''Vâng, tôi là người có HIV'' Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
![''Vâng, tôi là người có HIV'' ''Vâng, tôi là người có HIV''](https://tamsubantre.org/media/news/toicoHIV.jpg)
Nữ tình nguyện Liên Hợp Quốc Nguyễn Diệu Hằng - kể chuyện đời mình
Vậy mà như có phép lạ, Nguyễn Diệu Hằng đã trở thành tình nguyện viên của Liên Hợp Quốc về phòng chống HIV/ AIDS và cô gái ấy đã hai lần mua xích sắt về cùm chân chồng...
Đêm tân hôn, cô dâu tìm chú rể, chú rể tìm... heroin
Tốt nghiệp THPT, Hằng vào làm thợ may ở Cty Chiến Thắng và cũng ít lâu sau đó cô yêu một chàng trai Hà Nội cũng làm thợ xây. Yêu nhau được ba năm, một ngày nọ, Hằng bỗng phát hiện người yêu mình … nghiện hút. Hằng như muốn quỵ xuống. Nhưng rồi Hằng tin tình cảm của mình có thể khiến anh ấy từ bỏ được ma túy.
Hằng giấu bố mẹ, mua xích sắt về cùm chân người yêu ở trên tầng 2, khóa trái cửa. Hai tháng ròng chịu làm tù nhân trong sự chăm nom, động viên của Hằng, chàng trai có vẻ như đã từ bỏ được heroin. Nhưng sau khi được “tại ngoại” anh lại tái nghiện.
Buồn, thất vọng, song Hằng lại nghĩ: Biết đâu khi lấy nhau anh ấy sẽ thay đổi. Đám cưới của hai người được tổ chức ngay sau đó. Thế rồi, ngay đêm tân hôn chú rể đã trốn đi tìm heroin. Hằng nằm khóc một mình vì bao nhiêu hy vọng của cô một lần nữa sụp đổ.
Chồng đi đến đêm thứ ba mới về. Và sau đó lại nối tiếp những lần bỏ nhà ra đi triền miên, rồi người chồng lại “hứa thật nhiều và thất hứa cũng thật nhiều”.
Tuần trăng mật đắng của người vợ trẻ ấy trôi qua, nặng nề nhưng cô vẫn nuôi hy vọng người ta sẽ bắt chồng mình đi cai. Nào ngờ, chồng Hằng lại bị bắt đi tù. Đó là một ngày của năm 2000, Hằng vừa đi làm về bỗng thấy công an đang khám xét nhà mình. Hằng sững sờ khi hay tin: chồng mình bị bắt vì phạm tội cướp giật tài sản công dân. Trong cơn vật thuốc, anh ta đã giật dây chuyền của một người phụ nữ đi đường…
Khi tòa tuyên án 6 năm tù, chồng Hằng nói: “Em ở nhà có ai thương yêu thì cứ đi lấy chồng”. Nhưng dường như câu nói ấy lại khiến Hằng chung thủy hơn. Cô đi làm chỉ mong đến ngày được thăm chồng. Chồng Hằng cải tạo tốt nên được hưởng chế độ mỗi tháng được ở với vợ một lần trong trại giam.
Sau một đêm vào trại với chồng, Hằng mang thai. Lần đầu tiên sau ngày cưới, Hằng có cảm giác hạnh phúc. Nhưng cảm giác ấy chỉ tồn tại cho đến khi cô sắp chuyển dạ. Thật trớ trêu, khi niềm vui đang sắp vỡ òa thì cũng là lúc nỗi buồn đau ập đến, kết quả xét nghiệm trước khi sinh cho thấy Hằng có HIV dương tính.
Cô gái ấy ngồi đối diện với tôi, đôi mắt đỏ hoe, giọng nghẹn lại: “Lúc đó em tưởng mình nghe nhầm. Em không tin đó là sự thật. Em tức tốc đạp xe lên 50C Hàng Bài xét nghiệm lại. Vẫn dương tính. Lần này em như chết đứng, chân tay tê dại. Lúc đó em nghĩ tới cái chết…”.
Nhưng rồi Hằng cũng vượt qua ý nghĩ đó để tiếp tục sống. Sống vì đứa con trong bụng với một niềm hy vọng mong manh: nó sẽ không bị lây truyền vi rút HIV/ AIDS.
Hằng sinh một bé gái xinh xắn, nhưng khi xét nghiệm HIV kết quả cũng dương tính.
Khi nghe tin vợ con mình đều đã có HIV, chồng Hằng bàng hoàng. Người đàn ông có thâm niên nghiện hút này thậm chí còn không hiểu vì sao mình lại dính HIV.
Con gái Hằng thường xuyên phải vào Bệnh viện Nhi điều trị dài ngày vì quá yếu. Hằng nhìn mãi vào gương mặt non dại của bé, cầm bút viết thư cho con mà như viết cho chính mình: “Đây là lá thư mẹ viết nhưng con không bao giờ đọc được, có thể mẹ mất trước hoặc con mất trước, nhưng ở dưới suối vàng sẽ tha thứ cho nhau. Mặc dù ba con là người gây nên tội, nhưng mẹ cũng có lỗi khi đã sinh ra con…”.
Hằng chẳng nhớ mình đã viết bao nhiêu bức thư như thế, cho đến một ngày hài nhi bé bỏng đã từ giã cõi đời sau những cơn đau khủng khiếp.
Nửa tháng sau, chồng Hằng ra tù, khi bước vào nhà đã quỵ xuống trước bàn thờ. Tin con gái mất với chồng Hằng còn gây sốc hơn cả tin anh có HIV. Hằng hy vọng những nỗi đau sẽ làm chồng tỉnh ngộ. Nào ngờ chỉ hai tuần sau khi ra tù, chồng lại bập vào ma túy.
“Vâng, tôi có HIV”
Hằng gần như chẳng còn gì trên đời để bấu víu, cô tưởng như sẽ chết trong tuyệt vọng. Nhưng rồi một ngày nọ Hằng tham gia vào câu lạc bộ phòng chống AIDS mang tên Hoa Hướng Dương và từ đó cuộc sống của cô thay đổi. Hằng bắt đầu tư vấn cho những người có HIV, giúp họ tiếp cận thuốc miễn phí, giúp vay vốn. Hằng cũng được vay vốn để mua một chiếc máy khâu, buổi tối cô cặm cụi may quần áo cho khách.
Lúc ấy, cũng chẳng mấy ai biết Hằng đã có HIV, cuộc sống của cô sẽ dễ chịu hơn nếu như giấu đi bí mật ấy. Nhưng một ngày nọ, Hằng quyết định công khai việc mình đã mắc căn bệnh thế kỷ. Hằng biết điều đó có thể đem phiền toái cho mình nhưng lại giúp ích cho việc phòng chống AIDS.
“Vâng, tôi đã có HIV”, Hằng dũng cảm nói điều đó với mọi người trong những lần đi tuyên truyền và tư vấn. Một lần xuống Hà Tây, khi Hằng nhận mình có HIV, một người đàn ông đã không tin, bảo: “Nhiễm HIV làm sao lại khỏe mạnh và xinh đẹp như cô”.
Trong quan niệm của nhiều người, người có HIV phải gắn liền với những tệ nạn xã hội, phải lở loét, gầy gò... Điều đó làm Hằng nhớ đến tâm sự của một số chị em làm nghề mại dâm ở phố Kim Đồng, khi cô đến tư vấn cho họ:
“Nhiều khi, bọn em bảo mình đã nhiễm HIV nhưng khách làng chơi vẫn không tin, họ bảo trẻ trung, xinh đẹp như thế này thì làm sao bị “ết” được. Thế là họ không dùng bao cao su”. Có cô dính “ết” đã đi với hàng trăm khách hàng mà không dùng bao cao su!
Hằng chợt nhớ chồng mình, sau khi hồi tưởng lại quãng đời ngập ngụa trong làn khói trắng, đã tự “phát hiện”: “Hình như anh không phải bị “ết” từ tiêm chích vì lần nào chơi anh cũng dùng bơm tiêm sạch. Chắc là anh bị lây từ gái mại dâm, hồi đó anh có làm bảo kê và có quan hệ với vài cô mà không dùng bao cao su”.
Hằng nghĩ những thống kê về người có HIV/AIDS chỉ là phần nổi của tảng băng, vì cô đã từng tư vấn cho rất nhiều cán bộ nhà nước bị “ết” nhưng không dám công khai.
Hằng trở lại Bệnh viện Nhi, chẳng phải để gợi nhớ về những ký ức buồn về con gái, mà với một tư cách hoàn toàn khác: tư vấn và chăm sóc cho những đứa trẻ bị “ết”. Hằng tình nguyện làm việc ấy bởi hơn ai hết cô thấu hiểu nỗi đau của những hài nhi bất hạnh ấy. Cô chăm sóc các bé với tất cả tình thương của một người mẹ. Cô mừng đến phát khóc lên khi nhìn thấy những đứa trẻ yếu ớt như một lá rau héo đã tươi tỉnh trở lại sau một thời gian ở Bệnh viện Nhi.
Triền miên, ngập ngụa trong làn khói trắng, nhưng một ngày nọ chồng Hằng đã “ngộ” ra một điều gì đó. Anh tự nguyện cho vợ xích chân, nằm một mình trong nhà, quyết đoạn tuyệt với ma túy. Lần thứ hai Hằng xích chân chồng.Vẫn một niềm tin như chưa bao giờ bị phụ lòng...
Suốt cuộc trò chuyện, đến giờ tôi mới thấy Hằng cười tươi và cho biết một điều bất ngờ: “Em mang thai được bốn tháng rồi. Em uống thuốc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, nguy cơ lây nhiễm chỉ khoảng 2% thôi. Giờ em chỉ mong sinh con ra hoàn toàn khỏe mạnh và mình sẽ tiếp tục làm những việc có ích cho đời”.
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00