần 3 tuần liên tiếp bị kỳ thị như vậy, em đã bỏ học…Biết chuyện em bị bỏ học bố mẹ đánh, mắng em nhiều hơn, xúc phạm em, nói em là đồ biến thái, không phải giống người. Lúc đó em chỉ nói một câu, xin bố mẹ đừng nói con như vậy, mọi người có thể nói con thế nào cũng được, từ bệnh hoạn, biến thái, chỉ xin bố mẹ đừng nói vậy”.
Đến tiếng nói những nhà làm luật...
Ở nhiều nước khác, những người chuyển đổi giới tính thành công sẽ được xác định lại giới tính nhưng ở Việt Nam hiện nay chưa có cơ sở, bệnh viện nào đủ điều kiện làm việc này. Đối với những người không ra nước ngoài phẫu thuật thì việc thay đổi giới tính trên giấy tờ là vô cùng khó khăn vì đến nay quy định pháp luật vẫn chưa thay đổi.
Điều 36 Luật Dân sự và Nghị định số 88/2008/NĐ-CP về Xác định lại giới tính chỉ cho phép người có khuyết tật bẩm sinh mới được phẫu thuật và xác định lại giới tính. Điều 5 Nghị định này quy định tiêu chuẩn y tế xác định khuyết tật bẩm sinh về giới tính là phải có “những bất thường về bộ phận sinh dục” và nhiễm sắc thể, thậm chí Điều 4, khoản 1 còn nghiêm cấm thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính. Như vậy những quy định này đã đóng lại cơ hội phẫu thuật chuyển đổi giới tính cho người muốn chuyển giới. Pháp luật hiện nay mới chỉ quan tâm đến quyền chuyển giới của bộ phận người có những khiếm khuyết về thể chất, sinh học mà chưa đề cập đến những khiếm khuyết về mặt giới tính, vì thế rất cần được sửa đổi để đáp ứng nguyện vọng của những người chuyển giới.
Ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp - Bộ Tư pháp, cho rằng nhóm người đồng tính, chuyển giới đang có những cơ hội hiện hữu trước mắt để được Nhà nước bảo đảm quyền lợi của mình. Trong chương trình xây dựng luật từ nay tới năm 2015, Hiến pháp, Luật Hộ tịch, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Dân sự sẽ lần lượt được xây dựng và ban hành. Theo ông Thất, đây thực chất là việc xác định lại giới tính chứ không hẳn là chuyển đổi giới tính. “Người làm luật trước đây chưa đạt tới sự hiểu biết cặn kẽ về vấn đề này. Chúng tôi đã làm thủ tục xin xác định lại giới tính của rất nhiều người sau khi sang Thái Lan phẫu thuật”. Ông Trần Thất đã đề nghị TS Phạm Quỳnh Phương chuyển cho ông toàn bộ tài liệu về kết quả nghiên cứu về người chuyển giới. “Đó là cơ sở để tôi có kiến nghị xem xét việc bổ sung quy định về quyền lợi của nhóm người này vào Luật Hộ tịch dự kiến được thông qua vào năm 2013” - ông Thất nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Hải, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế - Bộ Tư pháp, lại cho rằng vấn đề chuyển giới phải được bàn bạc kỹ lưỡng bởi khi đó phải đưa ra được những biện pháp nào nhằm giảm những tác động ngược trở lại xã hội. “Ở nhiều nước, đã có hiện tượng nhiều người bình thường về giới tính nhưng lại chuyển đổi giới tính vì mục đích thương mại. Việc chấp nhận quy định này liệu có “vẽ đường cho hươu chạy” hay không?” - ông Hải đặt vấn đề.
Như vậy là hầu hết các đại biểu đều ủng hộ việc thay đổi các vấn đề pháp lý để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người chuyển giới. Tuy nhiên, thay đổi cụ thể như thế nào để đảm bảo ổn định xã hội và quyền lợi chính đáng của người chuyển giới thì cần có những buổi thảo luận thật cụ thể. Và bên cạnh đó, chính những người trong cộng đồng LGBT đã, đang và sẽ tiếp tục đưa ra tiếng nói, hành động để các các cơ quan làm luật hiểu và hành động.
Chi Linh
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Tăng khả năng tình dục: 45 lời khuyên về các bài tập và loại thực phẩm Thứ Tư, 10/04/2024, 00:00
- Dirty talk là gì? Cách khẩu dâm tinh tế khi quan hệ tình dục Thứ Ba, 09/04/2024, 00:00
- LỢI ÍCH KHI QUAN HỆ BUỔI SÁNG ÍT NGƯỜI BIẾT! Thứ Tư, 20/03/2024, 00:00
- 9 NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN TÌNH TRẠNG VÙNG KÍN BỊ KHÔ BONG DA Thứ Ba, 19/03/2024, 00:00
- QUAN HỆ NHIỀU CÓ BỊ ĐAU LƯNG KHÔNG - LÀM SAO ĐỂ KHẮC PHỤC? Thứ Ba, 19/03/2024, 00:00
- SÙI MÀO GÀ KIÊNG ĂN GÌ VÀ NÊN ĂN GÌ ĐỂ NHANH KHỎI? Thứ Hai, 18/03/2024, 00:00
- QUAN HỆ NHIỀU CÓ BỊ GIẢM CÂN KHÔNG - NHỮNG TIẾT LỘ THÚ VỊ Thứ Hai, 18/03/2024, 00:00
- Tình dục an toàn sau tuổi 50: ngăn ngừa các bệnh lý lây nhiễm Thứ Tư, 13/03/2024, 00:00
- Quan hệ tình dục ở bệnh nhân ung thư: Những điều cần biết Thứ Tư, 13/03/2024, 00:00
- Đau là vấn đề thường gặp khi quan hệ tình dục sau sinh Thứ Tư, 13/03/2024, 00:00