Để không 'lỗi hẹn' mục tiêu phát triển bền vững Thứ Sáu, 25/10/2019, 09:46
Tuần hành nhân ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS tại Lahore, Pakistan. Ảnh: AFP/TTXVN
Đến năm 2030, chấm dứt các đại dịch HIV/AIDS, lao phổi và sốt rét và các bệnh nhiệt đới bị lãng quên.
Đây là một phần trong mục tiêu phát triển bền vững thứ ba của Liên hợp quốc về đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, được cộng đồng quốc tế nhất trí thông qua năm 2015. Đây cũng là nội dung Hội nghị bổ sung Quỹ Toàn cầu chống AIDS, lao và sốt rét lần thứ sáu diễn ra ngày 10/10 tại Lyon, Pháp.
Đẩy mạnh cuộc chiến chống AIDS, lao phổi và sốt rét, những căn bệnh truyền nhiễm cướp đi sinh mạng của khoảng 2,5 triệu người mỗi năm, hay lùi bước và thất bại? Câu hỏi mà Quỹ Toàn cầu chống AIDS, lao và sốt rét đặt ra đã thể hiện thực trạng toàn cầu hiện nay trong vấn đề này. Sau nhiều năm đạt được những tiến bộ đáng chú ý trong cuộc chiến chống HIV, lao và sốt rét, những thách thức mới đang đe dọa đẩy cộng đồng quốc tế đi chệch hướng.
Thế giới hiện không còn trong lộ trình chấm dứt các đại dịch vào năm 2030 để đạt được Mục tiêu phát triển bền vững về y tế. Những cam kết chính trị không đủ kiên định, ngân sách đóng góp giảm và ngày càng gia tăng những trường hợp kháng thuốc ở cả người bệnh lẫn vật trung gian truyền bệnh, đang làm chậm những tiến bộ trong cuộc chiến này. Ngoài ra, hoạt động kết nối toàn cầu, du lịch thuận tiện, giao thương và di cư ngày càng gia tăng giữa các khu vực khiến các căn bệnh cũng như virus kháng thuốc lan nhanh hơn.
Theo số liệu của Quỹ Toàn cầu chống AIDS, lao và sốt rét, hiện 37,9 triệu người vẫn sống chung với HIV/AIDS và số ca mắc mới vẫn gia tăng ở khoảng 50 quốc gia. Gần 1.000 trẻ em gái và phụ nữ bị nhiễm HIV mỗi ngày. Các chuyên gia cảnh báo nếu không ngăn chặn tình trạng lây nhiễm HIV hiện nay ở các thanh thiếu niên, đặc biệt là ở nữ giới, thế giới sẽ chứng kiến một đợt nhiễm bệnh mới ở thanh niên châu Phi với số người nhiễm bệnh cao hơn so với thời kỳ đỉnh điểm của dịch HIV vào đầu những năm 2000.
Trong khi đó, sau nhiều năm chững lại, số ca sốt rét trên khắp thế giới cũng đang tăng trở lại. Trung bình mỗi 2 phút, thế giới lại chứng kiến một trẻ em qua đời vì sốt rét. Theo các nhà nghiên cứu, muỗi ở châu Phi đang dần kháng lại hầu hết các loại thuốc xịt côn trùng phổ biến hiện nay.
Trong khi ở khu vực Mekong, những thuốc trị sốt rét tốt nhất thế giới lại đang mất dần hiệu quả với các ca bệnh mới.
Bệnh lao giờ đã trở thành “sát thủ số một” trong số các căn bệnh lây nhiễm. Hơn 10 triệu người mắc lao mỗi năm và gần 40% trong số đó không được chữa trị hay thậm chí là không hề biết mình mắc bệnh và tiếp tục lây bệnh cho người khác. Các trường hợp kháng thuốc lao cũng đang gia tăng và chiếm tới 1/3 số ca tử vong do căn bệnh này. Chỉ 25% số bệnh nhân lao kháng thuốc được phát hiện và chữa trị.
Chấm dứt HIV, lao và sốt rét là những nhiệm vụ cấp bách và then chốt để có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững thứ ba về y tế và sức khỏe cho tất cả mọi người, và là một trong những cách rõ ràng nhất để chứng minh rằng các mục tiêu phát triển bền vững là có thể đạt được. Trước những thách thức đang đe dọa đẩy lùi thế giới trong cuộc chiến chống 3 đại dịch lớn này, Hội nghị bổ sung Quỹ Toàn cầu chống HIV, lao và sốt rét đặt mục tiêu kêu gọi gây quỹ ít nhất 14 tỷ USD cho những chương trình của tổ chức này nhằm đưa thế giới trở lại đúng hướng, tiến tới chấm dứt những căn bệnh thế kỷ trên đúng thời hạn năm 2030.
Theo tổ chức này, số tiền trên sẽ có thể cứu sống 16 triệu người trong khoảng thời gian từ 2021 đến 2023, giảm tỷ lệ tử vong của cả 3 loại bệnh vào năm 2023 thấp hơn 52% so với năm 2017. Giảm số người tử vong do ba căn bệnh trên xuống còn 1,3 triệu vào năm 2023, từ con số 2,5 triệu của năm 2017 và 4,1 triệu của năm 2005. Ngoài ra, tổ chức này cũng đặt mục tiêu ngăn chặn 234 triệu ca nhiễm trùng hoặc các sự cố liên quan nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh xuống thấp hơn 42% so với năm 2017.
Một số quốc gia đã công bố các khoản đóng góp, trong đó Mỹ là quốc gia đi đầu với khoản đóng góp lên tới 4,68 tỷ USD. Anh dự kiến sẽ đóng góp 1,7 tỷ USD và Đức 1,1 tỷ USD. Chủ nhà Pháp tin tưởng, mục tiêu gây quỹ ít nhất 14 tỷ USD là trong tầm với. Nếu đạt được, đây sẽ là số tiền kỷ lục được cam kết đóng góp cho Quỹ Toàn cầu chống HIV, lao và sốt rét và sẽ góp phần đảm bảo thành công của các chương trình mà tổ chức này đang và sẽ tiến hành trên khắp thế giới.
Các chương trình của Quỹ Toàn cầu rải khắp các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều của những căn bệnh trên ở châu Phi và châu Á đang được thúc đẩy nhằm ngăn chặn sự trở lại của dịch bệnh. Ngoài các chương trình hỗ trợ khám chữa bệnh cũng như giúp phòng ngừa bệnh lây lan, Quỹ Toàn cầu cũng đầu tư vào hoạt động nghiên cứu để có những phát minh mới giúp chẩn đoán, ngăn ngừa, chữa trị…, loại bỏ mối đe dọa của tình trạng kháng thuốc, mở rộng sự tiếp cận tới những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, tăng cường chữa trị cho những ca bệnh nghiêm trọng nhất và giải quyết gốc rễ nguyên nhân của những căn bệnh trên. Ngoài ra, để duy trì được những tiến bộ hiện nay, cần có cam kết chính trị mạnh mẽ từ các nước cũng như sự hợp tác của tất cả các cấp đến từng người dân.
Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, một trong những vấn đề mấu chốt là tình trạng bất bình đẳng và thiếu công bằng. Đây là những căn bệnh nguy hiểm nhất trên toàn cầu, và trong khi thế giới vẫn đang tiến lên ở nhiều lĩnh vực, một số người vẫn bị bỏ lại phía sau - không chỉ phụ nữ và trẻ em gái.
Chống lại HIV, lao và sốt rét không chỉ là câu chuyện về 3 căn bệnh này mà còn là cơ hội để thế giới củng cố hệ thống y tế toàn cầu và đảm bảo y tế cho tất cả người dân.
Bởi vậy, đây là thời điểm để cộng đồng quốc tế lựa chọn, hoặc hành động quyết liệt bảo vệ những thành quả đạt được, hoặc phải chứng kiến những nỗ lực bị hủy hoại, loài người sẽ bị thua trong cuộc chiến chống 3 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm AIDS, lao và sốt rét. Số tiền cam kết đóng góp 13,92 tỷ USD vào cuối hội nghị, phần nào đã thể hiện quyết tâm của cộng đồng quốc tế, song từ cam kết tới hành động sẽ còn cả một lộ trình dài nếu các nước muốn hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững.
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
Các tin khác
- Nhóm nhà khoa học tình cờ tìm ra vũ khí bí mật tiêu diệt HIV Thứ Sáu, 25/10/2019, 09:38
- Siêu kháng thể mới diệt 99% HIV Thứ Sáu, 18/10/2019, 11:07
- California cho phép bán thuốc dự phòng HIV không cần đơn Thứ Sáu, 18/10/2019, 09:45
- HIV và phụ nữ mang thai Thứ Năm, 17/10/2019, 19:00
- Tăng cường công tác giám sát HIV/AIDS và chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV Thứ Sáu, 11/10/2019, 09:29
- Uống ly trà lẫn băng keo y tế đã qua sử dụng có sợ lây nhiễm HIV? BS chuyên khoa lên tiếng Thứ Sáu, 04/10/2019, 11:03
- Sống cùng chồng bị HIV vẫn không lây nhiễm Thứ Sáu, 04/10/2019, 09:36
- Bắt con nghiện nhiễm HIV, 5 công an Đà Nẵng phải đi kiểm tra phơi nhiễm Thứ Sáu, 27/09/2019, 10:38
- Nổ khí ga tại phòng thí nghiệm lưu trữ virus bệnh đậu mùa, Ebola và HIV khiến người dân Nga hoảng loạn Thứ Sáu, 20/09/2019, 10:53
- Hướng dẫn chuyển tuyến khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV Thứ Sáu, 20/09/2019, 10:20
- Dẫm vào bơm kim tiêm có bị HIV không? Thứ Năm, 19/09/2019, 20:00
- Một bệnh nhân ung thư nhiễm HIV ở Trung Quốc được điều trị bằng tế bào gốc chỉnh sửa gen Thứ Sáu, 13/09/2019, 11:30