Lây nhiễm HIV: Cẩn trọng nhưng cần hiểu biết Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Có vô vàn tình huống khiến chúng ta phải băn khoăn về nguy cơ lây nhiễm HIV (Ảnh minh họa)
tamsubantre.org - HIV/AIDS không còn quá xa lạ với tuổi teen chúng mình, bởi ngày nay, chỉ cần ngó trước, ngó sau, bạn đã có thể nhặt được một “bồ” thông tin về căn bệnh này. Nhưng trên thực tế, không ít teen vẫn còn những lầm tưởng về HIV/AIDS.
Xu hướng thứ nhất: Cẩn trọng và lo lắng
Ai cũng biết HIV có ba con đường lây nhiễm: qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Nhưng trong cuộc sống, không phải lúc nào mọi việc cũng rõ ràng như một cộng một bằng hai. Vì vậy, không ít teen đã phí hoài hàng tỉ nơ ron thần kinh để lo lắng về khả năng lây nhiễm HIV trong những tình huống không đáng lo như câu chuyện của Hồng Minh, cô sinh viên năm thứ nhất học viện Ngân hàng. Một hôm cô bé hớt hơ hớt hải chạy đến trung tâm Chân Trời Mới để xin được tư vấn. Từ khi lên Hà Nội học, vì chưa quen với cuộc sống đô thành nên Minh chuyển đến nhà bác ruột ở. Nhưng một trong những người con của bác là người có HIV. Lúc đầu, Minh cũng không nghĩ ngợi nhiều vì hiểu vi rút HIV không dễ lây truyền nếu biết cách giữ gìn. Nhưng một hôm, sau khi giặt quần áo cho cả nhà, cô nàng chợt giật mình thảng thốt: nếu vì lý do nào đó anh con bác để máu hoặc dịch tiết dính vào quần áo thì liệu sau khi giặt và phơi xong, còn con vi rút nào tồn tại không? Nếu vi rút có sức sống mãnh liệt như vậy thì liệu số lượng đó có đủ để lây nhiễm?
Cùng tâm trạng với Hồng Minh khi đến tư vấn về HIV, Anh Tuấn (19 tuổi, thợ kim hoàn tại Hà Nội) chia sẻ: Cậu vừa quen một bạn gái qua mạng được 1 tháng. Trong một lần đi chơi, Tuấn đã được nếm vị ngọt ngào của nụ hôn. Đang lâng lâng, say đắm trong hạnh phúc, một thoáng suy nghĩ đến với anh: không biết cô bạn gái này có bị HIV không? Nếu có, hôn thế này liệu có lây không nhỉ?
Sự thật là: Các nhà khoa học đã phân tích các chất dịch của cơ thể và kết luận rằng, nước bọt của người có HIV chỉ có một lượng rất nhỏ i rút HIV, do đó hôn không làm lây truyền HIV. Tuy nhiên, nếu hôn sâu, nhất là khi hôn mà trong miệng, lưỡi của hai người có tổn thương, chảy máu răng thì cũng có thể lây nhiễm HIV.
Xu hướng thứ hai: Chủ quan và hối hận
Trái ngược với những teen nhìn đâu cũng thấy vi rút HIV, một vài teen lại tỏ ra thờ ơ và xem nhẹ hành vi nguy cơ của mình.
Quan hệ tình dục đường miệng và hậu môn không làm lây HIV, đó là kinh nghiệm không ít XY đã truyền tai nhau.
Với tâm lý chủ quan như vậy, Hùng (25 tuổi, nhân viên kinh doanh, Hà Nội) đã “can đảm” quan hệ tình dục mà không cần sử dụng bao cao su trong lần cùng các bạn đi “bóc bánh trả tiền”. Vì một lần vô tình đọc được thông tin liên quan đến xác suất lây nhiễm HIV khi quan hệ tình dục là 1/100, cậu đã nghĩ, quan hệ 100 lần mới có 1 lần bị nhiễm, cần gì phải lo. Nhưng rồi một năm sau, Hùng thấy mình ốm triền miên và anh đã ngã ngửa khi nhận kết quả xét nghiệm HIV dương tính.
Sự thật là: Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, xác suất lây truyền HIV qua quan hệ tình dục với người có HIV khi không sử dụng biện pháp bảo vệ (không dùng bao cao su) là 1/1.000 đến 1/100 (được tính trên quần thể). Nhưng với từng cá nhân có hành vi tình dục không bảo vệ, xác suất lây nhiễm HIV luôn là 1 hoặc 0. Nghĩa là, mỗi lần quan hệ không sử dụng biện pháp bảo vệ, bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị nhiễm HIV hoặc không bị nhiễm ngang nhau. Không ai dám chắc chắn lần quan hệ tình dục không bảo vệ sẽ rơi vào trường hợp nhiễm hay không. Do đó, nếu có ý định quan hệ tình dục với người có HIV hoặc với người bạn không rõ về quá khứ tình dục thì cần nghĩ đến biện pháp phòng hộ an toàn là bao cao su bạn nhé.
Thay lời kết
Cuộc sống luôn đa dạng và thực tế có vô vàn tình huống khiến chúng ta phải băn khoăn không biết vi rút HIV có “đụng phải” mình hay không. Tuy nhiên, vi rút HIV là một loài “sống” có “nguyên tắc”, không phải bỗng dưng chúng gõ cửa “nhà” bạn. Vậy nguyên tắc sống của vi rút HIV là gì? HIV tồn tại trong máu, các chế phẩm về máu, dịch tiết của cơ thể như dịch sinh dục, tinh dịch, dịch tiết âm đạo,… của người có HIV. Do vậy, khi có sự tiếp xúc trực tiếp giữa các chất dịch này với các vết thương hở, các bề mặt niêm mạc của cơ quan sinh dục (niêm mạc hậu môn, niêm mạc âm đạo, lỗ sáo trên dương vật…), niêm mạc miệng, niêm mạc mắt, sẽ có nguy cơ lây nhiễm HIV. Vì vậy, khi nhận thấy có hành vi nguy cơ, bạn cần bình tĩnh dựa vào nguyên tắc sống của vi rút HIV để đánh giá xem hành vi của mình có thực sự là cơ hội để nó xâm nhập vào cơ thể bạn hay không. Còn nếu bạn quá bối rối và không thể tìm ra lời giải đáp thì đừng quên các tư vấn viên của Tâm sự bạn trẻ luôn là người đồng hành cùng bạn.
Những con đường lây truyền HIV 1. Lây truyền HIV qua quan hệ tình dục Qua quan hệ tình dục không an toàn: Nếu bạn quan hệ tình dục (dù qua âm đạo, hậu môn hay miệng) với người có HIV mà không sử dụng bao cao su, hoặc sử dụng không đúng cách thì vi rút HIV từ bạn tình có thể xâm nhập vào cơ thể bạn. Trong giao hợp dương vật - âm đạo, dương vật của người nam và âm đạo người nữ tiếp xúc với các dịch sinh dục của nhau. Nếu người nam mang vi rút HIV thì vi rút HIV có thể đi qua lớp niêm mạc âm đạo của người nữ vào những mạch máu nhỏ li ti có rất nhiều dưới lớp niêm mạc, khiến người nữ bị nhiễm. Nếu người nữ mang vi rút HIV thì vi rút HIV có thể truyền sang người nam qua niêm mạc ở lỗ sáo (ở đầu dương vật) hoặc qua lớp da bao phủ đầu dương vật ở phía ngoài. Lớp da này mỏng nên trong khi giao hợp dễ bị vết xước rất nhỏ không nhận thấy, tạo điều kiện cho vi rút HIV xâm nhập. Còn nếu quan hệ bằng đường miệng, tinh dịch, dịch tiết âm đạo xâm nhập vào những tổn thương trên miệng, lợi… gây ra nguy cơ lây nhiễm. Hướng ngược lại nguy cơ lây nhiễm cũng có thể xảy ra nhưng ít hơn. 2. Lây truyền HIV từ mẹ sang con: Phụ nữ nhiễm HIV nếu sinh con sẽ có khả nǎng khoảng 30% con bị nhiễm HIV theo mẹ (nếu không được điều trị dự phòng). Có nghĩa là, cứ 100 bà mẹ nhiễm HIV sinh con thì có khoảng 30 trẻ bị nhiễm vi rút HIV từ mẹ. Vi rút HIV có thể lây sang bé qua nhau thai khi bé còn nằm trong bụng mẹ, qua máu và chất dịch của mẹ khi sinh, và một tỷ lệ nhỏ lây qua sữa khi mẹ cho bé bú. 3. Lây truyền HIV qua đường máu: HIV có thể lây qua truyền máu hoặc các chế phẩm từ máu bị nhiễm HIV. Dùng chung các dụng cụ xuyên chích qua da không được vô trùng hoặc không đảm bảo nguyên tắc khi khử trùng hoặc vô trùng như: Bơm kim tiêm, kim châm cứu, kim xăm mình, xăm lỗ tai,… Những người sử dụng chất gây nghiện dùng chung bơm kim tiêm thì nguy cơ lây nhiễm sẽ rất cao. |
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Xét nghiệm sớm HIV cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV sang con Thứ Sáu, 26/01/2024, 13:00
- 7 dấu hiệu HIV ở nữ dễ nhầm lẫn với bệnh khác Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Cẩm nang những điều bạn cần biết về tình trạng trẻ bị nhiễm HIV Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Xác suất lây nhiễm HIV sau 1 lần quan hệ là bao nhiêu? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Triệu chứng nhiễm HIV qua 3 giai đoạn Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- HIV có lây qua nước bọt không? Thứ Tư, 17/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm gồm triệu chứng gì? Có thể nhận biết nhanh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Xét nghiệm HIV Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Quan hệ với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh? Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00
- Dấu hiệu HIV ở nam: Phát hiện sớm tăng cơ hội điều trị Thứ Ba, 16/01/2024, 00:00