Nơi thắp lên sự sống Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Ảnh minh họa
tamsubantre.org - Một ngày cuối tháng 8, chúng tôi có mặt tại phòng khám điều trị ngoại trú - khoa truyền nhiễm – Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội để dự buổi sinh hoạt đầu tiên của những bệnh nhân có HIV trong lần điều trị thứ nhất. Phòng khám nằm kín đáo trong khuôn viên của bệnh viện. Những trao đổi cùng bác sĩ Đỗ Mạnh Cường – trưởng phòng khám đã giúp chúng tôi hình dung rõ hơn về một mô hình hoạt động mới thấm đẫm tình người.
Nhận thấy sự ảnh hưởng sâu rộng của HIV/AIDS đối với đời sống cộng đồng và tầm quan trọng đặc biệt của việc điều trị bệnh nhân HIV, trong thời gian tới, phòng khám sẽ thành lập thêm một số dịch vụ khác như điều trị cho trẻ em, phòng lây truyền mẹ con và nghiên cứu sâu về HIV, kết hợp với dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ, nghiên cứu tập trung vào nhiễm trùng cơ hội, thất bại điều trị, kháng thuốc, nghiên cứu trên nhóm nữ bị lây từ chồng, nhóm nữ hành nghề mại dâm. Mặt khác, nắm bắt được tình trạng tiềm ẩn về nguy cơ lây nhiễm HIV từ nhóm đối tượng đồng tính nam (MSM) và tâm lý e ngại gặp người khác của nhóm đối tượng này nên cũng trong thời gian tới phòng khám sẽ triển khai dịch vụ dành riêng và những chương trình nghiên cứu chuyên sâu trên nhóm đối tượng này. Theo bác sĩ Cường, đây là dịch vụ cần phải có vì nó có ý nghĩa đặc biệt đối với việc phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS. Nhưng rất tiếc do một số hạn chế, nên ở thời điểm hiện tại, phòng khám tạm thời mới chỉ dừng lại ở việc điều trị bệnh cho nhóm đối tượng này chung như những bệnh nhân khác.
Sau gần một năm đi vào hoạt động, phòng khám đã thu hút được 305 bệnh nhân đến điều trị trong đó nam giới chiếm 2/3. Họ đến từ nhiều miền khác nhau trên dải đất thân thương hình chữ S, như Hà Nội, Tuyên Quang, Nam Định, Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Ninh… Trong số đó có 170 bệnh nhân điều trị ARV, chia thành 8 đợt điều trị, mỗi đợt khoảng 20 người. Đa số bệnh nhân là người ngoại tỉnh điều trị tại các phòng bệnh khác mới phát hiện nhiễm HIV nên chuyển sang điều trị nội trú và khi bệnh tình thuyên giảm thì chuyển tiếp sang điều trị ngoại trú. Bác sĩ Cường chia sẻ thêm: những bệnh nhân nữ lây từ chồng rất nhiều; hầu hết bệnh nhân đều không muốn điều trị tại địa phương, có nhiều bệnh nhân nặng, kháng thuốc, đa thương tổn, bệnh nhân giai đoạn muộn, nói chung hầu hết những bệnh nhân khi đến đây đều ở tình trạng sức khỏe rất kém, sốt, nhiễm trùng cơ hội… Không chỉ vậy, họ đến trong tình trạng hoảng loạn về tinh thần, thể xác bị tổn thương nặng nề. Lúc nào trong họ cũng tồn tại cảm giác sợ hãi, họ sợ bị người đời phỉ nhổ, khinh bị và họ không muốn sống. Họ giống như những người đang bị rơi xuống vực và chỉ được kéo giữ bằng một sợi giây mủn nát không biết đứt lúc nào.
Hàng tháng phòng khám có tổ chức những buổi gặp gỡ giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân với y bác sĩ để đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm trong điều trị, nhưng do đặc thù là ngoại trú, bệnh nhân sống ở tỉnh xa nên không có sự gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm. Vì vậy, phòng khám đã có sáng kiến tổ chức sinh hoạt nhóm cho bệnh nhân và mong muốn hoạt động này trở thành thường quy, mỗi tháng họp một lần. Mục đích của việc sinh hoạt nhóm này là để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, sau một thời gian uống thuốc, điều trị có gì cải thiện về sức khỏe, tâm lý, cuộc sống; dùng thuốc có tai biến gì không, rút kinh nghiệm làm sao cho phòng khám hoạt động tốt hơn.
Bước chân vào căn phòng rộng khoảng hơn 10m2, không như dự cảm ban đầu - buổi hôm nay có thể các bệnh nhân sẽ rất e dè, dù hẹp về không gian nhưng ở đó lại đầy ắp tình yêu thương giữa con người với con người. Khi chúng tôi bước vào phòng đã có khoảng mươi người đang trò chuyện sôi nổi, trông ai cũng tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Theo lời giới thiệu ban đầu của bác sĩ Cường thì ở đó có người là người nhà bệnh nhân có người là nạn nhân trực tiếp của HIV. Nhưng quả thực tôi không tài nào nhận ra vì tất cả trông đều rất khỏe mạnh, xinh xắn và đáng yêu. Buổi sinh hoạt kéo dài gần 3 giờ đồng hồ, ở đó có nhiều cảm xúc nước mắt, niềm vui và hạnh phúc ngập tràn. Chia sẻ với chúng tôi về thái độ và các dịch vụ phục vụ của phòng khám, nhiều bệnh nhân không giấu nổi niềm xúc động. Bệnh nhân có tên là H đến từ Phú Thọ đã không kìm nổi xúc động, thổn thức: “Vợ chồng chúng tôi như từ cõi chết trở về. Sau rất nhiều những khủng hoảng về tinh thần, những dằn vặt khổ đau cho lầm lỗi để trót mang đến hậu họa là bị nhiễm HIV chúng tôi chỉ muốn chết. Khi vào phòng khám này, sự sống của vợ tôi ở tình trạng ngàn cân treo sợi tóc, mọi người ai cũng tưởng là không thể cứu chữa gì nữa, nhưng các bác sĩ luôn có mặt động viên kịp thời giúp chúng tôi vượt qua được thời khắc quan trong nhất. Sau hơn một tháng điều trị nội trú tại phòng khám, sức khỏe của vợ tôi khá lên trông thấy, từ một cái xác như chẳng còn chút sự sống nào, quặt quẹo chỉ còn 35kg, bây giờ vợ tôi đã được 45kg, đã có da có thịt. Chúng tôi biết ơn các bác sĩ nhiều lắm”. Đôi mắt ngấn lệ, gương mặt sạm màu sương gió, khắc khổ vì bươn trải cuộc sống, vì nỗi lo cơm áo gạo tiền, bệnh tật, vì sợ bí mật của hai vợ chồng đến một ngày nào đó sẽ bị tiết lộ đã làm cho tất cả chúng tôi đều rưng rưng. Cùng với niềm xúc động ấy, bác Th - người nhà của một bệnh nhân đang nằm điều trị nội trú tại phòng khám, người có thâm niên đi nuôi bệnh nhân giãi bày: “Cách đối xử của bác sĩ, y tá, nhân viên với bệnh nhân ở đây còn thương hơn cả người nhà. Ở gia đình, làng xóm, chúng tôi bị kì thị, ghét bỏ, họ ghê tởm gia đình chúng tôi. Thì đến đây các bác sĩ, y tá luôn gần gũi động viên bệnh nhân, gia đình để củng cố thêm lòng tin cho chúng tôi. Họ luôn tận tình dặn dò đến nơi đến chốn, không tiếc điều gì, chăm sóc không kể thời gian đêm cũng như ngày miễn sao cho bệnh nhân được khỏe”. Dù là buổi sinh hoạt của những người bệnh có HIV nhưng không khí của buổi sinh hoạt không hề nặng nề, u ám mà lại tràn ngập niềm vui, tiếng cười, trên gương mặt họ ánh lên những niềm hạnh phúc và sự lạc quan. Để làm nên không khí đó là công rất lớn của một bệnh nhân, chị Nguyễn Thị H. Chị vốn là một nhân viên trong một công ty lớn ở Hà Nội. Với khuôn mặt bầu bĩnh ngây thơ, nụ cười luôn thường trực trên đôi môi, rất cởi mở và thẳng thắn, chị đã làm cho buổi sinh hoạt sôi nổi thêm bội phần. Cũng như bao bệnh nhân khác, khi phát hiện ra bí mật này chị đã vô cùng hoảng loạn, nhìn thấy ai cũng sợ, sợ bị kì thị, bị bại lộ thì tất cả sẽ hết: bạn bè, người thân, tình yêu và việc làm. Chị tâm sự: “tự dưng em thấy sức khỏe giảm sút nhanh chóng, đi khám ở bệnh viện Bạch Mai, biết mình bị "dính", rồi em được đưa tới phòng khám này trong trường hợp sức khỏe bị suy kiệt nặng, người gầy nhom nhem, mắt lác sệch, da tái xanh tái xám. Khi vào đây điều trị, ngày nào em cũng khóc, em rất hay gọi điện cho bác sĩ (đặc biệt là em hay gọi cho bác sĩ Cường kể cả đêm lẫn ngày) để hỏi, cái gì cũng hỏi như: bao giờ thì chết, có chữa được không, sợ uống thuốc sẽ bị quái thai nhưng sợ chết nên phải uống. Và rồi được sự quan tâm giúp đỡ, động viên tận tình của bác sĩ ở đây em đã vượt qua được rào cản để tồn tại. Họ như những người đã tiếp thêm nghị lực sống cho em”. Với vợ chồng anh Lê Tuấn L và chị Nguyễn Thị Ph ở Long Biên, Hà Nội, những người đã chung sống với HIV đến nay là 11 năm trời, thì phòng khám đã là nơi tái sinh cuộc đời họ một lần nữa. Phát hiện bị bệnh năm 1999, cả anh và chị đều hoảng loạn, mất thăng bằng. Quẫn chí cả hai vợ chồng đã tìm đến cái chết bằng những viên thuốc ngủ vô cảm nhưng thần chết đã ngoảnh mặt làm ngơ nên hôm nay anh chị mới có cơ hội có mặt ở phòng khám này. Chị Ph tâm sự: “Phòng khám này là điểm đến cuối cùng, không có bệnh gì là bác sĩ ở đây không chữa được. Tôi thấy các y bác sĩ ở đây rất giỏi. Không chỉ vậy, họ rất biết chăm sóc bệnh nhân, họ luôn hiểu và thông cảm với bệnh nhân. Trong những ngày ở viện, tôi chưa bao giờ thấy họ nặng lời với bất cứ một bệnh nhân nào mặc dù tôi biết họ làm việc rất vất vả, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng. Vợ chồng chúng tôi và có lẽ là tất cả những bệnh nhân khác ở đây không biết bao giờ mới trả hết ơn cứu mạng lớn lao này”.
Còn nhiều và rất nhiều những nỗi lòng, những sẻ chia… Tất cả họ đều rưng rưng trong niềm xúc động và bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến tất cả các y bác sĩ của phòng khám nơi đã làm nên sự hồi sinh cho cuộc đời họ, để họ thêm một lần nữa được sống, được yêu thương. Chúng tôi hiểu rằng, với họ phòng khám này đã ươm lên mầm sống, cùng những khát vọng được trở lại với cuộc đời để tồn tại trong thế giới vô cùng kì diệu này! Mỗi người một số phận, một cuộc đời, một câu chuyện nhưng ở họ có mẫu số chung đó là đều là nạn nhân của HIV/ AIDS. Dù đã đi đến rất nhiều nơi điều trị cho bệnh nhân có HIV/AIDS, nhưng có lẽ đây là nơi sự âm u, lạnh lẽo thường có của bênh viện, đặc biệt là khu điều trị cho người có HIV đã bị thay thế bằng một không khí vô cùng vui vẻ và thoải mái giữa các cán bộ, nhân viên y tế với người bệnh, là nơi đầy ắp tình yêu thương giữa con người với con người. Họ đã sống bằng sự chân thành của những trái tim luôn khát khao yêu thương, luôn khát sống có ích cho cuộc đời. Tiếp xúc và trao đổi với cán bộ, nhân viên bệnh nhân của phòng khám, chúng tôi nhận thấy một điều sâu sắc rằng: tất cả sự hiện đại, tiện nghi về cơ sở vật chất, tất cả những yêu thương của bác sĩ, nhân viên đều nhằm một mục đích cuối cùng: cứu giúp người bệnh bằng mọi cách có thể, không thể để cho bệnh nhân chết, tạo lại cho họ sức khỏe và niềm tin vào cuộc sống. Chúng ta có quyền hi vọng rằng, với tất cả những gì hiện có, phòng khám sẽ luôn là địa chỉ tin cậy của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân để xứng đáng là nơi gieo lên mầm sống, niềm tin cho những số phận bất hạnh, là chiếc cầu bắc qua dòng sông thời gian để giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.
Thái Bình
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00