Bàn về chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, phòng chống HIV/AIDS cho thanh thiếu niên
tamsubantre.org - Với mong muốn có những biện pháp, chính sách phù hợp, tạo điều kiện, môi trường tốt để các em phát triển, đồng thời phòng ngừa những nguy cơm rủi ro cho các em trong cuộc sống hàng ngày, ngày 8/3/2013, ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đã kết hợp với tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo: “Chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, phòng chống HIV/AIDS cho thanh thiếu niên”.
Theo đó, một vài giải pháp được đề ra là đưa giáo dục giới tính thành một môn học chính trong các nhà trường. Khi ấy, các em sẽ được tiếp cận với những thông tin liên quan đến sức khỏe sinh sản, tình dục chính xác, khoa học nhất, tránh tình trạng tự tìm hiểu và tiếp cận với kiến thức thiếu chính xác, không chính thống. Hơn nữa, khi các thông tin này được phổ cập hóa, nó sẽ giúp các em tự tin hơn khi trao đổi vấn đề của mình.
Bên cạnh đó, ý kiến cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên cũng nhận được sự nhất trí cao. Theo các đại biểu, trong những qua, hoạt động này tuy đã được thực hiện nhưng thiếu đồng bộ do thiếu nguồn kinh phí, dẫn đến tình trạng làm nửa vời nên kết quả thu được chưa có nhiều ý nghĩa.
Ngoài ra, hội thảo cũng đề cập đến trách nhiệm của nhóm đối tượng này trong việc chủ động tiếp cận với các quyền con người cũng như chủ động tham gia xây dựng, thực hiện các chương trình, chính sách liên quan đến hoạt động thay đổi, nâng cao nhận thức của chính mình. Theo đó, các em cũng cần chủ động đề xuất nhu cầu, ý kiến của bản thân để những người có trách nhiệm có thể đưa ra những giải pháp phù hợp nhất.
Tham dự hội thảo, bà Đinh Phương Nga, đại diện của Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số đã đưa ra mộ vài khuyến nghị được tổng kết từ diễn đàn thanh niên toàn cầu tại Bali (Indonexia) liên quan đến chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục như: cần cung cấp các dịch vụ thân thiện, bí mật, riêng tư cho thanh niên; chính phủ cần đảm bảo nguồn tài chính và có trách nhiệm giải trình về các chương trình của thanh niên… Thông qua ý kiến đóng góp này, các đại biểu đã khẳng định để đảm bảo các quyền thanh niên, chúng ta cần xây dựng hệ thống chính sách pháp luật toàn diện, phù hợp với thực tế. Về vấn đề này, bà Trịnh Thị Lê Trâm, thành viên của hội luật gia Việt Nam khẳng định: chính sách pháp luật về thanh niên ở Việt Nam đã được xây dựng và hoàn thiện, song trong quá trình thực thi đang gặp nhiều hạn chế do luật đã không còn phù hợp với thực tế hay hoạt động truyền thông chưa có hệ thống, chưa thực hiện đầy đủ.
Thanh thiếu niên là nhóm đối tượng nhạy cảm với những cái mới, lạ, song lại thiếu kinh nghiệm sống nên nếu không được trang bị kiến thức sẽ nảy sinh những vấn đề tiêu cực liên quan đến sức khỏe sinh sản, tình dục, HIV. Thế nên, theo bà Mandeep K. O'Brien, Quyền Trưởng đại diện Qũy Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam: Việt Nam vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để củng cố việc thực hiện các chính sách và luật pháp để thanh thiếu niên có thể nhận được các thông tin và dịch họ cần.
Thu Phương