Sự cảm thông Thứ Năm, 25/04/2024, 14:00
“Cần có một người thật sự đặc biệt thì mới có thể thấy góc khuất và bóng tối nơi người khác mà không chỉ trích họ.” (It takes a special someone to see darkness inside of someone and not condemn them. —Shannon Messenger)
Câu chuyện này xảy ra cũng đã lâu. Tôi vẫn nhớ hôm đó, cách đây mười mấy năm khi mới là một cô bé học sinh lớp 10. Trong lớp tôi có một bạn nữ, bị trêu chọc vì ngoại hình và khả năng học tập của bạn ấy. Cô bạn đó có nước da ngăm đen, mắt bị lác, khá mập và còn thấp nữa. Cô ấy cũng tiếp thu chậm hơn những bạn khác. Và cứ vài ngày, nhẹ thì là những lời miệt thì cười cợt, nặng thì có đứa trong lớp tôi (đa phần là con trai) ném phấn hoặc vỏ hộp sữa vào người bạn ấy. Bọn con gái thì cũng hùa vào cười cợt, chỉ có vài bạn khác lắc đầu, không tham gia nhưng cũng không lên tiếng bênh vực. Tôi cũng vậy, chỉ ngồi một góc và làm ngơ, coi như không thấy.
Rồi một ngày, có một đứa hét tên bạn ấy và nói rằng: “Ê, quỷ lùn. Sao mày không biến m* sang lớp khác mà học nhỉ”.
Tôi đã từng nghe từ “quỷ lùn”, “L. lùn” thốt ra từ lời bạn bè khác, những đứa hàng xóm, những cô bạn cao ráo xinh đẹp trong lớp mình hồi xưa. Cả những người họ hàng xa khi tới thăm mà tôi còn không thể nhớ cả mặt lẫn tên. Nhưng tất cả những lần đó, tôi chỉ lẳng lặng cúi đầu hoặc cười gượng gạo. Tôi cũng không muốn để ý, vì tôi biết họ chỉ trêu chán rồi thôi. Vả lại, vì cũng là đứa khá thông minh nên tôi luôn tìm được cách lách hoặc làm cho mình không quá nổi bật trong đó.
Thế nhưng không hiểu sao, đúng lúc ấy tôi lao ra, cầm cái thước kẻ của mình ném vào người bọn con trai đang trêu cô bạn kia, hỏi: “Mày nói cái gì cơ? Mày nói ai là quỷ lùn? Con T. làm gì chúng mày vậy, nó còn chẳng phản ứng gì kia kìa? Mày có thấy vậy là hèn không?”.
Chúng nó ngạc nhiên và há hốc mồm ra. Rồi tiếng xì xầm bắt đầu. “Việc của mày à?” – một đứa hất hàm nói lại, rồi nó nhìn sang đám bạn bên cạnh để lấy sự ủng hộ. Và tôi bảo: “Tao cũng từng bị như thế nên tao biết. Chúng mày làm vậy để làm gì? Để cảm thấy tốt hơn à? Có ai sinh ra muốn bị như vậy không?”. Tụi nó im lặng, và tiếp tục xì xầm sau lưng, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy thoải mái như thế.
Và, dù tôi không chơi thân với cô bạn kia, nhưng trong suốt 1 năm trước khi tôi chuyển sang trường khác, tôi vẫn luôn dõi theo bạn ấy. Thi thoảng bạn cũng ra ngồi cạnh và cho tôi ăn sáng cùng. Nhưng vì tôi sắp chuyển trường, tôi cố gắng không trở nên quá thân với ai để đỡ buồn sau này.
Cách đây không lâu, tôi có nhận được một ý kiến nói về nhóm chúng tôi (nhưng không nói trực tiếp với các bạn điều hành), rằng BMVN là một ổ bệnh, rằng những người đứng đầu nhóm, điều hành nhóm “cũng bị bệnh tâm lý thì phải”. “Thường những người bị vấn đề tâm lý thì lại rất thích an ủi, đưa ra lời khuyên về tâm lý cho người khác”. Tôi hiểu họ muốn nói gì. Kiểu bản thân mày không khoẻ thì mày còn giúp được ai?
Tôi và nhiều người khác, bị bệnh từ nhỏ và hồi đó còn không biết mình bị làm sao. Tôi vẫn nhớ như in rất nhiều lần đi cấp cứu và vào bệnh viện, để rồi xuất viện với mọi chỉ số bình thường, nhưng những cơn khó thở, tim đập nhanh, vã mồ hôi, cảm giác sợ sệt hoảng loạn vẫn ở đó. Không ai nói cho tôi là tôi bị bệnh gì. Mãi vài năm gần đây khi tôi bắt đầu tự tìm hiểu, và tình nguyện ở các cộng đồng những người mắc rối loạn tâm lý ở nước ngoài, tôi mới dần hiểu ra tình trạng của mình. Mất hơn mười năm vật lộn với chứng rối loạn đó, một mình, nên tôi quá hiểu cảm giác của những người cũng bị bệnh như vậy. Nhiều bạn khi biết mình bất thường và khi chia sẻ với bố mẹ thì bị gạt đi, có người còn đưa con mình đi thầy chùa để xem có vong theo hay gì đó không. Có bé lén đi khám và uống thuốc nhưng khi bị phát hiện thì mẹ cầm hết thuốc và cho vào toilet giật nước. “Làm gì có thứ bệnh tâm lý nào, toàn là bịa ra cả thôi” “Gia cảnh bình thường, có nghèo khổ gì đâu mà tự dưng bị, sướng quá hoá rồ à” Có bậc phụ huynh còn thản nhiên nói với con mình bị rối loạn lưỡng cực là “Tao cũng không hiểu sao tao lại sinh ra đứa thần kinh như mày. Đừng nói với ai là mày phải đi khám bác sĩ tâm lý, không chẳng có thằng nào thèm yêu mày, chúng nó mà biết chúng nó chạy mất dép.” Những người khoẻ mạnh đa phần sẽ nhìn họ và có phản ứng như vậy.
Ngay cả tôi khi làm việc ở nước ngoài và thành đạt, cũng không đủ can đảm nói với đồng nghiệp, cấp trên rằng mình bị rối loạn tâm lý. Họ chỉ biết tôi mệt, ốm, hoặc bận. Nó không dễ dàng để chia sẻ ra ngoài như vậy (vả lại, tôi cũng sợ bị đuổi việc, bạn biết đấy, tôi bị rối loạn lo âu nên mọi quyết định tôi làm sẽ mất rất rất nhiều thời gian suy tính cho cả những trường hợp xấu nhất). Nhưng chia sẻ với những người từng bị, từng trải qua, thì điều đó dễ dàng hơn nhiều. Vô vàn câu hỏi, kiểu như “Tại sao tự dưng em lại có biểu hiện này hả chị? Em muốn sống, nhưng em không thấy thiết tha với những gì hiện hữu trong cuộc sống này nữa. Mà em không thể nói với ai, vì người ta sẽ bảo em xàm, dở hơi. Nhưng tự dưng em cảm thấy thế, em không biết làm thế nào.” Khoa học đã chứng minh những người bị rối loạn tâm lý từ vừa tới nặng sẽ có những bất thường nhất định trong não bộ, cụ thể là mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh trong não. Dĩ nhiên còn rất nhiều nguyên nhân khác nhau nữa, từ môi trường, gen di truyền, tính cách, mô hình nhận thức… Có ai muốn sinh ra hay mang trong mình những bất thường như vậy, vâng, chẳng ai muốn. Hơn ai hết chính họ là người luôn sợ mình sẽ ảnh hưởng lên người khác, sợ rằng người ta sẽ nghĩ mình không bình thường. Tôi từng từ bệnh viện trở về và quay lại công ty làm ngay lập tức, vì muốn giấu sếp việc mình vừa có cuộc hẹn với bác sĩ tâm thần (psychiatrist) của mình.
Vì vậy, cần một ai đó từng trải qua đau đớn tương tự, tìm đến những người giống mình, có gì là sai trái? Cần một chỗ hay một ai đó để dựa vào và không phán xét, không truy hỏi trách móc, có gì sai?
Bởi tôi tin rằng, chỉ những người đã từng ngã xuống cái hố đó, đã từng đau đớn, vật lộn một mình, mới hiểu rằng người khác nếu rơi xuống đó sẽ khổ sở chừng nào. Có một cô bé nhắn với tôi rằng: “Ban đầu em tưởng bọn chị là người khoẻ mạnh bình thường, nên em cũng hơi chùn bước khi định dấn thân theo ngành tâm lý trị liệu vì em cũng có rối loạn. Nhưng sau khi thấy chị chia sẻ rằng mọi người phần lớn đều có vấn đề tâm lý lúc này lúc khác, hoặc như chị bị rối loạn từ nhỏ mà vẫn làm những việc này, em lại cảm thấy có thêm dũng khí. Em sẽ quyết tâm theo đuổi chị ạ!” Bạn tôi bị trầm cảm nhưng cô ấy đã đỗ thành công vào trường Y khoa và quyết tâm sẽ trở thành bác sĩ, dù cô ấy cũng gần 30 tuổi rồi.
Không có gì kinh khủng hơn việc mỗi ngày thức dậy và phải chiến đấu với chính những suy nghĩ trong đầu mình và nghi ngờ hay ghét bỏ bản thân. Và họ phải chiến đấu với điều đó – một mình – không ai khác có thể trải qua, hay cùng họ nghe những suy nghĩ đó trong đầu, do đó với những người thế này, nếu bạn chưa hiểu nhiều về họ, và nếu không nói được điều gì khiến họ cảm thấy ổn hơn thì tốt nhất hãy im lặng. Đôi khi im lặng còn hơn là nói ra những lời mỉa mai chỉ trích gây tổn thương. Nhưng dĩ nhiên tốt nhất, nếu người bạn quan tâm bị rối loạn tâm lý, chỉ mất chút thời gian để bạn lên mạng tìm hiểu qua thôi.
Quan trọng nhất, họ không muốn họ trở thành gánh nặng cho bạn, và chính họ hơn ai hết đều muốn khỏi bệnh, muốn được bình thường như bao người. Họ sẽ là người tự hỏi mình câu “Tại sao lại là tôi?” nhiều nhất. Đôi khi chỉ cần một bờ vai, một cử chỉ lắng nghe và cảm thông cũng là động lực để họ đi tiếp. Và thế giới này cần nhiều sự cảm thông, thấu cảm (compassion) hơn, bởi xã hội xung quanh chúng ta đang sống cũng đã đủ đau khổ và xám xịt rồi.
“Mẹ tôi nói với tôi rằng: Chính bởi những chấn thương mà biến chúng ta thành người bảo hộ. Vì đau khổ đã làm da thịt chúng ta kiên cố lên và làm cho trái tim chúng ta mềm yếu hơn, và nếu chúng ta học cách sống chung với bóng ma của những điều đã từng gây ra cho chúng ta trước đó, chúng ta mới có thể cứu rỗi được những người khác từ những kết cục tương tự” – S. T. Gibson
Nguồn https://beautifulmindvn.com/2017/09/06/su-cam-thong/
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Trạng thái cao nhất của cuộc sống hôn nhân: cùng nhau nỗ lực Thứ Hai, 20/05/2024, 00:00
- Nghịch lý của sự quan tâm: Để yên cho người khác được sai Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Cho con làm gì những ngày nghỉ hè? Thứ Năm, 09/05/2024, 13:00
- Trẻ học từ sáng đến tối, phụ huynh cần làm gì để giúp con cân bằng? Thứ Sáu, 03/05/2024, 13:00
- Làm gì khi con cái 'xa cách' quá sớm ngay trong nhà? Thứ Sáu, 03/05/2024, 12:00
- Dạy và phạt con: Nhìn con để sửa mình Thứ Sáu, 03/05/2024, 11:00
- Cha mẹ ly hôn, giao con cho phía nào thì yên tâm? Thứ Năm, 02/05/2024, 14:00
- Tự do trong hôn nhân: Sự tự do vừa vặn Thứ Năm, 02/05/2024, 13:00
- Để nỗi buồn nhẹ hơn Thứ Sáu, 26/04/2024, 13:00
- Những người đàn bà chưa bao giờ bật tiếng thở than Thứ Sáu, 26/04/2024, 13:00
Các tin khác
- Cùng con yêu "xua tan" những rắc rối tuổi học trò Thứ Năm, 18/04/2024, 14:00
- Học sinh thời nay không thấy được sự yêu thương trong đòn roi Thứ Năm, 11/04/2024, 14:00
- Cách tôi lập kế hoạch đối phó với đợt bùng phát của bệnh Crohn như thế nào? Thứ Bẩy, 06/04/2024, 14:00
- Cha mẹ thiếu công bằng khiến các con ghét nhau ra mặt Thứ Năm, 04/04/2024, 14:00
- Chồng mê gái trẻ hơn 20 tuổi khiến vợ nghĩ quẩn Thứ Sáu, 08/03/2024, 13:00
- Những bất lợi khi để trẻ ngủ riêng quá muộn Thứ Sáu, 08/03/2024, 12:00
- 5 điều quan trọng khi dạy con phép lịch sự trên bàn ăn Thứ Năm, 07/03/2024, 10:00
- Tuyệt chiêu của chồng giúp vợ và mẹ hòa thuận Chủ Nhật, 03/03/2024, 13:00
- Những đứa con 'lạc loài' trong nhà mình Thứ Sáu, 01/03/2024, 08:00
- Tiến sĩ tâm lý khuyên vợ bớt kiểm soát, quản lý giờ giấc chồng Thứ Sáu, 23/02/2024, 14:00
- Ba lý do con cái không thành công khi trưởng thành Thứ Năm, 01/02/2024, 12:00
- Kinh nghiệm dạy con từ 'Hiệu ứng đuổi rắn' Thứ Năm, 01/02/2024, 11:00