Những câu chuyện chưa kể… Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Không gian ngoài rạp cinematheque trong những ngày công chiếu đầu tiên (29/11 - 01/12/2010)
Từ những kỷ niệm…
“Ngày ấy, chúng tôi yêu nhau, bố mẹ bạn trai tôi đã hỏi tôi cho anh ấy và gửi gắm bên nhà tôi một con lợn. Với con lợn ấy, chúng tôi phải ngày ngày đi lấy bèo, nấu cám cho lợn ăn cùng nhau… bởi thế, mọi người hay đùa tình yêu của chúng tôi là tình yêu bên nồi cám lợn”
*
“Chúng tôi cưới nhau ở khách sạn. Đột nhiên anh ấy cho tay vào túi quần và thảng thốt nói với tôi chờ anh ấy chút. Anh chạy ra ngoài có chút việc. Hoá ra, anh ấy quên nhẫn cưới trên tàu. Đám cưới diễn ra tại quận 1, còn tàu của anh ấy ở cảng thuộc quận 4. Tôi biết anh ấy đã chạy bộ để về lấy nhẫn cưới của chúng tôi”
*
“Mỗi lần tôi đi qua cầu Long Biên, bọn trẻ con dưới gầm cầu lại gọi “chị T. ơi, chị T. tôi nháo nhác nhìn vì rất ít người biết tôi thích gọi là “chị”. Hoá ra là bọn trẻ, mới vài năm mà chúng lớn quá. Tôi xấu hổ …” (cười)
***
Những câu chuyện bình dị, đời thường ấy được 8 nhân vật lần lượt xuất hiện, lần lượt kể. Đôi lúc, có những bài hát, bài thơ, những bức ảnh… được chính họ hát, đọc và giới thiệu xen kẽ những câu chuyện kể. Nghe chuyện, đôi lúc dưới khán đài mọi người không dấu nổi tiếng cười khi những giọng kể ấy vẫn chất chứa tiếng địa phương, vẫn có những lỗi trong câu, trong từ khi chuyển tải. Việc họ nói ngọng, nói lỗi không phải là ý đồ của đạo diễn để gây cười cho khán giả, nhưng có lẽ ông cũng không chú ý sửa những điều này hoặc lồng tiếng để thay thế. Vì đó là họ, những con người của đời thực đang chia sẻ về chính mình. Họ không phải là những diễn viên.
… đến phía sau hậu trường
Yêu cầu cho nhân vật hết sức đơn giản “Nhân vật sẵn sàng kể 4 câu chuyện xảy ra trong cuộc đời của mình trước ống kính, không giấu mặt và những câu chuyện ấy chưa kể với ai”
Tiêu chí trở thành một “diễn viên” hết sức đơn giản trong khi trở thành nhân vật chính cho một bộ phim vốn không phải là dễ dàng gì với hầu hết mọi người. Nhưng, số lượng người đăng ký lại quá ít trong khi nếu là một bộ phim khác, có thể ê kíp làm phim sẽ phải tổ chức tuyển lựa qua nhiều vòng. Tưởng là nghịch lý, nhưng lại hoàn toàn hợp lý bởi một điều thật đơn giản. Đứng trước ống kính đồng nghĩa với việc họ phải “lộ diện”. Sự lộ diện không phải là dễ dàng với hầu hết người có HIV, nhất là những người mới nhiễm khi mà với những người đã công khai nhiều năm, đã có nhiều hoạt động trong công cuộc phòng chống HIV vẫn bị kỳ thị nặng nề như bị chủ quán mời về vì không nhân viên nào trong quán muốn gội đầu cho chị (chia sẻ của một nhân vật trong phim sau buổi công chiếu).
Bà Hoàng Tú Anh, cũng chia sẻ rất cở mở về những “sự cố” khi làm phim trước câu hỏi của một khán giả về sự “mất cân bằng giới tính” của các nhân vật trong phim khi số lượng nam nữ không tương đương với nhau. “Ngoài lý do, các bạn nam đúng là khó mời hơn các bạn nữ, còn có sự cố có một nhân vật nam đã đăng ký nhưng trên đường đi bị tai nạn nên không thể tham gia”.
“Và một bạn khác cũng đã đến, đã chia sẻ câu chuyện của mình trước ống kính. Câu chuyện ấy rất hay và mọi người đang chú ý theo dõi thì đến phần cuối khi đề nghị bạn ấy giới thiệu một câu về mình và tình trạng nhiễm HIV thì lúc này bạn ấy mới bảo “không, em có HIV đâu”. “Bạn ấy đúng là không có HIV, nhưng không hiểu sao chúng tôi đã chia sẻ với bạn ấy từ đầu về mục đích của việc làm phim và những ai là nhân vật chính của phim nhưng bạn ấy lại không nói gì cho đến phút cuối”.
Tạm khép
Những câu chuyện giản dị trong đời sống, những kỷ niệm trong đời mà ai cũng có thể có. bởi thế, khi chỉ nghe họ kể và không ngồi đến cuối phim khán giả sẽ không thể biết họ là người có HIV. Và sự bất ngờ trong cách tiếp cận này đã khiến cho không ít khán giả đã chia sẻ rằng “thông điệp của phim đã được chuyển tải một cách rõ ràng nhất”. Nói như đạo diễn Paul và Giám đốc sản xuất bộ phim, bà Hoàng Tú Anh thì ý tứ trong phim là hết sức đơn giản, những người làm phim không muốn chuyển tải một thông điệp gì quá to lớn, chỉ đơn giản là mọi người hãy nhìn người có HIV với tư cách là một con người, một con người đời thường như bao nhiêu người khác.
Phim được công chiếu rộng rãi cho khán giả là mong đợi của những người làm phim, nhưng một mong đợi lớn hơn là người xem có thể dần dần thay đổi quan điểm, cách nhìn của mình về người sống chung với HIV. Họ sẽ nhìn người có HIV với con mắt không khác biệt. .
Hoa Cát
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00