Y sĩ Nguyễn Thị Loan, Trưởng Trạm y tế xã Cam Nghĩa (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) nói về những chuyển biến tích cực trong công tác tuyên truyền, phòng chống HIV/AIDS ở xã mình mà gương mặt vẫn đượm buồn, nặng trĩu nỗi lo: Dù việc quan hệ với các trại viên không còn “thoải mái” như trước, nhưng cảnh “lén lút” thì không thể quản lý nổi. Các ban ngành chức năng vào cuộc quyết liệt lắm nhưng cũng chỉ dừng ở việc cố gắng tuyên truyền, vận động chị em tự ý thức bảo vệ mình...
Chuyện ở Cùa...
Đã nhiều năm nay, người dân Cam Nghĩa quen với cảnh trại viên Cơ sở giáo dục Hoàn Cát đi lao động, khai thác đá, trồng rừng... ở những địa điểm quanh xã. Chẳng mấy ai ngờ rằng cái sự “thân thiết” quá giữa những người dân hiền lành, chân chất với một số trại viên đang bị bắt buộc lao động lại gây ra “cơ sự” lớn đến thế. Từ chuyện đỡ đần phần nào những công việc đi củi, làm than nặng nhọc trong rừng, hay làm giúp việc nọ, việc kia trong căn nhà thiếu vắng bàn tay đàn ông... tình cảm phát sinh rồi “vô tư” cho nhau “chuyện ấy”. Chuyện cũng chẳng có gì đáng bàn nếu các thôn Hoàn Cát, Nghĩa Phong, Định Sơn không “tự nhiên” có thêm mấy đứa trẻ không cha. Mẹ của chúng – những người đàn bà đơn thân, góa chồng dù ngần ngại cũng thú thật với cán bộ y tế là họ có “quan hệ tình cảm” với trại viên của Cơ sở giáo dục Hoàn Cát. Quan hệ vô tư, chẳng vụ lợi gì, đương nhiên cũng chẳng ai phòng bị vì “khối người mần như rứa, tranh thủ lúc “đi củi” thôi, có chi mô!”. Dân vô tư, không biết, nhưng cán bộ y tế thì biết, biết khá rõ về tình hình bệnh tật, đặc biệt là số người nhiễm HIV/AIDS của cơ sở giáo dục này. Vậy là nên chuyện, là tá hỏa tam tinh... Bao cao su được mang đến tận nhà, vận động chị em “đi củi nhớ mang theo”, nhưng hiệu quả cũng chẳng được là bao. Có chị xấu hổ, dứt khoát trả lại, còn có chị, vài hôm quay lại hỏi đã dùng chưa, thì ngỏn nghẻn cười mà rằng: “Tui quên mất!”. Y sĩ Nguyễn Thị Loan – Trạm trưởng Trạm y tế xã Cam Nghĩa nhớ lại: “Tình trạng “vô tư” ấy mới chỉ cách đây hơn 2 năm thôi. Hồi ấy vận động chị em dùng bao cao su mà khó khăn vô cùng. Đành phải làm từ từ vì thực ra nhận thức của người dân còn thấp, những hiểu biết về bệnh tật, đặc biệt là về HIV/AIDS còn rất ít. Có người cũng biết nhưng cho rằng bệnh đó ở mô mô chứ không có ở đất rừng này. Vậy là bắt đầu một “chiến dịch” để tuyên truyền”...
Tuyên truyền bằng cách “bỏ quên”... bao cao su
BS. Lê Ngọc Long – Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Cam Lộ kể: “Khi biết tin ấy, chúng tôi cũng hoảng. Huyện, xã, rồi các tổ chức đoàn thể mà trụ cột là y tế tổ chức họp bàn tìm cách giải quyết. Bàn tới bàn lui mãi cũng chỉ có cách tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao kiến thức cho người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ về những nguy hiểm của HIV/AIDS, con đường lây truyền, cách phòng tránh... Mà khó khăn lớn nhất trong công tác tuyên truyền vận động là nhóm có nguy cơ cao nhất lại là nhóm phụ nữ đơn thân, góa chồng. Khi đến nhà những đối tượng này, không ít lần chúng tôi bị... chửi. Tế nhị, khó nói lắm nhưng cũng phải làm. Một lần, hai lần rồi ba lần, cứ lân la nói đến chuyện bệnh tật lây lan, cách “phòng bị” là bị họ mời ra khỏi nhà. Sau bí quá, anh em nghĩ ra cách gói bao cao su thành một hộp quà thật đẹp, vờ đến thăm chơi rồi bỏ quên. Quên vài lần như thế mà không thấy trả lại, chúng tôi đến đặt thẳng vấn đề luôn. Bây giờ thì người dân tự giác, bao cao su được phát đến các thôn, trong các buổi truyền thông, sinh hoạt nhóm, các cuộc thi tìm hiểu về HIV/AIDS, ai có nhu cầu thì tự đến lấy”. Cũng theo bác sĩ Long, từ năm 2004 đến nay, ngoài xã Cam Nghĩa còn có thêm hai xã khác là Cam Chính, Cam Thành (nơi có trại viên Hoàn Cát đi lao động) đã được triển khai các chương trình, dự án về tuyên truyền, phòng chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư, đặc biệt tập trung vào những đối tượng là phụ nữ trong độ tuổi từ 15 – 50...
Đành rằng là “nón không quai”...
Ngồi nói chuyện với chúng tôi ở Trạm y tế Cam Nghĩa mà chị Phương – Chủ tịch Hội phụ nữ xã không ít lần thở dài sườn sượt. Cùng là chị em trong xóm ngoài làng, người phụ nữ đã nhiều năm gắn bó với công tác hội hiểu hơn ai hết hoàn cảnh của những mảnh đời đơn chiếc ấy. Phận đàn bà mười hai bến nước, ai chẳng mong ghé được bến trong! Ông Trời chẳng thấu, đành chịu với cái bến thứ mười ba một mình gồng gánh, một mình bươn chải nắng mưa. Hạnh phúc là điều xa vời không với đến của những mẹ góa con côi, đơn thân nơi xóm núi. Nhà dột mình chị dọi, cột nghiêng một tay chị kê, đêm lạnh kéo chăn phía nào cũng thấy trống trải đến cắt lòng... Giờ có người giúp đỡ, cũng cảm động rưng rưng, đâu nghĩ gì đến trại viên hay người thường. Bao năm rồi, dù gì cũng là thi thoảng có bóng đàn ông... “Tội lắm cô ạ, không nỡ trách, mà chỉ thấy thương. Có những chị 4 đứa con 4 bố. Ai nỡ trách bây chừ, chỉ cố gắng gần gũi để tuyên truyền, vận động chị em đừng sinh nữa, cực mình, cực con. Sau nữa là sử dụng các biện pháp an toàn để bảo vệ sức khỏe, tính mạng mình. Có sống mới nuôi được con nên người”. Giọng nghèn nghẹn, chị Phương nói chuyện người mà như rút ruột mình. “Thương vậy nhưng vẫn phải kiên quyết, đây không phải là chuyện riêng của mỗi nhà mà là sức khỏe, là cuộc sống của cả làng, cả xã, cả xã hội. May mà “nguy cơ cao” thế nhưng xét nghiệm từ bấy đến chừ chưa có trường hợp nào nhiễm HIV/AIDS cả”... Ngồi sát cạnh chị Phương, y sĩ Loan nãy giờ cứ đăm đắm nhìn ra màn mưa trắng đục đang xối xả trút nước xuống con đường đất đã nhão nhoẹt trước cửa trạm y tế xã. Đồng ý là chưa có ai nhiễm, nhưng nỗi lo không phải là không còn. Một vài chị giờ đã “đi thêm bước nữa” với trại viên đã hoàn lương, mấy chị nữa thì thi thoảng cũng còn “qua lại”... Thì vẫn biết “chòng chành như nón không quai, như thuyền không lái, như ai không chồng”, chị cũng thương lắm những phận đàn bà không may ấy, nhưng bệnh tật nó chẳng chừa ai, lại là căn bệnh chưa có thuốc chữa. Người y sĩ vẫn còn lo lắm, HIV vẫn như “quả bom” lơ lửng, quanh quẩn rình rập vùng đất này...
Lê Thanh Thúy