Những mối tình mùa “nước rút” Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00

Tình yêu học trò
Với mỗi người, tình yêu đến trong đời đôi khi “không cần báo động”. Ở đâu cũng có những không gian và thời gian dành cho tình yêu nảy nở. Và ai dám bảo mùa thi, thời điểm dành cho học hành và sự tập trung cao độ không phải lúc “bắt đầu” của bao cặp uyên ương?
Mối tình “mùa thư viện”
Du thường xuyên lên Thư viện Quốc gia tìm tài liệu văn học vào những kỳ thi. Buổi trưa, cậu thường ở lại thư viện nghiên cứu tài liệu và đọc sách. Huyền cũng có thói quen lên Thư viện Quốc gia, nhất là trong những ngày thi và say sưa học quên giờ. Cô là sinh viên năm cuối, đang viết khoá luận tốt nghiệp. Mọi chuyện bắt đầu khi Du muốn tìm những tập thơ để đọc và chép lúc nghỉ trưa nhưng không bao giờ có được. Mùa thi nên mọi người lên thư viện đa số để học chứ không nghiên cứu chuyên ngành như Du. Nhưng những tập thơ của Nguyễn Đình Hưng mà cậu cần đều nằm trong bàn đọc của Huyền. Cảm giác nhìn người khác chiếm đến năm quyển thơ mình thích, lại ngồi nghe headphone và rung đùi làm cậu nhăn mặt. Chắc là hay nghịch ngợm, không được ở nhà quậy phá nên bố mẹ ép phải lên thư viện “tu”. Ấn tượng về Huyền ban đầu với những ý nghĩ không tốt làm Du hay để ý Huyền một cách rất tự nhiên như thế.
Một buổi, Du đang ngồi ăn trưa thì Huyền đến bên rất tự nhiên chăm chú ngâm thơ của Nguyễn Đình Hưng. Du vốn hâm mộ những bài thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Hưng và cũng tự nhiên, phụ hoạ theo Huyền. Không ngờ, đó lại là điểm mở đầu của câu chuyện. Du mất mẹ từ nhỏ nên phải tự lập khá sớm. Bố là nhà khoa học với những công trình nghiên cứu bận rộn, Du phải tự chăm sóc bản thân từ nhỏ. Còn Huyền, cũng ở với bố từ bé vì mẹ đã bỏ hai bố con từ khi Huyền lên ba. Thật bất ngờ, cả hai lại học cùng trường và ở cùng khu phố. Trong khi lũ bạn đang vi vu ở Xinhgapo hay châu Âu chờ ngày nộp luận văn sao chép, thì Huyền lại bám trụ với hàng đống sách vở ở thư viện mà không thấy chán.
Từ đó, Du không để ý đến cách học và lối ăn mặc của Huyền nữa. Hai người thường rủ nhau đi thư viện và đôi lúc bàn về nhà thơ Nguyễn Đình Hưng cả hai cùng hâm mộ. Rồi Du giúp Huyền đánh giá những tiểu mục trong khoá luận, Huyền tìm những công trình nghiên cứu về thơ văn Việt Nam phục vụ việc viết khoá luận cho cả hai. Du chép tặng Huyền những bài thơ tình hay, mới ra của các nhà thơ, còn Huyền thì sưu tập những bài thơ trên mạng tặng Du. Dần dần, thư viện đã trở thành nơi hẹn hò của hai người trong mùa thi. Du tâm sự, nhờ sự giúp đỡ của Huyền mà Du đã hoàn thành luận văn hay và ý nghĩa hơn.
Bây giờ, nếu lên Thư viện Quốc gia vào những ngày nghỉ, các bạn vẫn có thể thấy Du và Huyền, mỗi buổi trưa hay ngồi lại dưới tán cây cổ thụ bàn về thơ văn Việt Nam. Nếu hỏi vì sao họ yêu nhau, cả hai đều sẽ trả lời, vì họ “gắn bó với thư viện, với kiến thức rất đặc biệt mà khó có thể tìm thấy ở cuộc sống thường nhật xô bồ”.
Khi sân chùa là “nơi tình yêu bắt đầu”
Mùa hè nóng nực, lại thêm không gian chật hẹp của phố phường thì những nơi mát mẻ, yên tĩnh là chốn được các bạn trẻ thường xuyên lựa chọn để ôn bài. Chùa Bồ Đề (Gia Lâm, HN) là nơi các bạn trẻ thường xuyên tìm đến. Chùa nằm bên bờ sông Hồng, có không gian rộng, yên tĩnh và mát mẻ. Và ở đây, cũng có không ít những mối tình nảy nở và đơm hoa kết trái.
Trang, sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội thường đến đây mỗi mùa thi cho biết, “Trang rất thích cảnh quan nơi đây. Lúc nào không học có thể chơi với các em nhỏ ở chùa hoặc ngồi thiền cùng các sư thầy. Vì thế, mùa thi cũng qua một cách nhẹ nhõm và thoải mái”.
Nhóm của Trang gồm hai đôi bạn thường tập trung ở đây học bài, giúp đỡ các em nhỏ cũng như tổ chức các trò chơi tập thể cho các em. Ai cũng cho rằng, trong không gian tâm linh và gần gũi với các em nhỏ mồ côi, mình sẽ học được nhiều hơn là chơi. “Nhiều lúc mọi người cũng sợ sư thầy không cho phép các đôi ngồi trong sân chùa, lo ảnh hưởng đến các em. Nhưng khi biết bọn mình sang để học thì sư thầy ủng hộ lắm, có hôm còn mời chúng mình ở lại ăn cơm chay”, Trang kể.
Còn Liên, học sinh trường THPT Chu Văn An, bạn lại có sở thích đến Quốc Tử Giám học bài. “Với không gian xanh, sạch thế này thì thoải mái ôn thi “vượt vũ môn” mà không sợ nóng nực trong các lò ôn thi, hay ở nhà mò mẫm những sự kiện lịch sử. Vả lại, học cùng “một nửa” nên rất hào hứng. Mình cũng gặp nửa kia của mình ở đây cách đây một năm. Tuyệt không?”
Liên cũng cho rằng, vì học đôi nên rất hiểu nhau thiếu kiến thức gì. Nếu học một mình ở nhà thì có khi buồn ngủ là ngủ ngay, hoặc buồn miệng là ngồi ăn đồ tới no. Nhưng ở đây, học nghiêm túc để các cụ Rùa “chứng giám” cho kiến thức và cũng là động viên tinh thần vượt khó của tình yêu nữa. Cũng đừng cho rằng, học đôi có thể ngồi tâm sự lúc nào cũng được. Cần biết phân bổ thời gian học hợp lý và hiệu quả nhất, sao cho yêu mà không ảnh hưởng đến học tập. Từ những buổi học cùng nhau, thấy yêu nhau hơn và càng quyết tâm hơn cho một tương lai bền vững của hai người.
Hồ Vân
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Hiệu ứng Zeigarnik và trí nhớ Thứ Sáu, 28/06/2024, 00:00
- Mối quan hệ toxic là gì? 5 dấu hiệu "tình yêu" độc hại Thứ Sáu, 17/05/2024, 14:00
- Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ? Thứ Sáu, 17/05/2024, 13:00
- 3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc? Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Liệu nỗi sợ và chấn thương tâm lý có thể giúp bạn sống tốt hơn? Thứ Sáu, 10/05/2024, 12:00
- Khi yêu thương đủ lớn mọi giới hạn điều được xóa nhòa Thứ Năm, 11/04/2024, 14:00
- MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH Thứ Tư, 03/04/2024, 00:00
- Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2-4): Yêu thương, thấu hiểu, đồng hành cùng trẻ tự kỷ Thứ Ba, 02/04/2024, 00:00
- 3 điều không nên kiểm soát trong cuộc sống hôn nhân Thứ Sáu, 22/03/2024, 12:00
- Những hệ luỵ khi chồng nhận xét quá thẳng thắn về bạn đời Thứ Năm, 21/03/2024, 15:00