Lúc này, hãy cùng nhau ngồi xuống thảo luận để vấn đề không đi xa hơn, hoặc nếu nó tiếp tục xuất hiện, cả hai đều đã chuẩn bị tâm lý và cách ứng phó. Đó có thể là vạch ra phạm vi, không gian cá nhân, chẳng hạn bạn không muốn bị làm phiền khi đang trong guồng quay công việc.
2. Quan sát suy nghĩ trong đầu
Nếu bạn biết mình là người dễ to tiếng, dễ mất kiểm soát khi không vui, đừng vội phân bua, tranh cãi vấn đề với người kia ngay lập tức. Nói với họ là bạn cần thời gian tĩnh lặng để suy nghĩ, bạn cần vài phút, vài tiếng, nửa ngày hoặc nhiều hơn, nhưng đừng để mối bất hòa kéo dài quá lâu. Hãy xem phim, dọn nhà, ngủ, làm bất kỳ điều gì giúp tâm trí thả lỏng, sắp xếp cảm xúc.
Hãy tự hỏi mình: Vì sao bạn phản ứng gay gắt như vậy? Do tính cách của bạn, bạn gặp chấn thương thời ấu thơ, hay người kia từng làm bạn cảm thấy bất an trước đây? Bạn có thể chọn lọc câu từ như thế nào để vẫn diễn tả đúng ý nhưng không tổn thương người kia?
Khi đã có đủ từ ngữ, bạn cần chọn thời điểm phù hợp để nói chuyện. Đừng quên nhấn mạnh rằng bạn muốn thảo luận để cả hai cùng thoải mái và sống hòa hợp hơn, chứ không phải bạn muốn hơn thua hay giành quyền kiểm soát.
3. Chia sẻ với ai đó
Một số người không giỏi tự phân tích những suy nghĩ ngổn ngang trong đầu, họ dễ bộc lộ cảm xúc hơn khi trò chuyện với ai đó. Nếu bạn là người đó, hãy nghĩ đến phương án tâm sự với người mình tin tưởng. Người này có thể là bạn chung của cả hai, nhưng điều quan trọng là họ cần ở phe trung lập, không bị ảnh hưởng bởi thiên kiến của phe nào.
Bạn có thể nói rõ trước với họ, rằng bạn cần một người để tâm sự và giúp bạn sắp xếp, hệ thống lại mọi thứ trong đầu. Điều quan trọng là, cho dù họ có khuyên bạn hay đề xuất phương án giải quyết thế nào, quyền quyết định vẫn nằm ở bạn.
4. Luyện tập lòng trắc ẩn
Tiến sĩ Steven Stosny, tác giả cuốn sách Empowered Love cho rằng, muốn giải quyết sự bất mãn, cần nhiều kiên nhẫn và lòng trắc ẩn. Để luyện tập lòng trắc ẩn, bạn nên tập đứng ở góc nhìn của đối phương và cảm nhận những điều không hay họ đang chịu đựng.
Ví dụ, một khách hàng từng tìm đến Steven và than, vợ anh sống quá tiêu cực, lúc nào cũng chăm chăm đi hạ thấp người xung quanh. Theo Steven, dùng một sự tiêu cực để soi chiếu sự tiêu cực khác chỉ khiến mọi chuyện xấu đi. Hãy thử đặt mình vào góc nhìn của cô vợ, có phải cô ấy đang tự ti, tổn thương, bị cô lập, hay bị quá tải cảm xúc hay không?
Dù đáp án thực sự là gì, bạn cũng sẽ đón nhận câu chuyện bằng một ánh nhìn bao dung hơn. Ngoài ra, mỗi khi sự tiêu cực xâm lấn, hãy thử nghĩ đến những phẩm chất tốt đẹp của người kia, và lý do mà hai người yêu nhau từ đầu.
5. Học cách thỏa hiệp
Đừng sợ phải thay đổi trong tình yêu. Sau khi nhận ra những thiếu sót của cả hai, ta cũng cần học cách điều chỉnh, thích nghi và thỏa hiệp để tìm một điểm cân bằng. Nói đơn giản, đi tìm lời giải cho câu hỏi: Điều gì là hợp lý cho cả mình và người ấy?
Ví dụ, hai bạn đã kết hôn và cùng chung sống, một ngày cả hai quyết định chuyển đến một căn hộ mới vì chi phí rẻ hơn, nội thất đẹp và gần chỗ làm của bạn, nhưng địa điểm quá xa nơi làm việc của vợ/chồng bạn. Như vậy có công bằng với họ không? Có lẽ, bạn cần thỏa hiệp và tìm một căn hộ khác.
Hãy thường xuyên để tâm đến biểu hiện, suy nghĩ của nhau để biết người kia có đang bất mãn hay không. Bởi khi thỏa hiệp, cả hai ít nhiều phải hy sinh lợi ích cá nhân.
6. Hiểu rằng mình cũng từng làm cho đối phương thất vọng
Chắc hẳn cũng có lúc bạn làm đối phương không vui, ví dụ như bạn đến trễ, bạn quên ngày kỷ niệm, bạn thất hứa, hay bạn bỏ quên họ lúc họ cần bạn nhất. Hoặc khi cãi nhau, bạn vô tình lôi lỗi lầm quá khứ của đối phương ra để dày xéo họ. Thế là, sự bất mãn từ một chiều chuyển thành hai chiều.
Khi bạn làm đối phương không vui, hoặc hiểu lầm họ, hãy cất cái tôi và sự bất mãn trong người sang một bên và đừng ngại nói xin lỗi - một lời xin lỗi chân thành. Hỏi họ nghĩ gì khi bạn làm tổn thương họ, và tìm cách bù đắp. Đối với những người ít nói lời cảm ơn hay xin lỗi, bạn có thể bù đắp bằng một cái ôm, hoặc một món quà nhỏ.