Sinh viên ký sự Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Kỳ I: Giọt nước mắt trước cổng trường đại học
Đề thi khối A năm nay được đánh giá là dễ hơn các năm trước, nhưng không vì thế mà cơ hội cho thí sinh lớn hơn, bởi nếu điểm thi cao thì điểm chuẩn xét tuyển cũng sẽ cao. Trong khi đó, điểm thi khối C lại rất thấp, nhất là môn Sử. Nhiều thí sinh và gia đình của họ đã tỏ ra lo lắng. Người làm bài kém, điểm thấp lo lắng, buồn bã đã đành, nhưng người làm bài tốt, đạt điểm khá cũng lo vì chưa biết điểm chuẩn là bao nhiêu, có đỗ hay không. Đây quả là nét khác biệt, sự nóng hổi của “mùa sau thi” năm nay so với các năm trước.
Cho đến thời điểm này, phần lớn các trường đã công bố điểm chuẩn xét tuyển và gửi giấy báo nhập học cho các thí sinh trúng tuyển. Sự kiên trì, quyết tâm sau 12 năm đèn sách của các em học sinh và sự chăm lo, kỳ vọng của các thầy cô giáo và các bậc cha mẹ cuối cùng đã được đến đáp.
Có lẽ với những ai đã từng hoặc đang là sinh viên, cái thang bậc cảm xúc từ ước ao mong đợi lúc trước khi bước vào phòng thi, rồi hồi hộp lo lắng chờ đợi kết quả, sung sướng hân hoan khi biết mình thi đậu và mãn nguyện, tự hào khi cầm trên tay giấy báo nhập trường, ngẩng cao đầu bước vào giảng đường ngày nào, giờ đã lu mờ dần hoặc được xếp vào một nơi nào đó trong trí nhớ. Nhưng với tất cả các bạn tân sinh viên năm nay, cảm giác đó đang hiện rõ hơn lúc nào hết. Như một khúc ca khải hoàn, lúc trầm lúc bổng, lúc nhanh lúc chậm, dồn nén và bùng lên tuôn trào như thác đổ, nhộn nhịp ngân vang trong âm hưởng chiến thắng. Nhưng, những người trải qua cảm giác ấy chỉ là một phần rất nhỏ trong số các sĩ tử đã từng bước vào phòng thi. Khi họ vượt lên để chiến thắng, trong hạnh phúc ngập tràn, họ mang về cho gia đình niềm tự hào, mãn nguyện và niềm tin phơi phới vào tương lai, thì cũng là lúc những người đồng hành với họ trên chặng đường vừa đi qua phải ở lại với sự thất vọng vô bờ, cùng với đó là sự tủi hổ của cha mẹ, gia đình...
Ông Thao giãy nảy người lên khi biết Thuý, cô con gái cành vàng lá ngọc, niềm hy vọng của cả gia đình chỉ đạt tổng cộng 5,5 điểm/3 môn khối A của trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội. Vậy là công sức suốt một năm trời chỉ ăn với học ở “lớp 13” của cô đã đổ xuống sông xuống biển. Mọi trông mong, kỳ vọng của cha mẹ cô vỡ tan tành cùng sự tủi hổ với xóm giềng.
Năm trước, những mong sẽ sớm trở thành kỹ sư nông nghiệp để về giúp quê hương, Thuý cũng đã dự thi khối B vào trường Nông nghiệp I. Nhưng ước mơ của Thuý đã sớm tiêu tan khi cô chỉ đạt tổng điểm với con số không khá hơn gì kết quả năm nay. “Học tài thi phận”, Thuý và gia đình nghĩ thế và coi đó chỉ là bước sa chân, kém may mắn. Để tránh “vết xe đổ”, hoá giải vận đen, gia đình quyết định cho Thuý chuyển khối từ B sang A và tìm lớp tìm thầy học ôn ở ngay thị xã chứ không về Hà Nội, vì tuy thủ đô có nhiều “hào kiệt” nhưng cũng lắm “chướng khí”. Nhưng..., sự tự tin, kinh nghiệm, lòng quyết tâm và vốn kiến thức của một “học sinh lớp 13” đã không giúp Thuý vượt qua “lời nguyền” “học tài thi phận” mà cô vẫn tâm niệm. Giờ đây, trong cảm giác rối bời, hoang mang, chưa biết gia đình có cho Thuý tiếp tục học thêm một năm “lớp 14” nữa để thoả mãn ước mơ vào đại học không, nhưng có lẽ tờ giấy thông báo mời nhập học một trường trung cấp nào đó giống như năm trước sẽ khiến cô và gia đình cân nhắc để lựa chọn nhiều hơn.
Không đến nỗi bi quan như hoàn cảnh của Thuý, nhưng với kết quả thi chưa đủ điểm vào nguyện vọng một khiến Vũ và gia đình rơi vào tình thế khó xử. Đợi xét tuyển nguyện vọng hai để đi học thì lại tiếc ngành học mơ ước, nhưng nếu ôn để sang năm thi tiếp thì lại lo không biết có đậu hay không. Thấy không thể tự quyết định chuyện này, mẹ Vũ tức tốc gọi điện từ Thái Bình lên Hà Nội để nhờ người bà con “tư vấn” giúp. Sự thật thà, bộc trực và phần nào là kém hiểu biết của mẹ Vũ khi nói với người họ hàng (có đứa con vừa thi đậu năm nay) rằng “dân thành phố học dốt, có đứa chả biết gì cũng thi được 26 điểm” không những khiến bà không nhận được lời “tư vấn” nào mà còn làm mất luôn cả tình họ hàng.
“Ở nhà nhất mẹ nhì con”, kiểu quan niệm sai lầm, đánh giá năng lực vượt xa khả năng thực tế rồi nghĩ rằng thiên hạ không ai bằng mình, hoặc nếu có kẻ hơn thì lại cho rằng nếu không “cầm phong bì đi cửa sau” chạy chọt thì cũng có người thân quen... Thế nên mới có chuyện, dù thi đỗ đại học bằng năng lực thực sự, nhưng đến nay, khi Vinh đã học xong và đi làm được 5 năm, gia đình hàng xóm vẫn một mực cho rằng cha mẹ Vinh đã nhờ người quen chạy chọt để anh vào đại học. Trong khi đó, họ lại nói với mọi người rằng con họ học giỏi, nhưng vì nhà nghèo, không có tiền để chạy nên không đỗ... Cũng “may mắn” cho những người này, vì quan niệm như thế nên họ đã tự an ủi được mình.
Trở lại mùa tuyển sinh năm nay, theo thông tin từ Bộ Giáo dục, nhìn chung bộ sẽ cố gắng để số thí sinh bị trượt ít nhất. Điều đó có nghĩa là những em trượt nguyện vọng một sẽ tiếp tục có cơ hội xét tuyển ở nguyện vọng hai. Đồng thời, các trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề cũng đang sẵn sàng đón nhận các em vào học, vừa đáp ứng nhu cầu được học của các em, vừa góp phần cơ cấu lại lực lượng lao động đang mất cân đối, “thừa thầy thiếu thợ”.
Thực tế đã chứng minh có nhiều con đường để đi đến thành công và có nhiều cách để chứng tỏ năng lực của mình, mà vào đại học chỉ là một con đường, một cách. Nhưng đã từ mấy thế kỷ nay, cái quan niệm phải “đỗ ông nghè” thì mới “đe hàng tổng” được, không đi học (học ở trường) thì không thể làm quan đã ăn quá sâu vào nếp nghĩ của người Việt Nam. Với một số gia đình, việc vào đại học không những mở ra cơ hội kiếm việc làm, thăng quan tiến chức..., mà còn là vấn đề sĩ diện và danh dự. Chính vì thế họ quyết tâm để con cái họ vào được đại học bằng mọi giá. Những hệ quả của xu thế đó chúng ta đã biết và xin phép không bàn thêm ở đây. Tâm sự bạn trẻ chỉ xin nhắn gửi tới các bạn trẻ, các bậc cha mẹ một điều: Khả năng của mỗi con người là có giới hạn, nhưng điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta nhận ra những khả năng thực sự của mình, nỗ lực thật cao để biến những khả năng đó thành hiện thực trong công việc. Khi đó, cho dù làm công việc gì, chúng ta cũng sẽ gặt hái được thành công.
Sơn Nam
Kỳ sau: Những chuyện cười ra nước mắt ở nhà trọ
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Hiệu ứng Zeigarnik và trí nhớ Thứ Sáu, 28/06/2024, 00:00
- Mối quan hệ toxic là gì? 5 dấu hiệu "tình yêu" độc hại Thứ Sáu, 17/05/2024, 14:00
- Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ? Thứ Sáu, 17/05/2024, 13:00
- 3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc? Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Liệu nỗi sợ và chấn thương tâm lý có thể giúp bạn sống tốt hơn? Thứ Sáu, 10/05/2024, 12:00
- Khi yêu thương đủ lớn mọi giới hạn điều được xóa nhòa Thứ Năm, 11/04/2024, 14:00
- MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH Thứ Tư, 03/04/2024, 00:00
- Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2-4): Yêu thương, thấu hiểu, đồng hành cùng trẻ tự kỷ Thứ Ba, 02/04/2024, 00:00
- 3 điều không nên kiểm soát trong cuộc sống hôn nhân Thứ Sáu, 22/03/2024, 12:00
- Những hệ luỵ khi chồng nhận xét quá thẳng thắn về bạn đời Thứ Năm, 21/03/2024, 15:00