Người có HIV cần làm gì khi nhà tài trợ rút khỏi Việt Nam? Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Theo nghiên cứu của dự án “Phòng chống HIV nơi làm việc” (Chemonics), có đến 90% các dự án can thiệp về sức khỏe ở Việt Nam là liên quan đến HIV và trong số đó có khoảng 30% là đồng đẳng viên có HIV. Vậy khi các dự án này rút khỏi Việt Nam, người có HIV sẽ phải làm gì?
Cuộc họp là dịp để các thành viên đại diện các nhóm chia sẻ về hoạt động chăm sóc, hỗ trợ người có HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV (OVC) tại cộng đồng. Cuộc họp cũng cập nhật tình hình, tiến độ tiến tới thành lập mạng lưới của những người sống chung với HIV tại Hà Nội. Theo đại diện mạng lưới, nhờ sự hỗ trợ địa điểm và kỹ thuật của mạng lưới người có HIV tại Việt Nam (VNP+), ban vận động tạm thời đã tổ chức được 6 cuộc họp với sự tham gia của 20 nhóm tự lực trên địa bàn Hà Nội. Dự kiến, lễ ra mắt của mạng lưới người sống chung với HIV tại Hà Nội sẽ được tổ chức vào tháng 12 tới.
Mạng lưới người có HIV tại Việt Nam là tổ chức kết nối các nhóm tự lực tham gia nhiều hơn vào cộng đồng, cũng là cơ hội để các nhóm được tiếp cận với các nhóm trong và ngoài nước khác. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay khi thành lập mạng lưới vẫn là kinh phí tổ chức, hoạt động.
Điểm nhấn tại cuộc họp GIPA lần này là phần thảo luận rất quan trọng về kế hoạch hành động của các nhóm khi các nhà tài trợ rút khỏi Việt Nam trong tương lai. Các nhóm cần chuẩn bị đối phó với thực tế này như thế nào? Cần có kế hoạch và chương trình hành động chung ra sao để đảm bảo hoạt động tốt hơn ở cộng đồng khi không có nguồn lực của các tổ chức tài trợ?
Nhiều nhóm cho rằng, nếu hết nguồn ngân sách hỗ trợ, họ sẽ tìm mua thuốc giá rẻ hoặc tự mình mua thuốc điều trị. Nhưng vấn đề đặt ra là, nếu tự mua thuốc, tài chính của người có HIV sẽ bị tác động như thế nào và chất lượng thuốc có đảm bảo, có ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của người có HIV? Các nhóm đưa ra ý kiến vận động chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất thuốc giá rẻ và chính phủ can thiệp vào việc sản xuất thuốc giá rẻ của các doanh ngiệp cho người có HIV nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần sự tham gia của cộng đồng, thay đổi cách nhìn với người có HIV và cần thời gian vận động chính sách.
Một số nhóm đề xuất, tự mình lập kế hoạch mở xưởng may có sự tài trợ của các tổ chức phi chính phủ Việt Nam hoặc các doanh nghiệp tại Việt Nam. Tìm đơn vị tổ chức, hỗ trợ về tư cách pháp nhân để thành lập tổ hợp tác xã, tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng, giải quyết việc làm cho người có HIV.
Đây là thách thức lớn đặt ra với những người có HIV, bởi khi các nhà tài trợ rút khỏi Việt Nam, đồng nghĩa với nguồn thuốc, các chương trình can thiệp và nâng cao năng lực bị hạn chế. Vấn đề khó khăn nhất với người có HIV là việc làm, nguồn tài chính để duy trì cuộc sống. Tuy nhiên, theo chia sẻ của các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, mô hình để người có HIV vươn lên bằng chính sức lao động của mình rất khó khăn. Phần vì hạn chế trình độ, phần vì sức khoẻ, tinh thần và áp lực công việc khiến người có HIV làm việc trong các cơ quan, nhà máy, công xưởng rất ít, hơn nữa, xã hội vẫn còn kỳ thị người có HIV. Điều này gây khó khăn cho quá trình hoà nhập cộng đồng của đa phần người có HIV.
Vấn đề việc làm vẫn luôn là vấn đề nóng bỏng nhất với bất cứ ai trong độ tuổi trưởng thành, điều này càng cấp thiết với những người có HIV. Một số người đề xuất, có nên vận động các doanh nghiệp đỡ đầu cho các nhóm có HIV vào làm việc trong doanh nghiệp? Một số khác lại cho rằng, để làm được điều đó thì trước hết nên thành lập diễn đàn việc làm cho người có HIV. Diễn đàn ấy sẽ là nơi chia sẻ nhu cầu, nguyện vọng của người có HIV với các doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng cần các tổ chức NGO Việt Nam hỗ trợ, vận động các doanh nghiệp tiếp nhận người có HIV vào làm việc và đào tạo cho họ những kỹ năng mềm cần thiết...
Rõ ràng, có không ít vấn đề đã được các thành viên tham dự kỳ họp định kỳ của GIPA đưa ra xung quanh việc giải quyết những thách thức của người có HIV sau khi các nguồn tài trợ nước ngoài rút khỏi Việt Nam. Tất cả còn rất ngổn ngang, bề bộn, song đó lại là vấn đề không thể không nghĩ tới và quả thực cần sự chung tay, góp sức của mọi cá nhân, tổ chức liên quan và của toàn xã hội trong thời gian tới.
L. M
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00