Tặng quà 8/3 như thế nào? Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00

Khi con trai trong lớp là mì chính cánh hoặc con gái là công chúa hiếm hoi, việc tặng quà ngày 8/3 cũng lắm chuyện dở khóc dở cười. Một món quà ra trò hay cách tặng quà ý nghĩa sẽ làm đẹp lòng phái nữ trong ngày này?
1. Phát chẩn hoa hồng, chia phần nghĩa vụ
Đỗ Đức Toàn (SV năm 3 ĐH Xây Dựng) nhớ lại ngày 8/3 năm ngoái. Lớp chỉ có 2 sinh viên nữ, trong khi có tới hơn 50 chàng. Tới ngày của chị em, các nam sinh viên hội nhau lại để tìm cách tặng quà. Bàn đi tính lại đủ cách mà vẫn chưa xuôi, mỗi người tự tặng một món quà thì chắc hai người “bội thực quà” mất, còn tổ chức đi ăn uống cả lớp lại đông, chênh lệch quá ngồi không hay như một lần từng tổ chức.
Cuối cùng quyết định làm thật đơn giản. Mỗi anh em góp ít tiền, mua 2 bó hoa, vào giờ học gọi lên tặng. Chia phần nghĩa vụ mỗi bạn nam đóng góp một ít.
“Khi nói chuyện với lớp khác, nhiều sinh viên khoe, 8/3 năm nay tốn… 2000 đ. Lớp đông con trai nên góp thế là thừa tiền mua hoa. Nghe hơi nhẫn tâm những biết làm sao được, hoàn cảnh nó vậy” - Toàn kết luận.
Những lớp đại học khối ngành xã hội với gần 100 nữ sinh viên chứng kiến những “kì tích” của những bạn nam sinh viên trong ngày quốc tế phụ nữ. Lớp K49 văn, ĐH KHXH & NV có vẻn vẹn 6 nam có nhiệm vụ mừng ngày vui của 100 chị em trong lớp. Dù thiểu số, nhưng các sinh viên nam quyết làm ra trò. Một bó hoa rất “hoành tráng” được trao tặng cuối giờ học. Sau đó, toàn bộ các bạn nữ được dẫn đi tổ chức liên hoan: hát, ăn uống, cắm trại ngoài trời… Vui tưng bừng nhưng sau vụ này, tính sơ sơ tổng “thiệt hại” lên đến tiền triệu. Và các chàng bị “viêm màng túi” là điều hiển nhiên sau đó.
Việc chênh lệch nam nữ không chỉ ở các giảng đường đại học mà ở các các trường phổ thông. Nguyễn Văn Đức, lớp 12 Sử trường THPT Chuyên Thái Bình cho biết, cả lớp có 3 chàng là mì chính cánh. Đến ngày 8/3, ai tự lo quà người ấy. Một chàng mua thiệp, một chàng mua hoa, còn Đức mua… kẹo cao su. Sau lượt vỗ tay giòn giã của các bạn nữ, ba nam sinh lần lượt đứng lên đi phát quà. 10 phút mới phát xong, mỗi bạn nữ được một tấm thiệp, một bông hoa và một chiếc kẹo cao su. Hai năm rồi, kịch bản đi phát quà từng người một vẫn lặp lại, “vì không biết cách nào hay hơn, làm vậy là công bằng nhất”.
2. Làm gì để cả nhà cùng vui?
Để không phải diễn ra cảnh phát hoa, phát quà như… phát chẩn, chia phần mỗi người một hai nghìn đóng góp mà ngày 8/3 lớp vẫn buồn như cảnh chợ chiều, có lẽ chỉ cần sáng tạo một chút trong cách tặng quà.
Nguyễn Văn Trường, ĐH Công Nghiệp Hà Nội cho biết: “Năm trước, con trai lớp mình bầu chọn ra năm người hát hay nhất trong mấy chục mày râu của lớp, sau đó thể hiện trước lớp bằng tất cả cảm xúc dành tặng các bạn nữ”. Một quy tắc được lớp Trường quy định, muốn hát bài gì thì hát, nhưng phải là bài mình tâm đắc nhất, yêu thích nhất từ trước tới nay thì mới được đem ra tặng. Như vậy sẽ gửi tới các bạn gái một thông điệp: Chúng tớ dành tất cả những điều mình nâng niu, trân trọng và yêu thích nhất dành cho các bạn.
Thế nên, ngày 8/3 lớp của Trường mới có cảnh hát bài “Con cò be bé”, “Em là búp măng non”… làm quà tặng. Đơn giản nhưng lớp vẫn tràn đầy niềm vui, tiếng cười.
Còn cách mà lớp của Hưng (khoa Tâm lý – ĐH KHXH&NV Hà Nội) làm cũng độc đáo không kém. Biết nhân lực nam trong lớp có hạn, thế là Hưng tìm cách mời các bạn gái vào cuộc để giúp một tay trong khâu tổ chức. Và cuối cùng thì họ đã có một kịch bản ưng ý với sự tham gia nhiệt tình của cả lớp, vì ai cũng cảm thấy có phần của mình trong đó: thi đố vui, bầu chọn các danh hiệu của lớp, hát, đọc thơ… và thậm chí thảo luận về đề tài phụ nữ. “Ban đầu mình cũng không tin lắm vào hiệu quả của cách này và lo nhất là các bạn gái sẽ đánh giá hoặc không tham gia giúp một tay. Nhưng rồi kết quả cuối cùng đã xua tan mọi lo lắng của mình”, Hưng chia sẻ.
Đâu đó sẽ còn có những giải pháp cho ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 độc đáo hơn thế khi gặp phải tình trạng “âm thịnh dương suy”. Nhưng những điều chia sẻ ở đây cũng đáng để chúng ta học tập và làm theo lắm chứ!
Nguyễn Hữu Bắc
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Hiệu ứng Zeigarnik và trí nhớ Thứ Sáu, 28/06/2024, 00:00
- Mối quan hệ toxic là gì? 5 dấu hiệu "tình yêu" độc hại Thứ Sáu, 17/05/2024, 14:00
- Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ? Thứ Sáu, 17/05/2024, 13:00
- 3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc? Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Liệu nỗi sợ và chấn thương tâm lý có thể giúp bạn sống tốt hơn? Thứ Sáu, 10/05/2024, 12:00
- Khi yêu thương đủ lớn mọi giới hạn điều được xóa nhòa Thứ Năm, 11/04/2024, 14:00
- MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH Thứ Tư, 03/04/2024, 00:00
- Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2-4): Yêu thương, thấu hiểu, đồng hành cùng trẻ tự kỷ Thứ Ba, 02/04/2024, 00:00
- 3 điều không nên kiểm soát trong cuộc sống hôn nhân Thứ Sáu, 22/03/2024, 12:00
- Những hệ luỵ khi chồng nhận xét quá thẳng thắn về bạn đời Thứ Năm, 21/03/2024, 15:00