Ảnh hưởng của rượu đối thai nhi Thứ Ba, 09/07/2024, 00:00
(Ảnh: internet)
Người mẹ uống rượu khi mang thai có ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như gây sảy thai, thai chết lưu; hoặc tình trạng bất thường về thể chất, hành vi, nhận thức ở trẻ sau khi sinh. Tình trạng bất thường này được gọi là rối loạn phổ rượu ở thai nhi (Alcohol Spectrum Disorders - FASD) do thai nhi tiếp xúc với rượu khi còn ở trong bụng mẹ. Các bạn cùng Tâm sự bạn trẻ tìm hiểu về hội chứng này nhé!
Nhiễm độc rượu thai nhi ở Việt Nam và nguy cơ tiềm ẩn
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến năm 2025, Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành nước tiêu thụ rượu lớn nhất trong số tất cả các nước châu Á và lớn thứ 25 trên thế giới. Mặc dù đây có vẻ là một thành tựu kinh tế ấn tượng nhưng nó lại gây ra những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng, bao gồm các bệnh về gan, bệnh tim và ung thư. Hơn nữa, cũng có một số hậu quả dễ bị bỏ qua ở phụ nữ mang thai.
Mặc dù không có số liệu thống kê đáng tin cậy về mức độ phổ biến của hội chứng FASD ở Việt Nam, nhưng ở các nước châu Âu như Croatia, Ireland, Ý và Belarus có tỷ lệ phổ biến FASD cao nhất trên thế giới, trung bình 45,35 trên 1000 người. Theo một nghiên cứu được Viện Quốc gia về Lạm dụng Rượu và Nghiện rượu (NIAAA) hỗ trợ công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 1% đến 5% học sinh lớp một ở Hoa Kỳ mắc FASD.
Tính trên mức tiêu thụ rượu của các quốc gia thì nguy cơ tiềm ẩn gây FASD cần được chú ý. Trong khi Croatia, quốc gia châu Âu có tỷ lệ mắc FASD cao nhất, có mức tiêu thụ rượu bình quân đầu người là 8,9 thì Việt Nam là 8,3. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải thừa nhận rằng sự khác biệt về các yếu tố sinh học, môi trường và văn hóa có thể đóng vai trò làm giảm sự đáng tin cậy của dự đoán và các nghiên cứu trong tương lai có thể xem xét về tỷ lệ mắc FASD có tương ứng với mức tiêu thụ rượu hay không.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020)
Theo thống kê từ Báo cáo toàn cầu năm 2018 cho thấy mức tiêu thụ rượu bia bình quân/người trưởng thành quy đổi ra cồn nguyên chất đã tăng từ 3,8 lít/người (2005) lên 8,3 lít năm 2018 (cao hơn mức trung bình của thế giới là 6,4 lít). Theo điều tra sức khỏe học sinh trường học 2019, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nam trẻ vị thành niên (13-17 tuổi) là 24,6% (giảm so với 33,2% năm 2013) và ở nữ là 20% (tăng so với 17,6% năm 2013). Trong số đó, tỷ lệ đã từng uống say ở cả vị thành niên nam và nữ đều ở mức cao với 22,1% ở nam và 19,3% ở nữ. Theo Điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2021, tỷ lệ nam giới Việt Nam uống rượu bia rất cao (64% nam giới và 10% nữ giới hiện có uống rượu bia 30 ngày qua) |
Rối loạn phổ rượu ở thai nhi là gì?
Rối loạn phổ rượu ở thai nhi (FASD) đề cập đến nhiều loại khiếm khuyết về thể chất, hành vi và nhận thức xảy ra do tiếp xúc với rượu trước khi sinh. Những khiếm khuyết này có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong thời thơ ấu và kéo dài suốt đời. Các chứng bệnh có mức độ nghiêm trọng khác nhau, trong đó hội chứng rượu bào thai (Fetal Alcohol Syndrome - FAS) là loại nghiêm trọng nhất.
Tùy thuộc vào các đặc điểm được xác định, các rối loạn được phân loại là FASD, bao gồm:
- Hội chứng rượu bào thai
- Hội chứng rượu bào thai một phần
- Rối loạn phát triển thần kinh liên quan đến rượu
- Các dị tật bẩm sinh liên quan đến rượu
- Rối loạn thần kinh hành vi liên quan đến việc tiếp xúc với rượu trước khi sinh
Nguyên nhân
Tiếp xúc với rượu trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến FASD do rượu tác động vào sự phát triển não bộ của em bé và các cơ quan quan trọng khác cũng như các chức năng sinh lý. Điều này có thể dẫn đến những khiếm khuyết ở trẻ sau khi sinh. Rượu có thể phá vỡ sự phát triển ở bất kỳ giai đoạn nào, ngay cả trước khi người phụ nữ biết rằng mình mang thai.
Nghiên cứu cho thấy việc uống rượu quá độ và uống nhiều rượu trong thời kỳ mang thai khiến thai nhi có nguy cơ gặp phải các vấn đề nghiêm trọng cao nhất. Tuy nhiên, ngay cả lượng ít hơn cũng có thể gây hại. Và trên thực tế, không có lượng rượu tiêu thụ nào là an toàn được biết đến trong thời kỳ mang thai.
Bất kỳ chất nào có chứa các chất gây dị tật thai nhi (kể cả rượu) đều có thể làm tăng nguy cơ mắc các triệu chứng tương tự ở trẻ sơ sinh.
Chất gây dị tật thai nhi là gì?
Chất gây dị tật thai nhi (teratogen) là bất kỳ tác nhân nào làm gián đoạn sự phát triển của thai nhi khi phụ nữ tiếp xúc với các chất này trong thời kỳ mang thai. Các chất này bao gồm rượu, thuốc lá, hóa chất độc hại, chất phóng xạ, ma túy, một số loại thuốc kê đơn. Một số tình trạng sức khỏe của bà mẹ như bị mắc các bệnh do vi khuẩn hoặc vi rút (mụn rộp, giang mai, rubella, cytomegalovirus - CMV, herpes, varicella zoster,...) hoặc sử dụng các sản phẩm hàng ngày cũng có thể chứa teratogens (một số loại cá có hàm lượng thủy ngân cao, chứa chì,...). Việc tiếp xúc với những chất này có thể dẫn đến những đặc điểm tương tự như trong FASD.
Ảnh hưởng liên quan đến mẹ
- Thai chết lưu (sảy thai vào khoảng tuần thứ 20 của thai kỳ)
- Nguy cơ sảy thai cao hơn
- Sinh non và sinh muộn
Ảnh hưởng đến thai nhi
Mặc dù các chất gây dị tật thai nhi ít ảnh hưởng đến cơ thể người mẹ nhưng chúng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thai nhi. Tiếp xúc với rượu trước khi sinh và sự liên quan đến hệ thần kinh trung ương là những yếu tố phổ biến đối với các rối loạn bao gồm FASD. Các khuyết tật có thể là về mặt cấu trúc (ví dụ, kích thước não nhỏ, thay đổi ở các vùng não cụ thể) hoặc chức năng (ví dụ, khiếm khuyết về nhận thức và hành vi, các vấn đề về vận động và phối hợp).
Các dị tật về thể chất do FASD:
- Môi trên mỏng
- Nhân trung mịn (không có đường gờ giữa môi trên và mũi)
- Mặt giữa phẳng
- Mũi trên thấp
- Mở mắt ngang nhỏ
- Đầu nhỏ
- Cân nặng khi sinh thấp
Các khuyết tật hành vi do FASD:
- Hành vi hiếu động
- Khó tập trung
- Vấn đề ghi nhớ
Các rối loạn tâm lý do FASD:
- Hành vi ám ảnh cưỡng chế (Obsessive Compulsive Behaviors - OCD)
- Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention Deficit Hyperactive Disorders - ADHD)
- Rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorders - ASD)
- Suy giảm trí tuệ.
Những người mắc FASD có thể gặp khó khăn trong các lĩnh vực sau:
- Học tập và trí nhớ
- Hiểu và làm theo hướng dẫn
- Chuyển sự chú ý giữa các nhiệm vụ
- Kiểm soát cảm xúc và sự bốc đồng
- Giao tiếp và phát triển kỹ năng xã hội
- Trải qua trầm cảm và lo âu
- Thực hiện các kỹ năng sống hàng ngày, bao gồm ăn uống, tắm rửa, đếm tiền, xem giờ và chú ý đến an toàn cá nhân
Rối loạn do rượu ở thai nhi được chẩn đoán như thế nào?
Việc xác định sớm FASD rất quan trọng đối với sức khỏe của những cá nhân bị ảnh hưởng bởi việc tiếp xúc với rượu trước khi sinh và gia đình của trẻ. Việc xác định sớm có thể tối đa hóa sự giúp đỡ trong việc điều trị FASD và xây dựng mạng lưới hỗ trợ với những cá nhân và gia đình khác bị ảnh hưởng bởi FASD.
Tuy nhiên, FASD thường không được chẩn đoán hoặc chẩn đoán sai. Điều này có thể là do, một phần, thiếu thông tin về việc tiếp xúc với rượu trước khi sinh hoặc khó phân biệt FASD với các rối loạn phát triển khác có thể có các triệu chứng nhận thức hoặc hành vi tương tự.
Việc sàng lọc toàn diện tình trạng phơi nhiễm rượu trước khi sinh đối với tất cả trẻ em là rất quan trọng. Chẩn đoán FASD có thể bao gồm bằng chứng về các vấn đề về hệ thần kinh trung ương (các bất thường về thể chất, như chậm phát triển, dị tật cụ thể trên khuôn mặt), các vấn đề về sức khỏe tâm thần và tình trạng phơi nhiễm rượu trước khi sinh được ghi nhận.
Những biện pháp can thiệp hoặc điều trị nào dành cho chứng rối loạn do rượu ở thai nhi?
Hiện tại không có phương pháp điều trị nào có thể chữa khỏi FASD. Tuy nhiên, can thiệp sớm có thể làm giảm bớt mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng FASD trong suốt quá trình phát triển của trẻ.
Có nhiều cách tiếp cận khác nhau có thể giúp làm giảm các triệu chứng của FASD và giảm tác động lên những cá nhân bị ảnh hưởng và gia đình của trẻ. Những cách tiếp cận này bao gồm giáo dục và can thiệp hành vi cho những cá nhân mắc FASD và người chăm sóc họ cũng như thuốc men, hỗ trợ xã hội, quản lý ca bệnh và các dịch vụ khác cho trẻ em và người lớn mắc FASD. Tuy nhiên các biện pháp can thiệp mới đang được phát triển và đánh giá. Một số biện pháp như:
- Thực phẩm bổ sung dinh dưỡng trước khi sinh cho phụ nữ mang thai và thực phẩm bổ sung sau khi sinh cho con của họ
- Thực hiện liệu pháp hành vi nhận thức để giải quyết sự thiếu hụt nhận thức, cải thiện nhận thức, kỹ năng sống hàng ngày và hành vi bốc đồng.
- Các phương pháp tiếp cận dựa trên trường học tập trung vào các chiến lược giảng dạy chuyên biệt.
- Các ứng dụng sức khỏe di động và các biện pháp can thiệp khác hỗ trợ gia đình và người chăm sóc trong việc chăm sóc trẻ em mắc FASD
- Sử dụng thuốc để hạn chế sự suy giảm trí tuệ.
Phòng ngừa
Rối loạn phổ rượu ở thai nhi là một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng với những hậu quả lâu dài đối với trẻ em và xã hội. Việc nâng cao nhận thức, giáo dục và phòng ngừa là cần thiết để bảo vệ thế hệ tương lai khỏi những tác động tiêu cực của rượu.
Nếu một cá nhân không tiếp xúc với rượu trước khi sinh, họ sẽ không bị FASD. Có rất nhiều trường hợp mang thai là không có kế hoạch, nên các các chuyên gia khuyến cáo rằng những phụ nữ đang mang thai, có thể đang mang thai hoặc đang nghĩ đến việc mang thai không nên uống rượu.
Hãy cùng chung tay xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh và an toàn cho mọi trẻ em.
Wynn Su - Vi Lan tổng hợp và lược dịch
Tài liệu tham khảo
- https://agriculture.canada.ca/en/international-trade/market-intelligence/reports/wine-beer-and-spirits-vietnam#
- https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/alcohol#:~:text=Health%20risks%20of%20alcohol%20use&text=Drinking%20alcohol%20disorders.
- https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15677-fetal-alcohol-syndrome
- https://www.uhn.ca/PatientsFamilies/Health_Information/Health_Topics/Documents/Obsessive_Compulsive_Disorder_Vietnamese.pdf
- https://www.rcpsych.ac.uk/mental-health/translations/vietnamese/adhd-in-adults
- https://www.positivepartnerships.com.au/uploads/PDF-files/What-is-Autism_Vietnamese-autism-positive-partnerships.pdf
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/fetal-alcohol-syndrome/symptoms-causes/syc-20352901
- https://www.niaaa.nih.gov/publications/brochures-and-fact-sheets/understanding-fetal-alcohol-spectrum-disorders
- https://www.verywellhealth.com/teratogens-5118058
- https://www.nature.com/articles/s41572-023-00420-x#:~:text=In%20terms%20of%20individual%20countries,cases%20of%20FASD25%2C48.
- https://www.nofasd.org.au/fasd-faq/
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Trầm cảm sau sinh: Làm thế nào để dự phòng và can thiệp? Thứ Bẩy, 13/07/2024, 00:00
- Trầm cảm sau sinh: những yếu tố nguy cơ và ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và bé Thứ Sáu, 12/07/2024, 00:00
- Trầm cảm sau sinh: Bóng ma vô hình của những người mẹ Thứ Năm, 11/07/2024, 00:00
Các tin khác
- Tăng bao nhiêu cân trong thai kỳ là hợp lý? Chủ Nhật, 23/06/2024, 00:00
- Vai trò của chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai Thứ Bẩy, 22/06/2024, 00:00
- Có thể có thai từ quan hệ tình dục qua đường hậu môn không? Thứ Năm, 06/06/2024, 00:00
- Phụ nữ cần chuẩn bị sức khỏe trước khi mang thai Thứ Ba, 07/05/2024, 00:00
- Bà bầu có thể làm gì để sinh thường? 6 lời khuyên cần thiết cho tam cá nguyệt thứ ba Thứ Sáu, 03/05/2024, 00:00
- Cách đối phó với sự lo âu khi mang thai Thứ Sáu, 15/03/2024, 13:00
- Mang thai ở tuổi vị thành niên và những hậu quả Chủ Nhật, 28/01/2024, 00:00
- 9 tâm lý phổ biến khi bầu 3 tháng đầu Thứ Ba, 23/01/2024, 00:00
- Mang thai là một sự kiện có thể thay đổi tâm lý phụ nữ Thứ Ba, 16/01/2024, 23:00
- Khám phá cách tính tuổi thai nhi, ngày dự sinh chính xác của bác sĩ sản khoa Thứ Hai, 19/09/2022, 16:00
- CẨM NANG CHĂM SÓC MẸ VÀ BÉ SAU SINH TẠI NHÀ Thứ Sáu, 12/08/2022, 17:00
- Sức khoẻ răng miệng khi có thai Thứ Bẩy, 02/08/2014, 00:00