“Đồng tính, song tính, chuyển giới” có thể bản thân tôi - một người “dị tính” coi rằng là một vấn đề xã hội, là một cuộc đấu tranh mang tên bình đẳng nhưng với các bạn trong cộng đồng đó, đó thực sự là một trải nghiệm – một trải nghiệm là chính mình.
Trong văn học cũng thế, mỗi nhân vật là một cuộc đời, là một trải nghiệm thú vị, đặc biệt khi văn chương và nghệ thuật viết hay kể về cuộc đời của một phần xã hội thường bị coi là “thiểu số”, “ít ỏi” mang tên cộng đồng LGBT. Nhưng câu hỏi đặt ra là đã có mấy nhà hoạt động trong lĩnh vực văn học, điện ảnh, nghệ thuật có các tác phẩm viết hay đề cập tới các vấn đề trong cộng đồng này được trải nghiệm thật sự trong cộng đồng. Và câu trả lời đã được giải đáp trong hội thảo “Văn học – Nghệ thuật và LGBT” diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của nhiều gương mặt nổi tiếng trong giới nghệ thuật, các nhà văn, nhà làm phim, biên kịch như PGS.TS Nguyễn Thị Bình, nhà văn Hoàng Nhuận Cầm, nhà văn trẻ Trang Hạ, nhà thơ Hữu Việt, đạo diễn – NSƯT Nguyễn Hữu Mười, nhà văn Lê Minh Khuê cùng các anh chị đồng nghiệp khác.
Lần đầu tại hội thảo, các nhà văn, nhà thơ, đạo diễn và biên kịch được trải nghiệm một cuộc sống mang tên là “dị tính”. Xuất phát từ câu hỏi của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười sau bài trình bày của chị Châu Loan (Trung tâm ICS) về “người đồng tính trong thế giới đa dạng”, ông hỏi rằng vì sao lại đặt tên cho những người không phải trong cộng đồng LGBT là “dị tính”, và đây có thực sự phải là một từ ngữ khoa học do bản thân ông chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự hội thảo và được nghe những tri thức như thế này, nhưng nếu với một người chưa bao giờ được nghe, được học thì phải chăng từ “dị tính” sẽ làm người ta và chính tôi cũng hiểu theo nghĩa là để chỉ sự quái dị, kì dị, dị thường về tính”.
Câu hỏi của đạo diễn Hữu Mười cũng là câu hỏi của nhiều người mà không chỉ trong hội thảo hôm nay mà còn trong nhiều hội thảo trước đó, theo chia sẻ của chị Châu Loan. Câu hỏi cũng là cơ hội để vấn đề về việc vì sao con người ta sống trong xã hội thường hay “đặt tên” cho một nhóm khác “thiểu số” hơn.
Bản thân tôi đã từng hoạt động trong các chương trình vì quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới, và dường như đã lâu rồi chấp nhận từ “dị tính” là để chỉ cộng đồng không phải là LGBT với lí do rằng “dị” đối nghĩa với “đồng” và từ “dị tính” cũng được dịch ra theo tiếng anh là Heterosexuality. Lí do này cũng là một trong những lí do được đưa ra trong các phản hồi sau đó, tuy nhiên, cũng có những lí giải sâu hơn như của chị Nhung (CCIHP), việc sử dụng từ “dị tính” là chỉ mối quan hệ khác nhau về xu hướng tính dục được dịch từ tiếng anh là Heterosexuality. Chị Nhung cũng nêu rõ rằng ngoài cách phân nhóm được chia rõ ràng trong bài trình của chị Châu Loan còn có các nhóm IQ tức là intersex và queer, asexual... Phản hồi khác từ phía chị Thanh Nga (UNICEF) thì cho rằng việc sử dụng từ ngữ nó như gắn mác hay đặt tên cho một ai đó, một cộng đồng nào đó mà chỉ cần nếu các cộng đồng đó là ít ỏi, là thiểu số thì tự dưng sẽ trở thành bất thường, trở thành vấn đề còn nhóm thuộc phần đông thì dường như có được quyền trong tay và không có ai gán mác, hay đặt tên cả và chị cũng đưa ra ví dụ từ chính đối tượng trẻ em khuyết tật và trẻ em dân tộc học song song tiếng mẹ đẻ (ngôn ngữ dân tộc) và tiếng Kinh thì phía phần đông còn lại sẽ có “cái tên” là gì, là như thế nào để hợp lý? – “trẻ em không có khuyết tật” và “trẻ em dân tộc không học tiếng mẹ đẻ”. Chính vì thế chị khẳng định việc sử dụng ngôn ngữ để chỉ phía đối lập không quan trọng bằng việc hiểu được nội hàm bên trong của vấn đề, của những cái tên đó.
Chị Đinh Nhung - đại diện CCIHP phát biểu tại hội thảo
Ngẫm lại tôi mới thấy ranh giới giữa bình thường và không bình thường và việc quyết định rằng một vấn đề là bình thường, vấn đề khác là không bình thường hiện nay tại Việt Nam nói riêng đều là do tự phần đông, phần nắm quyền lực đưa ra.
Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến từ phía các bạn thanh niên thuộc cộng đồng LGBT và các anh chị cán bộ khác, như ý kiến dí dỏm của một bạn nữ trong cộng đồng LGBT Hải Phòng rằng nếu suy nghĩ người “dị tính” là người quái dị, kì dị thì người dân tộc Kinh sẽ là người như thế nào?
Tuy nhiên một lần nữa, ông Hữu Mười vẫn muốn các nhà chuyên môn cần tìm kiếm một từ nào đó để chỉ những người không thuộc cộng đồng LGBT cho gần gũi, dễ hiểu hơn đối với những người chưa được tiếp cận với kiến thức về giới, bản dạng giới,... Có thể đây sẽ là một thách thức khác đối với các nhà nghiên cứu chuyên môn về giới cần phải tiếp tục tìm hiểu để giúp các nhà hoạt động văn học – nghệ thuật có thể được hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Kết lại câu chuyện về một trải nghiệm mang tên là “dị tính” này tôi rất tâm đắc lời chia sẻ cuối cùng của bà Vân Anh, giám đốc của trung tâm SAGA (CSAGA) gửi tới các anh chị hoạt động văn học nghệ thuật, đặc biệt tới đạo diễn Nguyễn Hữu Mười: “Đây mới chỉ là một trải nghiệm nhỏ của các anh chị trong khuôn khổ của hội thảo thôi, đặc biệt đối với các anh chị trong giới văn học – nghệ thuật, chưa từng được chia sẻ về kiến thức về giới, mà khi bị “đặt tên” là “dị tính” thì đã có rất nhiều người cảm thấy rằng à, sao mà lại kì quái thế, sao lại gọi chúng tôi là dị tính, và bằng chứng là việc nhiều anh chị vẫn còn cảm thấy khó chịu, chính vì thế, mà hội thảo được tổ chức để giúp các anh chị hiểu hơn tâm trạng, những cảm xúc chân thật nhất của những người trong cộng đồng LGBT vẫn đang còn nhiều ánh mắt kì thị ngoài kia”.
San