Làm sao để quên đi quá khứ? Thứ Sáu, 10/04/2020, 10:37
Ảnh minh họa (Internet)
Em chào chương trình, em là nữ, năm nay em gần 25 tuổi. Em là người nhút nhát, ít nói, hay lo lắng căng thẳng mỗi khi giao tiếp. Lúc em còn nhỏ, thời gian học cấp 2 em thường hay bị bạn bè cùng lớp bắt nạt vô cớ bằng những trò đánh đập, giấu đồ, miệt thị vì họ cho rằng em khó hòa nhập, em nhút nhát ít nói có nghĩa là em không bình thường, em bị điên. Học lực của em thời ấy thuộc loại khá giỏi, thường đạt điểm tốt trong các bài kiểm tra, nhưng vì em quá trầm lặng nên thời gian đầu em bị các giáo viên ít hiểu lầm thực lực, và 1 số bạn bè trong lớp cũng hiểu lầm. Em thường bị đổ tội oan vì họ biết dù đổ tội cho em thì em cũng sẽ nhút nhát không dám cãi. Có lần em bị trêu chọc hội đồng vì không chỉ bài cho các bạn cùng lớp. Những người bảo vệ em khỏi những trận bắt nạt đó rất ít, hầu như họ sợ liên lụy nên chỉ dám giúp đỡ em bằng cách an ủi em và khuyên em về nói với ba mẹ. Nhưng em không thể nói với ba mẹ vì mối quan hệ giữa em và ba mẹ cũng không được tốt, nếu em nói ra bất cứ chuyện gì thì em còn bị mắng và đánh thêm chứ không giải quyết được gì. Em phải chịu đựng suốt 3 năm từ lớp 6 đến lớp 8, sau này em vẫn nhút nhát nhưng không còn bị ai bắt nạt nữa vì lên lớp 9 nhà trường sắp lại lớp, em không còn học chung với những kẻ bắt nạt đó nữa. Vì những chuyện như vậy và 1 số chuyện khác nữa trong quá khứ mà khi em đủ tuổi trưởng thành, em đã bị ảnh hưởng tâm lý, em rất sợ khi phải tiếp xúc với người khác, em luôn nghĩ rằng người khác sẽ làm hại mình, dạo sau này em đã đỡ sợ hơn 1 chút nhưng em sợ nếu có 1 cú shock nào khác nữa thì em sẽ trở lại trạng thái sợ hãi đó. Em biết những chuyện như thế này không ai có thể giúp đỡ được vì đây chỉ là những ám ảnh của em về những chuyện đã xảy ra mười mấy năm về trước. Nhưng em vẫn gửi mail cho chuyên gia để mong mình nhẹ lòng hơn, dù không biết mail của em có được trả lời hay không. Em hiện đang là bác sĩ trẻ của 1 bệnh viện, mục đích ban đầu em theo nghề này vì tâm hướng thiện, mong muốn được giúp đỡ nhiều người, em cũng rất vui với điều đó, nhưng mỗi khi em bị stress, đầu óc em chợt nhớ về chuyện của quá khứ thì em lại có suy nghĩ thoáng qua kiểu: "tại sao mình phải giúp đỡ mọi người, có ai đối xử tốt với mình đâu mà mình phải giúp đỡ mọi người, cho dù mình có tốt bụng thì cũng chẳng có ai biết ơn". Em vẫn biết em suy nghĩ như vậy là sai nhưng có lẽ vì em quá ám ảnh chuyện thời thơ ấu không thể dứt ra được, em lại không thể tâm sự với ai chuyện này nên chỉ biết nói với chuyên gia. Cảm ơn chuyên gia nếu chuyên gia đã đọc email này của em. Chúc chuyên gia nhiều sức khỏe.
Nữ 25 tuổi, Vũng Tàu
Chào bạn,
Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi thư về cho Tâm sự bạn trẻ 360. Qua thư, chúng tôi phần nào nhận thấy rằng bạn đang bị ám ảnh bởi những chuyện quá khứ từng bị bắt nạt bởi một số bạn bè, đặc biệt mỗi khi bạn bị stress. Chúng ta cùng nhau đi tìm hiểu về vấn đề này, bạn nhé!
Bạn thân mến, những việc xảy ra trong quá khứ bạn đã bao giờ nói/tâm sự/ giãi bày với người thân trong gia đình? Phản ứng của mọi người trong gia đình khi bạn nói ra những khó khăn, trở ngại ấy là gì? Điều gì đã cản trở mối quan hệ giữa bạn và bố mẹ của mình? Ngoài những chuyện bị bạn bè bắt nạt khi đi học, mối quan hệ với bố mẹ chưa được tốt, bạn còn gặp phải những vấn đề nào khácở thời điểm đó không? Bạn có ý định đi khám bác sĩ tâm thần để thực hiện các test cần thiết nhằm xác định cụ thể vấn đề của bạn hay chưa?
Ảnh minh họa (Internet)
Bạn thân mến, trong mỗi chúng ta là một cá thể riêng biệt, không ai giống ai. Tuy nhiên, những khó khăn, trở ngại, áp bức, tủi hờn trong quá khứ thì có thể giống nhau ở những mức độ nhất định nào đó. Có những người tuổi thơ hay thời học sinh trôi qua êm đẹp những với những người khác nó có thể là ác mộng, sự ám ảnh kinh hoàng, là nỗi sợ hãi mỗi khi nhớ lại bởi một số lí do nào đó. Dường như bạn đang rất ám ảnh chuyện thời thơ ấu khi bị bắt nạt bởi một số bạn bè của mình, chúng tôi rất chia sẻ với bạn về những gì mà bạn đang phải trải qua.
Bạn thân mến, những chuyện mà bạn đã từng trải qua cho đến tận bây giờ, bạn cảm thấy tần suất ám ảnh lặp lại bao nhiêu lần/ngày/tháng? Suy nghĩ “dù có giúp mọi người thì cũng không ai biết ơn” đã ảnh hưởng ra sao đến thái độ, ứng xử của bạn với bệnh nhân hàng ngày? Ở những thời điểm/ bối cảnh nào trong công việc/ cuộc sống thì bạn bị stress và có ý nghĩ tiêu cực về việc không muốn giúp đỡ người khác? Mỗi khi bạn cảm thấy stress từ công việc hay các mối quan hệ, bạn đã có những cách nào để giải tỏa nó? Hiện nay, bạn đã có nghề nghiệp ổn định, bố mẹ bạn còn có những thái độ với bạn như ngày xưa? Bạn cảm nhận sao về mối quan hệ hiện tại với bố mẹ và những người xung quanh mình?
Ảnh minh họa (Internet)
Có lẽ bạn cũng thấy rằng trong xã hội sẽ có những người tốt và người xấu, trong quá khứ bạn cũng thấy rằng dù ít nhưng bạn cũng đã nhận được sự trợ giúp của một số bạn bè tốt. Khi chúng ta từng bị bắt nạt, có hai xu hướng nhận thức phổ biến thường gặp: Một là chúng ta có mong muốn giúp đỡ những người khác, đặc biệt là những người có hoàn cảnh tương tự như chúng ta; Hai là chúng ta sẽ hận thù và căm ghét tất cả, không muốn giúp đỡ một ai. Từ nhận thức này sẽ dẫn đến thái độ và hành vi tương ứng. Để thay đổi nhận thức tiêu cực thì việc hiểu và chấp nhận quá khứ đã qua là điều không thể thay đổi, đồng thời, lạc quan coi quá khứ như là một động lực để bản thân trở nên trưởng thành trong hiện tại là điều cần thiết.
Chúng tôi nhận thấy bạn có xu hướng giúp đỡ người khác và suy nghĩ tiêu cực chỉ thoáng qua khi bạn gặp stress, do đó, nếu bạn muốn thay đổi điều này thì cần nhìn nhận rõ hơn những nguyên nhân khiến bạn bị stress trong công việc hoặc trong mối quan hệ với những người xung quanh, tìm cách giải tỏa khi bản thân bị stress. Ngoài ra, cần thường xuyên tự nhắc thầm bản thân về với những câu nói tích cực để khích lệ, động viên bản thân mình nhiều hơn. Những lúc căng thẳng, áp lực từ công việc hay cuộc sống, bạn có thể tìm đến bạn bè thân thiết hay những người bạn cảm thấy tin tưởng, gần gũi để chia sẻ, tâm sự hoặc bạn có thể tìm cho mình những sở thích mới, học một vài kỹ năng mới, hay nấu ăn, trông cây, đọc sách, đi tình nguyện ở một vài nơi xa,..hay đơn giản khám phám một vùng đất mới mà bạn yêu thích. Việc hình thành thói quen có suy nghĩ tích cực sẽ giúp bạn loại bỏ dần những ý nghĩ tiêu cực và giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn.
Ảnh minh họa (Internet)
Nếu trong trường hợp bạn đã thử các cách thức trên mà ý nghĩ không muốn giúp đỡ người khác, hoặc nếu nặng hơn là có ý nghĩ gây hại cho người khác thì bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được chẩn đoán kịp thời và gặp nhà Tâm lý để trị liệu nếu cần thiết, bạn nhé! Chúng tôi hy vọng rằng bạn sẽ vượt qua khó khăn để có một đời sống tinh thần khỏe mạnh cho chính mình, từ đó bạn mới có thể giúp ích được cho những bệnh nhân khác. Hoặc là bạn sẽ quyết tâm để cải thiện tinh hình sức khỏe tinh thần của mình tốt lên hoặc là bạn cứ để nó lặp đi lặp lại. Liệu rằng có sự thay đổi nào hay không điều đó tùy thuộc vào sự lựa chọn của bạn, bạn ạ!
Trên đây là những chia sẻ của Tâm sự bạn trẻ 360 gửi đến bạn, mong rằng nó sẽ giúp một phần nào đó những lo lắng của bạn. Nếu bạn còn điều gì thắc mắc muốn được giải đáp, bạn hãy gửi thư về cho chúng tôi, chúng tôi rất sẵn sàng lắng nghe chia sẻ của bạn.
Chúc bạn sức khỏe!
Tâm sự bạn trẻ 360
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Ra dịch nâu sau khi quan hệ có sao không? Thứ Ba, 05/03/2024, 00:00
- Khả năng lây nhiễm bệnh tình dục Thứ Sáu, 16/02/2024, 00:00
- Ngực phát triển không đều? Thứ Ba, 30/01/2024, 00:00
- Tự ti về bản thân Thứ Hai, 22/01/2024, 00:00
- Liệu mình có thai hay đó là sự thay đổi của cơ thể khi sắp đến chu kỳ kinh nguyệt Thứ Hai, 15/01/2024, 00:00
- Cảm thấy chán nản, mệt mỏi nhưng không hiểu vì sao Thứ Hai, 08/01/2024, 00:00
- Em có phải đồng tính hay không? Thứ Hai, 01/01/2024, 00:00
- Có bình thường không khi bản thân nghĩ nhiều về sex Thứ Hai, 25/12/2023, 00:00
- Vợ chồng ít gần gũi Thứ Hai, 18/12/2023, 00:00
- Lo sợ chuyện mình thích 1 người sẽ bị bạn cùng lớp tiết lộ ra ngoài Thứ Hai, 04/12/2023, 00:00
Các tin khác
- Con gái như vậy có kì không? Thứ Sáu, 03/04/2020, 11:17
- Tôi nên tiếp tục ở bên động viên hay là theo dõi từ phía xa Thứ Sáu, 27/03/2020, 10:38
- Đau tức bìu sau khi xuất tinh có sao không? Thứ Sáu, 20/03/2020, 10:11
- Có nên dùng thuốc chữa bệnh rối loạn lo âu? Thứ Sáu, 13/03/2020, 09:07
- Xem phim nhạy cảm có phải là hiện tượng không bình thường Thứ Sáu, 06/03/2020, 11:00
- Cách tránh những rắc rối để tập trung vào học? Thứ Sáu, 28/02/2020, 11:20
- Quên uống thuốc tránh thai 1 ngày liệu có khả năng có thai? Thứ Sáu, 21/02/2020, 11:27
- Làm thế nào để vợ chồng gần gũi nhau? Thứ Sáu, 14/02/2020, 10:11
- Như vậy có được coi là hư hỏng? Thứ Sáu, 07/02/2020, 10:01
- Liệu đây có phải là dấu hiệu mang thai Thứ Sáu, 31/01/2020, 10:00
- Vượt qua nỗi sợ khi oral sex Thứ Sáu, 17/01/2020, 09:00
- Lấy lại tinh thần học tập như thế nào ạ? Thứ Sáu, 10/01/2020, 10:00