Người làm truyền thông muốn nói gì với các bạn trẻ? Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00

Ảnh minh hoạ
Là những người đã và đang thực hiện nhiều chương trình hướng tới thanh thiếu niên, chúng tôi rất tiếc không có dịp được tham dự trực tiếp vào buổi trò chuyện của chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai. Vì vậy, những lời bình luận của chúng tôi hoàn toàn dựa trên những thông tin mà bài báo đã phản ánh về nội dung cuộc trò chuyện này.
Đầu tiên là quan điểm "thích là cái mang tính tưởng tượng". Đã có ai trong số chúng ta thích một ai đó, hay đơn giản hơn là thích một cái gì đó chỉ là sự tưởng tượng chưa? Tôi cho rằng, để thích một ai đó, hay đơn giản là thích một điều gì đó thì ít nhất người đó cũng phải có sự tiếp xúc trực quan kiểu "tai nghe mắt thấy" hoặc đã có sự hiểu biết ban đầu về cái mình thích chứ không phải là sự tưởng tượng. Theo quy luật tâm lý thì sở thích, đặc biệt là tình yêu, sẽ giúp trí tưởng tượng của con người thêm phong phú và chính sự phong phú đó là sự bắt đầu cho những cảm hứng và ý tưởng sáng tạo. Còn với trường hợp ngược lại, khi một ai đó tưởng tượng ra sở thích của mình, tôi cho rằng người đó cần phải nhờ tới sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý.
Yêu cao hơn Thích. Nhưng Thích lại là trạng thái mang tính trừu tượng hơn (Khó có thể giải thích được vì sao người ta thích 1 điều gì đó hoặc ai đó), trong khi Yêu lại cụ thể hơn (sau giai đoạn Thích mơ hồ, người ta mới chuyển sang giai đoạn Yêu bởi những lý do đã được gạn lọc và nâng cấp lên). Còn về mặt phạm vi, Yêu có thể bao hàm trong đó sự Thích (rộng hơn), nhưng Thích thì chưa hẳn đã có Yêu (hẹp hơn). Đây chính là điểm mấu chốt tạo nên sự phức tạp khi phân tích 2 khái niệm này, vì bản thân chúng có thể bao hàm lẫn nhau, dễ nhận diện hơn hay kém nhau tuỳ theo từng vị trí tiếp cận. Tuy nhiên cả 2 đều là những trạng thái tâm lý, dễ cảm chứ không dễ hiểu, lại càng khó lý giải. |
Khi nói đến tính phù hợp trong yêu và thích, chuyên gia tâm lý cho rằng "Thích không cần sự phù hợp, nhưng yêu cần có sự phù hợp cao độ". Không biết các bạn trẻ tham dự buổi nói chuyện này suy nghĩ như thế nào về quan điểm này? Chúng tôi cho rằng, thật khó có thể thích một ai đó mà bạn không tìm thấy ở người đó những điểm phù hợp với mình. Còn để nói về sự khác biệt, hai người thường đến với nhau, thích nhau bằng những điểm phù hợp nhưng cái làm nên tình yêu đôi khi lại là những điểm khác biệt. Như vậy, điểm phù hợp không phải là yếu tố quan trọng nhất làm lên tình yêu. Sự khác biệt cũng không đáng sợ như nhiều người nghĩ mà đôi khi nó còn giúp cho tình yêu, cuộc sống của hai người bớt đơn điệu, nhàm chán. Vì vậy, điều quan trọng là mỗi người phải biết tìm cách để dung hoà những điểm khác biệt đó để bổ sung những mặt thiếu hụt của nhau, giúp nhau cùng tiến bộ.
Trước đây cũng có người lấy tiêu chí đơn nhất trong tình yêu để nói về một tình yêu chân thành, quan điểm của chuyên gia tâm lý cũng dường như đồng ý với quan điểm này. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, không thể lấy sự đơn nhất để phân biệt giữa yêu và thích. Thử hỏi, trong những người đang yêu, có mấy ai thành công ngay từ lần yêu đầu tiên? Những mối tình sau này của họ chẳng lẽ đều không phải là sự chân thành? Chúng tôi cho rằng, trong tình yêu cần có sự chung thuỷ nhưng điều đó không đồng nghĩa với sự đơn nhất. Nếu muốn đưa quan điểm này vào truyền thông thì tác giả cũng cần phải làm rõ, tính đơn nhất chỉ áp dụng trong những trường hợp cụ thể để cảnh giác với những anh chàng hay cô nàng có ý "bắt cá hai tay" mà thôi.
Một vấn đề nữa tôi cũng muốn bàn đến đó là sự kỳ thị trong quan điểm của người làm truyền thông. Nội dung bài báo có đoạn viết "yêu là tình cảm thắm thiết, nồng nàn dành riêng cho người khác giới và muốn chung sống gắn bó đến trọn đời". Quan điểm này dường như phủ nhận hoàn toàn tình yêu của những người đồng giới. Điều này đã làm gia tăng sự kỳ thị của xã hội với những người đồng tính, những người vốn đã chịu rất nhiều áp lực trong cuộc sống.
Khi đưa những quan điểm như trên, tôi không có ý phê phán hay bác bỏ quan điểm của người làm truyền thông mà chỉ muốn góp một cách nhìn với tư cách là một người đã và đang làm việc với thanh niên, và hy vọng những quan điểm ấy có thể giúp những người làm truyền thông xây dựng chương trình và đưa ra những thông điệp phù hợp hơn với các bạn trẻ trong vấn đề này. Chúng tôi nghĩ rằng, một quan điểm nếu là của riêng cá nhân thì sẽ không ảnh hưởng tới ai, nhưng khi quan điểm ấy đã được đưa ra để làm truyền thông, giáo dục thì nó mang một ý nghĩa khác. Quan điểm của người làm truyền thông mà cụ thể là những thông điệp đưa ra có thể ảnh hưởng tới nhận thức và hành vi của đối tượng truyền thông, do đó cần phải được cân nhắc một cách cẩn thận.
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Hiệu ứng Zeigarnik và trí nhớ Thứ Sáu, 28/06/2024, 00:00
- Mối quan hệ toxic là gì? 5 dấu hiệu "tình yêu" độc hại Thứ Sáu, 17/05/2024, 14:00
- Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ? Thứ Sáu, 17/05/2024, 13:00
- 3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc? Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Liệu nỗi sợ và chấn thương tâm lý có thể giúp bạn sống tốt hơn? Thứ Sáu, 10/05/2024, 12:00
- Khi yêu thương đủ lớn mọi giới hạn điều được xóa nhòa Thứ Năm, 11/04/2024, 14:00
- MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH Thứ Tư, 03/04/2024, 00:00
- Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2-4): Yêu thương, thấu hiểu, đồng hành cùng trẻ tự kỷ Thứ Ba, 02/04/2024, 00:00
- 3 điều không nên kiểm soát trong cuộc sống hôn nhân Thứ Sáu, 22/03/2024, 12:00
- Những hệ luỵ khi chồng nhận xét quá thẳng thắn về bạn đời Thứ Năm, 21/03/2024, 15:00