Tôi vội vàng trả lời đồng ý nhưng không lẽ sau này tôi phải làm công việc nội trợ thay cho cô ấy sao? Tôi còn phải đi làm kiếm tiền nuôi gia đình nữa chứ. Xin Tâm sự bạn trẻ hãy cho tôi lời khuyên làm thế nào để thuyết phục cô ấy trở thành một người vợ đảm đang như bao người phụ nữ Việt Nam khác vì tôi rất yêu bạn gái của tôi và tôi không muốn mất cô ấy.
(Bạn nam, 22 tuổi, TPHCM)
Bạn thân mến!
Tâm sự bạn trẻ hiểu mong muốn bạn gái trở thành một người vợ đảm đang như bao người phụ nữ Việt Nam khác của bạn. Có lẽ đây là mong muốn chính đáng của rất nhiều cánh mày râu. Nhưng để thực hiện điều này quả là có nhiều điều cần bàn tới.
Trước hết, bạn có thể nhận thấy bạn gái bạn đã rất thẳng thắn khi thừa nhận: “cô ấy không đảm đang như bao cô gái khác”, nhưng cụ thể, mức độ không đảm đang là như thế nào? Cô ấy có thể làm gì và không thể làm những gì? Sự đảm đang mà bạn và bạn gái nói tới có giống nhau không? Cụ thể bạn mong muốn cô ấy là một người vợ như thế nào? Bạn có chia sẻ điều đó với cô ấy không? Nếu có, cô ấy có chung mong muốn thay đổi và rèn luyện để “trở thành người phụ nữ đảm đang” như mong muốn của bạn?
Bạn yêu cô ấy và không muốn mất cô ấy, cô ấy cũng đã thắng thắn bày tỏ khả năng của bản thân, đây là cơ sở rất tốt để hai bạn thảo luận kỹ hơn về vấn đề này. Bởi trên thực tế không phải cô gái nào cũng khéo léo và có thể lo liệu tươm tất cuộc sống gia đình. Những đức tính đó được học hỏi, tích lũy và rèn luyện qua năm tháng. Hơn thế nữa, trong xã hội ngày nay, người phụ nữ cũng tham gia các công việc xã hội, tham gia lao động kiếm tiền... mà vẫn bị buộc phải gánh vác toàn bộ công việc trong gia đình thì mấy ai có thể đảm đương được? Nếu có đảm đương được thì người phụ nữ cũng cảm thấy mệt mỏi và chán nản vì thiếu đi sự chia sẻ, cùng quan tâm và gánh vác công việc gia đình của người chồng. Bạn nghĩ như thế nào về điều này?
Chia sẻ công việc nhà với vợ không chỉ thể hiện trách nhiệm của đấng mày râu mà còn là cách thức vun vén hạnh phúc gia đình hiệu quả
Tâm sự bạn trẻ đặt ra vấn đề này để bạn thấy rằng, vấn đề không phải bạn gái bạn cần đảm đang như bao người con gái khác, mà điều quan trọng là cô ấy và bạn cùng thảo luận về những kế hoạch cụ thể trong cuộc sống chung sau này. Cô ấy và bạn sẽ sắp xếp cuộc sống ra sao, mỗi người trong số hai bạn sẽ tham gia vào công việc, kiếm tiền, phát triển sự nghiệp, dọn dẹp, nấu nướng... như thế nào. Suy nghĩ, sở thích và khả năng của mỗi bạn trong những hoạt động trên ra sao. Căn cứ vào đó mới có thể biết được cô ấy và bạn còn thiếu những kỹ năng nào, phải học thêm những gì. Ví dụ, bạn học cách sử dụng máy giặt, chơi với con, dạy con học, cô ấy học cách nấu nướng, cho con bú... Từ đó có thể thấy phần nào hai bạn có tìm thấy tiếng nói chung trong việc tổ chức cuộc sống gia đình sau này hay không. Nếu hai bạn có chung sự đồng cảm trong việc sắp xếp cuộc sống gia đình, không có quá nhiều quan điểm trái ngược nhau không thể dung hòa thì bằng tình yêu hai bạn dành cho nhau, hai bạn hoàn toàn có thể hoàn thiện bản thân mình để đáp ứng tốt hơn mong đợi của người bạn đời. Còn nếu hai bạn quá khác biệt trong suy nghĩ và quan điểm sống, hoặc không sẵn lòng thay đổi bản thân mình theo mong đợi của người mình yêu... thì hãy cân nhắc việc có tiếp tục tiến tới hôn nhân hay không. Bởi những khác biệt này có thể là “ngòi nổ” của những mâu thuẫn, bất đồng, những cáu giận, mệt mỏi của cuộc sống chung sau này.
Thảo luận về những kế hoạch cụ thể là bước chuẩn bị cho cuộc sống chung sau này
Như vậy bạn có thể thấy không phải chỉ có nói thật “em không biết làm”, “em không thích làm” hay cái gật đầu “yêu em anh sẽ chấp nhận tất cả” mang lại hạnh phúc trong cuộc sống chung sau này mà những tìm hiểu kỹ càng và sự sắp xếp cuộc sống phù hợp với cả hai người trong cuộc mới là sự chuẩn bị khôn ngoan cho cuộc sống chung sau này. Sự chuẩn bị này không thể bỏ qua, cũng như không nên coi nhẹ, phải không bạn?
Hy vọng những gợi ý trên hữu ích đối với bạn.
Chúc bạn mọi điều tốt lành!
Tâm sự bạn trẻ