Lối sống của thanh niên Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Dĩ nhiên hệ thống giáo dục của Việt Nam đang có nhiều bất cập cần gấp rút cải tiến, nhưng lối sống của phần lớn HSSV hiện nay rõ ràng cũng là một nguyên nhân chủ yếu đưa đến tình trạng này, nếu không sửa sẽ khó bảo đảm cho thanh niên ta có một tương lai xán lạn để làm những người chủ tài giỏi của quốc gia.
Trong khi bao nhiêu HSSV lo miệt mài học tập thì cũng không thiếu gì những thanh niên không lo học hành gì cả. Ở vùng thành thị, người dân rất bất bình trước cảnh nam nữ thanh niên đua xe gắn máy và có khi cả đua xe ô tô. Qua các quán cà phê đèn mờ, quán karaoke, bar, "lắc" đều thấy khách hàng phần đông là thanh niên nam nữ. Vấn đề ma túy sinh trộm cướp xảy ra hằng ngày. Các cửa hàng Internet tưởng đâu là nơi HSSV lên mạng toàn cầu tìm tài liệu học tập, mở mang kiến thức. Nhưng đâu phải thế! Chúng ta cứ đến xem bất cứ quán Internet nào chung quanh các trường đại học lớn ở Hà Nội hoặc TP.HCM và các tỉnh lỵ có trường đại học, đều thấy HSSV ngồi chơi game và chat, thậm chí xem phim đồi trụy cài trên mạng của cửa hàng. Rất nhiều quán Internet mở cửa 24/24 giờ phục vụ cho HS trung học và SV mê game, bỏ cả học hành. Ngược lại những học sinh khác thì lo đi học thêm, không còn thì giờ giải trí gì cả, nhưng rất tiếc họ chỉ tốn tiền lo học vẹt để đối phó với các kỳ thi chứ không phải học để hiểu và áp dụng kiến thức cho đời sống. Trong khi đó ở nông thôn hiện nay còn nhiều thanh niên không đi học cho hết cấp PTCS, số khác lo tụ ba tụ bảy chơi đùa, phá phách hàng xóm, nhậu nhẹt, cờ bạc...
May mắn thay cho tiền đồ đất nước, trong xã hội ta cũng có nhiều gương sáng thanh niên, nhiều HSSV vượt khó cùng cha mẹ để lo học tập thành tài đến nơi đến chốn. Tấm gương của 10 HSSV được tuyên dương và tặng giải thưởng Sống đẹp tối 20.9 vừa qua tại Cần Thơ là dấu hiệu hy vọng của xã hội ta. Đó là lối sống vì tương lai thành đạt của bản thân và phồn vinh của đất nước. Trách nhiệm cơ bản nhất của mỗi người con sinh ra trong gia đình đồng thời là người thanh niên trong xã hội là "học hành tích lũy kiến thức và rèn luyện tay nghề để giúp bản thân và gia đình mình phát đạt và giúp xã hội phát triển phồn vinh”. Tương lai của mỗi người chúng ta đều do hai bàn tay và khối óc của mình. Trên đời, ngoại trừ một ít thần đồng từ bẩm sinh, tất cả những người tài nghệ là phải qua học hành, luyện tập chuyên môn. Do đó thanh niên là phải học - xin lặp lại: học để trang bị kiến thức và kỹ năng tay nghề chứ không phải học vẹt để đối phó với các cuộc thi. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, thanh niên vẫn có thể học, và thanh niên chúng ta phải học cái cơ bản nhất của sự nghiệp mình: học giỏi ở các lớp bậc phổ thông. Đó cũng là giai đoạn mà gia đình ít tốn kém về sự học hành của mình nhất vì phần lớn các trường phổ thông là trường công. Từ chỗ học giỏi ở phổ thông thanh niên ta có thể tìm việc làm phụ, thậm chí nhiều người đã đạt học bổng để học lên đại học, trung học chuyên nghiệp, hoặc học nghề. Chúng ta cũng nghe thấy gương của nhiều bạn học sinh trẻ hiếu học, vừa đi học vừa làm thêm kiếm tiền phụ với ba má, như đi bán báo dạo, bán vé số, đi dạy kèm trẻ ở tư gia, hoặc ở nông thôn đi bắt ốc bươu vàng bán cho mấy chỗ nuôi tôm, hoặc cắt cọng lục bình cho mấy hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp. Chúng ta cần xóa bỏ quan niệm lạc hậu là "phải có bằng đại học mới gọi là thành đạt”. Rất nhiều gương sáng cho thấy không cần bằng đại học người ta vẫn làm giàu rất chính đáng và vẻ vang với hai bàn tay và khối óc của mình khi đã được trang bị kiến thức cơ bản phổ thông thật tốt. Bill Gates, tỉ phú giàu nhất thế giới, đã bỏ học khi mới vào Đại học Harvard, để lập một công ty tin học. Nhưng chỉ 1 năm trước đó khi đang học tại trung học Bill Gates đã bán được sản phẩm phần mềm đầu tiên của mình với giá 4.200 USD. Ông Peter Jennings, phóng viên-bình luận viên hệ thống truyền hình ABC (Hoa Kỳ) có lương cao nhất trong số các nhà báo (9 triệu USD/năm) là người không vào được đại học nào ở địa phương Toronto (Canada) của ông nhưng từ khi còn ở trung học, ông đã tập viết báo và sau đó nhập cư sang Mỹ để xin tuyển vào làm truyền hình. Như thế chúng ta thấy rõ kiến thức cơ bản phổ thông quan trọng như thế nào trong đời của mỗi người, cho nên HS phải cố gắng học và hệ thống giáo dục của ta cần nhanh chóng đổi mới giáo dục phổ thông bắt đầu từ đổi mới quy trình đào tạo sư phạm - dạy học sinh cho có tư duy sáng tạo, có kiến thức và kỹ năng chứ không phải dạy học vẹt cho các kỳ thi.
Xã hội cũng cần đặt tiêu chuẩn về sử dụng nhân viên, các cơ quan, xí nghiệp không nên chỉ tuyển người có bằng cấp đại học mà nên trọng dụng người có chứng chỉ nghề, bằng trung cấp. Ở các nước tiên tiến, mỗi hoạt động kinh doanh là phải đăng ký với Nhà nước, địa phương và khi đăng ký phải có bằng cấp hoặc chứng chỉ nghề nghiệp đúng ngành mới được cấp giấy phép. Thí dụ ở Nhật, muốn làm thợ nấu ăn trong nhà hàng, người thợ phải có chứng chỉ đã học nghề nấu ăn; ở Đan Mạch, người con muốn thừa kế cha để tiếp tục làm ruộng thì bắt buộc phải có bằng cấp nông nghiệp. Có vậy thanh niên mới thích vào học trường trung học chuyên nghiệp, trường đào tạo nghề. phần lớn thanh niên sau trung học của Việt Nam chỉ thích vào đại học, và khi không vào được thì chỉ một số ít miễn cưỡng vào trường trung cấp hoặc trường đào tạo nghề vì xã hội thiếu cơ chế đồng bộ sử dụng loại bằng cấp này. Số thanh niên còn lại thì lông bông, không nơi hướng dẫn nên rất khó cho các em hòa nhập với cơ sở nào có hoạt động xã hội. Đáng lẽ trường đại học mở phải thật sự là "mở" để thanh niên ghi danh theo học mà không cần phải thi tuyển sinh. Và ước gì chúng ta có nhiều lớp hàm thụ trực tuyến để thanh niên có thể ghi danh theo học. Rất may chúng ta đã có chương trình "Sống đẹp" của Đoàn thanh niên phát động, có thể dẫn dắt nhóm thanh niên còn lại này.
Mặt khác, cũng rất mong lãnh đạo, giáo viên và giảng viên các trường hưởng ứng lời kêu gọi trong Công bố Talloires của các trường CĐ-ĐH thế giới, cố gắng đưa nhà trường phục vụ cho cộng đồng, tập cho tất cả HSSV có lối sống vì cộng đồng và cùng cộng đồng, xã hội đi lên.
GS Võ Tòng Xuân
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Hiệu ứng Zeigarnik và trí nhớ Thứ Sáu, 28/06/2024, 00:00
- Mối quan hệ toxic là gì? 5 dấu hiệu "tình yêu" độc hại Thứ Sáu, 17/05/2024, 14:00
- Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ? Thứ Sáu, 17/05/2024, 13:00
- 3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc? Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Liệu nỗi sợ và chấn thương tâm lý có thể giúp bạn sống tốt hơn? Thứ Sáu, 10/05/2024, 12:00
- Khi yêu thương đủ lớn mọi giới hạn điều được xóa nhòa Thứ Năm, 11/04/2024, 14:00
- MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH Thứ Tư, 03/04/2024, 00:00
- Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2-4): Yêu thương, thấu hiểu, đồng hành cùng trẻ tự kỷ Thứ Ba, 02/04/2024, 00:00
- 3 điều không nên kiểm soát trong cuộc sống hôn nhân Thứ Sáu, 22/03/2024, 12:00
- Những hệ luỵ khi chồng nhận xét quá thẳng thắn về bạn đời Thứ Năm, 21/03/2024, 15:00