DẤU HIỆU CỦA BỆNH LẬU Ở CẢ NAM VÀ NỮ Thứ Tư, 06/03/2024, 00:00
(Ảnh: internet)
Lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến. Bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung, sức khỏe sinh sản nói riêng cũng như khiến người bệnh tự ti, mặc cảm. Dấu hiệu của bệnh lậu khá điển hình, thường xuất hiện ở cơ quan sinh dục của cả nam và nữ.
1. Nguyên nhân gây bệnh lậu là gì?
Bệnh lậu (Gonorrhea) là một bệnh nhiễm khuẩn, do song cầu Gram (-) Neisseria gonorhoeae gây nên. Song cầu khuẩn lậu được Neisser tìm ra năm 1879, là loại vi khuẩn có sức đề kháng yếu chỉ tồn tại một vài giờ sau khi ra khỏi cơ thể.
2. Đường lây truyền của bệnh lậu
2.1. Lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục
Bệnh thường lây trực tiếp qua quan hệ tình dục không bảo vệ đường âm đạo, hậu môn và sinh dục- miệng từ người bệnh sang người lành, kể cả khi người bệnh chưa có biểu hiện.
2.2. Lây nhiễm từ mẹ sang con
Nếu mẹ nhiễm bệnh lậu trong thai kỳ không được điều trị và có biện pháp phòng ngừa hoàn toàn có thể lây qua trẻ sơ sinh khi đẻ, ảnh hưởng tới sức khỏe và trí tuệ của trẻ.
Ngoài 2 đường lây nhiễm chính trên, mặc dù vi khuẩn lậu không sống lâu được ở ngoài môi trường nhưng bệnh lậu vẫn có thể lây gián tiếp qua tiếp xúc với các vật dụng cá nhân của người bệnh như: dùng chung khăn, đồ lót, chậu, bàn chải đánh răng, bồn tắm,... có dính dịch mủ của người bệnh hoặc lây qua các dụng cụ y tế không đảm bảo vô trùng.
(Ảnh: internet)
3. Ai có thể bị nhiễm bệnh lậu?
- Bất cứ ai cũng có thể nhiễm bệnh lậu, kể cả nam giới, nữ giới ở bất cứ độ tuổi nào khi nhiễm vi khuẩn từ người bệnh.
- Sau một lần quan hệ tình dục với người bệnh qua đường âm đạo có khoảng 25% nam bị mắc bệnh. Tỷ lệ nữ bị mắc bệnh lậu sau một lần quan hệ tình dục với đàn ông bị bệnh vào khoảng 60-80%.
- Ở Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng trên 50.000 -100.000 trường hợp bị lậu. Bệnh có thể phối hợp với một số tác nhân gây viêm niệu đạo khác, trong đó thường gặp nhất là Chlamydia trachomatis.
4. Sau khi tiếp xúc với vi khuẩn bao lâu sau thì có biểu hiện bệnh?
Triệu chứng của bệnh lậu thường xuất hiện sau 2 ngày kể từ khi nhiễm khuẩn, một số ít trường hợp thời gian ủ bệnh có thể lâu hơn.
- Thời gian ủ bệnh ở nam từ 1-14 ngày, trung bình 2-5 ngày.
- Thời gian ủ bệnh của bệnh lậu ở nữ là không rõ ràng nhưng thông thường trong khoảng 10 ngày.
5. Dấu hiệu của bệnh lậu như thế nào?
Khi nhiễm bệnh, vi khuẩn lậu thường cư trú và phát triển ở các cơ quan sinh sản và bộ phận liên quan như cổ tử cung, âm đạo, hậu môn của nữ giới, dương vật, niệu đạo,... của nam giới.
5.1. Bệnh lậu ở nam
- Viêm niệu đạo: là biểu hiện thường gặp nhất. Có khoảng 85% nam bị viêm niệu đạo do lậu sẽ biểu hiện cấp tính với các triệu chứng khó chịu, đái buốt và ra mủ, thường kèm theo phù nề và đỏ miệng sáo. Có thể kèm theo sốt, cơ thể mệt mỏi,... Viêm niệu đạo do lậu càng nặng thì cảm giác nóng buốt càng tăng, thậm chí khiến cho bệnh nhân nhịn tiểu hoặc chỉ dám tiểu từng giọt. Nặng hơn thì cuối bãi tiểu nước tiểu có chứa cả máu.
- Ra mủ niệu đạo: là một triệu chứng đặc hiệu của bệnh lậu, mủ màu vàng, vàng xanh, số lượng nhiều hay ít phụ thuộc vào tình trạng nhiễm trùng. Theo kết quả nghiên cứu, tình trạng chảy mủ dương vật thường xảy ra sau 2 tuần kể từ khi nhiễm khuẩn lậu. Chảy mủ ở đầu dương vật, nhất là vào buổi sáng sớm khi vuốt dọc dương vật sẽ thấy một giọt mủ chảy ra, gọi nó là "giọt sương ban mai".
5.2. Bệnh lậu ở nữ
- Bệnh lậu ở nữ giới rất khó phát hiện do triệu chứng không rõ ràng và cụ thể, hầu hết người bệnh nhầm lẫn với bệnh phụ khoa thông thường. Các triệu chứng thường thấy là ra khí hư nhiều, tiểu khó, ra máu giữa kỳ kinh, rong kinh... Đến khi bệnh lậu chuyển sang giai đoạn nặng, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan thì có thể xuất hiện bao gồm: tiểu đau buốt, đi tiểu ra mủ màu xanh hoặc vàng, vùng kín có mùi hôi tanh bất thường do dịch mủ,...
- Bệnh lậu ở phụ nữ có thai không khác bệnh lậu ở phụ nữ không có thai.
- Viêm âm hộ do lậu ở trẻ em gái: có thể gặp ở bé gái bị hiếp dâm, do dùng chung khăn, chậu bị nhiễm lậu khi vệ sinh bộ phận sinh dục. Biểu hiện: âm hộ viêm đỏ có mủ vàng xanh kèm theo đái buốt.
5.3. Các dấu hiệu khác:
- Ngứa hậu môn, chảy dịch mủ nhày ở hậu môn nhưng không đau; đôi khi thấy chảy máu, viêm trực tràng có biểu hiện đau, mót rặn và có thể tiêu chảy, đi ra chất nhày hoặc mủ, táo bón.
- Nhiễm trùng hầu họng: có biểu hiện viêm hầu họng, viêm amiđan cấp, đôi khi có sốt và sưng hạch vùng cổ.
- Viêm kết mạc mắt.
- Nhiễm trùng da tiên phát do lậu: thường là các vết loét ở bộ phận sinh dục, tầng sinh môn, đùi và ngón tay.
- Lậu mắt ở trẻ sơ sinh: thường xuất hiện sau đẻ 1 - 3 ngày. Có thể bị một hoặc cả hai mắt. Mắt sưng nề không mở được, có rất nhiều mủ từ mắt chảy ra, kết mạc, giác mạc viêm đỏ và có thể loét.
(Ảnh: internet)
6. Bệnh lậu không điều trị gây ra hậu quả gì?
Người bệnh dù có hay không có triệu chứng mà không được điều trị thì đều có thể gây biến chứng.
- Ở nam: biến chứng thường gặp nhất là viêm mào tinh hoàn, biểu hiện sưng một bên bìu, đau và thường có viêm niệu đạo. Hiếm gặp: viêm túi tinh, viêm tuyến tiền liệt,…
- Ở nữ: biến chứng thường gặp nhất là viêm cấp vòi trứng và có thể để lại những hậu quả lâu dài như vô sinh, chửa ngoài tử cung, đau tiểu khung mạn tính. Biểu hiện là đau bụng dưới, đau khi giao hợp, rối loạn kinh nguyệt, ra máu giữa kỳ kinh…
- Biến chứng lậu toàn thân: Hội chứng viêm da-khớp với thương tổn hay gặp nhất là mụn mủ hoại tử, đau, dát trên nền da đỏ hoặc sẩn, có khi là mụn mủ đơn thuần, xuất huyết, bọng nước. Đau khớp hoặc viêm gân bao hoạt dịch xảy ra ở các khớp gối, cổ tay, khớp cổ chân và khớp ngón tay, ngón chân. Bệnh hay gặp ở nữ hơn nam và thường hay xảy ra sau 1 tuần khi có kinh. Ngoài ra, ít gặp nhiễm trùng huyết, viêm màng não và viêm màng tim do lậu.
- Bệnh lậu ở phụ nữ có thai gây biến chứng: sảy thai tự nhiên, vỡ ối sớm, đẻ non, viêm cấp màng ối rau, viêm kết mạc mắt trẻ sơ sinh, viêm hầu họng...
7. Bạn cần làm gì khi có nguy cơ lây nhiễm bệnh?
- Khi bạn có nguy cơ lây nhiễm bệnh, bạn cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
- Khi bạn bị mắc bệnh, bạn cần tuân theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, điều trị cả bạn tình. Tuân thủ chế độ điều trị: không quan hệ tình dục, không uống rượu bia và chất kích thích, không làm thủ thuật tiết niệu trong thời gian điều trị.
- Tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị tại nhà.
8. Bệnh lậu có chữa được không?
- Bệnh lậu hầu như không thể tự khỏi nếu không can thiệp điều trị y tế.
- Bệnh lậu hoàn toàn có thể điều trị thành công bằng thuốc kháng sinh theo phác đồ dạng tiêm hoặc uống.
- Người bệnh cần xét nghiệm lại bệnh lậu sau 3 tháng kể từ lần điều trị đầu tiên để đánh giá tác dụng thuốc cũng như khả năng tái nhiễm. Trong giai đoạn này, mọi hình thức quan hệ tình dục cần kiêng tuyệt đối cho đến khi cả hai đều đã được chữa khỏi. Nhiều trường hợp cho thấy triệu chứng biến mất trong vòng một tuần nếu áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.
9. Thời gian điều trị bệnh lậu là bao lâu và bệnh có tái phát sau khi điều trị không?
- Thời gian điều trị bệnh lậu thường kéo dài từ 1 - 2 tuần tùy vào từng mức độ nghiêm trọng. Sau giai đoạn này, nếu triệu chứng vẫn không thuyên giảm, bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ định phương pháp mới.
- Điều trị bệnh lậu thành công không đồng nghĩa sẽ không tái nhiễm. Tình trạng này hoàn toàn có thể xảy ra nhiều lần nữa trong tương lai. Các đợt tái phát trung bình được quan sát thấy trong khoảng 5 ngày sau khi điều trị các trường hợp mắc mới và 9 ngày sau khi điều trị bệnh mãn tính.
10. Biện pháp phòng ngừa bệnh lậu
Bệnh lậu có thể được phòng ngừa hiệu quả thông qua một số biện pháp hữu ích như sau:
- Sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục, kể cả quan hệ qua đường âm đạo hay hậu môn, nhất là với bạn tình mới.
- Không dùng chung đồ chơi tình dục (nếu có), tuyệt đối phải vệ sinh thật sạch và bọc lại bằng bao cao su trước khi cho mượn.
- Chung thủy với mối quan hệ một vợ một chồng.
- Vệ sinh thân thể và cơ quan sinh dục hàng ngày, sạch sẽ, cả trước khi quan hệ và sau khi quan hệ.
- Không sử dụng chung khăn tắm, đồ lót với người khác
- Nếu nghi ngờ dấu hiệu mắc bệnh lậu, cần thăm khám ngay để được chẩn đoán chính xác và được điều trị kịp thời.
Xem thêm: Nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục - những điều cần biết
TSBT tổng hợp
Nguồn: Tài liệu hướng dẫn chẩn đoán điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục – Bộ Y tế; medlatec.vn; bvnguyentriphuong.com.vn
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- 27 điều bạn nên biết trước khi “mất” trinh tiết Thứ Sáu, 22/11/2024, 00:00
- 6 chế độ ăn uống ảnh hưởng đến đời sống tình dục ở nam giới Thứ Hai, 15/07/2024, 00:00
- Chu kỳ đáp ứng tình dục là gì và tại sao lại quan trọng? Thứ Tư, 10/07/2024, 00:00
- 10 lợi ích sức khỏe của quan hệ tình dục Thứ Sáu, 28/06/2024, 00:00
- Những câu hỏi thường gặp về người chuyển giới (Phần 2) Thứ Năm, 27/06/2024, 00:00
- Những câu hỏi thường gặp về người chuyển giới (Phần 1) Thứ Tư, 26/06/2024, 00:00
- Những câu hỏi thường gặp về sức khỏe tình dục Thứ Ba, 11/06/2024, 00:00
- Thực phẩm tốt cho sức khỏe âm đạo! Thứ Bẩy, 08/06/2024, 00:00
- Làm thế nào để chuẩn bị cho quan hệ tình dục qua đường hậu môn? Thứ Sáu, 07/06/2024, 00:00
- 25 loại thực phẩm có thể giúp “cậu nhỏ” cương cứng Thứ Hai, 27/05/2024, 00:00
Các tin khác
- Lần đầu làm “chuyện ấy” nên kết thúc như thế nào? Thứ Ba, 05/03/2024, 00:00
- Nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục – những điều cần biết Thứ Ba, 05/03/2024, 00:00
- Màng chắn miệng – những điều cần biết Thứ Ba, 05/03/2024, 00:00
- Nguy cơ lây nhiễm HIV và các rủi ro khi quan hệ tình dục đường hậu môn Thứ Ba, 27/02/2024, 00:00
- Quan hệ tình dục lần đầu thế nào để được trọn vẹn? Thứ Hai, 26/02/2024, 00:00
- 10 LÝ DO KHIẾN ĐÀN ÔNG BỊ ĐAU SAU “CHUYỆN ẤY” Thứ Bẩy, 24/02/2024, 00:00
- Quan hệ lần đầu có đau không? Thứ Sáu, 23/02/2024, 00:00
- 24 câu hỏi về lần đầu quan hệ tình dục Thứ Năm, 22/02/2024, 00:00
- TÌNH DỤC AN TOÀN, LÀNH MẠNH – VỊ THÀNH NIÊN CẦN BIẾT Thứ Năm, 15/02/2024, 09:00
- Tình dục là gì? Thứ Tư, 14/02/2024, 00:00
- Cyber sex là gì? Thứ Hai, 22/01/2024, 00:00
- Tình dục an toàn và đồng thuận Thứ Bẩy, 13/01/2024, 00:00