Cưới phải cục nợ Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Minh Hiền lấy chồng kém mình một tuổi, lại còn vô trách nhiệm đến khó tin, thế nên tuần nào đến cơ quan cô cũng có một kho chuyện bực bội để “san sẻ” cho đồng nghiệp.
Hôm thì vừa vào đến cửa phòng cô đã tuôn ra một tràng bực tức: “Sáng ra đã muộn giờ đi làm, nhờ hắn dắt hộ cái xe, hắn cứ ì ra như người khiếm thính. Phải năn nỉ gãy lưỡi thì họa hoằn lắm mấy tháng mới nhờ hắn đưa con đi nhà trẻ được một lần. Hắn cứ làm như mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều là trách nhiệm của vợ, còn hắn thì hỗ trợ cho lúc nào là may lúc ấy!”.
Hôm khác, mới 4 giờ chiều, Minh Hiền đã sấp ngửa vơ túi, vơ ví vội vội vàng vàng về nhà vì: “Chiều nay hẹn thợ đến sửa cái tủ lạnh, không có mặt mình thì hắn chẳng biết đường nào mà lần, có khi thợ nó phá tan cái tủ ra cũng chẳng biết đấy là đâu”.
Anh chồng trẻ con
Vợ chồng cưới nhau được 4 năm, có cô con gái 3 tuổi, thế nhưng Minh Hiền kiểm điểm lại chưa chắc “cậu chàng” đưa tiền nuôi con được một tháng. Mà cái số hắn cũng đen đủi, cứ xin được vào làm ở đâu một thời gian ngắn thì nơi ấy không giải tán thì cũng thải hồi “lao động dôi dư”, thế là hắn lại bơ vơ vô nghề nghiệp. Mà hắn lại thuộc dạng vừa nhát vừa dễ nhụt chí. Cứ lần nào mất việc là lại buông xuôi, ngồi ì ra chẳng vận động gì để xoay xở cả, vợ lại phải tất tả, chạy đôn chạy đáo nhờ vả người thân này, cậy cục người quen kia tìm cho anh chồng trẻ con một việc làm mới.
Đã vậy, tiền kiếm được cũng không biết căn cơ, tiêu pha chẳng có kế hoạch, dự định gì cả. Có tháng chả thấy mang được đồng nào về nhà. Tháng nào xông xênh thì cũng chỉ đỡ được cho vợ tiền cơm ăn 3 bữa tự nuôi bản thân mình. Coi như khoán trắng con cho vợ nuôi nấng, kiểu “vợ mình là con người ta”, mà “con mình do vợ đẻ ra”, cho nên “suy đi tính lại chẳng bà con chi”!
Phải cái tội chính vì “cá không ăn muối cá ươn”, thời con gái chẳng hiểu “ma xui quỷ khiến” thế nào mà dù cha mẹ ngăn cản rất dữ nhưng cô cứ lao vào hắn mà lấy như con thiêu thân lao vào đèn dầu. Bây giờ “ngậm đắng nuốt cay” mà tự than thân trách phận: “Vợ chồng là do duyên số”, “cái duyên cái số nó vồ lấy nhau”, “hạt mưa sa ra cánh đồng” thì đành chịu vậy.
Dửng dưng và vô trách nhiệm
Nhớ lại hồi mới sinh con được một tháng. Vì cưới xong hai vợ chồng phải thuê nhà trọ ở, đến khi cô mang bầu được 8 tháng, ông bà ngoại “giận thì giận mà thương thì lại càng thương” đành đón hai mẹ con về nhà ngoại để tiện bề chăm nom. Suốt thời gian đó, anh chồng - ông bố trẻ con về thăm hai mẹ con được 2 lần. Con đầy tháng, nhớ chồng, thương con, được bà ngoại “hộ tống”, Minh Hiền bế con về nhà trọ với chồng. Đến nơi, trong nhà tối om, cửa đóng im ỉm. Hai mẹ con thi nhau ủn cửa mới hé ra một khe đủ để một người nghiêng người lách vào. Ló được đầu vào nhà, quờ tay bật đèn, cô “ngã ngửa” ra: đồ đạc, bàn ghế lộn xộn, chồng chất bừa bãi ra tận cửa, thảo nào chèn cứng cửa, mở mãi không ra. Rác rưởi, thức ăn lẫn lộn, nhà cửa còn bẩn hơn cả đống rác. Cậu chàng còn đang ngáy khò khò trong đống chăn bèo nhèo bốc mùi hôi hám. Bà ngoại được thể đay nghiến, cảm thấy chán nản, rời rã, cô nói bà đặt cháu vào nôi rồi về nhà nghỉ ngơi, mấy hôm nữa cô lại cho cháu về với ông bà.
Dọn dẹp cật lực hết cả buổi, chồng cũng chẳng mó tay vào giúp, đến bữa mệt quá chẳng buồn nấu cơm, “thằng trẻ con” tự đi ra ngoài ăn cơm bụi, kệ cho hai mẹ con muốn ăn gì thì ăn, chắc hắn chắc mẩm “con cái có mẹ chăm sóc là chu đáo nhất rồi, bố yên tâm chẳng phải lo lắng gì nữa”!
Sáng hôm sau, thấy chồng không đi làm, vợ hí hửng tưởng chồng nghỉ ở nhà để được gần vợ con sau mấy tháng xa cách. Cả ngày chẳng thấy hắn động chân động tay việc gì, kể cả ngó ngàng đến con, đến bữa vẫn đều đặn đi ăn một mình, chẳng cần biết vợ con ăn uống gì. Đến hôm sau nữa vẫn thấy nằm khểnh ở nhà. Té ra hắn đã nghỉ việc hằng tháng nay. Tiền vợ để từng nào ở nhà thì cứ thế mà lấy ra tiêu.
Minh Hiền than thở: “Mình cũng chẳng hiểu vì sao mà mình lại chịu đựng được gã chồng như thế này từng ấy năm. Có những lúc chỉ muốn tung hê tất cả, nhưng rồi lại thương con mà nuốt uất nghẹn vào lòng. Không biết mình còn phải chịu đựng tình cảnh này đến khi nào nữa?!”.
Có lẽ cô vẫn chưa hiểu ra, chính sự nhẫn nhục phi lý của cô đã làm hư chồng. Nếu cô cứ tự gồng mình thành “trụ cột” trong gia đình thế này thì chồng cô vẫn sẽ mãi mãi là “cụ chột” mà thôi.
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Hiệu ứng Zeigarnik và trí nhớ Thứ Sáu, 28/06/2024, 00:00
- Mối quan hệ toxic là gì? 5 dấu hiệu "tình yêu" độc hại Thứ Sáu, 17/05/2024, 14:00
- Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ? Thứ Sáu, 17/05/2024, 13:00
- 3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc? Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Liệu nỗi sợ và chấn thương tâm lý có thể giúp bạn sống tốt hơn? Thứ Sáu, 10/05/2024, 12:00
- Khi yêu thương đủ lớn mọi giới hạn điều được xóa nhòa Thứ Năm, 11/04/2024, 14:00
- MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH Thứ Tư, 03/04/2024, 00:00
- Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2-4): Yêu thương, thấu hiểu, đồng hành cùng trẻ tự kỷ Thứ Ba, 02/04/2024, 00:00
- 3 điều không nên kiểm soát trong cuộc sống hôn nhân Thứ Sáu, 22/03/2024, 12:00
- Những hệ luỵ khi chồng nhận xét quá thẳng thắn về bạn đời Thứ Năm, 21/03/2024, 15:00