“Trượt ngã” sau 3 tháng nhập học Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00

“Mất đi bản thân không có nghĩa là không thể lấy lại được. Quan trọng là phải làm ngay khi ta nhận ra”, cô nhận ra điều này khi không còn ở giảng đường ĐH.
Dưới đây là câu chuyện của cô:
Bước lầm lạc đầu tiên...
Đỗ ĐH, tôi hăm hở khăn gói lên Hà Nội trọ học. Mẹ xin cho tôi ở trọ với hai chị cùng làng.
Những ngày đầu tiên, tôi thực sự choáng ngợp bởi cuộc sống quá mức phong lưu của hai người. Quần áo, giày dép, son phấn nhiều vô kể. Thích gì, mua nấy. Có sáng ngủ dậy, một người nảy ra ý định “đi chụp ảnh nghệ thuật”. Thế là cả hai rủ nhau đi ngay và xài hết 800.000 đồng.
800.000 đồng! Khoản tiền đó đúng bằng tiền chi tiêu của tôi cả tháng. Tôi xoay xở thế nào cũng chỉ vừa đủ, không thể dư ra nổi một xu chứ đừng nói đến chuyện sắm sửa. Lên Hà Nội gần 2 tháng, tôi vẫn chỉ mấy bộ quần áo cũ, đôi giày tuy chưa rách nhưng quê mùa.
Đôi lúc, tôi cũng băn khoăn không hiểu sao các chị lại có nhiều tiền đến vậy thì được giải thích là có người nhà ở nước ngoài hỗ trợ, dù chưa được nghe kể bao giờ.
Thế rồi, một đêm, tôi tỉnh dậy đi vệ sinh, tôi nhìn thấy tiền của hai chị để ngay trên bàn. Rất nhiều tiền!…
Phút tham lam nổi lên, tôi cầm chỗ tiền đút nhanh vào cặp sách rồi quay lên giường. Thao thức mãi không thể ngủ được, tôi trở dậy nhẹ nhàng lục tung tủ quần áo, đồ đạc khắp nơi và quay ra mở chốt cửa để tạo hiện trường giả của vụ trộm. Lên giường nằm, tim tôi đập thình thịch. Đã tắt hết điện nhưng vẫn có một luồng sáng nhấp nháy nào đó phát ra từ phía góc bàn. Quay lại nhìn: một chiếc điện thoại di động. Nó sẽ là một sự phi lý tố cáo thủ phạm. Tôi trở dậy lần nữa, tắt điện thoại và bỏ nốt vào túi.
Sáng hôm sau tỉnh giấc, thấy hai chị đang kêu bị mất trộm, tôi vờ tỏ ra ngạc nhiên, thông cảm rồi sẵn cớ đi học sớm, chuồn ra khỏi nhà thật nhanh.
200 đôla! Nghe lời đứa bạn, tôi đem ra hàng vàng bạc đổi được hơn 3 triệu đồng.
Sau những buổi tan học tôi tha thẩn các cửa hàng quần áo gần trường, thỏa thuê mua những món đồ mà trước đây chỉ có thể đứng xa ngắm nhìn. Mê mẩn với quần áo mới, tôi chẳng bận tâm khi thằng bạn cùng lớp chỉ đưa cho tôi vẻn vẹn 300.000 đồng số tiền nhờ bán hộ cái điện thoại.
Bỗng chốc, tôi diện hẳn lên. Hai chị cùng phòng sinh nghi. “Tiền các chú các bác cho khi biết tin em đỗ ĐH!”, tôi nói dối.
Không dễ dàng tin, họ gọi điện thoại về cho mẹ tôi vờ thông báo tình hình. Chẳng khó khăn gì lắm, họ biết được tôi chẳng có thêm nguồn trợ cấp nào ngoài 800.000 đồng.
Thế là đủ! Khi tôi đi học về, sau một hồi xa gần, nặng nhẹ của hai người, tôi run rẩy khai thật. Một phát tát trời giáng: “Không trả đủ tiền, tao sẽ gọi về cho bố mẹ mày!” Thái độ của họ thay đổi trong tích tắc.
Xót xa nghĩ đến mẹ! Mẹ biết chuyện này không hiểu đau đớn, khổ sở đến mức nào. Sợ hãi nghĩ đến bố! Bố là người cổ hủ và gia trưởng, chắc sẽ giết tôi mất. Lúc này, tôi mới biết chiếc điện thoại trị giá hơn 4 triệu đồng. Còn mấy trăm nghìn trong túi, tôi dốc ra đưa hết cho các chị. Tổng cộng tôi phải trả cho hai chị tròn 7 triệu nữa. Tôi van xin được trả nợ dần…
Sai lầm nối tiếp...
Trong cơn tuyệt vọng, tôi sực nhớ ra anh bạn quen ở trung tâm học thêm tiếng Hàn đã ngoài 30 tuổi, đi học bằng ôtô riêng và xưng là phó giám đốc một công ty. Anh nói học tiếng Hàn vì rất hay phải đi công tác Hàn Quốc.
Tôi nghĩ nếu anh thành đạt đến vậy, chắc hẳn sẽ giúp được tôi một công việc lương tháng khoảng 500 - 600.000 đồng.
Đúng như dự đoán, anh hứa sẽ hỏi giúp. Cho số điện thoại nhà trọ, tôi yên trí về nhà, chỉ chờ được gọi là đi làm luôn.
Thế nhưng, liền mấy buổi học sau đó, anh ta nghỉ học, cũng chẳng hề gọi cho tôi. Tôi gọi mấy lần, cũng chẳng được.
Thấy tôi không hề có động tĩnh đưa tiền, nghĩ rằng tôi không có ý ăn năn hối cải, lại đúng lúc đang kẹt, hai chị quát tháo ầm ĩ và ra hạn cho tôi phải trả toàn bộ tiền trong vòng một tuần.
Mọi lời giải thích, năn nỉ của tôi là vô ích. Họ chỉ chờ tôi trả xong nợ là tống khứ.
Bảy triệu đồng, trong vòng một tuần, tôi biết kiếm đâu ra? Đúng lúc tôi hoang mang nhất thì anh trở về.
Đến lớp, nhìn thấy anh ta, tôi mừng quá! Anh bảo nói chuyện trên lớp không tiện, cuối giờ đưa tôi đi uống nước.Lần này, anh ta hứa cuối tuần sẽ cho tôi vay tiền trả.
Thế nhưng lại một lần nữa, anh ta chơi trò trốn tìm. Suốt cả tuần, tôi nhẵn mặt cô bưu điện chỉ để gọi cho anh ta mà chẳng được, chỉ trừ một lần thông báo "anh đang họp". Ngày phải trả tiền, tôi không dám về nhà, quanh quẩn ở một quán bưu điện gần trường, cố gắng gọi điện cho anh ta trong vô vọng.
Trời mỗi lúc một tối, câu trả lời duy nhất tôi nhận được từ anh ta hồi chiều là: “Đang bận họp!”
Gần 9h tối, anh ta mới gặp tôi. Không đi uống nước như lần trước, tôi và anh ta ngồi trong xe nói chuyện. Trái ngược với những bồn chồn lo lắng của tôi, anh ta chẳng hề bận tâm: “Bây giờ anh cầm thẻ ra rút tiền cho em là được ngay”. Nói vậy rồi suốt mấy tiếng đồng hồ, anh ta chỉ ngồi để nói rằng rất mệt mỏi và cô đơn, rằng công việc thì vất vả mà chẳng có ai chia sẻ… Anh ta than nhức đầu và đề nghị tôi bóp đầu. Tôi lí nhí từ chối và sợ phát khiếp khi nhìn vào con dao bấm mà nãy giờ anh ta cố tình bật bật trong tay.
Càng về đêm tôi càng sợ. Nhìn ra ngoài trời, trong cơn sợ hãi, mệt mỏi, tuyệt vọng, bất chợt, tôi lại thấy nhớ da diết làng quê của mình, nhớ ngôi nhà thân yêu; nhớ mẹ lúc nào cũng săm sắm nhét mấy qủa hồng xiêm vào ba lô cho tôi mang đi, mặc dù ra đến Hà Nội bao giờ hồng cũng nát hết; nhớ bố lần nào đèo ra bến xe cũng đôn đáo tìm xe ra Hà Nội cho tôi, mặc dù tôi đã quen, và rồi thế nào bố cũng chờ tôi yên vị trên xe, đi khuất hẳn, mới quay trở về. Nhớ cả thằng Cu, thằng Còi, mỗi lần tôi đi, bao giờ cũng bỏ dở việc đang làm, tiễn tôi ra tận ngõ, tíu tít dặn tôi lần sau về nhớ mua bánh mì Hà Nội, thứ mà tôi đã ăn chán.
Vậy mà giờ đây tôi không hiểu còn có thể mua bánh mì cho chúng không, không hiểu sẽ vượt qua đêm nay như thế nào? Tôi bật khóc, muốn bỏ chạy thật nhanh nhưng ngay cả mở cửa ôtô như thế nào cũng chẳng biết.
Đến khoảng hơn 12h đêm, anh ta nói mệt quá và bảo: “Thôi bây giờ cũng khuya rồi, để anh thuê nhà cho em nghỉ. Sáng mai anh đi lấy tiền cho em”.
Thêm một lần nữa, tôi nuôi hy vọng mỏng manh.
Anh thuê một phòng có hai giường, tôi mệt quá ngủ thiếp đi. Gần sáng, anh ta mò sang giường tôi: “Anh có thể giúp được em!”. Tôi sợ hãi chống cự, nhưng vô ích… Thân hình béo ú và ngắn cũn cỡn của anh ta đè lên người khiến tôi ghê tởm. Từ đó đến sáng, tôi chỉ còn biết nằm và khóc rưng rức…
Sáng ra, anh ta đi thẳng đến cơ quan, một toà nhà cao chót vót và sang trọng, thả tôi xuống và lạnh lùng bảo đợi bên ngoài.
Tôi cứ tha thẩn chờ mòn, chờ mỏi, vừa đói vừa mệt, trong túi còn hơn 10 nghìn đồng nhưng không dám ăn vì nghĩ còn phải dành tiền gọi điện thoại. Mãi đến hơn 11h trưa, anh ta mới ra, chở tôi về khu trọ, thả tôi gần cổng rồi đi vào để tìm gặp hai chị cùng phòng nói chuyện.
Một lúc sau, anh trở ra và nói với tôi: “Ổn rồi, cứ về đi, anh đã giải quyết xong!” Tôi lập cập trở về. Vừa thấy tôi, hai chị xông ra chửi mắng và nói đã gọi điện về cho bố mẹ tôi rồi, họ sẽ lên ngay.
Hoá ra, tên khốn đó không những không đưa tiền cho hai chị mà còn chẳng thèm nói đỡ tôi câu nào. Hắn ta vào để nói với hai người cùng phòng: “Con này ăn cắp đã thành bản chất, các em không cần nương tay với nó!”
Trở về...
Quá sững sờ về sự đểu cáng đến không ngờ của con quỷ ấy, quá mệt mỏi và đau đớn vì những gì mình phải trải qua, tôi ngồi phệt xuống góc phòng đờ đẫn.
Chỉ đến khi thoáng thấy bóng dáng hấp tấp của bố, khuôn mặt lo lắng của mẹ, tôi mới lao ùa ra khóc nức nở.
Mẹ lấy quần áo, bảo tôi đi tắm, rồi dắt tôi đi ăn. Bố lo giải quyết chuyện tiền nong với hai chị. Xong xuôi, bố quay ra bảo tôi: “Về nhà thôi con, về với bố!”
Hà Nội không phải là chỗ thích hợp dành cho tôi. Đơn giản là vì tôi quá dễ dàng sa chân vào cám dỗ và cạm bẫy. Hai chị gái chẳng làm gì mà lúc nào cũng dư giả tiền bạc. Cậu bạn cùng lớp rất biết tận dụng thời cơ và cuối cùng là một “đại gia tốt bụng” mà mỗi ý nghĩ về hắn đều khiến lỗ chân lông khắp người tôi sởn lên, mồ hôi vã ra lạnh toát.
Đôi khi, cứ cố gắng để có được váy áo đẹp, trang sức phấn son đắt tiền thì lại mất đi thứ quan trọng nhất mà mỗi người cần có để sống trên đời: Bản thân mình.
Tôi tưởng như không muốn sống tiếp nữa. Nhưng chính cách xử sự của bố mẹ đã cho tôi thấy họ tin tưởng vào sự tự ý thức của bản thân đến nhường nào.
Gạt bỏ những suy nghĩ hèn nhát, tôi đã cố gắng để chín chắn hơn. Mất đi bản thân không có nghĩa là không thể lấy lại được. Quan trọng là phải làm ngay khi ta nhận ra.
Tôi chuyển về quê học ở trường trung cấp gần nhà. Một nghề kiếm sống trong tương lai không quan trọng bằng cách ta sẽ sống tiếp như thế nào. Hằng ngày, tôi đạp xe đi học, về nhà lại có thể đỡ đần bố mẹ, kèm cho hai đứa em học. Gia đình luôn là nơi ấm áp, an toàn nhất để trở về sau mỗi cơn bão!
Tôi đã sai lầm, sai lầm lớn khi ăn cắp tiền, sai lầm lớn hơn là đã không tin vào tình yêu thương của bố mẹ. Cái giá phải trả là quá đắt. Nhưng may mắn thay, tôi đã tìm thấy đường về!
Thanh Huyền (ghi)
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Hiệu ứng Zeigarnik và trí nhớ Thứ Sáu, 28/06/2024, 00:00
- Mối quan hệ toxic là gì? 5 dấu hiệu "tình yêu" độc hại Thứ Sáu, 17/05/2024, 14:00
- Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ? Thứ Sáu, 17/05/2024, 13:00
- 3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc? Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Liệu nỗi sợ và chấn thương tâm lý có thể giúp bạn sống tốt hơn? Thứ Sáu, 10/05/2024, 12:00
- Khi yêu thương đủ lớn mọi giới hạn điều được xóa nhòa Thứ Năm, 11/04/2024, 14:00
- MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH Thứ Tư, 03/04/2024, 00:00
- Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2-4): Yêu thương, thấu hiểu, đồng hành cùng trẻ tự kỷ Thứ Ba, 02/04/2024, 00:00
- 3 điều không nên kiểm soát trong cuộc sống hôn nhân Thứ Sáu, 22/03/2024, 12:00
- Những hệ luỵ khi chồng nhận xét quá thẳng thắn về bạn đời Thứ Năm, 21/03/2024, 15:00