Ngày con gái vu quy Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Gia đình bà giáo Hân ở 179 Cầu Giấy, Hà Nội có một truyền thống rất đáng nhớ: vào ngày con gái đi lấy chồng, người mẹ sẽ viết một lá thư tâm sự, dặn dò, có bao nhiêu con gái là viết bấy nhiêu lá thư. Đến lượt mình, nếu cô có con gái thì sẽ chép lại lá thư mà mẹ đã viết cho mình và viết thêm ở dưới lời dặn dò của mình cho con gái. Khi người mẹ qua đời, lá thư gốc của bà ngoại lại được trao cho cháu gái. Cứ như thế, cả bản gốc lẫn bản chép lại đều được lưu giữ ít nhất là một bản dù có loạn lạc.
Các thế hệ con gái trong gia đình bà Hân đều có trong tay tập “Cẩm nang gia truyền cho con gái” rất thú vị là những lá thư như thế. Đến tay bà Hân, những lá thư đã được lưu truyền từ 5 đời.
Nhiều bức chẳng còn rõ chữ vì vết hoen ố của thời gian và những giọt nước mắt của người mẹ. Có lời tâm sự viết dài hai, ba trang, có bức lại chỉ vài dòng. Những lá thư ấy là những lời căn dặn con gái trong cách cư xử với nhà chồng, là kinh nghiệm giữ gìn hạnh phúc, là cách chăm chồng, nuôi con hay thậm chí là những khúc mắc có thể gặp phải trong đêm động phòng.
Trong lá thư gửi cho cô con gái út trước khi về nhà chồng, bà Hân viết về những kỷ niệm từ khi cô còn thơ bé như khi cô bập bẹ nói tiếng đầu tiên thế nào hay khi bố tập xe đạp cho cô ra sao, bà viết về tình thương yêu mà vợ chồng bà đã dành cho con gái.
Lá thư được kết thúc thế này: “Con gái ạ, mẹ chồng con cũng đã sinh thành, dưỡng dục và quí báu con trai của bà (tức là chồng con) như thế đấy! Hãy chia sẻ tất cả những điều đó với mẹ chồng. Con có hiểu điều mẹ muốn nói không?”. Thật là một lời dặn dò ý nhị.
Bà Nguyễn Thị Dung ở xã Tam Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ có hai người con, một trai một gái, cách nhau đến hơn mười tuổi. Bà làm mẹ chồng tới 8 năm thì lại làm mẹ vợ. Những gì bà nhắn nhủ con gái là chính từ kinh nghiệm ứng xử của bà với con gái và con dâu.
Là một phụ nữ mạnh mẽ và luôn quán xuyến hết việc nhà, ngày cưới con gái, một tay bà lo cắt đặt mọi thứ. Khi nhà trai đến rước dâu, bà tươi cười chào hỏi nhà thông gia, dặn dò những người đi đưa dâu trong gia đình mình khi đến nhà trai phải chụp ảnh kỷ niệm với những ai, nói năng những gì. Rồi bà đứng trên bậc cửa tiễn con gái vẫn với nụ cười thật tươi, còn nhắc con đừng khóc nhiều sợ nhà trai phiền lòng mà cô dâu mặt mũi lại lấm lem.
Xong xuôi, bà còn chỉ bảo cho mấy cô cháu gái ở lại dọn dẹp, chuẩn bị trà nước cho những người đi đưa dâu trở về có chén trà, quả cam ăn cho đỡ khát. Nhưng khi những người đưa dâu cuối cùng khuất sau ngõ, bà mới lặng lẽ trở vào phòng, thẫn thờ ngồi bên cửa sổ, để mặc cho hai hàng nước mắt cứ tuôn rơi.
Bà Nguyễn Thị Hường có ba cô con gái đều lấy chồng xa, bản thân bà cũng sinh ra ở Lạng Sơn mà xuôi về tận Bắc Giang với chồng. Bởi thế, ngày cưới của cô con gái nào, bà cũng đều khóc rất nhiều và nhớ lại ngày cưới xa xưa của mình: “Biết là ngày vui, nhưng không hiểu sao cứ khóc, thấy thiếu đi một thứ gì vô cùng quí giá. Lại nhớ ngày xưa, khi mẹ và các chị tiễn ra tàu hoả về nhà chồng, mọi người khóc ghê quá, làm mình cũng khóc suốt cả dọc đường đi”.
Bà Giang rất cẩn thận, cô con gái nào đi về nhà chồng bà cũng đều sắm mới cho những vật dụng cá nhân. Bà bảo, thấy các cụ trong gia đình từ xưa vẫn làm thế. Và mặc dù đã dạy các con rất chu đáo, tỷ mỷ mọi việc từ may vá, thêu thùa đến chợ búa bếp núc, bà vẫn để vào vali mỗi cô một vài cuốn sách nói về phong tục và những món ăn thông thường ở quê chồng, những mong các con bà sẽ trở thành con dâu ngoan hiền, được nhà chồng yêu quí.
Bà còn nhắc nhở các con: “Phải biết tôn trọng nguyên tắc và thói quen nhà chồng, “nhập gia phải tuỳ tục”, nhưng cũng nên giữ được nền nếp của mình. Cư xử cho đúng mực kính trên nhường dưới”. Có lẽ trong lời dặn đó có nhiều kinh nghiệm của chính người mẹ.
Và như thế, mỗi cô dâu bước chân về nhà chồng thường mang theo bao lời chia vui cùng ít nhiều quà mừng của bạn bè, họ hàng thân thích. Nhưng sẽ không bao giờ thiếu được là tấm lòng yêu thương, ngóng trông, hy vọng của mẹ, của cha dõi theo suốt cuộc đời.
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Hiệu ứng Zeigarnik và trí nhớ Thứ Sáu, 28/06/2024, 00:00
- Mối quan hệ toxic là gì? 5 dấu hiệu "tình yêu" độc hại Thứ Sáu, 17/05/2024, 14:00
- Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ? Thứ Sáu, 17/05/2024, 13:00
- 3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc? Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Liệu nỗi sợ và chấn thương tâm lý có thể giúp bạn sống tốt hơn? Thứ Sáu, 10/05/2024, 12:00
- Khi yêu thương đủ lớn mọi giới hạn điều được xóa nhòa Thứ Năm, 11/04/2024, 14:00
- MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH Thứ Tư, 03/04/2024, 00:00
- Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2-4): Yêu thương, thấu hiểu, đồng hành cùng trẻ tự kỷ Thứ Ba, 02/04/2024, 00:00
- 3 điều không nên kiểm soát trong cuộc sống hôn nhân Thứ Sáu, 22/03/2024, 12:00
- Những hệ luỵ khi chồng nhận xét quá thẳng thắn về bạn đời Thứ Năm, 21/03/2024, 15:00