Khi bạn thân thành người yêu Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Bạn thân thành người yêu của bạn?
tamsubantre.org - Để từ một người bạn thân thành người yêu không dễ chút nào nên có rất nhiều người bối rối, lo lắng. Cùng tìm hiểu xem bạn đang ở giai đoạn nào nhé!
Tìm hiểu lại từ đầu
Dĩ nhiên không phải bạn cần tìm hiểu xem người ấy là ai, bao nhiêu tuổi, làm nghề gì… mà là tìm hiểu xem mình thích hợp với vai trò là người yêu không, có chấp nhận được những tính xấu, sở thích của người kia không. Trên thực tế, rõ ràng, là bạn thân được nhưng chưa chắc đã là người yêu được.
Tuyết (19 tuổi) kể: “Ngày xưa, anh ấy sát gái lắm. Mình là bạn thân nên biết hết chuyện anh ấy yêu bao nhiêu người, giữa họ đã có những gì, yêu nhau bao lâu… Thậm chí, “lần đầu tiên” của anh ấy với một trong những cô người yêu mình cũng được biết. Nhưng lúc ấy chưa yêu, mình thấy bình thường lắm, cũng trêu chọc tí thôi. Dĩ nhiên, mình không ủng hộ chuyện yêu đương lăng nhăng, hay thay người yêu như thay áo. Nhưng hồi ấy, ngoài chuyện yêu đương ra thì anh ấy cực tốt và chăm sóc mình chu đáo. Giờ thành người yêu, nhớ lại những phi vụ cưa cẩm, yêu rồi đá của anh ấy lại thấy giật mình. Thấy lo lắng vì không biết mình có thay đổi được anh ấy không, anh ấy có thật lòng yêu mình không”.
Giống như Tuyết, Nhung cũng là bạn thân của người yêu nhiều năm và tường tận chân tơ kẽ tóc về người yêu, nhưng tất nhiên, với tư cách là một người bạn thân. Khi thành người yêu của nhau rồi, Nhung mới té ngửa ra là “thà làm bạn thân còn hơn là làm người yêu”. Bởi lẽ: “Người yêu mình là người rất tích cực ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, thích lặn lội vì bạn bè. Ngày xưa mình là bạn nên quý lắm, yêu lắm cái tính ấy. Nhưng giờ là người yêu rồi nên mình cú vô cùng khi đang ở với nhau thì có tin nhắn của con bé em kết nghĩa bảo, anh ơi em đang ở chỗ này chỗ kia, anh đến đón em nhé… rồi tót đi luôn chứ không nhờ người khác hay từ chối. Dĩ nhiên, mình biết giữa hai người chẳng có gì đâu, nhưng cũng chạnh lòng tủi thân vì đang ngồi với người yêu mà bỏ đi với con bé ngay được.
Bạn và người ấy có thực sự muốn phát triển tình cảm theo hướng này
Chưa quen với “vai trò” mới
Là bạn thân đã nhiều năm, bạn có vô số những thói quen được gây dựng với người bạn thân - giờ đã là người yêu. Chẳng hạn, việc xưng hô “ông-tôi, tớ-cậu, mày- tao”, rồi chuyện sẵn sàng ăn tranh miếng khoai tây cuối cùng trong túi, phòng ai người nấy dọn, tùy ý bày cho bừa bộn thêm nếu sang chơi… Và dĩ nhiên, không phải một sớm một chiều bạn có thể bỏ được ngay những thói quen này.
Phương (22 tuổi) chia sẻ về tình yêu của mình: “Hai chúng tôi chơi thân với nhau được 5 năm rồi mới yêu nhau. Lúc yêu, ai cũng bất ngờ lắm, toàn trêu là sao hai thằng con trai lại yêu nhau được vì tính tôi khá mạnh mẽ, dứt khoát. Trước đấy chơi cả hội với nhau, hơn mấy tuổi cũng mày tao hết. Hai đứa tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng yêu rồi đâu thế được. Lúc đầu quên suốt, cứ mày tao vô tư, lão ấy cũng chẳng ý kiến gì vì quen rồi. Nhưng một lần về nhà lão ấy ăn cơm, bị mẹ lão nghe được, gọi hai đứa lại mắng một trận, dù trước đấy bác cũng biết là hai đứa là bạn thân”.
Phương còn là trường hợp may mắn vì cô chỉ lỡ gọi người yêu bằng “mày” chứ không đệm thêm những từ “thân mật nhưng hơi khó nghe vào”. Các chàng trai thường mắc lỗi này nhiều hơn, và dĩ nhiên là họ cũng bị giận lâu hơn.
Chiến (21 tuổi) rầu rĩ: “Trước đây, cô ấy là bạn thân mình nên hai đứa vô tư và hồn nhiên lắm. Thỉnh thoảng nói chuyện, mình cũng văng mấy câu chửi tục, đặc biệt khi bức xúc. Lúc ấy có thấy cô ấy nói năng gì đâu, còn bảo mình cứ nói ra cho đỡ bực mình. Nhưng từ hồi yêu, cô ấy đâm ra đa sầu đa cảm. Mình lỡ nói bậy vài câu là cô ấy bảo mình không thực sự coi cô ấy là người yêu, không tôn trọng cô ấy. Rồi còn dẫn chứng là trước mặt em X em Y mình có bao giờ như thế. Nghe xong cũng hơi chột dạ vì mấy thằng bạn mình cũng chẳng dám nói thế trước mặt người yêu”.
Không chỉ lời ăn tiếng nói mà trong cư xử hằng ngày, những người bạn thân cũng chưa thể ngay lập tức thích ứng với vai trò người yêu ngay được. Điều dễ hiểu là, đôi khi, họ khiến người yêu “mất lòng”.
Thanh (20 tuổi) hài hước kể: “Ngày xưa, hai đứa thành thật và xuề xòa lắm. Mỗi lần cô ấy tăng cân, mình đều bảo, ăn ít đi chứ ăn nhiều thế sau này thành heo đấy. Hai đứa cùng cười. Rồi nếu cô ấy chọn cái váy nào xấu quá, mình bảo ngay là chọn cái ấy để thành cá sấu chúa à. Nhưng bây giờ, đi chọn quần áo với nhau cứ gọi là lúng túng như học sinh lên bảng không thuộc bài, vì thấy cô ấy mặc xấu mà không dám kêu. Nếu nói ra, cô ấy lại dỗi, bảo mình chê cô ấy. Mà để yên thế thì phí cả tiền mua vì cô ấy mặc xấu thật. Thi thoảng cũng tự nhắc mình là chê ít thôi, đừng khó tính nữa, nhưng tính mình cũng hay quên nên thỉnh thoảng lại được nghe điệp khúc anh chán em rồi à”.
Những thói quen giữa hai người bạn thân phải khá lâu sau mới được chỉnh sửa để cả hai cùng thấy thoải mái và thân thiết hơn. Và đó cũng là lúc, những thói quen mới được xây dựng.
Xây dựng thói quen mới
Xây dựng thói quen mới là một trong những bước tiến quan trọng để từ bạn thân thành người yêu. Dựa vào những biểu hiện hàng ngày, cách quan tâm của hai người dành cho nhau, mọi người sẽ biết “hai bạn đã đang yêu” chưa.
Tuyết trong câu chuyện trên hí hửng: “Mình là người ngỏ lời trước và anh ấy đồng ý vì hai đứa cũng có tình cảm đặc biệt với nhau một thời gian rồi. Lúc đầu cũng hơi ngượng ngùng và không đúng với ý mình lắm. Nhưng sau đó, mọi chuyện ổn thỏa cả. Lần gần đây nhất khi hai đứa mình đi xem phim. Biết mình hay sợ, anh ấy đã chủ động nắm tay mình và thì thầm vào tai rằng đừng sợ, đã có anh ở đây, thay vì chỉ chìa tay ra để mình nắm lấy như khi làm bạn”.
Nếu nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía đối phương trong việc xây dựng thói quen mới, chắc chắn, những người trong cuộc sẽ rất vui mừng và có thêm động lực để “phấn đấu phát triển mối quan hệ của cả hai”.
Thanh kể về lần đầu tiên được ăn món ăn do người yêu nấu: “Cô ấy vụng nấu ăn vô cùng. Ngày còn là bạn thân, đói thì hai đứa mua bánh mì về gặm, đưa nhau đi lượn lờ quán xá, gặp cái gì chén cái ấy. Nhưng giờ thì khác rồi, chăm chỉ học nấu ăn, chế món mới cho mình nấu thử. Mình thấy cũng vui vui. Lần đầu tiên ăn món cô ấy nấu, thực sự cảm thấy chẳng ngon lành gì. Thậm chí, còn có phần khó nuốt, nhưng mình vẫn ăn nhiệt tình và khen tới tấp. Có lẽ vì thế mà cô ấy ham thích và chăm học nấu ăn chăng?”.
Tuy nhiên, không phải thói quen mới nào cũng cần được ủng hộ và cũng không nhất thiết bạn phải “khai tử” tất cả những thói quen cũ. Dù là tình bạn hay tình yêu, cũng cần có sự chân thành và hợp tác với nhau giữa hai bạn.
Lời kết
Nếu bạn đang nhăm nhe biến bạn thân thành người yêu, hãy đảm bảo rằng, bạn muốn phát triển mối quan hệ này. Thật không dễ dàng để trở lại điểm xuất phát trong trường hợp này nên hãy cân nhắc và thử sức. Nếu thành công, chắc chắn bạn sẽ có một người yêu rất tuyệt vời.
Việt Ngân
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Hiệu ứng Zeigarnik và trí nhớ Thứ Sáu, 28/06/2024, 00:00
- Mối quan hệ toxic là gì? 5 dấu hiệu "tình yêu" độc hại Thứ Sáu, 17/05/2024, 14:00
- Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ? Thứ Sáu, 17/05/2024, 13:00
- 3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc? Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Liệu nỗi sợ và chấn thương tâm lý có thể giúp bạn sống tốt hơn? Thứ Sáu, 10/05/2024, 12:00
- Khi yêu thương đủ lớn mọi giới hạn điều được xóa nhòa Thứ Năm, 11/04/2024, 14:00
- MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH Thứ Tư, 03/04/2024, 00:00
- Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2-4): Yêu thương, thấu hiểu, đồng hành cùng trẻ tự kỷ Thứ Ba, 02/04/2024, 00:00
- 3 điều không nên kiểm soát trong cuộc sống hôn nhân Thứ Sáu, 22/03/2024, 12:00
- Những hệ luỵ khi chồng nhận xét quá thẳng thắn về bạn đời Thứ Năm, 21/03/2024, 15:00