Ngọn lửa hy vọng từ Hội nghị Quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00

Một trong những hoạt động diễn ra tại hội nghị
tamsubantre.org - Hội nghị Quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình với chủ đề Thu hẹp khoảng cách từ luật đến cuộc sống vừa được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 9 vừa qua. Hội nghị đã tổ chức được tổng cộng 9 phiên họp với các bài tham luận và các trao đổi thảo luận về những rào cản đối với việc thực thi Luật Phòng chống bạo lực gia đình tại cơ sở, chia sẻ các mô hình dự án hiệu quả trong phòng chống bạo lực gia đình, thúc đẩy vai trò của các tổ chức phi chính phủ và hướng tiếp cận bình đẳng giới, đề cao vai trò của nam giới trong phòng chống bạo lực gia đình. Bà Quách Thu Trang, đại diện CCIHP đã có phần tổng kết ngắn gọn về những kết quả đạt được từ các phiên họp, thảo luận trong lễ bế mạc hội nghị. Tâm sự bạn trẻ sẽ tóm lược lại nội dung này, hy vọng bạn đọc có cái nhìn khái quát về hội nghị và định hướng can thiệp toàn diện trong phòng chống bạo lực gia đình tại Việt Nam.
1. Từ những thảo luận nổi bật…
Những rào cản trong triển khai Luật phòng chống bạo lực gia đình
Những rào cản này đã được “chỉ mặt đặt tên”. Ngay từ quá trình xây dựng luật đã vấp phải những khó khăn như luật được xây dựng dựa trên bằng chứng nhưng là bằng chứng yếu và được thông qua nhanh chóng trong khi hệ thống thi hành luật chưa thực sự sẵn sàng, còn nhiều bất cập khiến tính khả thi không cao. Quá trình thực thi luật cũng gặp phải không ít bất cập, hướng dẫn thi hành luật chưa cụ thể, chưa tới được với những người làm việc trực tiếp ở cấp cơ sở, chưa có kế hoạch tổng thể và phân bổ ngân sách rõ ràng cho việc thực thi luật ở địa phương, nâng cao năng lực, đào tạo về bạo lực gia đình và áp dụng luật còn yếu, chưa có đánh giá một cách hệ thống về hiệu quả thi hành luật. Từ góc độ giới cũng có những điều cần bàn tới như quan điểm hòa giải: coi trọng tình hơn lý, ưu tiện bảo vệ sự toàn vẹn của gia đình hơn là quyền của phụ nữ; định kiến giới nặng nề ngay cả trong suy nghĩ của những người thi hành luật.
Việc chỉ rõ những rào cản này cũng là cơ hội để vận động chính sách trong việc xây dựng luật hòa giải ở cơ sở, lồng ghép giới và lồng ghép nội dung về phòng chống bạo lực gia đình, đưa ra các bằng chứng cụ thể tới những người làm chính sách để làm cơ sở cụ thể hóa các chính sách
Vai trò của xã hội dân sự
Hội nghị cũng đã ghi nhận vai trò quan trọng của xã hội dân sự trong triển khai Luật phòng chống bạo lực gia đình. Các tổ chức phi chính phủ đã đóng góp rất nhiều cho công cuộc phòng, chống bạo lực gia đình: thực hiện các nghiên cứu, mô hình thí điểm/ sáng kiến, chuyên môn sâu/ kĩ thuật… Tuy nhiên, cần thông tin và trao đổi với chính phủ để các tổ chức phi chính phủ có thể tận dụng được các chính sách hiện có và hợp tác, tận dụng các nguồn lực để tránh chồng chéo. Đồng thời chính phủ có thể hợp tác - sử dụng nguồn nhân lực chuyên môn sâu và khả năng làm việc tại cộng đồng của các tổ chức phi chính phủ để chia sẻ gánh nặng, trong bối cảnh nhân lực của chính phủ có hạn, đang bị quá tải.
Mô hình can thiệp toàn diện – đa ngành – đa cấp
Đây là một xu hướng tất yếu để phòng, chống bạo lực gia đình được hiệu quả - không một ban ngành đơn lẻ hay một cấp nào có thể giải quyết triệt để được một vấn đề xã hội nhạy cảm, phức tạp như bạo lực gia đình. Bởi vậy cần có kế hoạch chung về nâng cao năng lực và các hoạt động triển khai, rõ ràng về vai trò/ trách nhiệm cũng như có quy trình và định hướng/ quan điểm can thiệp thống nhất giữa các ban ngành. Những khó khăn khi triển khai mô hình can thiệp toàn diện – đa ngành – đa cấp cũng được “vạch mặt” như khó khăn về kinh phí và chế độ trách nhiệm của cán bộ các ban ngành hiện tại, khó khăn trong thu hút sự “vào cuộc” của các cơ quan bảo vệ pháp luật… Chính quyền là đầu mối để điều phối hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình, tuy nhiên làm thế nào để chính quyền nhìn ra “lợi ích” từ hoạt động này và làm thế nào để phòng, chống bạo lực gia đình trở thành nhu cầu “tự thân” của các địa phương và ban ngành… cũng là những câu hỏi cấp thiết cần sớm tìm ra giải pháp.
Truyền thông vận động xã hội
Cần làm cho việc tìm hiểu về Luật và bạo lực gia đình trở thành nhu cầu nội tại của cộng đồng, không phải do bên ngoài áp vào, như vậy mới sát thực với người dân, có sự tham gia và tiếng nói của họ. Ngoài ra cần đa dạng hóa và cụ thể hóa các đối tượng truyền thông, nâng cao năng lực để người ở cộng đồng thực hiện mới có sự bền vững, cần có chiến lược và kế hoạch truyền thông với các mục tiêu rõ ràng. Cân nhắc sử dụng công nghệ và các hình thức truyền thông sáng tạo: đây là cơ hội và là đòi hỏi phải liên tục đổi mới, đáp ứng các nhu cầu mới xuất hiện, các tổ chức phi chính phủ tìm hiểu, tiếp nhận và chuyển giao để cộng đồng tiếp tục sáng tạo, phát triển lên cho phù hợp bối cảnh và nhu cầu của họ. Đặc biệt truyền thông đại chúng cần có sự nhạy cảm giới và nhạy cảm với bạo lực gia dình, đánh giá tác động của thông tin tới cộng đồng/ xã hội
Mở rộng đối tượng can thiệp, tác động - Làm việc với nam giới
Các chương trình làm việc với nam giới/ hướng tới nam giới còn mỏng, đơn lẻ và chưa chuyên nghiệp: hầu hết do các tổ chức phi chính phủ vừa làm vừa học hỏi, chưa có sự hỗ trợ hay định hướng của chính phủ.
Luật chưa tạo điều kiện/ gây sức ép để người gây bạo lực gia đình phải đến các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ. Đồng thời, bản thân các dịch vụ cho nam giới cũng chưa sẵn sàng. Chưa có các nghiên cứu chuyên sâu về các nhóm nam giới gây bạo lực và có nguy cơ gây bạo lực để hiểu rõ nhu cầu cần hỗ trợ của họ.
Ngoài ra cũng cần phân tách các nhóm nam giới khác nhau để “Phòng” và “Chống” song hành như nhóm trẻ em, thanh niên, người có nguy cơ gây bạo lực, trong đó chỉ rõ những nam giới gây bạo lực và mong muốn thay đổi hành vi của mình – họ phải đến đâu? Những nam giới gây bạo lực và bất hợp tác – cơ chế giáo dục và răn đe thế nào cho hiệu quả? Phạt hành chính bằng tiền như hiện tại không giải quyết được vấn đề.
Tư vấn hỗ trợ bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình là vấn đề nhạy cảm: tư vấn và hỗ trợ không chỉ dừng ở cá nhân, mà cần kết nối cả can thiệp ở cộng đồng để có hiệu quả. Tính chuyên nghiệp và đạo đức trong can thiệp/ tư vấn/ hỗ trợ các trường hợp bạo lực gia đình cũng được đặt ra, quan điểm bảo vệ phụ nữ hay bảo vệ quyền của phụ nữ? Ranh giới giữa mục tiêu “an toàn cho người bị bạo lực là số 1” và mục tiêu về can thiệp, hỗ trợ ở cộng đồng… cần được giải quyết như thế nào? Sự chuyên nghiệp đòi hỏi phải có Giám sát tư vấn.
Đồng thời cần đa dạng hóa các nhóm đối tượng và phương pháp. Sử dụng các hình thức sáng tạo như sử dụng nghệ thuật để nâng cao năng lực và thúc đẩy các giá trị sống, ứng dụng công nghệ trong tư vấn và hỗ trợ: đáp ứng các nhu cầu mới xuất hiện.
Tính bền vững và khả năng ứng dụng của các mô hình cũng là một vấn đề quan trọng. Các mô hình cần đặt trong bối cảnh chung về chính sách: các mô hình/ trung tâm tư vấn “tự lo” mà không có cơ chế cụ thể, thúc đẩy sự cam kết và áp dụng chính sách linh hoạt của các địa phương.
Những khoảng trống và câu hỏi cho luật pháp
Chưa có nghiên cứu và đánh giá về tác động của bạo lực đến trẻ em – kể cả gián tiếp và trực tiếp, các yếu tố nguy cơ và yếu tố bảo vệ. Dịch vụ hỗ trợ cho trẻ em sống trong bạo lực gia đình là rất cần thiết nhưng gần như bị bỏ ngỏ. Bạo lực tình dục nói chung, và đặc biệt, lạm dụng tình dục đối với trẻ em chưa thực sự được quan tâm. Việc lồng ghép hỗ trợ/ tư vấn/ sàng lọc bạo lực gia đình và HIV chưa triển khai được.
2. Đến những kết luận quan trọng…
Hội nghị đã đi đến thống nhất bạo lực gia đình là một vấn đề xã hội cần được đặt trong bối cảnh rộng hơn cùng các vấn đề xã hội khác mà không phải là một vấn đề riêng lẻ. Nó liên quan trực tiếp với các bất bình đẳng giới, các định kiến về tình dục, sự quả tải của hệ thống y tế, giáo dục, vấn nạn đói nghèo, thiếu việc làm, xu hướng toàn cầu hóa, các hình thức truyền thông mới, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với nhóm LGBTI, NCH…
Cuối cùng Hội nghị khẳng định Phòng chống bạo lực gia đình là một quá trình liên tục, từ phòng ngừa trước khi bạo lực xuất hiện, dựa trên các bằng chứng, số liệu từ nghiên cứu, đến xây dựng chính sách, khung pháp lý, triển khai can thiệp/ xử trí khẩn cấp, cung cấp các dịch vụ, đảm bảo an toàn và công bằng xã hội, nâng cao vị thế và bảo vệ các quyền.
3. Và thắp lên ngọn lửa hy vọng
Với sự tham gia tích cực của hơn 120 đại biểu đến từ nhiều tỉnh/ thành, nhiều cơ quan/ ban ngành, nhiều thành phần: các nhà nghiên cứu, cán bộ chương trình, cán bộ tư pháp, giảng viên, thanh niên… đặc biệt là sự có mặt và chia sẻ, đóng góp ý kiến của chính những người trong cuộc – những người bị bạo lực gia đình và những người gây bạo lực gia đình, Hội nghị đã trở thành một diễn đàn thảo luận cởi mở, chân tình của những người thực sự quan tâm đến công cuộc phòng chống bạo lực gia đình tại Việt Nam. Vở kịch “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” trình diễn trong phiên bế mạc với những thông điệp đầy ý nghĩa đã thắp lên ngọn lửa hy vọng về sự chung tay đẩy lùi bạo lực gia đình, để mỗi gia đình thực sự là một tổ ấm yêu thương, trách nhiệm.
Hy vọng rằng những tiếng nói từ hội nghị sẽ vượt qua không gian hẹp của một khách sạn 5 sao để đến được với các cơ quan chức năng, các nhà lãnh đạo, để sớm hiện thực hóa những kết luận, những khuyến nghị trên, để bạo lực gia đình không còn là câu chuyện diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở Việt Nam thân yêu.
Linh Chi
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Tầm quan trọng của sự nhất quán khi dạy con Thứ Sáu, 01/03/2024, 14:00
- KỸ NĂNG SỐNG LIÊN QUAN ĐẾN SỨC KHỎE SINH SẢN/SỨC KHỎE TÌNH DỤC CỦA VỊ THÀNH NIÊN VÀ THANH NIÊN Thứ Sáu, 12/01/2024, 00:00
- Vì sao người ta theo đuổi “đa sự nghiệp”? Thứ Ba, 21/03/2023, 00:00
- Vì sao bạn muốn nghỉ việc nhưng lại chần chừ? Thứ Ba, 21/03/2023, 00:00
- Hiring freeze - Khi tạm dừng là việc cần làm để tồn tại Thứ Ba, 21/03/2023, 00:00
- Mình đứng lên từ cú sốc bị xem thường vì làm nhiều nghề Thứ Ba, 21/03/2023, 00:00
- Cần lời khuyên về sự nghiệp? Hãy thử tìm đến những career influencer Thứ Tư, 08/03/2023, 00:00
- Overeducated: Khi bằng cấp bị “rớt giá” Thứ Tư, 08/03/2023, 00:00
- Hãy cư xử như một senior nếu muốn trở thành một senior Thứ Sáu, 24/02/2023, 14:07
- Beyoncé: Cần cù bù vào tài năng Thứ Ba, 24/01/2023, 00:00