Phải chăng không nên nói với chàng về…? Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00

Chuyện gì bạn có thể nói với chàng?
tamsubantre.org - Có những điều bạn rất muốn chia sẻ với chàng nhưng lại băn khoăn không biết có nên hay không. Vì thế, khi được rỉ tai về những điều vẫn được cho là cấm khi “nhỏ to” cùng người ấy, XX đã “mừng như bắt được vàng”. Tuy nhiên những điều này không hẳn luôn đúng.
Cô bạn “nguyệt san” của bạn
“Nguyệt san” lâu nay vẫn được coi là bí mật thầm kín của con gái, nên nếu có nói, con gái cũng chỉ dám rủ rỉ với mấy cô bạn thân, mẹ hay chị gái. Nói chuyện ấy với “chàng” dường như là điều rất vô duyên nên hầu hết con gái đều tránh. Nhưng đôi khi, việc bạn chia sẻ về “cô bạn” này với chàng lại rất cần thiết đấy nhé.
Mỹ Dung (22 tuổi, sinh viên) kể: “Hôm ấy, mình “dính chưởng” nên chuyện ấy chắc chắn là không thể được rồi. Khi anh ấy gợi ý, mình đã rất lúng túng và viện cớ này cớ kia để từ chối, nhưng không thuyết phục lắm. Anh ấy có vẻ băn khoăn mãi nên mình đã nói rằng, mình đang trong thời gian “đèn đỏ” nên hai đứa phải chờ đèn xanh. Anh ấy cười phá lên và bảo, lần sau, nếu như vậy thì không cần ấp úng như thế vì chẳng có gì đáng phải xấu hổ cả”.
Là một chàng trai, Việt Cường (24 tuổi, nhân viên siêu thị FIVIMART) cũng có cái nhìn rất thoáng về điều này, cậu chia sẻ: “Mỗi khi thấy bạn gái lo lắng, cáu gắt, mình không hiểu vì sao và cảm thấy rất khó chịu. Nhưng khi cô ấy chia sẻ về chuyện có kinh nguyệt thất thường và lo lắng khi chưa thấy “đèn đỏ”, mình rất thông cảm và thương cô ấy hơn. Vì thế, đôi lần, mình còn sốt sắng đi mua Kotex cho cô ấy nữa. Dĩ nhiên mình chẳng xấu hổ gì cả, mà còn thấy hãnh diện vì điều ấy thể hiện mình yêu và quan tâm đến cô ấy”.
Rõ ràng, “nguyệt san” không hẳn là đề tài cấm kị giữa XX và chàng phải không nào? Nhưng bạn nên lựa chọn thời điểm và không gian riêng tư và kín đáo khi chia sẻ nhé. Như thế, câu chuyện sẽ thân mật, vui vẻ và tự nhiên hơn nhiều.
XX không thể chia sẻ về “nguyệt san” với chàng?
Người yêu cũ của bạn
Người yêu cũ cũng được coi là một trong những đề tài cấm kị, vì hầu hết mọi người đều cho rằng, không ai muốn nghe về quá khứ của nửa kia. Nhiều bạn gái đã chọn cách “che giấu” đến cùng khi được hỏi về người yêu cũ. Tuy nhiên, cách này không hẳn đã tốt đâu nhé. Vì thế, điều quan trọng không phải là nói hay không, mà là nói như thế nào thôi.
Thu Hương (21 tuổi, sinh viên, Hà Nội) chia sẻ bí kíp của mình: “Con trai có khá nhiều người tò mò về người yêu cũ của người yêu. Việc trước đây bạn có một ai đó chẳng có gì là xấu. Và chàng hiện tại của bạn cũng không có quyền phán xét bạn về việc đó. Tuy nhiên, cần khéo léo một chút khi nói về người cũ. Không phải là chê bai hay nói xấu gì mà cái chính, hãy giúp người yêu bạn nhận ra rằng, hiện tại, anh ấy mới là người mà bạn yêu nhất, trân trọng nhất. Và nhất là đừng cố gắng chối bay chối biến khi chàng hỏi đến”.
Không hài lòng với người thân của chàng
Im lặng trước những cư xử có phần khiếm nhã, khiến bạn khó chịu từ phía người thân của chàng dường như là cách để chứng tỏ bạn đang hy sinh và hết lòng vì mối quan hệ của cả hai. Tuy nhiên, điều này không hẳn luôn luôn đúng, nhất là khi bạn muốn xây dựng một mối quan hệ lâu bền và chân thành từ hai phía.
Lệ Chi (19 tuổi, sinh viên) ấm ức kể: “Mình lên nhà chơi, mẹ anh ấy có vẻ không quý mình lắm nên nhiều lần mình chào rất to, bác cũng không đáp lại mà quay lưng đi thẳng vào trong nhà. Khi người yêu mình ở đấy, bác tỏ ra vui vẻ và đon đả với mình lắm, nhưng khi ngồi một mình với bác, bác lại mỉa mát mình. Nhiều lúc, mình có cảm giác như đang tham gia đánh trận vậy, tủi thân đến phát khóc. Một lần, không kiềm chế được, mình đã nói ra tất cả với anh ấy. Tuy không thể làm gì nhiều, nhưng anh ấy đã an ủi và động viên để mình cảm thấy khá hơn và tin tưởng vào tình yêu của hai đứa. Lần sau đến nhà chơi, khi mình chào, mẹ anh ấy chưa đáp lại, anh ấy nhắc nhẹ: “Mẹ ơi, Chi chào mẹ kìa!”
Việc bạn chia sẻ về những điều bạn cảm thấy chưa hài lòng về cách cư xử của những người thân trong gia đình chàng không hẳn là xấu nếu bạn biết cách. Điều quan trọng là bạn hãy nói trên tinh thần chia sẻ, hợp tác, chứ không phải xui chàng quay lưng lại với gia đình. Rõ ràng, chẳng có chàng trai nào muốn phải lựa chọn hoặc gia đình hoặc người yêu cả.
Cách chi tiêu của chàng
Nhiều người quan niệm, khi còn là người yêu, việc tiền của ai người nấy tiêu và không can thiệp vào cách chi tiêu của đối phương là yêu cầu tiên quyết. Nhưng điều này không có lợi cho mối quan hệ tình cảm như bạn tưởng. Vì yêu nhau là cùng nhìn về một hướng, và việc quản lý chi tiêu thế nào cho hiệu quả để lo lắng cho tương lai là điều cần thiết với bất kì cặp đôi nào, nếu như đã có ý định tiến tới hôn nhân.
Hằng (23 tuổi, sinh viên) nói về câu chuyện của mình: “Người yêu mình là một người không biết cách quản lý chi tiêu. Tiền lương của anh ấy cao gần gấp đôi mình, nhưng lúc nào anh ấy cũng hết tiền trước mình, thỉnh thoảng còn phải mượn tiền mình nữa. Lúc đầu mình cũng nghĩ anh ấy làm thì anh ấy tiêu, mình chưa là vợ nên cũng chẳng nên nói làm gì. Nhưng ngẫm đi ngẫm lại mình vẫn thấy nên góp ý với anh ấy. Dĩ nhiên là việc này khó khăn vì chẳng ai thích việc túi tiền của mình bị “soi xét” nên tiêu thế nào, tiêu ra sao. Nhưng mình nói nhẹ nhàng và từ tốn lắm, góp ý thôi chứ không phải là đòi kiểm soát chi tiêu của anh ấy. Mưa dầm ngấm lâu, anh ấy nghe và thỉnh thoảng còn khoe với mình là đã tiết kiệm được từng này từng kia”.
Nếu bạn thấy chàng của mình là người vung tay quá trán, hay quá hà tiện, bạn cũng nên bày tỏ thái độ và ý kiến của mình ngay từ lúc yêu nhau, thay vì cố chờ đến lúc “cưới về rồi tính”. Vì tài chính là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo dựng một cuộc sống chung hạnh phúc về sau.
Lời kết
Theo tư vấn viên Thuỷ Tiên của Tâm sự bạn trẻ thì không có đề tài nào là tuyệt đối cấm kị trong tình yêu. Điều quan trọng là thái độ và cách thức bạn trao đổi với người yêu của mình. Nếu cả hai cùng trò chuyện với nhau trên tinh thần hợp tác, tôn trọng lẫn nhau thì tất nhiên là hiệu quả sẽ rất tốt. Vì thế, thay vì cho rằng đề tài này cấm kị, đề tài kia không thể nói thì XX có thể nghĩ tới việc làm thế nào để nói thật hiệu quả nhé!
Đan Hạ
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Hiệu ứng Zeigarnik và trí nhớ Thứ Sáu, 28/06/2024, 00:00
- Mối quan hệ toxic là gì? 5 dấu hiệu "tình yêu" độc hại Thứ Sáu, 17/05/2024, 14:00
- Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ? Thứ Sáu, 17/05/2024, 13:00
- 3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc? Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Liệu nỗi sợ và chấn thương tâm lý có thể giúp bạn sống tốt hơn? Thứ Sáu, 10/05/2024, 12:00
- Khi yêu thương đủ lớn mọi giới hạn điều được xóa nhòa Thứ Năm, 11/04/2024, 14:00
- MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH Thứ Tư, 03/04/2024, 00:00
- Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2-4): Yêu thương, thấu hiểu, đồng hành cùng trẻ tự kỷ Thứ Ba, 02/04/2024, 00:00
- 3 điều không nên kiểm soát trong cuộc sống hôn nhân Thứ Sáu, 22/03/2024, 12:00
- Những hệ luỵ khi chồng nhận xét quá thẳng thắn về bạn đời Thứ Năm, 21/03/2024, 15:00