Châu Á chỉ đứng sau châu Phi về số ca nhiễm HIV/AIDS Thứ Bẩy, 10/06/2006, 16:25
Bác sĩ Peter Piot, chủ tịch UNAIDS, trong một trả lời phỏng vấn với hãng AP đã nhận định: “Tôi không nghĩ đại dịch ở châu Á sẽ phát triển theo cách giống ở châu Phi – châu lục với một số khu vực có tới 1/3 dân số nhiễm căn bệnh thế kỷ. Nhưng sẽ có một tốc độ phát triển ổn định tuy chậm và với mẫu số chung về dân số đó, số bệnh nhân sẽ rất bất ngờ”.
Theo ước tính của UNAIDS – cơ quan của LHQ dẫn đầu cuộc chiến chống AIDS toàn cầu, năm ngoái tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã có 8.3 triệu người nhiễm virus HIV và gần 85% trong số bệnh nhân này không được tiếp cận với công tác điều trị.
Chúng ta biết rằng HIV/AIDS là căn bệnh lần đầu tiên được phát hiện và định nghĩa ở Mỹ trong một công bố của giới chức y tế ngày 5/6/1981, từ đó căn bệnh nhanh chóng lây lan toàn thế giới.
Ở châu Á, với một dân số di động, đa dạng, đông đảo đã góp phần làm lây lan rộng virus HIV mà khởi đầu kênh lây nhiễm là qua quan hệ tình dục không an toàn và dùng bơm kim tiêm bẩn.
Thoạt tiên, đại dịch phá huỷ ngành kinh doanh mại dâm đầy tai tiếng của Thái Lan, sau đó “thăm viếng” tới hàng triệu người dân Ấn Độ và Việt Nam, đẩy những quốc gia này tới bên bờ vực của bùng nổ đại dịch.
Theo những số liệu mới nhất của UNAIDS thì Ấn Độ hiện có nhiều người nhiễm HIV/AIDS hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới. Năm ngoái, ước tính quốc gia này có 5.7 triệu bệnh nhân, trong số đó, có tới hơn 2/3 số bệnh nhân này thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ở một đất nước có hơn 1 tỉ dân, con số bệnh nhân co lại với một tỉ lệ rất nhỏ: 0,9% bệnh nhân trưởng thành, trong khi đó, ở Nam Phi có gần 19%. Với tỉ lệ lây nhiễm tưởng như “nhỏ” này, nguy cơ đại dịch bị lãng quên do chủ quan, phớt lờ là có thật.
Bác sĩ Shigeru Omi, giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới của LHQ nói: “Vì tỉ lệ phần trăm bệnh nhân rất thấp này mà dường như vấn đề đại dịc chưa trở thành mối quan tâm hàng đầu với các chính trị gia cũng như với những người dân thường”.
Đại dịch thế kỷ ở Ấn Độ chủ yếu lan rộng do tình trạng quan hệ tình dục khác giới - chủ yếu là vì gái mại dâm cũng như khách mua dâm không dùng bao cao su.
Ở miền nam của quốc gia vùng Đông Á này, một báo cáo gần đây đã phát hiện, các chiến dịch phòng bệnh dành cho gái mại dâm đã giảm được 35% số ca nhiễm bệnh trong độ tuổi từ 15 đến 24.
Tuy nhiên, theo ông Prabhat Jha, một trong những tác giả của nghiên cứu nói trên thuộc đại học Toronto và cũng là người đã dành hàng thập kỷ nghiên cứu về AIDS ở Ấn Độ, vẫn còn quá ít tín hiệu tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh ở khu vực đông dân miền Bắc hoặc vùng đông bắc vốn nổi danh vì nạn thuốc phiện.
Ông Jha nói: “Điều đó là quá sớm và không ai muốn bị cuốn theo sự huỷ diệt tất cả vì miền bắc chiếm tới 70% dân số cả nước. Nếu nó bùng nổ, bạn có thể tưởng tượng được những gì sẽ xảy ra”.
Chị Chandi Sayeed, năm nay 39 tuổi, đang làm việc tại một vùng nổi tiếng về kinh doanh nhà thổ của Bombay cho biết, cô bị bán vào nhà thổ năm 16 tuổi và khi đó cô đã là mẹ của hai đứa trẻ.
Cô nói: “Vấn đề là ở chỗ, hầu hết phụ nữ đều không dùng bao cao su trong quan hệ với chồng hoặc với những bạn tình của họ. Họ chỉ dùng bao cao su với những khách hàng không thường xuyên.
Họ bảo, làm thế nào chúng ta có thể dùng bao cao su với những người chúng ta yêu thương? Nhưng có lẽ đã đến lúc phụ nữ phải nghĩ đến những đứa con và gia đình họ trước tiên”.
Một điểm nóng khác của đại dịch là quốc gia Papua New Guinea, đất nước có chung đảo phía bắc Australia với tỉnh Papua ở cực đông của Indonesia.
Quốc gia với 5.7 triệu dân này đang bị đại dịch tấn công cùng với những bất ổn về chính trị, nạn đói nghèo và bạo lực tình dục quá khích, xâm hại phụ nữ. Đây là nước có tỉ lệ lây nhiễm ở người trưởng thành cao nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương với 1.8%, thế nhưng, ở đây vẫn thiếu vắng quyết tâm chính trị trong giải quyết vấn đề này.
Ông Omi nói: “Papua New Guinea đang ở trong một tình trạng cực kỳ nghiêm trọng. Quốc gia này cần những quan tâm đặc biệt hơn, nếu không rất có khả năng Papua New Guinea sẽ trở thành một châu Phi thứ hai trong tương lai”.
Ở Trung Quốc, bức tranh về đại dịch AIDS vẫn có chút gì đó chưa rõ ràng. Nhưng chỉ với khoảng 1.3 tỉ người hiện nay, đại dịch đã đủ khiến các chuyên gia mất ăn mất ngủ.
Vào tháng giêng năm nay, Trung Quốc và LHQ đã giảm thiểu được tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS với khoảng 650,000 người nhiễm bệnh trong năm 2005, trong khi đó, một dự án nghiên cứu trước đó công bố có gần 200,000 người bệnh trên cả nước.
Các đối tượng tiêm chích ma tuý chiếm gần một nửa số ca nhiễm bệnh ở Trung Quốc. Với hơn một tỉ dân, Trung Quốc đã từng bị lên án vì giải quyết đại dịch quá chậm chạp.
Đại dịch HIV/AIDS bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc trong thời gian đầu của những năm 1990 khi các nông dân nảy sinh tình trạng bán huyết tương máu để kiếm thêm.
Các nhà hoạt động AIDS và những người nhiễm virus HIV đã luôn bị quấy rối liên tục, nhưng các lãnh đạo “chóp bu” cuối cùng đã phải thừa nhận với công chúng về sự tồn tại của đại dịch.
Vào cuối năm 2004, người ta đã chụp ảnh cảnh tổng thống Hu Jintao bắt tay với Zhang Hulin, một người nhiễm HIV được phát hiện bệnh từ năm 1997.
Đó được coi là một bước tiến lớn trong chính quyền cộng sản, nhưng theo như Zhang cho biết thì bản thân anh và gia đình còn phải chịu đựng sự kỳ thị và phân biệt đối xử lớn hơn sau khi các bức ảnh đó được công bố.
Đến bây giờ, Zhang vẫn hy vọng nhân loại sẽ sớm tìm ra liệu pháp chữa trị căn bệnh thế kỷ.
Zhang nói: “Đó alf một trong những bệnh dịch mà cả thế giới quan tâm và cùng đổ tâm sức nghiên cứu. Vì thế có thể người ta sẽ diệt trừ được nó, nhưng cũng khó có thể khẳng định được gì”.
Ở Việt Nam, phần lớn đối tượng lây nhiễm HIV/AIDS là gái mại dâm và những người tiêm chích ma tuý. Theo ông Omi, virus đã lây lan sang tất cả các tỉnh và thành phố, với Việt Nam, đại dịch đang ở giai đoạn khủng hoảng.
Cùng với những chiến dịch phòng bệnh, họ có thể đẩy lùi được đại dịch. Nhưng nếu thất bại, họ có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng đại dịch lây nhiễm rộng sang cộng đồng nói chung”.
Việt Nam là quốc gia châu Á duy nhất trong số 15 quốc gia được chọn giao quỹ phòng chống HIV/AIDS khẩn cấp theo dự án trị giá 15 tỉ đô la Mỹ của Washington.
Trái lại với Việt Nam, Thái Lan và Cam pu chia lại được hoan nghênh như hai điểm sáng ở châu Á.
Cả hai quốc gia này đều có tỉ lệ lây nhiễm ở người trưởng thành trên 1.4%, nhưng chính phủ hai nước đã có thể đảo ngược được tình hình đại dịch bằng cách khuyến khích sử dụng bao cao su 100% với gái mại dâm đang hoạt động tại các nhà thổ.
Tuy nhiên, theo cô Jeanine Bardon, giám đốc khu vực của tổ chức Family Health International có trụ sợ đặt tại Mỹ, cả hai nước này phải có những xác định lại và làm mới những chiến dịch phòng chống dịch bệnh của họ.
Xu hướng bệnh dịch đã thay đổi và virus HIV giờ đây lại tìm đến nhiều nhóm có nguy cơ mới, bao gồm những nam giới có quan hệ tình dục đồng tính; những thanh niên có quan hệ tình dục với nhiều bạn tình; các đối tượng tiêm chích ma tuý, những người vợ có chồng thường xuyên quan hệ tình dục ngoài hôn nhân.
Cô Jeanine Bardon nói: “Đại dịch không chỉ còn đe doạ với gái mại dâm và khách mua dâm như trước nữa. Giờ đây nó phức tạp hơn nhiều. Các ca lây nhiễm mới hiện đang nảy sinh giữa các đối tượng nam giới nhiễm bệnh từ gái mại dâm trong những năm 90 của thế kỷ trước và lây truyền sang vợ của họ”.
Trẻ em chính là những nạn nhân chịu nhiều bi kịch nhất của đại dịch thế kỷ. Theo ước tính của UNAIDS, năm 2004 đã có 1.5 triệu trẻ em rơi vào cảnh mồ côi vì đại dịch AIDS ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương với ơn 120,000 em trong số đó đã nhiễm bệnh.
Ông Joseph Maier (còn được gọi là Cha Joe), một linh mục thiên chúa giáo đang điều hành trung tâm trẻ mồ côi Mercy Center cũng là trường học và bệnh viên ở khu nhà ổ chuột Bangkok, cho rằng, rất thường xuyên những em nhỏ như thế bị bỏ rơi.
Ông Maier nói: “Không ai đả động tới các em. Tại sao chúng ta lại không nhận nuôi những đứa trẻ này? Không ai nói về điều đó. Những đứa trẻ này rất thông minh, chúng sẽ là những thiên tài, sẽ có những nhà thơ trưởng thành từ các em”.
Thái Lan đã phổ biến tạo thuận lợi hơn với các loại thuốc kháng virus giá rẻ, điều này giúp kéo dài thời gian sống nhưng lại không giảm được những kỳ thị và phân biệt đối xử với người bệnh.
Ông Maier nói: “Chúng tôi thường đi dạo xung quanh tất cả những ngôi trường trong khu vực này và cho họ biết, chúng tôi đang có một vài trẻ em nhiễm HIV/AIDS, chúng tôi mong muốn họ sẽ nhận các em vào học. Nhưng tất cả đều từ chối”.
Theo cô Bardon, nếu không thêm những động thái đáng kể được thực hiện nhằm chống lại đại dịch HIV/AIDS, châu Á có khả năng sẽ “vượt mặt” châu Phi – khu vực hiện có 25.8 triệu bệnh nhân – về số trường hợp nhiễm virus HIV.
Bi kịch vì thế mà cũng sẽ lớn hơn rất nhiều vì ngày nay người dân đã biết cách phòng ngừa bệnh dịch.
Cô nói: “Chúng ta sẽ mất cơ hội rất lớn để có thể ngăn chặn hàng nghìn ca lây nhiễm và sau đó là cứu sống hàng triệu người. Đó không phải là vì chúng ta không biết chúng ta đang làm gì”.
Dương Kim Thoa (Theo topix.net)
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
Các tin khác
- Mọi người dân đều nên tư vấn, xét nghiệm HIV Thứ Sáu, 02/06/2006, 19:23
- Lá thư chưa gửi Thứ Tư, 17/05/2006, 08:23
- Quảng Ninh - Gói quà tết trị giá 23,000 làm đảo lộn cuộc sống của người có HIV Thứ Sáu, 27/01/2006, 10:04
- Dạy tiếng Anh cho người sống chung với HIV/AIDS Thứ Hai, 23/01/2006, 11:39
- Chống AIDS bằng... sữa chua Thứ Sáu, 20/01/2006, 14:19
- Mỹ hỗ trợ VN điều trị bệnh nhân HIV/AIDS Thứ Năm, 19/01/2006, 16:57
- Mở rộng chương trình giảm giá thuốc phòng chống AIDS Thứ Ba, 17/01/2006, 19:55
- Phát hành cuốn sách về người phụ nữ nhiễm HIV ở Botswana Thứ Sáu, 30/12/2005, 11:52
- HIV ''gõ cửa'' vùng Cùa... Thứ Tư, 28/12/2005, 11:40
- Chị cần một mái nhà Thứ Năm, 22/12/2005, 17:23
- HIV kháng thuốc điều trị Thứ Tư, 21/12/2005, 15:50
- Thuốc đặc trị mới_ New ARV Thứ Hai, 19/12/2005, 16:31