Trượt đại học – lỗi tại tình yêu? Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00

Hình minh họa
“Bố mẹ đã nói với chúng tớ rằng nếu hai đứa thi đỗ thì bố mẹ sẽ tác hợp cho. Bố mẹ còn khuyến khích bọn tớ thi đua nhau học tập”.
Hai ví dụ trên đây phản ánh hai thái độ của các bậc cha mẹ đối với việc các teen đang có quan hệ yêu đương khi đang ở lứa tuổi phổ thông, đặc biệt là đứng trước các kỳ thi cuối cấp. Vậy thái độ nào sẽ đem lại kết quả như mong muốn?...
“Hãy yêu học, đừng yêu bạn học”
Thấy phòng con quá bừa bộn, chị Thúy (Thôn Ngự Câu, Hoài Đức, Hà Tây) nghĩ, chắc nó bận học nên vào dọn hộ. Sợ làm mất tài liệu của con, chị cẩn thận giở từng tờ giấy vo tròn dưới đất ra đọc. Đọc xong chị mới tá hỏa. Không phải tài liệu ôn thi mà là thư tình đang viết dở. Lời lẽ mùi mẫn còn hơn cả người lớn. Qua thư chị biết đứa con chị thích Hà, bạn cùng bàn. Bé thế mà đã dính vào yêu đương thì còn tâm trí đâu mà học hành thi cử nữa, rồi đến trượt đại học lại cướp công cha mẹ mất thôi. Thế là chị tới gặp cô giáo chủ nhiệm xin đổi chỗ cho con và cấm con yêu Hà: “Hãy yêu học đi, đừng yêu bạn học”.
Cùng suy nghĩ với chị Thúy, hầu hết các bậc cha mẹ đều hết sức lo lắng khi biết con mình đã yêu. “Chúng tôi thường rơi vào tình trạng bị động. Trẻ con thì biết gì về tình yêu chứ”, bác Huy (Liên Hà, Thanh Hóa) đưa con đi thi chia sẻ. “Nó đi thi năm nay là năm thứ hai rồi đấy. Cứ mải yêu với đương. Thấy bảo yêu con bé gì quen nhau qua mạng. Vớ vẩn. Bố mẹ yêu nhau tìm hiểu mấy năm lấy về còn vẫn xích mích, đằng này lại quen nhau qua mạng. Suốt ngày chat chít bê trễ học hành. Có trượt đại học về làm anh nông dân thì đừng có trách bố mẹ không cho ăn học đến nơi đến chốn”.
Nhiều bậc cha mẹ còn gay gắt bảo, “Yêu là kẻ thù của học. Con trai yêu sớm còn đỡ chứ con gái mà yêu sớm thì nhà đó đúng là không có nề nếp, bố mẹ vô trách nhiệm”.
Cũng chính quan niệm yêu là kẻ thù của học nên tất nhiên trượt đại học cũng chính tại yêu. Cô Hiền ở Phùng Khoang, Từ Liêm, Hà Nội, đưa con đi thi năm thứ 2 nói: “Thằng con cô kể lớp nó năm trước có sáu đôi yêu nhau. Trong đó có một đôi thi đỗ còn lại trượt hết. Thằng con cô cũng trượt. Biết chuyện cô bắt cắt ngay không yêu đương gì hết. Thế nhưng ngồi học cũng không yên. Suốt ngày gọi điện với nhắn tin. Cô tức khí thu luôn điện thoại”. Khi được hỏi, liệu có phải vì con cô trượt do chưa đủ kiến thức không thì cô Hiền phản ứng gay gắt, “Thằng bé nhà cô không thể thiếu kiến thức được. Lỗi tại con bé kia. Nếu con bé kia không bám vào thì nó đâu đến nỗi thi trượt”.
Còn Linh (Ngãi Cầu, Hòai Đức, Hà Tây), năm nay đã là năm thứ 3 thi trượt đại học, Linh xin mẹ đi học cao đẳng nhưng mẹ không cho vì các bạn của mẹ đều có con học đại học. Hàng xóm thì tha hồ nghe câu chuyện tình yêu của Linh qua lời kể của mẹ Linh. “Đấy chuyện là thế, con bé trượt là do thằng người yêu nó, chứ nó vốn chăm chỉ, lại thông minh lắm. Không dính vào yêu là đỗ ngay năm đầu rồi”. Mẹ Linh không chấp nhận thực tế, con mình chỉ là học sinh trung bình khá trong lớp mà thôi.
Thậm chí, cho rằng con cái trượt đại học vì yêu, nhiều bậc cha mẹ còn trở thành đối địch với nhau. Cô Hằng giáo viên trường THPT Hoài Đức B (Hà Tây), kể: “Lớp 12 là lớp cuối cấp tự dưng các em nổi lên trào lưu yêu. Những em có ý thức học thì không sao. Những em không có ý thức thì suốt ngày không học mà chỉ nhắn tin hỏi tôi tư vấn chuyện tình cảm. Có em còn bỏ cả thời gian ôn luyện để đi theo dõi người yêu. Tôi còn nhớ có hai cô cậu gần nhà yêu nhau. Kì thi đại học năm trước cả hai cùng trượt. Thế là hai bên bố mẹ cãi nhau to, nhà này đổ cho con nhà kia làm con mình trượt. Chuyện trẻ con thành ra chuyện người lớn”.
Quan điểm của người trong cuộc
“Mẹ tớ sau khi biết tớ có người yêu đã cấm không cho tớ ra ngoài, đi đâu cũng phải báo cáo mấy giờ về. Người yêu tớ gọi điện đến hỏi thăm tớ thi cử thế nào thì mẹ giật lấy máy, mắng cho một trận thậm tệ rồi bảo để cho tớ yên. Vốn tớ cũng quyết tâm thi nhưng không hiểu sao nghĩ đến những câu nói của mẹ, tớ cứ tức tức thế nào ấy. Học cũng không tập trung được” (Huế, THPT Cao Bá Quát, Hoài Đức, Hà Tây).
Không những thế, phản ứng gay gắt của các bậc cha mẹ có thể khiến các bạn tuổi teen có những suy nghĩ tiêu cực: “Mẹ thậm chí còn có những lời xúc phạm tớ như: khéo không vào được đại học mà lại vào bệnh viện đấy. Mẹ làm tớ thất vọng kinh khủng” (Phương, THPT Hoài Đức A).
Mấy hôm thi xong, làm bài không tốt, Đức (Thôn Quyết Tiến, Hoài Đức, Hà Tây) ủ rũ, ăn không muốn ăn, nói không buồn nói. Mẹ Đức hét: “Yêu cho lắm vào, tí tuổi đầu đã dính vào yêu đương vớ vẩn, giờ không làm được bài còn làm khổ người khác”. Đức thấy như muốn vỡ tung đầu. Từ ngày thi xong, Đức về nhà đúng một ngày, sau đó la cà khắp chỗ, từ bạn bè đến họ hàng, lấy lý do xả stress nhưng thực ra là để đỡ phải nghe những lời khó nghe của mẹ.
Quả thực, là bố mẹ ai không lo lắng cho con và muốn mọi thứ tốt đẹp nhất cho con mình. Lo lắng của các bậc phụ huynh với tình yêu tuổi teen không phải là thừa bởi trong chuyện này thường có nhiều vấn đề nảy sinh mà teen chưa thể nhận biết hết được. Thế nhưng không phải mọi tội lỗi đều do tình yêu gây ra. Về điều này, bạn Liên, ĐH Giao thông Vận tải chia sẻ quan điểm: “Tình yêu tốt hay xấu đều phải do tự bản thân ý thức mới được. Như lớp tớ đây có ba đôi yêu nhau, các bạn ấy vẫn học giỏi và vẫn đỗ vào các trường có tiếng đấy thôi. Tình yêu cũng là động lực để họ phấn đấu chứ. Tớ cũng là một người trượt đại học, tớ cũng có một tình yêu năm lớp 12 nhưng tớ khẳng định, tớ trượt không phải vì yêu mà là vì bản thân chưa đủ kiến thức. Người yêu tớ sau khi đỗ đại học đã làm gia sư cho tớ ôn thi. Năm ngoái tớ đã vào được đại học rồi đó. Trong chuyện này, người yêu tớ có công rất lớn”.
Những trường hợp dắt tay nhau lên đại học của các đôi yêu nhau, ngoài việc tự bản thân cố gắng, thì bố mẹ cũng đóng vai trò rất lớn trong việc định hướng cho teen, giúp teen có thêm nghị lực phấn đấu. “Bố mẹ bảo chúng tớ rằng, nếu hai đứa thi đỗ, bố mẹ sẽ tác hợp cho. Bố mẹ còn khuyến khích bọn tớ thi đua nhau, nói khích rằng đã là con trai thì không được để thua con gái. Cậu bạn tớ vì thế mà học rất chăm. Tớ cũng không thể lười được. Chiêu của bố mẹ tài thật”, Thanh Hằng, lớp 12, THPT Quốc Oai (Hà Tây) vui vẻ nói.
Hãy là bạn của con trẻ
Tình yêu quả thật có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của teen nhưng trượt đại học thì còn có rất nhiều lý do khác như kiến thức chưa đủ, tâm lý lo lắng, những sai sót khi làm bài… Không thể cứ “trăm dâu đổ đầu tằm”, mọi thất bại đều đổ tại tình yêu. Các bậc làm cha làm mẹ thay vì phản ứng gay gắt cần nhẹ nhàng hỏi han, chia sẻ với con, đưa ra những lời khuyên hữu ích cho con để con có trách nhiệm và ý thức với tình cảm của mình, với tương lai của mình. Hãy biến mình thành người bạn của con để tìm ra nguyên nhân và tiếp cho con sức mạnh đi tiếp khi con vấp ngã.
Thanh Huyền
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Hiệu ứng Zeigarnik và trí nhớ Thứ Sáu, 28/06/2024, 00:00
- Mối quan hệ toxic là gì? 5 dấu hiệu "tình yêu" độc hại Thứ Sáu, 17/05/2024, 14:00
- Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ? Thứ Sáu, 17/05/2024, 13:00
- 3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc? Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Liệu nỗi sợ và chấn thương tâm lý có thể giúp bạn sống tốt hơn? Thứ Sáu, 10/05/2024, 12:00
- Khi yêu thương đủ lớn mọi giới hạn điều được xóa nhòa Thứ Năm, 11/04/2024, 14:00
- MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH Thứ Tư, 03/04/2024, 00:00
- Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2-4): Yêu thương, thấu hiểu, đồng hành cùng trẻ tự kỷ Thứ Ba, 02/04/2024, 00:00
- 3 điều không nên kiểm soát trong cuộc sống hôn nhân Thứ Sáu, 22/03/2024, 12:00
- Những hệ luỵ khi chồng nhận xét quá thẳng thắn về bạn đời Thứ Năm, 21/03/2024, 15:00