Chuyện chép ở bệnh viện Thứ Ba, 03/11/2020, 19:00
Ảnh minh hoạ
Chuyện chép ở bệnh viện
Chuyện 1
Cô em út của đứa bạn cùng quê, cùng lớp vừa mổ não ở Bệnh viện Bạch Mai. Đến thăm, chồng kể: vợ em cứ kêu đau đầu, mua thuốc uống mãi không khỏi, tần suất đau ngày càng dầy lên. Đi khám, chụp MRI thì bác sỹ nói: u não, phải mổ!
Xưa, mấy chị em gái bạn tôi xinh nức tiếng, trai làng bên qua tán bị quẳng xe đạp xuống ruộng, giữa đêm đông phải lội nước lôi xe lên mà vẫn không chừa, vẫn tìm cách đến. Nay, nhìn em gầy gò tiều tuỵ, đầu trọc vì rụng tóc (nỗi khổ tâm lớn nhất của người phụ nữ đẹp), thấy anh em đến thăm, cố nhướng mắt nhìn ra xa cho căng lên mà không ngăn được dòng nước tuôn trào. Chồng kể: khối u đã được bóc đi, nhưng chưa có kết quả sinh thiết...
Hai vợ chồng mới mua được căn chung cư nhỏ trên đường ra sân bay. Con trai sắp phải mổ tim, lần 2...
Chuyện 2
Bạn cùng quê, học cùng lớp cấp 1, cấp 2 với tôi. Dù là đồng môn nhưng anh hơn tôi 3 tuổi. Thuở nhỏ, chăn trâu cắt cỏ, mò cua tát cá, tắm sông leo núi, chơi khăng đánh đáo... không ai qua được anh. Gầy gò mà chắc như cái cán dao, nhanh thoăn thoắt. Vẫn nhớ vụ đám choai choai trong làng chơi với nhau xong thách đố, anh đứng từ xa tầm 40m, cầm viên đá ném, cậu bạn cùng độ tuổi chỉ kịp xoay người xong nghe cái bụp giữa lưng! Gập người vì đau mà phải chịu là ném tài.
Cả 5 năm cấp 1, lớp tôi không đứa nào có dép để đi, mùa Đông rét quá anh chế ra một đôi bằng bẹ chuối khô, xỏ lỗ xâu dây chuối vào, loẹt quẹt đi được nhưng trơn trượt dễ ngã, đường làng toàn đá dăm, đi xong một hôm thì “dép” rách nát. Lên lớp 7, anh có đôi dép nhựa một bên là chiếc mầu xanh xỉn, một bên mầu ngà, toàn dép trái, vẫn diện đi học đều.
Hồi bé, tôi như thằng con cầu tự, mảnh khảnh, ngơ ngác và trắng bợt bạt. Anh hay là người chơi cùng tôi những trò chơi thơ bé trong giờ ra chơi hay tiết thể dục khi thấy tôi chỉ đứng từ xa nhìn hay lơ ngơ, lóng ngóng. Anh hay bênh vực tôi mỗi khi có đứa nào trêu chọc, gây gổ. Nhớ có lần, không biết vì lý do gì mà có thằng lao vào định đánh tôi, anh từ xa hồng hộc chạy đến, hổn hển: “Mày không được đánh nó, nó là con thầy S. đấy!”
Anh rất quý tôi, thường gọi chệch tên tôi ra thành “Lem” cho ngộ nghĩnh. Giờ mỗi lần về quê tình cờ gặp, 2 anh em vẫn chào nhau từ xa, tay bắt mặt mừng: “Về đấy hả em? Tết qua nhà anh ăn Tết nhá!”. Mỗi lần họp lớp, uống say là anh quậy, nhưng tôi ra nói, đưa anh về là anh nghe, theo tôi về nhà lên giường đắp chăn kéo lút đầu, ngoan ngoãn...
Cậu bạn thân gọi điện báo anh bị viêm màng não, đang nằm ở BV Bạch Mai, nghe xong mà lặng người. Cả nhóm tìm mãi mới đến được chỗ anh nằm, chị vợ thấy bạn học từ thời cấp 1 của chồng đến thăm, bật khóc nức nở, đưa quà thăm anh lại càng khóc dữ: “Đến bao giờ anh ấy mới tỉnh mà uống nước ăn bánh được của các bạn đây?”.
Vì là lớp trưởng nên cả nhóm cho tôi đại diện vào thăm. Khoác áo, đeo thẻ bệnh viện, trình báo rồi thay giầy, tôi đi vòng vèo qua những căn phòng chứa đầy băng ca và dụng cụ y tế, vào chỗ anh nằm. Tóc anh đã bị cạo trọc lốc, xung quanh người đầy dây nhợ ống dẫn, mắt nhắm nghiền đang thở hộc lên từng hồi theo thao tác của cô y tá...
Tôi đứng lặng mà cổ họng nghẹn ứ. Một tráng đinh sống ở quê khoẻ mạnh ăn thùng uống vại ngày nào, sao giờ ra nông nỗi...
Đôi khi ai đó trong chúng ta cứ thở than về cuộc sống khó khăn, tâm trạng tồi tệ, áp lực cuộc sống hay mất định hướng, chán chường. Vậy nên chăng chúng ta hãy đi thăm... bệnh viện, đi xuyên qua những căn phòng câm lặng chất chồng dụng cụ y tế, nồng nặc mùi ê-te với những khuôn mặt căng thẳng, đờ đẫn, nhầu nhĩ, tiều tuỵ, nhớn nhác, thất thần... với những dao kéo lanh canh, máy thở rì rầm hay máy đo tít tít đều từng nhịp, với bao con người mà mỗi sáng ban mai còn được nhìn thấy ánh bình minh, được thở bình thường được ăn như cũ, được cười được nói, được rầy la con cái... đã là niềm diễm phúc diệu kỳ đối với họ, thì chúng ta mới thấy mình đang may mắn đến chừng nào.
Vậy nên cứ sống sao cho thanh thản nhẹ nhàng, vui vẻ hạnh phúc chừng nào có thể, tích đức hành thiện đặng gom góp may mắn hạnh phúc cho mai sau, vì ai biết đâu, cuộc đời có những ngã rẽ chẳng thể ngờ, tai hoạ rất có thể sẽ đến gõ cửa bất kỳ ai một ngày nào đó.
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Chấp nhận sự từ chối-Làm thế nào chúng ta có thể biến nỗi đau thành sự phát triển Thứ Hai, 25/11/2024, 00:00
- Rối loạn lo âu về cơ thể: Sự không hoàn hảo của cơ thể không phải là lỗi của bạn! Thứ Hai, 18/11/2024, 00:00
- TẬP HUẤN SỨC KHỎE KINH NGUYỆT CHO CỘNG ĐỒNG KHIẾM THỊ TÌM NGƯỜI HỌC Thứ Sáu, 06/09/2024, 01:56
- ADHD - Bộ não chạy marathon trong khi cơ thể ngồi yên Thứ Hai, 15/07/2024, 00:00
- Tâm thần phân liệt - Một số thông tin cần biết Chủ Nhật, 14/07/2024, 00:00
- Hiệu ứng thông tin sai lệch: Tại sao bạn không nên luôn tin tưởng vào trí nhớ của mình? Thứ Bẩy, 13/07/2024, 00:00
- Để những đứa trẻ khác cha/mẹ cùng nhau lớn lên trong hòa thuận Thứ Sáu, 12/07/2024, 00:00
- Cách đơn giản nhìn thấu một người Thứ Bẩy, 06/07/2024, 00:00
- Khoa học về giấc ngủ: Tiết lộ sự hữu ích đằng sau thời gian "không làm gì" - Phần 3 Thứ Năm, 04/07/2024, 00:00
- Khoa học về giấc ngủ: Tiết lộ sự hữu ích đằng sau thời gian "không làm gì" – Phần 2 Thứ Tư, 03/07/2024, 00:00
Các tin khác
- Ngày em trở thành cô giáo Thứ Hai, 02/11/2020, 11:15
- Ngày người thương thành lạ Thứ Hai, 02/11/2020, 11:01
- Món quà cuối cùng của người mẹ Thứ Hai, 02/11/2020, 11:00
- Nhớ lắm mùi vị quê hương Thứ Hai, 02/11/2020, 09:00
- Liệu có đúng: Khi ta trở nên tốt lên ta sẽ tìm được người tốt hơn? Thứ Sáu, 30/10/2020, 09:11
- Nhà - Nơi gác lại những bão giông phía sau cánh cửa Thứ Sáu, 30/10/2020, 09:07
- Tuổi 20 học cách để trưởng thành Thứ Năm, 29/10/2020, 16:00
- Thành phố ngày mất nhau Thứ Tư, 28/10/2020, 17:01
- Sau tất cả, quá khứ của chúng ta vẫn làm em hạnh phúc Thứ Tư, 28/10/2020, 16:00
- Tạm biệt em, người con gái anh từng yêu sâu đậm Thứ Tư, 28/10/2020, 15:00
- Hình như càng trưởng thành, bạn bè càng xa nhau Thứ Tư, 28/10/2020, 08:00
- Trưởng thành có bớt cô đơn không? Thứ Hai, 26/10/2020, 10:00