Vùng lên dưới ''ách thống trị'' của cha mẹ Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Theo hồ sơ bệnh lý của Sơn, cháu có những biểu hiện rối loạn hành vi như thích chơi trò treo cổ búp bê, chiến đấu với đồ chơi là những con vật to, hung dữ (khủng long, hổ, báo, gấu). Sơn từng trả lời cô giáo về những hành động gây rối của mình ở trường rằng: "Ai bảo mắng nên cứ thích làm như thế đấy!".
Không chỉ bệnh nhi tâm thần, nhiều trẻ chưa từng vào viện cũng có phản ứng mạnh tương tự để chống lại lời mắng nhiếc và cư xử hà khắc của người lớn. Chị Hà Thị Phương (37 tuổi, Khu tập thể Nam Đồng, Hà Nội) kể: "Cháu gái lớn nhà tôi (14 tuổi) càng lớn càng hư, nếu bị tôi kêu ca tội gì đó, lập tức cãi lại ngay bằng cách ném xuống đất bất kể thứ gì đang cầm trong tay, trước mặt tôi. Còn nếu bị bố mắng là chạy ngay vào toillet nhổ một bãi nước bọt! Chúng tôi nhiều lần đánh cháu thật đau vì tội hỗn láo, nhưng chứng nào vẫn tật ấy! Thậm chí cháu còn tuyệt thực hoặc bỏ nhà qua đêm để phản đối!".
Con trai 13 tuổi của chị Phan Thu Nga (42 tuổi, tiểu thương chợ Rồng, TP Nam Định) còn có cách phản kháng mãnh liệt hơn. Bình thường cháu rất ngoan nhưng khi bị mắng, bị ép làm việc gì đó không thích, cháu thường tự đánh mình thật đau bằng chổi, thước kẻ, giày, bút, cốc thuỷ tinh, nồi canh nóng (tự hắt vào chân) thậm chí có lần còn vớ lấy một con dao cứa thẳng vào cổ tay, ngay trước mặt cả nhà!
Theo tiến sĩ tâm lý Mai Thị Kim Thanh (Khoa Xã hội học, ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội), sở dĩ nhiều trẻ (nhất là ở các đô thị) có những phản ứng khó chấp nhận như vậy phần lớn là do cư xử "chưa ổn" của bố mẹ và người thân trong gia đình. Trước những hành động, lời nói, ứng xử thiếu tôn trọng của người lớn, trẻ bị những sang trấn tinh thần, luôn sống trong tâm trạng bạo hành, dẫn đến hành vi chống đối (còn gọi là biểu hiện rối loạn hành vi).
Hãi mắng chửi, sợ đòn roi
TS.Thanh còn nhớ lời tâm sự của một cháu trai 14 tuổi ở Hà Nội: "Bố cháu ghê lắm, cái gì cũng đúng và bắt cả nhà phải làm theo. Không làm hoặc làm chậm là ông ấy đánh luôn, vớ bất cứ cái gì để đánh, vào bất kỳ chỗ nào".
Hoặc lời kêu cứu của một cháu trai (11 tuổi, học sinh lớp 5, Q.Hoàn Kiếm, HN): "Cháu học bán trú cả ngày, tối về học, làm bài cô giao, rồi rèn 1 trang tiếng Anh bố mẹ giao mới được đi ngủ. Những lúc nào cháu làm nhanh và muốn làm thêm thì được bố mẹ yêu. Cháu mà mỏi và làm chậm, bố mẹ cháu đánh ngay".
Và những hình phạt không ngày nào không được thực hiện với V., một học sinh HN 16 tuổi, sống cùng mẹ và cha dượng người nước ngoài: đánh thật đau khi "chôm" đồ nhà đi cầm lấy tiền khao bạn; bắt đứng ngoài cả đêm, cho nhịn ăn khi về muộn, không cho tiền tiêu vặt, viết kiểm điểm...
Cùng tiếng khóc thổn thức của một nữ sinh trung học với Trung tâm Tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc (1, Tăng Bạt Hổ, HN): "Nhiều lúc cháu chỉ muốn bỏ nhà đi thật xa vì quá ghét bố mẹ. Ông bà ấy (bố, mẹ - NV) mở miệng ra là mày, tao, đồ vô tích sự, ngu như lợn, cút đi cho khuất mắt tao...".
"Ách thống trị" của cha mẹ với con được thể hiện khá rõ trong một nghiên cứu vừa công bố của TS. Thanh có tiêu đề Chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho trẻ em thông qua quan hệ ứng xử giữa các thành viên trong các gia đình Hà Nội hiện nay. Khi con cái mắc lỗi (theo nhìn nhận của cha mẹ), thường bị chửi, rủa, mắng át không giải thích, đánh đau để nhớ hoặc doạ cho sợ.Trong số các hình phạt dành cho trẻ, mắng nhiếc chiếm 64,9%, đánh 25,6%; các hình thức khác là 9,5%. Con cái càng lớn càng hay bị cha mẹ phạt bằng mắng nhiếc: dưới 11 tuổi là 58,2%, 12 - 13 tuổi 66,9%, 14 - 15 tuổi 72,2%.
Thực tế điều tra của TS. Thanh và đồng nghiệp tại 12 điểm đại diện các tỉnh, thành phố Trung Nam bộ trở ra cho thấy, có đến 45% trẻ cho mình thường bị cha mẹ phạt oan.
"Thương cho roi vọt" còn hợp thời?
Theo TS. Mai Thị Kim Thanh, nếu trước kia (những năm trước đổi mới), rối loạn hành vi ở trẻ em chủ yếu liên quan đến sự thoả mãn các nhu cầu cơ bản (đặc biệt là nhu cầu an toàn như ăn, mặc, ở hay trong quan hệ xã hội, giao tiếp) thì trong cơ chế thị trường, rối loạn tâm lý của trẻ thể hiện theo chiều hướng xấu hẳn.
Chứng rối loạn hành vi ở trẻ em, theo BS. Hoàng Nam (Viện Nhi Quốc gia), là hậu quả của sách báo, phim ảnh bạo lực, bạo dâm, các văn hóa phẩm đồi trụy hoặc xuất hiện do ảnh hưởng của nhóm trẻ em xấu. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu gây ra chứng bệnh này lại là môi trường gia đình nhiều xung đột của của trẻ. BS. Nam cho biết, trẻ thường bắt chước những hành vi ngược đãi, xâm phạm của cha mẹ, anh chị hay của những người lớn khác. Thái độ "giận cá chém thớt" để giải toả áp lực cuộc sống của cha mẹ cũng rất dễ gây chứng rối loạn hành vi ở con.
Một điều đáng báo động là, trong khi bệnh lý tâm thần này ngày càng trở nên phổ biến ở trẻ (nhất là trẻ vị thành niên, trẻ ở các đô thị), hầu hết phụ huynh chưa nhận thức được giá trị sức khoẻ tâm thần của con cái để tự điều chỉnh hành vi (bằng cách vừa làm cha mẹ, vừa là bạn của con). Theo nghiên cứu của TS. Thanh, có đến 47,5% số cha mẹ được hỏi nhầm lẫn sức khoẻ tâm thần với sức khoẻ thể chất; 25,8% quan niệm người bị bệnh tâm thần có những biểu hiện khác thường như bốc ăn bẩn, nói năng lung tung và chỉ 16% cho con cái chống đối gia đình là không khoẻ về tâm thần.
Tại Hội thảo Sức khoẻ thanh niên và vị thành niên (Hà Nội, 30/6), nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, trong xã hội đầy biến động, áp lực và cạnh tranh ngày nay, trẻ em không chỉ cần được nuôi khoẻ về thể chất, mà còn cần được "dưỡng" cả tinh thần. Cách cư xử hà khắc của cha mẹ sẽ không chỉ khiến gia đình đánh mất vai trò "giảm sóc" cho con, mà còn khiến trẻ thui chột tình cảm; đến một lúc nào đó từ chối chính cha mẹ các cháu.
Còn theo điều tra có tên Khảo sát hành vi có hại cho sức khoẻ và các yếu tố nguy cơ/yếu tố bảo vệ ở học sinh THPT nội thành TP.HCM do Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe và Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế TP thực hiện, có đến 21% số học sinh được khảo sát từng bỏ học, 19% uống rượu, 16% hút thuốc lá, 11% đua xe. Tỷ lệ gây rối trật tự nơi công cộng, đánh nhau có vũ khí hoặc từng có quan hệ tình dục là 6%.
Quảng Hạnh
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Hiệu ứng Zeigarnik và trí nhớ Thứ Sáu, 28/06/2024, 00:00
- Mối quan hệ toxic là gì? 5 dấu hiệu "tình yêu" độc hại Thứ Sáu, 17/05/2024, 14:00
- Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ? Thứ Sáu, 17/05/2024, 13:00
- 3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc? Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Liệu nỗi sợ và chấn thương tâm lý có thể giúp bạn sống tốt hơn? Thứ Sáu, 10/05/2024, 12:00
- Khi yêu thương đủ lớn mọi giới hạn điều được xóa nhòa Thứ Năm, 11/04/2024, 14:00
- MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH Thứ Tư, 03/04/2024, 00:00
- Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2-4): Yêu thương, thấu hiểu, đồng hành cùng trẻ tự kỷ Thứ Ba, 02/04/2024, 00:00
- 3 điều không nên kiểm soát trong cuộc sống hôn nhân Thứ Sáu, 22/03/2024, 12:00
- Những hệ luỵ khi chồng nhận xét quá thẳng thắn về bạn đời Thứ Năm, 21/03/2024, 15:00