Chửa ngoài tử cung Thứ Bẩy, 14/06/2014, 00:00
Có thai là một thiên chức của người phụ nữ. Nhưng không phải lúc nào cũng mẹ tròn con vuông. Chửa ngoài tử cung là một hiện tượng gây nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ và thai nhi.
Thế nào gọi là chửa ngoài tử cung?
Trong điều kiện bình thường, noãn từ nang ở buồng trứng khi thoát ra sẽ bị hút vào loa vòi trứng, di chuyển ngược chiều với tinh trùng. Tinh trùng bao vây noãn ở chỗ 1/3 đầu vòi trứng và thụ tinh ở đây là tốt nhất. Khi đó, màng ngoài của noãn còn mỏng vì ít bị dịch của vòi trứng vây bọc, tinh trùng dễ chui qua. Noãn càng tiến sâu vào vòi trứng càng khó thụ tinh. Nếu thụ tinh được ở 1/3 đầu vòi trứng, phôi chỉ mất 6-8 ngày để di chuyển đến làm tổ ở tử cung. Thời điểm này thuộc vào ngày thứ 20-22 trong chu kỳ kinh 28 ngày. Lúc đó, niêm mạc tử cung đã dày lên, đủ điều kiện để phôi làm tổ, sau đó phát triển thành thai nhi.
Tuy nhiên, quá trình từ khi trứng được thụ tinh đến khi hợp tử làm tổ trong tử cung không phải lúc nào cũng diễn ra một cách tốt đẹp như vậy. Trong một số trường hợp, vì một nguyên nhân nào đó mà trứng đã được thụ tinh lại không di chuyển được xuống khoang tử cung để phát triển thành thai nhi mà nằm ở một vị trí khác như ở ống dẫn trứng, buồng trứng, ổ bụng, dây chằng rộng, ... Trong đó thường gặp nhất là ở ống dẫn trứng (khoảng 95%). Hiện tượng này được gọi là hiện tượng chửa ngoài tử cung. Đây là một hiện tượng thai nghén bất thường cần có sự can thiệp của bác sỹ.
Nguyên nhân chửa ngoài tử cung
Nguyên nhân thường gặp của chửa ngoài tử cung là ống dẫn trứng bị viêm khiến lòng ống dẫn trứng bị dính liền lại, thu nhỏ đi hoặc bị biến dạng, làm cho trứng khi đã được thụ tinh bị cản lại không đi qua được, vì thế dẫn đến tình trạng chửa ngoài tử cung. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bị viêm vòi trứng cũng dẫn đến chửa ngoài tử cung. Một số trường hợp vòi trứng bị viêm, nhưng không bị tắc mà chỉ hẹp lại thì phôi thai (chỉ mới có 58 tế bào) vẫn có nhiều khả năng di chuyển lọt qua mà không bị "ách tắc giao thông". Nhờ đó, thai sẽ phát triển trong tử cung bình thường.
Có trường hợp noãn đã chín và rụng nhưng không được hút vào loa vòi, gặp tinh trùng vẫn thụ tinh. Phôi thai có thể phát triển trong ổ bụng trót lọt đến tháng thứ 7, 8 hoặc thứ 9.
Một nguyên nhân nữa là do ống dẫn trứng phát triển kém hoặc bị dị tật do khối u của các cơ quan trong khoang chậu đè vào gây ra và có cả nguyên nhân trứng đã được thụ tinh bị tuột ra ngoài, tức là sau khi một vòi trứng đưa trứng đã được thụ tinh vào khoang tử cung nhưng không làm tổ trong đó mà lại tuột ra ngoài tử cung sang ống dẫn trứng phía bên kia gây nên tình trạng chửa ngoài tử cung.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, khi phẫu thuật ống dẫn trứng sẽ làm cho lòng ống hẹp lại, ảnh hưởng đến quá trình đưa trứng đã được thụ tinh vào, cũng là một nguyên nhân dẫn đến chửa ngoài tử cung.
Triệu trứng của chửa ngoài tử cung có liên quan đến vị trí trứng đã được thụ tinh bám vào. Vị trí trứng bám vào khác nhau thì triệu chứng biểu hiện ra ngoài cũng khác nhau. Nhìn chung chửa ngoài tử cung có những triệu chứng chủ yếu sau:
- Tắt kinh: Đây là biểu hiện thông thường của việc mang thai lúc ban đầu, có lúc còn cảm thấy buồn nôn, nôn. Có người sau khi tắt kinh còn bị ra máu thất thường, máu thường màu đỏ tươi.
- Đau bụng: Đây là triệu chứng chính của chửa ngoài tử cung, phần lớn sau khi tắt kinh bèn cảm thấy một bên bụng dưới bị cương đau âm ỉ. Nếu ống dẫn trứng bị vỡ, rách thì đột nhiên cảm thấy bụng đau như dao cắt. Nếu do ống dẫn trứng bị vỡ rách ra hoặc bị sảy thai, máu sẽ chảy vào ổ bụng, kích thích bàng quang hoặc trực tràng, có thể gây đi tiểu tiện liên tục và muốn đi đại tiện. Khi máu chảy đến phần bụng trên sẽ kích thích dạ dày gây đau dạ dày, kích thích cơ hoành cách sẽ gây đau xương bả vai theo phản xạ. Thường do đau bụng mà bệnh nhân đột nhiên cáu bẳn, còn kèm theo cả đau đầu, hoa mắt, sắc mặt trắng bệch, mồ hôi trộm ra đầm đìa, khi nặng còn bị hôn mê. Loại đau bụng này không những sợ bị ấn tay vào mà ngay cả thở cũng phải kiềm chế trong lồng ngực, không dám thở động đến bụng sợ bị đau. Nếu ra máu quá nhiều thì sẽ bị choáng. Khi thấy có các triệu chứng này, nếu đã từng có tiền sử bị viêm khoang chậu mạn tính hoặc khó có thai thì có nhiều khả năng là bị chửa ngoài tử cung.
Việc chẩn đoán thai ngoài tử cung không khó, chỉ cần đi khám thai đúng kỳ hạn. Khi mang thai thấy đau bụng hoặc ra máu bất thường cần đi khám bác sỹ ngay.
Điều trị chửa ngoài tử cung
Trứng đã thụ tinh làm tổ trong ống dẫn trứng thay vì trong tử cung là một cấp cứu y khoa.
Tuỳ vào tình trạng khối chửa (chưa vỡ, rỉ máu, vỡ khối chửa), vị trí bám của khối chửa (trong vòi trứng, trong khoang bụng), tuổi của khối chửa (thời gian trứng được thụ tinh tạo thành hợp tử cho tới khi được phát hiện) mà có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ người mẹ và có thể được điều trị theo những biện pháp khác nhau.
Bên cạnh phương pháp phẫu thuật mở như bình thường thì phẫu thuật nội soi là một phương pháp thay thế với tỷ lệ sinh sản tốt sau khi điều trị. Điều trị nội soi, trong nhiều trường hợp có thể bảo tồn được vòi trứng, tuy nhiên cũng có khi buộc phải cắt cả vòi trứng lẫn khối chửa trong một số trường hợp như đã có đủ số con, mong muốn được đình sản; chửa quá to; thất bại trong cầm máu. Trong một số trường hợp nội soi vì chửa ngoài tử cung nhưng phải chuyển sang phẫu thuật mở vì các lý do: chửa kẽ tử cung, dính nhiều, huyết tụ thành nang
Lưu ý rằng việc phát hiện sớm chửa ngoài tử cung sẽ giúp áp dụng các phương pháp điều trị ít xâm lấn hơn và không cần phẫu thuật.
Cách phòng ngừa chửa ngoài tử cung
Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh chửa ngoài tử cung là do ống dẫn trứng bị viêm.Vì thế muốn ngăn chặn tình trạng chửa ngoài tử cung, điều chủ chốt nhất là phải tích cực điều trị bệnh viêm khoang chậu và chứng viêm ống dẫn trứng; cần chú ý giữ gìn vệ sinh trong thời kỳ kinh nguyệt, sau khi đẻ, trong thời kỳ cho con bú, làm tốt sinh đẻ có kế hoạch, giảm số lần phẫu thuật vì thai; chống viêm nhiễm sau khi đẻ và sau khi sảy thai. Tất cả các biện pháp này đều là các biện pháp trọng yếu phòng chửa ngoài tử cung. Đặc biệt các bạn gái cần lưu ý là khi đã được điều trị chửa ngoài tử cung và muốn có thai trở lại, cần phải đợi ít nhất là một năm để các chức năng sinh sản ổn định trở lại. Khi có thai cần phải đi khám thai định kỳ và cần được sự theo dõi của bác sỹ.
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Trầm cảm sau sinh: Làm thế nào để dự phòng và can thiệp? Thứ Bẩy, 13/07/2024, 00:00
- Trầm cảm sau sinh: những yếu tố nguy cơ và ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và bé Thứ Sáu, 12/07/2024, 00:00
- Trầm cảm sau sinh: Bóng ma vô hình của những người mẹ Thứ Năm, 11/07/2024, 00:00
- Ảnh hưởng của rượu đối thai nhi Thứ Ba, 09/07/2024, 00:00
- Tăng bao nhiêu cân trong thai kỳ là hợp lý? Chủ Nhật, 23/06/2024, 00:00
- Vai trò của chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai Thứ Bẩy, 22/06/2024, 00:00
- Có thể có thai từ quan hệ tình dục qua đường hậu môn không? Thứ Năm, 06/06/2024, 00:00
- Phụ nữ cần chuẩn bị sức khỏe trước khi mang thai Thứ Ba, 07/05/2024, 00:00
- Bà bầu có thể làm gì để sinh thường? 6 lời khuyên cần thiết cho tam cá nguyệt thứ ba Thứ Sáu, 03/05/2024, 00:00
- Cách đối phó với sự lo âu khi mang thai Thứ Sáu, 15/03/2024, 13:00
Các tin khác
- Thai chết lưu - Triệu chứng và hướng xử trí, dự phòng Thứ Sáu, 13/06/2014, 00:00
- Thai chết lưu - Nguyên nhân và ảnh hưởng Thứ Năm, 12/06/2014, 00:00
- Chửa trứng Thứ Tư, 11/06/2014, 00:00
- Sẩy thai liên tiếp - Nguyên nhân và điều trị Thứ Hai, 09/06/2014, 00:00
- Bệnh tiểu đường và thai nghén Thứ Ba, 03/06/2014, 00:00
- Bệnh cúm và phụ nữ mang thai Thứ Sáu, 23/05/2014, 00:00
- Quan hệ tình dục khi mang thai Thứ Tư, 21/05/2014, 00:00
- Những dấu hiệu cho thấy bạn có thai Thứ Tư, 07/05/2014, 00:00
- Quan hệ tình dục ở phụ nữ trong thời kỳ có thai Thứ Bẩy, 03/05/2014, 00:00
- Cách tính tuổi thai thông thường và của bác sỹ Thứ Hai, 21/04/2014, 00:00
- Lựa chọn thời điểm thụ thai và sinh nở Thứ Ba, 08/04/2014, 00:00
- Sự phát triển của bào thai Thứ Tư, 12/03/2014, 00:00