Chữa vô sinh: Rớt nước mắt nghe chuyện ở hành lang bệnh viện Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00

Rất ít người bơm tinh trùng vào buồng tử cung (làm IUI) thành công ngay từ lần đầu tiên. Có người phải làm đến 4, 5 lần mới “có tin vui”. Có người mang thai rồi đến tháng thứ 6 lại sẩy. Và có những người vào viện hết lần này đến lần khác mà vẫn lầm lũi đi về. Hành trình kiếm tìm con của những cặp vợ chồng hiếm muộn cứ đằng đẵng, mòn mỏi như thế.
Với người phụ nữ đã lập gia đình, hạnh phúc lớn nhất là được làm mẹ, không gì khổ hơn lấy chồng mà không có con. Dù lỗi hiếm muộn do người vợ hay chồng thì người phụ nữ vẫn là những người thiệt thòi nhất, chịu nhiều áp lực nhất.
Vừa rơm rớm nước mắt chị Nguyễn Thị Hậu (29 tuổi, quê Hiệp Hòa, Bắc Giang) vừa kể lại tình cảnh éo le của mình: “Cưới nhau đã năm năm rồi, vợ chồng cũng không kế hoạch mà mãi vẫn chưa có bầu. Em sốt ruột một thì bố mẹ chồng sốt ruột 10 vì anh xã là con trai một. Lúc đầu ông bà cũng chỉ nhắc tế nhị, nhưng dần dà tỏ rõ thái độ ép vợ chồng em phải có cháu, bà cứ bóng gió xa xôi bảo em là gái không biết đẻ thì để chồng đi lấy vợ khác.
Lại còn mấy bà hàng xóm cạnh nhà hay soi mói nữa. Lúc mới cưới nhìn cái bụng em to to thì họ xì xào bảo ăn cơm trước kẻng. Cưới được mấy tháng không thấy gì thì họ lại bảo hay là sẩy rồi. Một năm sau vẫn chưa thấy có gì thì lại xì xầm to nhỏ bảo "con này bị tịt". Giờ có người hỏi đi đâu, em bảo xuống Hà Nội chữa bệnh thì người ta phán ngay là "đi chữa vô sinh à", mệt mỏi lắm".
Chị Hậu bảo, chị sợ nhất là sự "quan tâm" của mọi người, sợ nghe câu hỏi "có gì chưa?", "bao giờ mới chịu đẻ". Chị sợ đến mức chỉ ru rú ở nhà, bạn bè có đám cưới, thôi nôi chị đều để chồng đi một mình. Nhiều lúc bế tắc, chị cũng muốn ly hôn cho lòng thanh thản. Nhưng chị may mắn khi có một người chồng hết mực yêu thương, anh sẵn sàng nhận con nuôi chứ không bỏ rơi chị.
"Em bị buồng trứng đa nang. Đã uống biết bao nhiêu thuốc nam thuốc bắc, nghe tin ở đâu có bác sĩ chữa tốt là hai vợ chồng không quản đường xa mò mẫm đến bằng được. Làm lụng được bao nhiêu đều để dành cho việc chữa bệnh hết chứ nào có dám ăn tiêu. Ấy vậy mà trời vẫn chưa thương. Lần IUI thứ 4 rồi đấy, không biết có hi vọng gì không", chị Hậu rầu rầu.

Tỷ lệ thành công của IUI chỉ khoảng 15%, thế nên không nhiều người đến làm IUI ra về với nụ cười viên mãn. Có những người làm chục lần vẫn chưa có kết quả. Nhưng vì hạnh phúc làm mẹ, nhiều người vẫn kiên trì theo đuổi với hi vọng "rồi một ngày trời sẽ thương".
Chị Vương Thị Hồng Hạnh (34 tuổi, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính) kể về hành trình tìm con đằng đẵng của mình: "Mình thuộc loại vô sinh không rõ nguyên nhân. Đi khám từ khi hai vợ chồng lấy nhau được 6 tháng, đến nay đã được 7 năm. Không biết bao nhiêu thuốc nam, thuốc bắc đã tống vào người. Thậm chí vì chuyên tâm chữa trị mà có thời gian mình phải tạm bỏ việc.
Sáu lần làm IUI, đến lần thứ 3 thì đậu nhưng mới biết tin vui được 6 ngày thì tự nhiên sẩy. Lại tiếp tục tiêm, uống thuốc, tiếp tục chờ đợi. Hi vọng rồi thất vọng nhưng vẫn phải kiên trì chứ biết làm thế nào".
Một quá trình từ khám, siêu âm, tiêm thuốc, chờ đến ngày làm IUI đã dài đằng đẵng. Những ngày chờ đợi kết quả sau đó cũng đằng đẵng không kém. Sẽ chả có hạnh phúc nào lớn lao hơn khi chiếc que thử hiện lên hai vạch, và cũng sẽ chẳng có nỗi thất vọng nào lớn hơn trước những cái que một vạch.
"Mình mong con đã hơn 2 năm nay rồi. Lần đầu làm IUI bị chậm kinh mất 15 ngày, cứ hí hửng hi vọng sẽ đậu. Chạy ngay ra mua 3 chiếc que thử. Que đầu tiên thử thấy lên 2 vạch, một mờ một đậm, mừng chảy nước mắt. Sáng hôm sau thử lại chỉ thấy một vạch, thử thêm một que nữa vẫn là một vạch. Thế là đi xét nghiệm máu HCG cho chắc chắn. Kết quả là không có thai. Buồn chả thiết làm gì nữa", chị Lan Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
![]() |
Gia đình đủ đầy là ước mơ của tất cả mọi người. Ảnh: GN |
Chữa vô sinh là một hành trình dài đằng đẵng và đầy nước mắt. Mỗi người một hoàn cảnh, hầu hết đã chạy chữa nhiều nơi, thuốc nam, thuốc bắc, thậm chí nhiều người còn đi xin con cầu tự khắp nơi. IUI là một đoạn trong chuỗi hành trình đằng đẵng ấy. Dù biết tỷ lệ thành công không cao, nhưng còn hi vọng là còn cố gắng. Những người thất bại vẫn cứ lầm lũi đến bệnh viện trong hi vọng "biết đâu lần này lại gặp may".
"Nhiều lúc mệt mỏi cũng muốn bỏ cuộc lắm. Tốn kém là một chuyện. Đi làm cả ngày, tan tầm mới tranh thủ đi tiêm được, đến muộn nên phải chờ dài cổ mới tới lượt. Rồi lại nhanh nhanh chóng chóng về cơm nước cho chồng. Nhưng nghĩ đến con thì lại có động lực để tiếp tục. Cứ làm cho đến khi nào thành công mới thôi", chị Hồng Hạnh chia sẻ.
La Hoàn
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Cách để người phụ nữ vượt qua nỗi sợ hãi khi mang thai và sinh con Thứ Sáu, 15/03/2024, 12:00
- 10 loại thực phẩm nhiều sắt - phụ nữ nên ăn sau ngày 'đèn đỏ' Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Quan hệ tình dục trong ngày 'đèn đỏ' có lợi ích và rủi ro gì? Thứ Ba, 20/02/2024, 00:00
- Ra máu bất thường có phải là dấu hiệu ung thư buồng trứng? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- 6 loại thực phẩm bà bầu cần tránh khi mang thai Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Có nên đi bộ, tập thể dục trong ngày 'đèn đỏ'? Thứ Hai, 19/02/2024, 00:00
- Rượu bia ngày Tết có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản? Thứ Bẩy, 10/02/2024, 00:00
- Vì sao phải khám sàng lọc trước khi mang thai? Thứ Tư, 07/02/2024, 10:45
- Phòng tránh các bệnh lây truyền từ mẹ sang con Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00
- 5 dấu hiệu cảnh báo u xơ tử cung - nhận biết sớm để can thiệp hiệu quả Thứ Tư, 07/02/2024, 00:00