Môn đăng hộ đối có còn quan trọng? Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00

Giàu và nghèo đáng sợ đến vậy sao?
Xa nhau vì nghèo
Khi những mối tình “trai quê, gái phố”, “chuột sa hũ nếp” hay “công tử quê và gái nhà nghèo” được nhiều người quan tâm thì chuyện “môn đăng hộ đối” lại được đặt ra. Nhiều người bi quan “không phù hợp về hoàn cảnh sống” thì không ở với nhau được đâu.
Là một người có suy nghĩ như thế, Thuỳ Linh (23 tuổi, Hà Nội) đã không ngần ngại “đá bay” anh người yêu sau mấy năm yêu nhau vì phát hiện ra rằng “trông thế mà chỉ có cái mã ngoài thôi còn chẳng có gì cả, không bằng một góc nhà tao”. Chuyện là sau một lần đến chơi nhà người yêu (giờ đã là người yêu cũ), Linh tình cờ nghe được cuộc nói chuyện của bố mẹ người yêu, trong ấy có đoạn “giờ hai đứa nó cưới nhau thì mình đi vay tiền mà lo cũng được, sau này lấy tiền mừng bù lại sau, hai đứa cũng có việc làm, tự nuôi nhau chứ bố mẹ lấy đâu mà cho” và theo Linh thì điều này là “không thể chấp nhận được” vì “tôi đi lấy chồng, bố mẹ tôi cho tôi những mấy trăm triệu làm của hồi môn mà nhà anh chẳng chiu bỏ ra lấy một đồng”. Sau khi chia tay rồi, Linh còn không ngớt cằn nhằn “nhà chẳng có quái gì mà cũng ăn mặc, cư xử như… có lắm ấy”.
Chia tay nhau vì những tấm bằng
Không những so với nhau về “của”, nhiều người còn đọ nhau về “trình độ” và lấy bằng cấp ra làm thước đo. Vậy là có những tình yêu sớm nở tối tàn.
Huyền (24 tuổi, giáo viên, Hà Tĩnh) là một cô gái “đáng giá” trong mắt những người đang có ý định lấy vợ vì “vừa dịu dàng, xinh xắn lại có nghề nghiệp ổn định”. Trung đã tưởng mình là chàng trai may mắn khi được Huyền chọn vì anh tự tin với ngoại hình, trình độ học vấn của mình và cả về kinh tế nữa (vì anh là con trai duy nhất của một nhà buôn có tiếng ở tỉnh nhà). Nhưng anh chẳng thề ngờ, chính vì là con một nhà buôn có tiếng mà anh nhận được lời chia tay của Huyền. Theo cô thì “nhà mình là nhà trí thức, từ ông bà đến bố mẹ mình đều làm trong ngành giáo dục, y tế, tuy không giàu có gì nhưng mà có truyền thống học hành, đỗ đạt còn nhà anh ấy, ngoài anh ấy học hết Cao đẳng ra thì cả nhà đều buôn buôn, tính tính, có nhiều người nói không ngoa còn chỉ biết đọc viết và số chỉ đủ để đếm tiền. Kết thông gia với gia đình bên ấy, nhà mình ai cũng phản đối và mình cũng thấy không thoải mái”.
Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp vì “hai nhà không tương xứng” nên “không thể yêu nhau”. Thậm chí có những trường hợp cách biệt rất thấp, không đáng kể như “bố mẹ mình làm công chức nhà nước” còn “bố mẹ anh ấy chỉ là nông dân” mà nhiều người cũng “dứt tình ra đi” vì “hai cụ không thể ngồi chung mâm với nhau vì người mang tư tưởng thoát ly còn người kia quá cổ hủ thì làm sao mình lấy nhau được”.

Những tấm bằng… của “cha mẹ” cũng ảnh hưởng đến tình yêu của con cái?
Họ hàng cũng phải tương xứng
Không chỉ có gia đình hai bên bao gồm bố mẹ, tài sản của bố mẹ hay anh chị em ruột cần tương xứng mà đến cả những người họ hàng của nhau cũng phải tương xứng thì mới được. Đây là suy nghĩ ám ảnh rất nhiều bạn trẻ đang chọn người yêu. “Một người làm quan, cả họ được nhờ mà họ nhà anh ta chỉ có vài người làm to trong khi nhà tôi hầu hết đều làm to thì lấy nhau về, chẳng phải họ nhà tôi sẽ gánh đỡ việc cho nhà anh ta sao? Như thế thì lời cho anh ta quá”, Trà My (20 tuổi, Nam Định) đã bực tức nói như vậy khi mấy cô bạn thân thắc mắc “tại sao xứng đôi như thế mà lại chia tay nhau?”
Tuyết Minh (22 tuổi, sinh viên, Hà Nội) đã ngán ngẩm chia sẻ: “Có lẽ những bạn trẻ có suy nghĩ như thế này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng “con nhà thế phiệt” phải lấy “dòng trâm anh” mới xứng đôi vừa lứa, môn đăng hộ đối. Và đối với họ thì việc họ hàng hai bên có xứng tầm với nhau không quan trọng hơn việc họ có yêu nhau và muốn sống với nhau hay không”.
Và những cái kết chẳng có hậu
Hầu hết những người đưa “môn đăng hộ đối” trở thành tiêu chí chọn người bạn đời đều biết rằng nó là một giá trị không bền vững và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào nhưng đều lạc quan tin tưởng rằng “mình thuộc số may mắn không bị ảnh hưởng gì”.
Vậy nên, có khá nhiều người sau khi lấy nhau về, thứ họ có được chỉ là “một cuộc hôn nhân trao đổi”, “hợp tác để sinh con, nuôi con” hay thậm chí là để “lấy danh tiếng, kết hợp làm ăn” và cuộc sống sau hôn nhân “chán chẳng buồn nói”.
Môn đăng hộ đối có thực sự quan trọng để đánh đổi tình yêu và hạnh phúc của mình hay không? Câu hỏi này chỉ có bạn mới có thể trả lời được.
Hiếu Ngân
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Hiệu ứng Zeigarnik và trí nhớ Thứ Sáu, 28/06/2024, 00:00
- Mối quan hệ toxic là gì? 5 dấu hiệu "tình yêu" độc hại Thứ Sáu, 17/05/2024, 14:00
- Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ? Thứ Sáu, 17/05/2024, 13:00
- 3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc? Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Liệu nỗi sợ và chấn thương tâm lý có thể giúp bạn sống tốt hơn? Thứ Sáu, 10/05/2024, 12:00
- Khi yêu thương đủ lớn mọi giới hạn điều được xóa nhòa Thứ Năm, 11/04/2024, 14:00
- MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH Thứ Tư, 03/04/2024, 00:00
- Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2-4): Yêu thương, thấu hiểu, đồng hành cùng trẻ tự kỷ Thứ Ba, 02/04/2024, 00:00
- 3 điều không nên kiểm soát trong cuộc sống hôn nhân Thứ Sáu, 22/03/2024, 12:00
- Những hệ luỵ khi chồng nhận xét quá thẳng thắn về bạn đời Thứ Năm, 21/03/2024, 15:00