L?n đ?u ăn t?t nhà ch?ng Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Làm dâu mới vốn đã vất vả khó khăn, làm dâu mới vào đúng dịp Tết lại càng khó khăn vất vả hơn nhiều, nhất là đối với những người xa quê và xa chồng.
Chạnh lòng đêm giao thừa
Tùng và Minh Anh cưới nhau từ đầu tháng 11 âm lịch. Tùng nhà ở Hà Tây, Minh Anh ở Hải Dương, nhưng vì cả hai vợ chồng đều làm việc ở Hà Nội, lại phải làm hết 29 tết mới được nghỉ, nên Tết đến, nhà chồng vẫn gần như xa lạ với Minh Anh.
Hiểu được mẹ là người cẩn thận, tết nhất, mọi chuyện trong nhà đều do mẹ điều hành, nên Tùng đã tư vấn cho vợ nên gửi tiền về để bà sắm tết trước, khi làm xong thì về nhà ngay, không phải mua bán gì cả. Nghe lời chồng, tưởng rằng sẽ êm chuyện, nhưng khi về nhà, ngày 30 Tết, cả nhà tấp nập chuẩn bị, riêng mẹ lo việc bổ sung đồ tết và lễ, Minh Anh vẫn như người xa lạ...
Sống ở thành phố Hải Dương, lại được chiều từ bé, nên những công việc mẹ sắp xếp trước khi đi, như giết gà, gói bánh chưng và sắp cỗ cúng ngày cuối năm cùng mọi người, Minh Anh không làm được. Từ trước tới giờ, cô chưa bao giờ giết bất cứ con gì để làm món ăn ngoài cá, bánh chưng thì nhà cô chưa từng gói; còn việc sắp cỗ thì Minh Anh cũng không biết nên làm những gì, vì mọi thứ không phải làm theo ý cô mà phải theo ý mẹ chồng, mà bà thì chỉ giao mà không hướng dẫn cho Minh Anh. Có lẽ bà muốn xem sự đảm đang của cô dâu mới.
Cũng may là với sự trợ giúp của chồng, và nhờ chỉ dẫn của cô em chồng, đến lúc mẹ về, Minh Anh cũng chuẩn bị xong bữa cỗ cúng ba mươi. Tưởng mọi việc đã chuẩn bị sẵn sàng, mẹ chồng chỉ việc làm lễ cúng là xong, cô chuyển sang việc lau dọn ở trong nhà. Nhưng không biết có phải bà mẹ chồng tưởng Minh Anh đang ngồi chơi, trong khi bà thì bận từ sáng, nên bà than vãn: “Không đỡ đần được việc gì cả”. Minh Anh chạy ra, hóa ra bà thấy cái đèn thắp hương hết dầu mà cô con dâu lại để bà phải tự đi đổ…
Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, và bữa cơm chiều cô con dâu cũng đã chuẩn bị chu toàn, mọi người đã sẵn sàng vào ăn, nhưng mẹ chồng sau khi đi mua bán về lại đi quét khu bể nước. Vừa quét, bà vừa giảng về việc phải cọ rửa sân bể cho sạch sẽ, không được để chỗ cát chỗ nước lem nhem… Con dâu có đề nghị để cô quét, bà cũng không đồng ý, bà muốn phải tự tay làm nốt việc cuối cùng ấy để có cơ hội “dạy” cho cô con dâu mới. Bà không biết rằng trước đó, con dâu bà đã định quét, nhưng được chồng và em chồng cản lại với lý do ăn xong còn rửa bát, cọ nồi bánh chưng và giết gà cúng giao thừa nữa, nên để xong xuôi mọi việc sẽ quét dọn luôn... Giờ bà làm, bà giảng…, nhưng cuối ngày, cô con dâu vẫn không được giảm cái việc cọ rửa sân bể.
Vất vả, mệt mỏi cả ngày, 11giờ 30 đêm, chồng đi chơi giao thừa cùng bạn, mình Minh Anh trong phòng đợi chồng và đợi giao thừa. Mệt mỏi cùng với cái lạnh và sự trống trải của đêm 30 trong lần đầu ăn tết ở nhà chồng, Minh Anh không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến cảnh ở nhà mình lúc này, có lẽ đang cùng mẹ sắp bánh trôi chuẩn bị cúng giao thừa…
Ăn tết vắng chồng
Dẫu cho có những điều còn lạ lẫm với gia đình nhà chồng, nhưng Minh Anh còn có chồng trợ giúp về công việc, và phần nào nâng đỡ về tinh thần. Còn Lam Phương, một cái tết không có chồng bên cạnh thật không dễ dàng với cô.
Cưới nhau từ đầu tháng tám năm 2007, nhưng ngay khi kết thúc lễ cưới Lam Phương đã cùng Minh, chồng cô, đi Singapore nghỉ vài tháng trăng mật nhân dịp anh sang nước này công tác. Vì thế cho đến Tết này, dù vẫn sống cùng bố mẹ chồng đấy, nhưng thời gian gần gũi của Lam Phương với gia đình nhà chồng cũng chưa nhiều.
Trong gia đình nhà chồng, bố mẹ anh già gần bằng tuổi ông bà nội Lan Phương, cô em gái thì lập gia đình ở Mỹ, năm nay không về ăn tết. Chồng cô thì vẫn chưa hết thời hạn công tác ở Singapore, nên những ngày chuẩn bị tết, quanh đi quẩn lại cũng chỉ ba con người. Khoảng cách tuổi tác cùng với việc chưa có điều kiện để gần gũi nhau nhiều khiến cho bố mẹ chồng và cô con dâu không có nhiều chuyện để nói. Bởi thế, Lam Phương như một cái bóng lùi lũi trong nhà suốt cả ngày.
Đêm 30, cô cùng mẹ chồng sắp cơm cúng giao thừa, nhưng thắp hương xong cũng không ai muốn ăn. Sau vài lời chúc đầu năm, cái không khí vắng vẻ và buồn tẻ của đêm giao thừa lại trở lại để đưa mỗi thành viên trong gia đình về phòng của mình.
Một đêm giao thừa thao thức
Sáng sớm, điều Lam Phương mong chờ đã đến: Minh gọi điện về chúc tết cả gia đình. Nhận điện thoại của chồng, đột nhiên Lam Phương òa khóc. Thương chồng và thương cả bản thân mình trong lần đầu ăn tết ở nhà chồng mà vợ chồng không được ở bên nhau. Không muốn chồng phải lo nghĩ nhưng bao nỗi tủi thân cứ dồn đến và bật lên thành tiếng nức nở khi Minh điện thoại về.
Để hạn chế những nỗi buồn, những điều tủi thân không đáng có trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là những ngày lễ tết của các cô dâu mới, như trường hợp của Minh Anh và Lam Phương, các chuyên gia tư vấn của Tâm sự bạn trẻ cho rằng rất cần có sự dung hòa từ hai phía: Từ phía cô dâu và gia đình chồng.
Cô dâu về với nhà chồng như đến với một “nền văn hóa” khác, rất cần có sự tìm hiểu để thích nghi và “hội nhập”. Trong những trường hợp này kể trên, sự chỉ dẫn và tư vấn của chồng là hết sức cần thiết, vì hơn ai hết, anh ấy là người sống và hiểu được rõ nhất đặc điểm, tính cách, văn hóa và lối sống của mỗi thành viên trong gia đình mình. Trên cơ sở này, người con dâu mới có thể biết được những việc mình nên làm và những việc nên tránh khi về nhà chồng để có thể hòa hợp tốt với nơi sẽ là gia đình của mình từ khi kết hôn.
Tuy nhiên, sự “hội nhập văn hóa” là cả một quá trình, nên khó có thể thực hiện tốt trong một sớm một chiều để làm hài lòng tất cả mọi người. Đồng thời, một cô gái được nuôi dưỡng trong một môi trường văn hóa khác tất sẽ có những điều khác biệt. Đơn cử như việc đun bếp chẳng hạn: Gia đình chồng không thể đòi hỏi một cô con dâu sinh ra ở thành phố có thể đun bếp rơm bếp rác giỏi như một cô gái nông thôn. Đây là những điều các thành viên trong gia đình nhà chồng cũng cần hiểu để có thể cảm thông và bao dung hơn khi đón nhận một thành viên mới của gia đình.
Đặc biệt, trong trường hợp lần đầu ăn tết ở nhà chồng mà không có chồng ở bên, cô dâu mới khó tránh khỏi cảm giác lạ lẫm và lẻ loi. Trường hợp này rất cần sự tinh tế của gia đình chồng trong cách ứng xử để tạo nên một không khí gia đình thân mật, đầm ấm. Đồng thời, với các phương tiện thông tin đại chúng hiện đại là một điều kiện thuận lợi giúp cho hai vợ chồng có thể liên lạc và giao tiếp với nhau, tạo cảm giác gần gũi cho dù hai người ở cách xa nhau.
Hoa Cát
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Hiệu ứng Zeigarnik và trí nhớ Thứ Sáu, 28/06/2024, 00:00
- Mối quan hệ toxic là gì? 5 dấu hiệu "tình yêu" độc hại Thứ Sáu, 17/05/2024, 14:00
- Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ? Thứ Sáu, 17/05/2024, 13:00
- 3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc? Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Liệu nỗi sợ và chấn thương tâm lý có thể giúp bạn sống tốt hơn? Thứ Sáu, 10/05/2024, 12:00
- Khi yêu thương đủ lớn mọi giới hạn điều được xóa nhòa Thứ Năm, 11/04/2024, 14:00
- MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH Thứ Tư, 03/04/2024, 00:00
- Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2-4): Yêu thương, thấu hiểu, đồng hành cùng trẻ tự kỷ Thứ Ba, 02/04/2024, 00:00
- 3 điều không nên kiểm soát trong cuộc sống hôn nhân Thứ Sáu, 22/03/2024, 12:00
- Những hệ luỵ khi chồng nhận xét quá thẳng thắn về bạn đời Thứ Năm, 21/03/2024, 15:00