Khảo sát Nhu cầu sức khỏe sinh sản, tình dục của nữ công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long Hà Nội do Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) thực hiện đầu năm 2012 cho thấy nhiều thanh niên công nhân có thái độ cởi mở về việc quan hệ tình dục khi yêu và cho rằng đó "là việc không thể cấm đoán, là sự lựa chọn riêng của mỗi người"… Sẽ không có điều gì đáng phải lo ngại nếu quan điểm cởi mở đó của thanh niên công nhân gắn với những hiểu biết đầy đủ về sức khỏe sinh sản tình dục. Nhưng, khi thanh niên công nhân còn thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản tình dục và quyền, thiếu kỹ năng thương thuyết và từ chối... thì nguy cơ thanh niên công nhân đối mặt với tình trạng bạo lực và lạm dụng tình dục, nạo phá thai ngoài ý muốn, bệnh lây truyền qua đường tình dục bao gồm cả HIV không chỉ dừng lại ở các con số: 13.48% nữ công nhân bị bạo lực, 13.3% nữ công nhân ở nhà máy đã từng bị nạo thai. Trong số họ, 31% nạo thai năm ngoái. Một số nạo thai nhiều lần trong những năm qua như trong nghiên cứu về Thực trạng chăm sóc SKSS và bạo lực gia đình ở nữ công nhân tại một số KCN tại Hà Nội của Sở Y Tế Thành phố Hà Nội thực hiện năm 2011.
Nhằm tăng cơ hội tiếp cận thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tình dục của thanh niên công nhân và giảm tình trạng bạo lực, lạm dục tình dục, mang thai ngoài ý muốn và bệnh lây truyền qua đường tình dục, CCIHP dưới sự tài trợ của Trung tâm Nguồn và Nghiên cứu phụ nữ Châu Á Thái Bình Dương (Arrow) đã phối hợp với Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp Hội phòng chống HIV/AIDS trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam (VCBA) tổ chức hội thảo: “Giới thiệu mô hình hoạt động và giải pháp phối hợp nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội cho doanh nghiệp trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục cho thanh niên công nhân” vào ngày 7/12/2012, tại khách sạn Công Đoàn, Hà Nội.
Khi bàn đến, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục cho người lao động, Hội thảo đã cùng thảo luận và chỉ ra những lợi ích doanh nghiệp nhận được khi có chính sách, hoạt động cụ thể trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục cho người lao động: "Việc quan tâm và thực hiện các chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục cho người lao động vừa đảm bảo sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản tình dục nói riêng, tạo mối quan hệ tốt giữa người chủ doanh nghiệp với công nhân đồng thời thể hiện sự đầu tư chiều sâu của doanh nghiệp, làm tăng giá trị của sản phẩm, góp phần nâng cao cao uy tín của doanh nghiệp. Thêm vào đó, một doanh nghiệp có chế độ tốt sẽ giúp công nhân muốn gắn bó lâu dài, từ đó đội ngũ lao động có trình độ tay nghề cao được duy trì ổn định, giúp sản xuất phát triển”. Bởi vậy, khó có thể phủ nhận lợi ích của các công ty khi họ quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sức khỏe nói chung, sức khỏe tình dục nói riêng cho công nhân.
Đại diện Công ty TNHH Uniden Việt Nam đóng góp ý kiến tại hội thảo
Đồng tình với những lợi ích doanh nghiệp có được khi có những chính sách, những hoạt động cụ thể trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục cho người lao động, đại diện công ty TNHH Uniden Việt Nam chia sẻ: "Khi một nữ công nhân thiếu các kiến thức giới tính sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng mang thai ngoài ý muốn. Việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dây truyền sản xuất khi họ phải xin nghỉ để phá thai hoặc về quê sinh con. Điều đó sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến tiến độ sản xuất của một doanh nghiệp".
Khi bàn về những giải pháp phối hợp giữa doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người lao động, bên cạnh những lợi ích của doanh nghiệp, Hội thảo cũng tính đến những khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục cho người lao động. Ông Phạm Ngọc Chính, đại diện VCCI và VBCA cho rằng: "dù đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều tổ chức phi chính phủ về lĩnh vực chuyên môn, song các công ty lại đang chịu sức ép về kinh doanh, lợi nhuận. Điều đó có nghĩa là nếu muốn làm truyền thông cho hàng nghìn công nhân nhưng lại đúng vào mùa cao điểm thì không doanh nghiệp nào đồng ý. Cho nên, vấn đề thời điểm là yếu tố cần phải được xem xét trước tiên". Tuy nhiên, "giải pháp bền vững là trước tiên Doanh nghiệp cần có chính sách cụ thể về công tác chăm sóc Sức khỏe sinh sản tình dục. Ví dụ, lãnh đạo doanh nghiệp cho phép một năm có 3 tiếng công nhân được nghe về vấn đề Sức khỏe sinh sản tình dục trong giờ làm việc. Sau đó, nhiệm vụ của các cán bộ nhân sự, công đoàn là sắp sếp thời gian tổ chức truyền thông cho phù hợp, tránh những đợt cao điểm thì sẽ nhận được sự đồng thuận".
Theo phần lớn các đại biểu tham dự, việc đa dạng hóa hình thức truyền thông cũng là một yếu tố cần tính đến để vừa cung cấp thông tin cho người lao động các kiến thức có thể truyền tải dưới dạng các tờ rơi, tài liệu, … phát tay để bổ sung thông tin và kiến thức cho người lao động vì công tác truyền thông và đạo tạo không thể thực hiện thường xuyên cho các công ty, đặc biệt là với những công ty có số lượng công nhân đông. Địa chỉ các dịch vụ thân thiện cũng nên được thông báo dưới dạng áp phích, băng rôn… dán/treo ở những nơi công cộng nhiều công nhân qua lại để khi cần, họ có thể tìm thông tin ngay lập tức.
Là một thành viên trong nhóm thanh niên được hưởng lợi từ mô hình CCIHP phối hợp với 3 khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội nâng cao quyền tình dục cho công nhân, bạn Mai Lan - công nhân công ty Nhôm Đô Thành chia sẻ: "Thông qua những buổi sinh hoạt nhóm về chủ đề sức khỏe sinh sản, tình dục, đặc biệt là chuyên san Nhịp sống trẻ - chuyên san mà các bạn công nhân cùng CCIHP phối hợp thực hiện, những người công nhân thấy bớt ngại ngùng hơn khi chia sẻ những chuyện tế nhị, từ đó tự mỗi người sẽ tìm hiểu thông tin về biện pháp tránh thai, phá thai an toàn hay quyền tình dục... khi có nhu cầu".
"Khi công ty có định hướng ưu tiên cho công tác chăm sóc Sức khỏe sinh sản, sẵn sàng tạo điều kiện cho công nhân được tiếp nhận những thông tin về Sức khỏe sinh sản tình dục, trong thời gian đầu, trong hoạt động truyền thông, CCIHP sẵn sàng hỗ trợ về nhân lực thực hiện truyền thông, tư vấn, nội dung truyền thông. Công ty chịu trách nhiệm tổ chức nhân sự tham dự, dành thời gian và địa điểm để công nhân tham dự truyền thông. Với các tài liệu như chuyên san Nhịp sống trẻ, CCIHP sẵn sàng hỗ trợ bằng cách không tính kinh phí cho nhóm nhân sự thiết lập chuyên san, kinh phí xây dựng nội dung và cấp giấy phép..., công ty chỉ cần chi trả chi phí in ấn chuyên san là có thể nhận chuyên san phát cho công nhân theo số lượng đăng ký. Giải pháp lâu dài là doanh nghiệp có chính sách cụ thể cho công tác này, có nguồn kinh phí riêng cho hoạt động chăm sóc Sức khỏe sinh sản, tình dục để hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản tình dục được thực hiện một cách chủ động và có tính thường xuyên tại doanh nghiệp". Ông Phạm Vũ Thiên, Phó giám đốc CCIHP khẳng định như vậy tại hội thảo khi nói về việc CCIHP và VCCI, VBCA sẽ có sự phối hợp như thế nào với các doanh nghiệp trong công tác chăm sóc Sức khỏe sinh sản, tình dục cho người lao động.
Với mục đích nâng cao trách nhiệm cho doanh nghiệp trong chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người lao động, sau hội thảo này, hi vọng rằng sẽ có nhiều công ty hơn nữa có định hướng ưu tiên cho công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tình dục của thanh niên công nhân, và có những hoạt động cụ thể về vấn đề này như tạo điều kiện cho công nhân tham gia các hoạt động nâng cao hiểu biết của mình về sức khỏe sinh sản, tình dục, để tỷ lệ “dân số vàng” của nước ta thực sự là “vàng mười”.