Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì là gì? Biểu hiện và cách vượt qua Thứ Năm, 10/08/2023, 13:00
Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì là một giai đoạn gần như ai cũng phải trải qua. Trong khoảng thời gian này tâm sinh lý của trẻ có nhiều thay đổi, bắt đầu chuyển từ giai đoạn trẻ con sang người trưởng thành. Chính vì thế, trẻ dễ cảm thấy lo lắng, bối rối và nhạy cảm vì chưa thích ứng được với sự thay đổi nhanh chóng của bản thân.
Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì là gì?
Trong cuộc đời con người sẽ trải qua nhiều giai đoạn khủng hoảng như khủng hoảng tuổi lên 3, khủng hoảng tuổi dậy thì, hay khủng hoảng tuổi già. Khủng hoảng xảy ra là do chúng ta chưa kịp thích nghi với những thay đổi về mặt sinh lý hay tâm lý của bản thân.
Trong những giai đoạn ấy, tuổi dậy thì là giai đoạn có nhiều thay đổi phức tạp về tâm sinh lý, cũng là giai đoạn quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này. Tuổi dậy thì thường xảy ra trong độ tuổi từ 9 đến 15 tuổi, có thể sớm hơn hoặc trễ hơn tùy vào thể trạng của từng trẻ. Con trai thường dậy thì trễ hơn so với con gái.
Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì xảy ra khi các hormone sinh dục trong cơ thể thay đổi, khiến trẻ dần bộc lộ những đặc điểm riêng của từng giới tính. Ví dụ như ngực phát triển và có kinh nguyệt ở nữ, hay mọc râu và vỡ giọng ở nam. Ngoài ra tâm lý của trẻ trong thời gian này cũng rất nhạy cảm. Trẻ bắt đầu tò mò về giới tính, muốn khám phá và hiểu biết nhiều thứ và phải đối mặt với những vấn đề phức tạp hơn trong cuộc sống.
Những trẻ dậy thì sớm có thể gặp phải nhiều vấn đề như bị trêu chọc, bị bắt nạt do sự khác biệt của mình so với bạn bè cùng lứa. Một số đặc điểm trên cơ thể dễ thấy của tuổi dậy thì như nổi mụn, ngực phát triển, có râu, vỡ giọng, tăng cân dễ dàng trở thành những nguyên nhân khiến trẻ bị công kích.
Lúc này, trẻ dễ rơi vào trạng thái xấu hổ, buồn bã. Nếu không được quan tâm chăm sóc, trẻ rất dễ bị stress hay trầm cảm ở tuổi dậy thì. Tồi tệ hơn, trẻ sẽ có xu hướng tự sát. Số ca tự tử ở trẻ trong độ tuổi dậy thì được ghi nhận trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng.
Nguyên nhân gây khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì
Thể chất thay đổi đột ngột, áp lực học tập, áp lực từ gia đình và xã hội, tâm lý ganh đua với bạn cùng trang lứa, thiếu hiểu biết về giới tính, tổn thương tâm lý,… đều là những nguyên nhân khiến trẻ bị khủng hoảng. Nếu những áp lực này không được giải quyết nhanh chóng thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và cả sức khỏe tinh thần của trẻ trong độ tuổi dậy thì.
1. Sự thay đổi về thể chất
Không ít trẻ cảm thấy hoảng hốt và lo sợ khi thấy sự thay đổi của bản thân. Ví dụ như có kinh ở bé gái và mộng tinh ở bé trai. Nếu trẻ chưa được chuẩn bị những kiến thức đầy đủ về giới tính, trẻ có xu hướng hoang mang không biết bản thân đang gặp vấn đề gì.
Thể chất thay đổi có thể khiến trẻ căng thẳng, sợ hãi và gây khủng hoảng tâm lý. Tệ hơn là trường hợp trẻ không dám nói với bố mẹ vì xấu hổ, và tự tìm cách để khiến bản thân trở lại “bình thường”. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ về sau.
2. Áp lực học hành và thi cử
Giai đoạn dậy thì thường rơi vào thời cấp 2, đó là khi trẻ bắt đầu có những áp lực nhất định về học tập và thi cử. Làm sao để đạt điểm cao, làm sao học bài nhanh và nhớ lâu, làm sao để vận dụng kiến thức vào bài vở, làm sao thi cử được thứ hạng cao,… là những vấn đề khiến trẻ căng thẳng.
Giai đoạn này những kiến thức cần tiếp thu cũng khó và xa lạ hơn ở cấp 1, buộc trẻ phải dành nhiều thời gian hơn để học tập. Ngoài ra, tâm lý hơn thua thành tích cũng bắt đầu xuất hiện. Việc thi chuyển cấp và áp lực học tập cũng trở thành nỗi kinh hoàng ám ảnh khiến trẻ dễ bị khủng hoảng tâm lý hơn.
3. Áp lực gia đình
Những yêu cầu khắt khe của gia đình và xã hội về thành tích học tập hay hành vi cư xử có tác động mạnh đến tâm lý của trẻ. Ở độ tuổi dậy thì, cái tôi của trẻ bắt đầu bộc lộ. Trẻ muốn khẳng định mình với mọi người và không muốn bị đem so sánh với “con nhà người ta”.
Việc cha mẹ liên tục so sánh trẻ với anh chị em trong gia đình, hoặc với bạn bè có thể khiến trẻ cảm thấy áp lực, tủi thân dẫn đến tâm lý cáu gắt, ghét bỏ mọi thứ và muốn nổi loạn. Bên cạnh đó, sự la mắng (đôi khi vô cớ) của cha mẹ càng khiến trẻ cảm thấy chán ghét và khủng hoảng hơn.
4. Ảnh hưởng từ xã hội
Tuổi dậy thì cũng là độ tuổi dễ sa ngã. Trẻ rất dễ bị người xấu hay bạn bè lôi kéo, lợi dụng, rủ rê vào những tệ nạn xã hội như đánh bài, hút thuốc, uống rượu, đánh nhau, sử dụng chất cấm,… Những thói hư tật xấu này ảnh hưởng rất nặng đến tâm lý của trẻ khi ở tuổi dậy thì. Độ tuổi này trẻ chưa đủ hiểu biết và suy nghĩ chín chắn để bảo vệ bản thân.
5. Tổn thương tâm lý
Trẻ có thể bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng do bệnh tật, tai nạn, bị bạo hành thể xác và tinh thần, bị lạm dụng, bị bạn bè bắt nạt,… Những tổn thương này rất khó chữa lành và khiến trẻ khủng hoảng tâm lý nặng nề.
Biểu hiện của khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì
Người ta thường gọi tuổi dậy thì là độ tuổi nổi loạn vì trẻ trong khoảng thời gian này thường có xu hướng chống đối mọi thứ và muốn thể hiện bản thân.
Tâm lý “mình nay đã lớn” sẽ khiến trẻ có những hành động nông nổi, bốc đồng mà không quan tâm đến hậu quả. Chính vì thế cha mẹ cần quan tâm, cũng như chăm sóc sức khỏe tâm sinh lý cho trẻ thật tốt để vượt qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì này.
Nếu thấy trẻ có những biểu hiện dưới đây và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng, cha mẹ cần nhanh chóng tâm sự, khuyên bảo và khích lệ để trẻ nhanh chóng bình tĩnh lại. Tránh việc để trẻ bơ vơ giữa lúc khó khăn khiến trẻ khủng hoảng tâm lý nặng nề hơn.
- Tâm trạng không ổn định
- Hay giận dữ, cáu gắt, lo âu, căng thẳng
- Nhốt mình trong không gian riêng
- Không muốn chia sẻ hay trò chuyện với cha mẹ
- Thích làm theo ý mình, chán ghét việc bị quản lý, kiểm soát
- Bảo vệ ý kiến cá nhân và bỏ ngoài tai những lời khuyên của cha mẹ
- Có tâm lý chống đối và cảm xúc tiêu cực về mọi thứ
- Xa lánh mọi người, kể cả người thân trong gia đình
- Cảm thấy chán nản, mất hứng thú với điều mình từng thích
- Thường xảy ra tranh cãi, xung đột gay gắt với cha mẹ về nhiều vấn đề như vui chơi, học tập, bạn bè.
- Trí nhớ và khả năng tập trung giảm sút gây ảnh hưởng học tập
- Ngủ không ngon giấc
- Chất lượng giấc ngủ giảm khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược
- Khẩu vị thay đổi thất thường, ăn uống không ngon miệng
- Tăng cân hoặc sụt cân bất thường
- Bị dụ dỗ sử dụng rượu, bia, thuốc lá hay chất kích thích
- Dễ nổi nóng, thích đánh nhau để thể hiện sức mạnh
- Tìm kiếm những nội dung 18+ để thỏa mãn sự tò mò
- Cảm thấy xấu hổ, lo sợ về ngoại hình của bản thân (mặt nhiều mụn, ngực quá to, không có cơ bắp, cơ thể quá ốm hay quá mập, chiều cao không lý tưởng,…)
- Có xu hướng tự tổn hại bản thân, thậm chí tự tử
- Có dấu hiệu trầm cảm, stress
Ảnh hưởng của khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì
Một số bậc phụ huynh có xu hướng coi nhẹ những hiện tượng khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì của con. Họ cho rằng con cái bắt đầu hư hỏng, ngỗ ngược và ra sức la mắng con. Thậm chí có trường hợp còn đánh đập, không chịu dành thời gian nói chuyện hay nghe con cái tâm sự. Chính vì sự thờ ơ này đã khiến tình trạng khủng hoảng tâm lý của trẻ ngày một nặng hơn, dẫn đến nhiều trường hợp thương tâm.
Khủng hoảng tâm lý có ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ. Kết quả học tập giảm sút, giảm trí nhớ, dễ cáu gắt giận dỗi, đánh nhau, căng thẳng, trầm cảm, rối loạn lo âu, dễ sa ngã và tìm đến rượu bia, chất kích thích,… là một vài hậu quả điển hình trong số rất nhiều những hậu quả có thể xảy ra khi trẻ bị khủng hoảng kéo dài.
Ngoài ra khủng hoảng kéo dài gây ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách và làm biến đổi tính cách của trẻ. Nhân cách chỉ hoàn thiện khi một người đủ 18 tuổi, vậy nên giai đoạn dậy thì là khoảng thời gian trẻ vẫn đang tiếp thu, chọn lọc và dần hoàn thiện nhân cách của mình.
Sự biến đổi tính cách trong độ tuổi dậy thì có thể biến một đứa bé hiền lành, ngoan ngoãn trở nên hung hăng, thích đánh nhau và sẵn sàng buông lời lẽ không tốt trước mặt cha mẹ. Vì thế khủng hoảng tâm lý ở giai đoạn này nếu không được quan tâm đúng mức và điều trị sớm thì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần về sau.
Cách để vượt qua khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì
Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì không chỉ là vấn đề của trẻ mà còn là vấn đề cần quan tâm của cha mẹ. Bản thân trẻ không thể tự vượt qua giai đoạn khó khăn này nếu không có sự quan tâm, chăm sóc và thấu hiểu từ các bậc phụ huynh. Vì thế, cha mẹ nên theo dõi sát sao và có những cách ứng xử hợp lý trong từng trường hợp để không khiến trẻ lo sợ và khủng hoảng thêm. Dưới đây là những cách để giúp trẻ nhanh chóng vượt qua cơn khủng hoảng tâm lý này.
1. Cung cấp cho trẻ những kiến thức giới tính cần thiết
Cung cấp cho trẻ những kiến thức giới tính sớm và kịp thời có thể giảm bớt sự khủng hoảng của trẻ. Cha mẹ nên dành thời gian tâm sự, giải thích cho trẻ biết những dấu hiệu phát triển này là hoàn toàn bình thường, không nên quá sợ hãi hay lo lắng. Phụ huynh cũng nên dạy trẻ thật kỹ về việc vệ sinh thân thể, cách giải quyết khi có kinh nguyệt, khi vỡ giọng,… để trẻ nhanh chóng thích nghi.
Ngoài ra khi đến tuổi dậy thì, trẻ đã có nhận thức về giới tính nên cha mẹ cũng nên chú ý xem ai là người thích hợp để chỉ dẫn cho trẻ. Mẹ sẽ chăm sóc cho con gái và bố sẽ là người dạy dỗ con trai.
Đặc biệt, cha mẹ nên chú ý dạy trẻ cách bảo vệ bản thân tránh bị xâm hại. Ngày nay không hiếm những trường hợp trẻ bị xâm hại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thân thể và sức khỏe tinh thần của trẻ.
Ngoài ra, trao đổi thẳng thắn về tình yêu và những mối quan hệ với bạn khác giới cũng là một cách giúp trẻ thoát khỏi những khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì. Trẻ vẫn còn mờ mịt về cách giải quyết vấn đề tình cảm hay những giới hạn không thể vượt qua giữa nam và nữ. Cha mẹ nên chú ý vấn đề này để cho trẻ lời khuyên hợp lý.
2. Tôn trọng không gian riêng tư của trẻ
Trong giai đoạn khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì, trẻ sẽ thích nhốt mình trong không gian riêng, thích tự do làm điều mình muốn và có những bí mật không muốn chia sẻ cùng ai. Chính những điều đó khiến trẻ rất nhạy cảm và có thể phản ứng dữ dội nếu cha mẹ giám sát quá chặt chẽ hoặc xâm phạm thế giới riêng.
Lời khuyên cho các bậc phụ huynh là hãy cho trẻ một không gian riêng tư. Nhất là đừng cố ý lục lọi những đồ vật cá nhân của con. Ai cũng có những bí mật và cha mẹ nên tôn trọng điều đó. Việc giám sát con chặt chẽ chỉ khiến trẻ ngày càng nổi loạn hơn chứ không thể giải quyết vấn đề.
Nếu trẻ có phòng riêng, hãy gõ cửa khi muốn vào phòng.
Nếu muốn dọn dẹp đồ dùng cá nhân của trẻ, hãy hỏi ý kiến con chứ đừng tự tiện xê dịch hay lục lọi chúng.
Nếu trẻ có điện thoại, đừng tự ý mở tin nhắn hay các trang mạng xã hội.
Cha mẹ nào cũng sợ con mình hư hỏng, sợ trẻ bị lôi kéo vào những hội nhóm xấu hay bị lừa gạt trên mạng nên muốn phát hiện sớm để ngăn chặn. Tuy nhiên, việc lục lọi đồ cá nhân của con là cách rất tệ, vẫn còn nhiều cách khác tinh tế và tâm lý hơn.
Nếu phát hiện cha mẹ xâm phạm quyền riêng tư của mình, trẻ có thể trở nên kích động, phản ứng dữ dội và có những lời lẽ không hay.
3. Khuyến khích trẻ tập thể dục hoặc tham gia các khóa học trẻ thích
Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì khiến trẻ căng thẳng, suy giảm sức khỏe thế nên một trong những cách tốt nhất để vượt qua là khuyến khích trẻ rèn luyện thể dục thể thao mỗi ngày.
Tập thể thao giúp trẻ phản xạ tốt hơn, giảm căng thẳng áp lực, nâng cao tinh thần và cải thiện vóc dáng. Cha mẹ nên cùng tập thể dục, hoặc cùng trẻ tham gia các trò chơi vận động ngoài trời như đánh cầu lông, đá bóng, chạy bộ, bơi lội, đạp xe,…
Nếu trẻ thích một môn nghệ thuật nào đó như vẽ tranh, đàn hát, khiêu vũ, diễn kịch,… cha mẹ cũng nên cân nhắc việc đồng ý cho trẻ tham gia những hoạt động như thế. Việc chú tâm làm điều mình thích có thể giúp trẻ tạm thời bỏ qua những cảm xúc tiêu cực, giúp giảm bớt những khủng hoảng tâm lý mà trẻ gặp phải.
Qua những hoạt động như thế, trẻ cũng có thể nhận ra bản thân thích gì và phù hợp với điều gì, giúp trẻ có thêm tự tin vào bản thân. Cha mẹ đừng ép trẻ làm một điều mà trẻ không thích. Sự định hướng của cha mẹ dành cho trẻ có thể rất tốt, nhưng nếu trẻ không có hứng thú thì đừng ép buộc.
4. Đưa trẻ đi tham gia các khóa học kỹ năng
Trẻ bị khủng hoảng tâm lý thường tự khép mình lại. Vì thế phụ huynh nên đăng ký cho trẻ tham gia các lớp học kỹ năng để trẻ có thêm bạn mới.
Hiện nay có rất nhiều khóa học kỹ năng được mở để giúp trẻ vượt qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì. Những khóa học này giúp trẻ độc lập hơn, phát triển tư duy, học cách giải quyết những vấn đề của bản thân và điều chỉnh cảm xúc. Học tập và vui chơi cùng những người bạn đồng trang lứa giúp trẻ bớt lo lắng, cảm thấy tự tin và dễ kết bạn hơn.
5. Tâm sự với trẻ như một người trưởng thành
Trẻ ở độ tuổi dậy thì luôn muốn chứng minh mình đã lớn. Vì thế cha mẹ nên nói chuyện với con như với một người trưởng thành. Sự tôn trọng này có thể giúp trẻ cảm thấy bản thân có quyền nói lên những suy nghĩ của mình. Cha mẹ cũng có thể dễ dàng nhận ra nếu trẻ có suy nghĩ lệch lạc và tìm cách điều chỉnh.
Nói chuyện trực tiếp thẳng thắn, giải thích cho trẻ biết cái gì đúng, cái gì sai là điều các bậc phụ huynh cần làm để trẻ tự nhận ra và điều chỉnh hành vi cho thích hợp. Việc la mắng, ép con làm theo ý mình hay không quan tâm đến ý kiến của con chỉ khiến khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì của trẻ trầm trọng hơn mà thôi.
Mỗi ngày, sau bữa cơm hay trước khi đi ngủ, cha mẹ nên dành chút thời gian hỏi thăm trẻ những chuyện ở trường. Trẻ sẽ cảm thấy thoải mái và bớt hoang mang hơn khi được lắng nghe và chia sẻ. Nếu trẻ có khó khăn hay khúc mắc gì, hãy từ từ giải thích cho trẻ hiểu.
Nếu trẻ không muốn nói thì cũng đừng ép buộc, có lẽ trẻ chưa sẵn sàng để đối mặt, hãy cho trẻ một chút không gian riêng tư. Sự tinh tế và tâm lý của cha mẹ sẽ giúp trẻ dễ trải lòng hơn.
6. Khen ngợi và động viên trẻ
Tâm lý trẻ tuổi dậy thì rất nhạy cảm, dễ buồn bã, tự ti vì những điều nhỏ nhặt. Vì thế cha mẹ nên khen ngợi và động viên khi trẻ có thành tích tốt hay đạt được một thành tựu nào đó. Nhiều bậc phụ huynh phản ứng một cách thờ ơ khi trẻ khoe một điều gì đó, bởi vì với họ điều ấy quá bình thường. Hành động này sẽ khiến trẻ tổn thương và trở nên tự ti, cảm thấy bản thân thật kém cỏi.
Nếu trẻ bị điểm kém, cha mẹ nên tâm sự để tìm hiểu nguyên nhân, đó là do trẻ không theo kịp bài vở hay có điều gì làm trẻ xao nhãng. La mắng, chửi bới và so sánh trẻ với những người khác chỉ khiến cơn khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì của trẻ thêm nghiêm trọng.
Hãy cho trẻ thấy rằng trẻ được tôn trọng như một người trưởng thành. Ngoài ra, hãy cho trẻ tham gia vào những quyết định trong gia đình như hôm nay ăn gì, sơn tường màu gì, nên đặt cái bàn ở đâu, trồng cây gì trong vườn,… để trẻ học cách suy nghĩ độc lập và đưa ra quyết định. Sau đó, hãy khen ngợi và động viên trẻ để giúp trẻ tự tin hơn.
7. Nhờ đến sự giúp đỡ của người mà trẻ tin tưởng
Có những chuyện trẻ không thể nói với cha mẹ, nhưng lại có thể tâm sự với người mà trẻ tin tưởng như giáo viên, cô dì chú bác, ông bà hay một người mà trẻ quý trọng. Cha mẹ có thể nhờ người đó nói chuyện và khuyên bảo trẻ, cũng như làm cầu nối để trẻ mở lòng hơn.
Cha mẹ có thể có góc nhìn khác với trẻ trong một số vấn đề. Chính sự khác biệt ấy khiến mối quan hệ giữa hai bên dần trở nên căng thẳng và không có tiếng nói chung. Một người trung gian sẽ là cách hay để hai bên nhìn nhận vấn đề một cách khách quan hơn. Trẻ cũng có thể thoải mái bộc lộ suy nghĩ với người hiểu mình mà không cảm thấy áp lực khi trò chuyện cùng cha mẹ.
8. Đưa trẻ đến gặp chuyên gia tâm lý
Trong một số trường hợp, các bậc phụ huynh thật sự bất lực trong việc cố gắng nói chuyện với trẻ. Trẻ thu mình lại, dễ cáu gắt, có phản ứng dữ dội với mọi lời nói của cha mẹ, chống đối mọi người, bỏ học và có nhiều hành vi mang tính cực đoan khác. Đây là lúc cha mẹ phải đưa trẻ đến gặp chuyên gia tâm lý để có hướng giải quyết đúng đắn cho việc khủng hoảng tâm lý của trẻ.
Chuyên gia tâm lý sẽ có kỹ năng trò chuyện để giúp trẻ trải lòng hơn, giải quyết những vướng mắc và vấn đề trẻ đang gặp phải. Có những trẻ tìm thấy sự đồng cảm và nghe lời khuyên của chuyên gia hơn là cha mẹ. Chuyên gia tâm lý sẽ là cầu nối giữ trẻ và gia đình, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các thành viên trong gia đình thấu hiểu và gần gũi nhau hơn. Từ đó, mọi người sẽ có cách giải quyết tốt nhất cho tình trạng của trẻ.
Ngoài ra còn một số cách giúp trẻ vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi dậy thì như:
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
- Ngăn chặn trẻ tiếp xúc với những nội dung xấu trên Internet
- Tập cho trẻ thói quen sinh hoạt lành mạnh
Tóm lại, khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì là một hiện tượng thường gặp ở trẻ và mức độ khủng hoảng cũng khác nhau tùy theo từng đối tượng. Đây là giai đoạn vô cùng quan trọng cho sự phát triển về sau vì trẻ đã không còn là một đứa bé, nhưng cũng chưa đủ sự chín chắn một người trưởng thành. Vượt qua giai đoạn khủng hoảng này thì trẻ mới có thể lớn lên một cách khỏe mạnh và mang đến năng lượng tích cực.
Nguồn NHC Academy
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Hiệu ứng Zeigarnik và trí nhớ Thứ Sáu, 28/06/2024, 00:00
- Mối quan hệ toxic là gì? 5 dấu hiệu "tình yêu" độc hại Thứ Sáu, 17/05/2024, 14:00
- Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ? Thứ Sáu, 17/05/2024, 13:00
- 3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc? Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Liệu nỗi sợ và chấn thương tâm lý có thể giúp bạn sống tốt hơn? Thứ Sáu, 10/05/2024, 12:00
- Khi yêu thương đủ lớn mọi giới hạn điều được xóa nhòa Thứ Năm, 11/04/2024, 14:00
- MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH Thứ Tư, 03/04/2024, 00:00
- Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2-4): Yêu thương, thấu hiểu, đồng hành cùng trẻ tự kỷ Thứ Ba, 02/04/2024, 00:00
- 3 điều không nên kiểm soát trong cuộc sống hôn nhân Thứ Sáu, 22/03/2024, 12:00
- Những hệ luỵ khi chồng nhận xét quá thẳng thắn về bạn đời Thứ Năm, 21/03/2024, 15:00
Các tin khác
- Các loại thuốc chống trầm cảm và những lưu ý thận trọng khi dùng Thứ Năm, 10/08/2023, 12:00
- Trầm cảm cười: Hội chứng tâm lý thường gặp nhưng ít người biết Thứ Hai, 07/08/2023, 14:00
- Trẻ chậm nói có phải kém thông minh? Chuyên gia giải đáp Thứ Hai, 07/08/2023, 14:00
- Peer Pressure – Áp lực đồng trang lứa và cách vượt qua Thứ Hai, 07/08/2023, 13:00
- Những vi chất nên bổ sung để hạn chế 'khủng hoảng' tiền mãn kinh Thứ Năm, 03/08/2023, 15:00
- 7 cách để giảm chướng bụng, đầy hơi kỳ kinh nguyệt Thứ Năm, 03/08/2023, 14:00
- TẠI SAO NHỮNG MỐI QUAN HỆ ĐỘC HẠI KHIẾN BẠN HOÀI ÁM ẢNH? Thứ Ba, 01/08/2023, 00:00
- 6 DẤU HIỆU CẢNH BÁO CHỨNG TRẦM CẢM THƯỜNG BỊ BỎ QUA Thứ Ba, 01/08/2023, 00:00
- LÀM GÌ KHI NGƯỜI THÂN BỊ TRẦM CẢM? Thứ Ba, 01/08/2023, 00:00
- DẤU HIỆU NHẬN BIẾT BỆNH TỰ KỶ Ở TRẺ Thứ Ba, 01/08/2023, 00:00
- 3 câu nói như "bảo bối" giúp cặp đôi làm lành sau cãi vã Thứ Năm, 27/07/2023, 13:00
- Những hành động lãng mạn các cặp đôi nên dành cho nhau Thứ Năm, 27/07/2023, 12:00