Cắt bỏ buồng trứng ảnh hưởng gì tới sức khỏe sinh sản - tình dục? Thứ Hai, 29/04/2024, 00:00
Buồng trứng có chức năng như thế nào? Nguyên nhân gì phải cắt bỏ buồng trứng? Ảnh hưởng của việc cắt bỏ buồng trứng tới cơ thể là gì? Các bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau
1. Chức năng của buồng trứng
Buồng trứng có hai chức năng chính là chức năng ngoại tiết sản sinh trứng và chức năng nội tiết là tiết ra các hormone giúp người phụ nữ phát triển và duy trì giới tính nữ, ham muốn tình dục.
- Estrogen giúp hình thành và duy trì các đặc tính sinh dục nữ khi bước sang tuổi dậy thì; tác động lên tử cung, cổ tử cung, vòi trứng nhằm giúp trứng đã thụ tinh dễ dàng di chuyển vào buồng tử cung. Estrogen cũng tác động lên tuyến vú, âm đạo, hệ thống xương.
- Progesterone tạo sự chuẩn bị cho tử cung mang thai, và tiết sữa ở tuyến vú. Các chức năng của progesterone cùng với estrogen làm thúc đẩy những thay đổi của nội mạc tử cung trong một chu kỳ kinh nguyệt.
2. Các trường hợp được khuyến cáo chỉ định cắt bỏ buồng trứng
- Các chuyên gia y tế khuyến cáo việc cắt bỏ buồng trứng nên được tiến hành ở phụ nữ có nguy cơ cao bị ung thư buồng trứng do đột biến di truyền gen. Đối với trường hợp này, lợi ích của việc ngăn ngừa ung thư buồng trứng lớn hơn nguy cơ biến chứng lâu dài của việc cắt bỏ buồng trứng.
- Ngoài ra, phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng cũng có thể được chỉ định trong các trường hợp sau: áp xe, khối u buồng trứng, lạc nội mạc tử cung tại buồng trứng, xoắn gây hoại tử buồng trứng, giảm nguy cơ ở những người có nguy cơ cao ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú.
Tùy từng trường hợp bệnh lý, việc chỉ định cắt bỏ buồng trứng được thực hiện cắt một bên hoặc cả hai bên.
3. Các ảnh hưởng của việc cắt bỏ buồng trứng là gì?
Cắt bỏ buồng trứng là một thủ thuật tương đối an toàn. Tuy nhiên, sau khi cắt bỏ buồng trứng, người phụ nữ có thể gặp một số ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe như sau:
3.1. Giảm nồng độ nội tiết tố:
- Nếu chỉ cắt một bên buồng trứng thì bên buồng trứng còn lại vẫn có thể duy trì hoạt động tiết hormone và do đó vẫn có kinh nguyệt hàng tháng. Theo các chuyên gia y tế, việc còn một bên buồng trứng là đủ để tránh những thay đổi về khả năng sinh sản và chức năng nội tiết tố, nhờ đó có thể tránh những rủi ro sức khỏe của thời kỳ mãn kinh sớm và thậm chí vẫn có thể mang thai.
- Nếu phải cắt bỏ cả hai buồng trứng, lượng estrogen, progesteron và testosteron trong cơ thể sẽ giảm đáng kể. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, loãng xương, sa sút trí tuệ và tử vong. Nồng độ hormone giảm mạnh cũng có thể dẫn đến các triệu chứng giống như thời kỳ mãn kinh như khô âm đạo, khó chịu, khó ngủ, thay đổi tâm trạng, thay đổi làn da, tăng cân… và ảnh hưởng đáng kể đến tâm trạng của phụ nữ.
3.2. Ảnh hưởng đến đời sống tình dục
Sau khi cắt bỏ buồng trứng, phụ nữ thường giảm cảm giác ham muốn và giảm tiết dịch nhầy âm đạo. Mặc dù hormone duy trì ham muốn tình dục (testosterone) được sản xuất chủ yếu ở tuyến thượng thận và chỉ có một lượng nhỏ được sản xuất bởi buồng trứng, nhưng việc giảm estrogen do cắt bỏ buồng trứng có thể làm khô và teo âm đạo, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến ham muốn tình dục.
3.3. Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản
- Thực tế, mặc dù 2 buồng trứng đều có cùng chức năng sản xuất trứng và ống dẫn trứng có nhiệm vụ dẫn đường cho tinh trùng tìm đến trứng để gia tăng tỷ lệ thụ thai, nhưng cả hai lại hoạt động độc lập. Do đó, nếu cắt bỏ một bên buồng trứng thì bên còn lại vẫn có thể duy trì sức khỏe sinh sản và người phụ nữ vẫn có thể mang thai.
- Trường hợp cả hai buồng trứng bị cắt bỏ thì chức năng của buồng trứng sẽ mất đi và người phụ nữ không có khả năng thụ thai tự nhiên hay không thể tự mang thai. Nếu muốn có con, cần thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng cần lưu ý phải trữ trứng trước khi phẫu thuật hoặc phải xin trứng.
3.4. Mãn kinh sớm và đẩy nhanh quá trình lão hóa
Việc thiếu hụt estrogen có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa ở phụ nữ. Việc cắt bỏ buồng trứng trước 45 tuổi có thể làm tăng các nguy cơ liên quan đến mãn kinh sớm. Đặc biệt, việc cắt bỏ cả hai buồng trứng sẽ đẩy phụ nữ trẻ vào thời kỳ mãn kinh ngay lập tức (không có kinh nguyệt mỗi tháng).
Không giống như mãn kinh tự nhiên diễn ra dần dần, mãn kinh do phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng khiến lượng estrogen trong cơ thể giảm đột ngột. Những tác động này có thể sẽ dữ dội hơn nếu người phụ nữ chưa bắt đầu trải qua quá trình mãn kinh tự nhiên.
3.5. Ảnh hưởng sức khỏe tâm thần
- Tăng nguy cơ bị trầm cảm: Những phụ nữ cắt bỏ buồng trứng trước khi mãn kinh có nhiều nguy cơ bị trầm cảm. Tuy nhiên, nếu được điều trị bằng estrogen sau khi cắt bỏ buồng trứng thì có thể làm giảm nguy cơ bị trầm cảm.
- Giảm trí nhớ: Những phụ nữ tiền mãn kinh bị cắt bỏ buồng trứng ở tuổi 35 trở xuống có gần gấp đôi nguy cơ phát triển chứng suy giảm nhận thức hoặc sa sút trí tuệ do sự suy giảm đột ngột nồng độ estrogen trong cơ thể làm đẩy nhanh quá trình lão hóa và ảnh hưởng tiêu cực đến trí nhớ của người bệnh.
3.6. Ảnh hưởng sức khỏe thể chất
- Gây loãng xương: Estrogen có liên quan đến chiều cao của con người. Do đó, khi buồng trứng bị cắt bỏ dẫn đến sự sụt giảm nồng độ estrogen trong cơ thể, chiều cao và mật độ xương của phụ nữ cũng có thể bị ảnh hưởng. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương và gãy xương.
- Tăng mắc bệnh tim mạch: Nghiên cứu cho thấy những phụ nữ tiền mãn kinh bị cắt bỏ buồng trứng ở tuổi 35 trở xuống có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 7 lần và nguy cơ đau tim cao hơn 8 lần.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính: Một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ dưới 46 tuổi bị cắt bỏ cả hai buồng trứng có nguy cơ cao mắc 18 bệnh mãn tính (ngoại trừ ung thư), bao gồm bệnh mạch vành, trầm cảm, viêm khớp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và loãng xương…
4. Phương pháp cắt buồng trứng và một số biện pháp hỗ trợ người bệnh sau khi cắt bỏ buồng trứng
- Phương pháp cắt bỏ buồng trứng thường được lựa chọn là phương án cuối cùng trong điều trị những vấn đề về buồng trứng, nhằm đảm bảo tính mạng cho bệnh nhân. Việc phẫu thuật cắt buồng trứng một hoặc cả hai buồng trứng thường thông qua nội soi, phẫu thuật mở hay robot. Hình thức thực hiện bằng nội soi hoặc robot thường giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn, ít đau hơn, thời gian nằm viện cũng ngắn hơn. Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sỹ lựa chọn phương pháp phù hợp.
Hình minh họa mổ nội soi u bì buồng trứng (Ảnh: internet)
- Trong một số trường hợp có khối u lành buồng trứng 2 bên, không cần cắt hai buồng trứng mà bác sĩ chỉ mổ bóc khối u, vẫn cố gắng bảo tồn mô lành của buồng trứng để duy trì chức năng nội tiết. Mô lành còn lại vẫn có thể hoạt động bù, không gây thiếu hụt về nội tiết và không ảnh hưởng đến đời sống tình dục.
- Nói chuyện với bác sĩ về việc trữ trứng trước khi phải thực hiện cắt bỏ 2 buồng trứng nếu bạn muốn có con sau này.
- Sau khi cắt bỏ buồng trứng, do hiện tượng thiếu hụt hormone sinh dục nữ có thể gây ra hiện tượng khô âm đạo, đau khi giao hợp. Để hạn chế tình trạng này có thể sử dụng những chất giúp bôi trơn thay thế khi quan hệ tình dục.
- Dùng liệu pháp hormone thay thế (HRT: hormonal replaced therapy):
Sau cắt 2 buồng trứng, liệu pháp sử dụng estrogen sau phẫu thuật nhằm cung cấp nội tiết bổ sung duy trì vóc dáng, tránh khô teo âm đạo, tránh loãng xương, duy trì ham muốn tình dục và có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh. Tuy nhiên việc sử dụng liệu pháp hormnon thay thế tương đối phức tạp, có tăng nhẹ nguy cơ ung thư vú và ung thư nội mạc tử cung, do đó người bệnh cần đến khám và được tư vấn đầy đủ lợi ich và nguy cơ với các bác sĩ chuyên khoa.
Xem thêm: Buồng trứng - những điều cần biết
TSBT tổng hợp
Nguồn: Vinmec.com; Hellobacsi.com; msdmanuals.com
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin khác
- Những điều cần biết về viêm nhiễm phụ khoa tuổi dậy thì Thứ Sáu, 12/08/2022, 18:00
- Bệnh mảng cứng dương vật Thứ Tư, 25/06/2014, 00:00
- Dị dạng sinh dục nam bẩm sinh Thứ Hai, 19/05/2014, 00:00
- Dị tật dương vật Thứ Tư, 30/04/2014, 00:00
- Những trục trặc với bao quy đầu Chủ Nhật, 20/04/2014, 00:00
- Một số dị dạng sinh dục nữ Thứ Năm, 27/03/2014, 00:00