Lòng thấu cảm đến từ đâu? Thứ Tư, 14/12/2022, 00:00
Có giống nhau mới thấu cảm được cho nhau? Hay dù khác nhau đến thế nào vẫn có thể hình thành lòng thấu cảm?
Nếu có cỗ máy thời gian, tôi sẽ ngay tức khắc về lại thời của đại văn hào Victor Hugo và hỏi ông xem phải sống bao nhiêu cuộc đời để hiểu hết cảm xúc con người.
Tôi không mong viết được một áng văn như “Những người khốn khổ”, mà chỉ muốn biết làm thế nào để hiểu được suy nghĩ và cảm xúc của những người xung quanh mình trong khi không trải qua cùng hoàn cảnh với họ. Người ta nói nhiều đến tầm quan trọng của khả năng thấu cảm, nhưng cụ thể là làm sao để có nó?
Mang theo câu hỏi đó suốt một thời gian dài, tôi đi tìm lời giải thích của các nhà tâm lý học.
Thấu cảm là một khả năng bẩm sinh
Ngay từ trước khi tròn 1 tuổi, con người đã tự động bộc lộ những biểu hiện thấu cảm ở mức độ cơ bản (emotional và cognitive empathy). Sáu tuần sau khi sinh, trẻ bắt đầu biết mỉm cười lại khi người xung quanh cười, hay mếu máo khi bị nhìn chằm chằm với khuôn mặt dữ tợn. (Theo scholastic.com)
Trong một nghiên cứu được đăng trên nct.org.uk về trẻ sơ sinh 8 tháng tuổi, các nhà khoa học còn quan sát thấy rằng các trẻ thường khóc theo khi nghe thấy một đứa trẻ khác khóc. Hành động này được xem như một hệ thống "báo động", giúp đứa trẻ đang cần giúp đỡ nhanh chóng thu hút được sự chú ý từ người chăm sóc hơn.
Lý giải tại sao thấu cảm lại là một phần của bản năng, Phó Giáo sư Tâm thần học Helen Riess (Trường Y Harvard) đề cập đến vai trò của thấu cảm trong hệ thống vận hành của xã hội. Nó thúc đẩy sự “chia sẻ kinh nghiệm, nhu cầu và mong muốn giữa các cá nhân”, giúp con người có thể sống với nhau mà không phải luôn ở trong trạng thái “chiến đấu”, giành giật lẫn nhau.
Tuy nhiên, không phải vì thấu cảm là một phần bản năng mà nó có thể tự động phát triển toàn diện. Ở thời kỳ đầu, tương tác giữa trẻ và người chăm sóc đóng vai trò rất quan trọng.
Một người cha, người mẹ phản ứng tốt với các nhu cầu và tín hiệu của con mình thường giúp con phát triển mạnh hơn về mặt cảm xúc. Theo thời gian, “hạt giống” của sự kết nối nhận thức đó có thể sẽ phát triển thành tầng thấu cảm cao hơn. Ngược lại, những đứa trẻ không trải qua kiểu tương tác này sẽ khó quản lý và điều tiết cảm xúc, từ đó có thể dẫn đến việc khó thấu cảm với người khác.
Ở bối cảnh kết nối xã hội cao hơn, tương tác với người hướng dẫn như cô thầy, bạn bè, hay người lạ,... sẽ dần bắt đầu ảnh hưởng đến khả năng thấu cảm của trẻ.
Ngoài ra, mức chênh lệch thấu cảm giữa các trẻ cũng có một phần mười là được quyết định bởi gen di truyền, theo nghiên cứu của Cambridge năm 2018. Trong đó, các gen quy định giới tính không có tác động trực tiếp.
Có chung trải nghiệm giúp nâng cao mức độ thấu cảm dành cho nhau
Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta có thể cảm nhận rằng giữa mình và người đối diện có một sợi dây kết nối vô hình nhờ những trải nghiệm tương tự nhau. Tuy nhiên, việc có điểm chung ở đây chỉ được xem là yếu tố cộng thêm để dễ dàng tạo nên sự thấu cảm. Còn thực chất, theo Psychology Today, liệu hai người có chung trải nghiệm có thấu cảm được với nhau hay không trước tiên phụ thuộc vào cách họ tự nhìn nhận suy nghĩ và ký ức của riêng mình, hay còn gọi là phản tư (self-reflection).
Cụ thể hơn, phản tư được chia thành hai loại như sau:
- Tự xem xét bản thân do tò mò về những điều định nghĩa nên bản chất con người (intellectual self-attentiveness)
- Tự suy ngẫm về trải nghiệm cá nhân do lo lắng, sợ hãi (rumination)
Loại thứ nhất thường thúc đẩy ta tìm nguồn gốc gây ra khó khăn cho bản thân, từ đó dễ có góc nhìn toàn cảnh hơn để đối chiếu, tiếp thu những tình huống tương tự của người khác.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Adam Gerace cũng lưu ý rằng khi cảm xúc trong giai đoạn khó khăn kia quá choáng ngợp khiến ta không muốn ngoái đầu nhìn lại, thì loại nhận thức này cũng không dễ dàng xảy ra.
Trong khi đó, loại thứ hai thường xoay quanh việc ta nhớ đi nhớ lại một sự kiện mà không giải thích được lý do tại sao nó xảy ra. Điều này khiến ta dễ chìm vào những bất hạnh của bản thân, dẫn đến khó khăn trong việc chú ý đến những người xung quanh và kết nối với họ.
Tóm lại, khi ta càng thấu hiểu cảm xúc của chính mình thì khả năng thấu cảm của ta đối với người khác cũng lớn dần theo. Và việc giống nhau trong trải nghiệm cá nhân là một lợi thế để hai người dễ tìm đến một góc nhìn (perspectives) giống nhau, từ đó tạo ra sự thấu cảm.
Đây có thể là những lý do mà chúng ta luôn dành tình yêu đặc biệt cho một số nhạc sĩ hay nhà văn nhất định, những người giúp ta nhận biết và diễn tả thành lời các cảm xúc của mình.
Thấu cảm có thể cải thiện thông qua chủ động luyện tập
Điều này thể hiện rõ qua việc chương trình đào tạo bác sĩ tại một số quốc gia đang dần chú ý đến yêu cầu thấu cảm với bệnh nhân. Nó không chỉ còn là một phẩm chất, một tính cách con người, mà là một năng lực cần cải thiện liên tục. Mục đích là để tăng hiệu quả khám bệnh, tạo sự tin tưởng với các bệnh nhân khi đưa ra các khuyến nghị điều trị.
Trường Y California đã từng làm một cuộc “thí nghiệm” nhằm huấn luyện các bác sĩ tương lai có khả năng “thấu cảm” tốt hơn. Họ chọn một số sinh viên y khoa giả bệnh nhân để nhập viện điều trị. Trong đó, cô sinh viên năm hai Lisa Shapiro đã chia sẻ sau cuộc thí nghiệm rằng: cô cảm giác như mình bị bệnh thật khi thấy bác sĩ khám cho mình luôn có vẻ mệt mỏi, như chỉ muốn làm cho xong việc. Cô nằm viện có 19 giờ đồng hồ mà thấy thời gian dài đằng đẵng.
Khi bác sĩ đến thăm bệnh rồi cho xuất viện, cô mừng đến phát khóc, và không quên được trải nghiệm đó. Khi khám bệnh sau này, các sinh viên như cô cũng có xu hướng chú ý đến cảm xúc của bệnh nhân hơn.
Kỹ thuật sử dụng ở đây là trực tiếp đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Tuy nhiên, nếu điều kiện không cho phép, một bài tập phổ biến có thể thay thế là “nhìn từ góc nhìn của người khác” (perspective taking).
Ví dụ, ngay từ cấp mẫu giáo, tiểu học, các em học sinh đã thường được đặt cho các câu hỏi tình huống như khi thấy một bạn bị té, em sẽ làm gì.
Đối với lứa tuổi lớn hơn, câu hỏi có thể phức tạp hơn. Chẳng hạn, viết một vài câu tưởng tượng về những thách thức riêng biệt mà các cá nhân LGBT+, hoặc các nhóm chủng tộc, dân tộc thiểu số có thể phải đối mặt. Đây cũng là bài tập được áp dụng trong một nghiên cứu công bố vào năm 2015, với kết quả cho thấy hơn 100 sinh viên tham gia đã cải thiện thái độ với những người thuộc nhóm thiểu số. Họ ủng hộ sự đa dạng hơn. Ảnh hưởng này vẫn tồn tại ngay cả khi kết quả được đo lường 8 tháng sau đó.
Cũng theo một nghiên cứu về Khoa học thần kinh của sự đồng cảm, cơ sở khoa học của loại bài tập này là dựa trên quan sát của các bác sĩ thần kinh rằng: khi chúng ta tập trung vào quan điểm của chính mình và khi xem xét quan điểm của người khác, não đều kích hoạt các vùng sáng như nhau.
Bên cạnh những khuyến khích luyện tập, cũng có nhiều lo ngại rằng thấu cảm quá nhiều có thể dẫn đến “yếu đuối”, gạt các nhu cầu của bản thân sang một bên và không thể theo đuổi mục tiêu của riêng mình.
Tuy nhiên, thực tế, sự thấu cảm không đòi hỏi chúng ta chôn vùi cảm xúc của bản thân, mà là sử dụng trải nghiệm cảm xúc của mình để dễ hiểu cảm xúc của người khác hơn.
Cũng lưu ý trong một số trường hợp, việc suy từ mình ra người khác có thể trở thành hành vi áp đặt, gây ra nhiều chia rẽ hơn là gắn kết.
Ví dụ, trong một trò chơi giả lập tại London Business School, giáo sư Niro Sivanthan và cộng sự quan sát thấy rằng: những người chơi đóng vai đối thủ kinh doanh của nhau có xu hướng nói dối và ít tin tưởng nhau hơn, vì nghĩ rằng đối phương đang cạnh tranh lợi thế với mình. Những thấu cảm về khó khăn của nhau ở đây đã bị bỏ qua.
Làm thế nào để trở thành người thấu cảm hơn?
1. Nói chuyện với những người mới
Theo hầu hết định nghĩa của các từ điển, thấu cảm là khả năng chia sẻ cảm xúc và trải nghiệm với người khác thông qua việc tưởng tượng mình ở vị trí của người đó. Song, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng cố gắng tưởng tượng cảm giác của người khác thường là không đủ. Mỗi cá nhân đều có những thiên kiến (bias) và đặc quyền (privilege) làm hạn chế góc nhìn cá nhân ở một mức độ nhất định.
Vì vậy, một giải pháp đơn giản đã được đề xuất là hãy hỏi trực tiếp đối phương nếu không thể tưởng tượng. Cốt lõi của sự thấu cảm lúc này là sự tò mò chân thành rằng “Cuộc sống của người khác thực sự thế nào?”.
Gợi ý thực hành:
- Theo dõi trên mạng xã hội những người có hoàn cảnh khác với bạn (khác chủng tộc, tôn giáo, hoặc thậm chí cả quan điểm chính trị).
- Kết bạn mới, hoặc trò chuyện với một người quen mà trước nay bạn chưa chủ động nói chuyện nhiều.
- Cất điện thoại và các thiết bị điện tử khác khi bạn đang trò chuyện để có thể toàn tâm lắng nghe và chú ý đến nét mặt, cũng như cử chỉ của họ.
2. Tham gia các dự án cộng đồng
Giáo sư Jodi Halpern tại Đại học California chia sẻ rằng liều thuốc ma thuật cho sự thấu cảm của bà là có những dự án ý nghĩa và chân thành để cộng đồng nói lên nỗi đau và tổn thương của họ. Người tham gia thường cảm nhận được sự gắn kết tốt hơn nhờ cùng hướng đến một mục đích chung.
Ví dụ: trong nghiên cứu của mình, bà phát hiện ra rằng khi phụ nữ từ Nam Tư cũ cùng nhau tìm thi thể mất tích của các thành viên trong gia đình, họ quan tâm và tôn trọng lẫn nhau hơn bất chấp các xung đột sắc tộc. Tương tự như vậy, các gia đình Israel và Palestine có chung nỗi đau mất mát người thân cũng cùng nhau thành lập một nhóm có tên là Parents Circle - Families Forum để trao đổi, chia sẻ.
3. Đọc sách báo, xem phim
Tiểu thuyết, ở cả hình thức văn học và điện ảnh, có thể giúp cải thiện đáng kể năng lực thấu cảm của con người. Bởi chúng thường đòi hỏi người đọc nhập tâm vào cuộc sống và tâm trí của các nhân vật, thông qua đó rèn luyện khả năng hiểu được suy nghĩ và cảm xúc của người khác.
Về mặt sinh học, khi chúng ta đọc hay xem những có nội dung xúc động mạnh, não sẽ giải phóng oxytocin - một loại hormone hoạt động đồng thời như một chất dẫn truyền thần kinh. Nó là thứ giúp chúng ta cảm nhận được sự kết nối với một người, sự vật hay sự việc nào đó - ngay cả khi chúng chỉ là hư cấu.
Nếu cuốn sách hay bộ phim nào đó làm tốt việc dẫn dắt cảm xúc, ta còn có thể “sống” một cuộc đời khác chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ. Khi đã cùng vui, buồn hay thậm chí là khóc với các nhân vật, nhiều khả năng là ta cải thiện được mức độ thấu cảm và đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra về trí tuệ cảm xúc.
Gợi ý thực hành:
- Ưu tiên chọn những cuốn tiểu thuyết có bối cảnh, địa điểm hoặc thời gian không giống với cuộc sống thực của bạn.
- Đồng thời, cố gắng chọn các tác giả khác nhau để đa dạng góc nhìn.
- Nếu tiểu thuyết không phải lựa chọn yêu thích của bạn, các thể loại sách ghi chép đời sống thật như sách lịch sử, chân dung nhân vật, nhật ký, hồi ký hay phóng sự, báo chí có thể là giải pháp thay thế. Mấu chốt là chúng ta chọn được cánh cổng giúp mình bước vào thế giới của người khác. Ví dụ: phóng sự, tài liệu của tờ New York Times, đề xuất Nghe - Đọc - Xem của Đại học Berkeley.
Theo Vietcetera
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Hiệu ứng Zeigarnik và trí nhớ Thứ Sáu, 28/06/2024, 00:00
- Mối quan hệ toxic là gì? 5 dấu hiệu "tình yêu" độc hại Thứ Sáu, 17/05/2024, 14:00
- Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ? Thứ Sáu, 17/05/2024, 13:00
- 3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc? Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Liệu nỗi sợ và chấn thương tâm lý có thể giúp bạn sống tốt hơn? Thứ Sáu, 10/05/2024, 12:00
- Khi yêu thương đủ lớn mọi giới hạn điều được xóa nhòa Thứ Năm, 11/04/2024, 14:00
- MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH Thứ Tư, 03/04/2024, 00:00
- Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2-4): Yêu thương, thấu hiểu, đồng hành cùng trẻ tự kỷ Thứ Ba, 02/04/2024, 00:00
- 3 điều không nên kiểm soát trong cuộc sống hôn nhân Thứ Sáu, 22/03/2024, 12:00
- Những hệ luỵ khi chồng nhận xét quá thẳng thắn về bạn đời Thứ Năm, 21/03/2024, 15:00
Các tin khác
- Tôi có quyền ép vợ gần gũi? Thứ Hai, 12/12/2022, 17:00
- Con yêu, con ghét Thứ Hai, 12/12/2022, 17:00
- Sao chỉ vợ có "nghĩa vụ" chiều chồng? Thứ Hai, 12/12/2022, 15:00
- Gian nan đằng sau sự tự do Thứ Hai, 12/12/2022, 15:00
- Về nhà từ chỗ nhân tình, cảnh tượng đập vào mắt khiến tôi thấy có tội Thứ Năm, 08/12/2022, 18:00
- Đàn ông ngoại tình nghĩ gì về nhân tình của họ - tâm sự người trong cuộc Thứ Năm, 08/12/2022, 17:00
- Được chồng 'điểm 10' hết mực yêu thương nhưng tôi vẫn muốn ly hôn Thứ Năm, 08/12/2022, 15:00
- Phụ nữ đã bước chân đi ngoại tình, có còn quay lại được hay không? Thứ Năm, 08/12/2022, 14:00
- 7 lý do đàn ông ngoại tình nhưng không bỏ vợ Thứ Năm, 08/12/2022, 13:00
- Các Hiệu Ứng Tâm Lý Tình Yêu Thứ Hai, 05/12/2022, 17:00
- 7 cách cân bằng cảm xúc giúp cuộc sống thành công hơn Thứ Hai, 05/12/2022, 16:00
- Vì Sao Bị Từ Chối Lại Đau Như Vậy Thứ Hai, 05/12/2022, 16:00