Vì sự thay đổi tích cực luôn mang đến những điều tốt đẹp Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
tamsubantre.org -Ngày 17/10, tại khách sạn Deawoo, Thư ngỏ của 28 tổ chức nghiên cứu, các tổ chức xã hội ký tên ủng hộ về hôn nhân cùng giới đã được công bố cùng với bản kiến nghị. Đây được xem là một trong những bước đi cuối cùng trong chiến dịch ủng hộ hôn nhân cùng giới trước thềm kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII sắp diễn ra. Buổi công bố có sự tham gia của đại diện các tổ chức nghiên cứu, tổ chức xã hội (ICS, ISEE, CCIHP, CSAGA, ISDS, …) đại diện phụ huynh của những người đồng tính (PFLAG), cộng đồng người đồng tính (LGBT), các cá nhân quan tâm và vinh dự với sự góp mặt của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Không chỉ đơn thuần là gửi thư ngỏ và bản kiến nghị, những người tham dự đã cùng trải qua những cảm xúc đa chiều, từ sâu lắng, xúc động, sự vinh dự tự hào tới những tranh luận, những phản hồi, những chia sẻ ấn tượng, cương quyết. Liệu rằng trên con đường hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới: thất vọng hay thành công?
Khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Vân Anh – Đại diện các tổ chức - trân trọng phát biểu với hi vọng tiếng nói của cộng đồng và các tổ chức được lắng nghe, được ghi nhận và tạo ra sự thay đổi. Theo bà, “những sự thay đổi tích cực luôn mang đến những điều tốt đẹp, không chỉ cho riêng nhóm người nào trong xã hội”. Liệu sự thay đổi tích cực sẽ diễn ra như thế nào? Điều tốt đẹp nào sẽ đến?
Đồng quan điểm, đại diện cho các tổ chức đọc Thư ngỏ, Bà Khuất Thu Hồng – Đại diện ISDS - chỉ rõ “Kiến thức của con người về tự nhiên và xã hội dù mở ra vô cùng nhưng là hữu hạn. Những kiến thức ngày hôm qua là cũ, là sai lầm cần dũng cảm thay đổi, đó là khoa học, là tiệm cận chân lý”. Bà nhấn mạnh những lo ngại không có căn cứ về mặt khoa học khi công nhận hôn nhân cùng giới.
Bà Khuất Thu Hồng đại diện các tổ chức trình bày “Thư ngỏ” và “Kiến nghị”
Sau những lập luận khoa học, hội thảo được lắng nghe những lời chia sẻ mộc mạc nhưng cảm động, “tâm thư” của những người cha, người mẹ có con là người đồng tính. Đại diện cho cộng đồng này, bà Nguyễn Thanh Thủy (PFLAG) tâm sự “Từ những giọt nước mắt chuyển sang nụ cười như mọi người đang thấy là một quá trình”. Bà cũng mong chờ “điều kỳ diệu của các vị đại biểu Quốc hội, biến giấc mơ hôn nhân đồng giới thành hiện thực”. Đây quả là những lời tâm sự từ đáy lòng của bậc làm cha, làm mẹ yêu thương con và mong muốn làm tròn trách nhiệm của mình. Liệu rằng những giọt nước mắt đã thực sự chuyển sang nụ cười? Liệu sự chấp nhận của bà với con đã đủ? Hôn nhân đồng giới có thực sự là “điều kỳ diệu”, là “giấc mơ khó thành hiện thực” hay chỉ là quyền cơ bản chưa được chấp nhận? Ông Trần Khắc Tùng – Đại diện cộng đồng LGBT - chia sẻ những lời tâm huyết, những khát khao, những lạc quan của mình. Trong đó, ông nhấn mạnh, quyền kết hôn với người mình yêu thương là “điều hiển nhiên, hiển nhiên tới mức không nghĩ đấy là quyền của mỗi con người”. Một điều hiển nhiên như vậy nhưng với một số người lại là điều kỳ diệu, là giấc mơ, liệu có bất hợp lý?
Đại diện cho cộng đồng LGBT, chị Nguyễn Hải Yến – cán bộ nghiên cứu ICS - thể hiện sự vinh dự và tự hào của mình trong lời phát biểu. Chị vinh dự và tự hào không chỉ riêng cho cộng đồng LGBT mà còn tự hào vì sự kiện mang tính lịch sử của xã hội. Từ vị trí của chị ngồi lên phát biểu chỉ là vài bước chân nhưng với cộng động LGBT là cả một quá trình khẳng định mình, là cả một quãng thời gian các tổ chức xã hội và cộng đồng ủng hộ, cùng vận động cho những bước đi cuối cùng này. Chị cũng chia sẻ câu chuyện có thật về người bạn của mình đã không may mắn ra đi. Với người đã khuất, theo chị, “họ không thấy thanh thản, còn người sống, tương lai của họ là gì?” Một câu hỏi đặt ra ít nhiều lắng đọng trong trái tim người nghe. “Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu những điều tốt đẹp” – Chị giãi bày.
Dường như những điều tốt đẹp đã bắt đầu, những điều tích cực vẫn đang diễn ra. Như anh Trần Khắc Tùng thể hiện trong sự lạc quan của mình rằng xã hội đã thay đổi, trước đây là những tiêu cực nhưng gần đây các bài báo, cộng đồng xã hội đã phản ánh tích cực hơn. Anh cũng lạc quan bởi thành công của các chương trình gần đây, những nỗ lực của cả xã hội, mọi tầng lớp, không chỉ riêng của cộng đồng LGBT. Dù muốn hay không cuộc vận động này cũng đã và đang tác động tới toàn xã hội, điều khiến cho các Đại biểu Quốc hội phải đề cập tới mà không thể bỏ qua. Có thể nhìn thấy sức lan tỏa của chiến dịch “tôi đồng ý” với hơn 12000 người thể hiện “tôi đồng ý’ chỉ trong 3 ngày phát động. Hơn 3000 bức thư tay cũng được viết gửi Đại biểu Quốc hội. Sự hiểu biết, tôn trọng và nhận thức của cộng đồng ngày càng tăng. Việt Nam đã có các chính sách nhân văn với các nhóm yếu thế khác như người có HIV, dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Với nhóm LGBT, liệu có thể lạc quan rằng pháp luật không tước đi quyền mưu cầu hạnh phúc của họ? Anh Trần Khắc Tùng nhấn mạnh “Quyền con người không phải là sản phẩm của pháp luật và được pháp luật bảo vệ và công nhận!”
Những lời chia sẻ quý báu của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc
Hội thảo vinh dự có được sự góp mặt đặc biệt của Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc. Ông chia sẻ băn khoăn của mình là “muốn lắng nghe nhiều hơn nữa, không chỉ lắng nghe ý kiến nguyện vọng mà còn muốn lắng nghe làm thế nào để tác động đến cộng đồng còn lại”. Đi cùng với đó là một góc nhìn: Nhận thức thay đổi cần quá trình! Đồng tình với ý kiến của chị Yến, hơn một năm qua và có thể hơn thế nữa, cộng đồng LGBT nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung đã có bước tiến dài, nhưng tới nay, thời gian còn quá ngắn khi mà chỉ vài ngày nữa là tới kỳ họp Quốc hội. Ông coi đây là một “bài toán” với một “sức ép không tránh khỏi”. Dẫn lại lời trình bày của bà Khuất Thu Hồng và cô Nguyễn Thanh Thủy, quá trình để cô Thủy đi từ nước mắt tới nụ cười, quá trình để khoa học tìm ra những điều chân lý đó là cả một quá trình. Ông băn khoăn các cơ sở khoa học đấy đã có cơ sở lấy ý kiến rộng? Để biến giấc mơ thành hiện thực như cô Thủy công muốn không gì khác là phải vượt qua rào cản, đó là sự chấp nhân của cả một quốc gia, kể cả chấp nhận việc thay đổi các thuật ngữ trung tính. Đưa ra những quan điểm rất thận trọng và thực tế, ông khích lệ “chúng ta không thể lường trước những thay đổi” vì “cái đích là điều chúng ta buộc phải chấp nhận” và động viên “đường còn dài, đừng thất vọng và tuyệt vọng”. Những lời chia sẻ vô cùng quý báu!
Đồng tình với chia sẻ trên, ông Trần Tiến Đức trong phần thảo luận cũng nhấn mạnh “Tôi không phải người bi quan, nhưng tôi cũng như ông Dương Trung Quốc không nghĩ rằng trong một thời gian ngắn có thể thay đổi được 500 đại biểu Quốc hội”. Ông đồng tình rằng đây là một nỗ lực lớn, “lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có một sự huy động, quan tâm như vậy” nhưng ông cũng mong muốn nhìn ra các ý kiến của bên đồng ý là như thế nào, không đồng ý là như thế nào và chiến lược cụ thể để bác bỏ hết ý kiến lập luận không đồng ý.
Một số ý kiến của các đại biểu khác tham gia hội thảo cũng đề cập tới mong muốn tìm hiểu hướng đi trong thời gian rất ngắn tới để thể hiện sự kết nối, sự đoàn kết? Như chiến dịch “tôi đồng ý” hiện tác động tới tầng lớp thanh niên trẻ, vậy còn những người trung niên? Hay một ý kiến bất chợt “Trong những ngày Quốc hội họp, tổ chức đi bộ, phỏng vấn người dân, các đại biểu hoặc mời các đại biểu đến dự cùng…”. Tin rằng từ những ý kiến này, nhiều chương trình và sự kiện khác sẽ được diễn ra, tác động tới sâu rộng hơn và có hiệu quả hơn nữa.
Bên cạnh những ý kiến thảo luận của các vị đại biểu, các nhà khoa học, các đại diện cộng đồng, các cá nhân tham dự lắng nghe cũng có những suy nghĩ của riêng mình. Một người mẹ có con là người đồng tính, vừa lắng nghe, vừa băn khoăn nhưng vẫn luôn hi vọng. Hi vọng không chỉ đặt nơi các đại biểu Quốc hội, các tổ chức xã hội, cô mong muốn các bố mẹ như mình trước đây “nên chủ động đi tìm kiến thức, tìm chuyên gia tư vấn, khi có đủ kiến thức thì sẽ công nhận con mình. Bởi, xu hướng tính dục của con là không thay đổi, thì người thay đổi phải là các bố mẹ. Khi chấp nhận con thì sẽ giữ được con mình, nếu không, con sẽ tuột mất”.
Một bạn trọng cộng đồng LGBT chia sẻ mong muốn giản đơn “được là chính mình, mình vẫn đi học, vẫn cống hiến cho xã hội, vẫn cố gắng trở thành công nhân tốt” nhưng lại phải “mình sống 2 mặt, bên ngoài mọi người nghĩ mình là cô gái phong cách tomboy, một mặt mình sống thật với mình”. Không biết rằng đến bao giờ bạn có thể ra khỏi cuộc sống “hai mặt” đấy. Mỗi người một hoàn cảnh, nếu không đặt mình vào hoàn cảnh của người khác thì không thể hiểu được tâm tư, suy nghĩ, nguyện vọng và cả những đau khổ là như thế nào.
Các đại diện tổ chức, cộng đồng trao thư ngỏ và kiến nghị
gửi đại biểu Quốc hội qua phong bì tượng trưng
Một số ý kiến thận trọng cho rằng “luật non” thì hậu quả còn khó hơn, cần cơ sở đồng ý khi có đầy đủ hiểu biết hay “chúng ta mong muốn nhưng cái đụng là phương pháp, là bước đi, sách lược, không thể nôn nóng vì áp lực thời gian”, “nếu chỉ làm những điều chúng ta muốn mà không xem xét các điều kiện đã đủ chưa thì sẽ tăng thất vọng mà thất vọng là thất bại” hay ”có thể thất bại, trở lại là rất khó”. Một cách giải quyết được đưa ra là vì thời gian còn ngắn “không cấm là tốt rồi nhưng xem xét lại việc không thừa nhận và yêu cầu Quốc hội trả lời, cái đó thuyết phục hơn rất nhiều với việc áp đặt Quốc hội phải thế này mới là tiến bộ”. Trên quan điểm của những tổ chức xã hội, khoa học, Bà Khuất Thu Hồng cho rằng “nếu thất bại là thất bại của toàn xã hội không phải của chỉ riêng nhóm nào”. Còn ý kiến từ cộng đồng như chị Yến chia sẻ, một bạn nhỏ 13 tuổi đã viết “Tôi đã được dạy là phải làm điều đúng và tôi tin điều này là điều đúng”. Hay theo chị, “tôi yêu ai, tôi sống chung với ai không quyết đinh nhân cách của tôi như thế nào”, “đã có những diễn đàn trong nhiều năm, đây không hắn là sự thúc ép, chúng ta làm rất nhiều và cần làm nhiều hơn nữa”.
Mỗi người trên các phương diện khác nhau đều có các quan điểm riêng của mình. Dù thời gian còn lại là rất ngắn nhưng như từng có trong lịch sử, những điều kỳ diệu luôn có thể xảy ra mà không ai biết trước được. Sẽ là thành công hay thất bại? Thế nào là thành công và thế nào là thất bại? Trong cuộc vận động này, cả xã hội đã thay đổi, có những điều đã diễn ra không thể trở lại như cũ được. Những người đồng tính đã dũng cảm công khai, những bậc cha mẹ đã thừa nhận con mình, những tác động trong cộng đồng xã hội….đó đã và mãi là những thành công. Dù kết quả kỳ họp tới sẽ thế nào, tin chắc rằng thất vọng có thể có nhưng thất bại thì không. Chân lý vẫn mãi là chân lý, những điều tốt đẹp không bao giờ là muộn và truyền thống Việt Nam là trao yêu thương:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Hải Nguyên – Nga Nguyễn
Lượt xem: 3750
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chưa có nhận xét nào
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Học sinh Trường THCS Nà Phặc tham gia Cuộc thi vẽ tranh tìm hiểu về Phòng, chống tác hại thuốc lá Thứ Sáu, 31/05/2024, 00:00
- TRẠI HÈ GIÁO VIÊN HẠNH PHÚC, TRƯỜNG HỌC AN TOÀN Thứ Bẩy, 26/08/2023, 00:00
- Chuyên đề ngoại khoá "Đồng hành cùng tuổi Teen" Thứ Hai, 24/04/2023, 00:00
- Thông báo tạm nghỉ hoạt động tư vấn trực tuyến dịp nghỉ lễ Thứ Bẩy, 31/12/2022, 09:49
- Tâm sự bạn trẻ 360- Trao Tâm sự, nhận sẻ chia. Trao băn khoăn, nhận giải pháp Thứ Năm, 02/09/2021, 14:33
- Những dấu hiệu bình thường của kinh nguyệt Thứ Tư, 13/05/2020, 09:42
- TÂM SỰ BẠN TRẺ 360- LUÔN ĐỒNG HÀNH CÙNG BẠN GIỮA ĐẠI DỊCH COVID-19 Thứ Hai, 06/04/2020, 16:51
- TỰ THƯƠNG Ở VỊ THÀNH NIÊN Thứ Sáu, 23/11/2018, 12:43
- Đánh giá hoạt động tư vấn của Tâm sự bạn trẻ 360 Thứ Năm, 24/08/2017, 16:21
- TÔI TỰ TIN, BẠN CŨNG THẾ! - CẦU NỐI GIỮA GIÁO VIÊN VÀ HỌC SINH TRONG TRAO ĐỔI VỀ TÌNH DỤC Thứ Sáu, 26/05/2017, 09:00