Không dừng lại ở ước mơ Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00

Biết vươn lên để khẳng định mình.
Năm tôi lên tám tuổi thì bố tôi qua đời vì bị sốc thuốc khi đang tiêm chích ma tuý. Sau khi bố tôi mất, ông bà nội quay lưng lại với mẹ con tôi, cho rằng cái chết của bố tôi là do mẹ tôi gây nên.
Mẹ bảo, lúc bố đến với mẹ thì ông bà nội phản đối kịch liệt. Bởi lẽ ông bà ngoại của tôi mất sớm, lúc đó, mẹ tôi còn nhỏ và bà phải tự thân bươn chải kiếm sống, do vậy, ông bà không chấp nhận mà muốn bố kết hôn với một người con gái khác trong làng mà ông bà đã sắp đặt sẵn. Đến khi bố mẹ kết hôn và sinh ra tôi, ông bà lại ghét mẹ tôi hơn bởi tôi không phải là trai mà lại là gái. Ông bà nội thường xuyên gây áp lực cho bố tôi khiến ông rất buồn lòng. Bố tôi đi làm ăn xa để kiếm thêm thu nhập lo cho cuộc sống gia đình rồi dính vào nghiện ngập. Mặc dù mẹ tôi đã khóc lóc và khuyên can đủ điều nhưng bố tôi vẫn không thể từ bỏ ma tuý mà ngày càng bước vào sâu hơn.
Từ khi bố tôi mất đi, tôi trở thành “mầm bệnh’’ mà các con cháu trong họ hàng cần phải tránh xa, theo như lời nói của ông bà. Bởi lẽ mọi người xung quanh cho rằng bố tôi đã nghiện thì phải có bệnh, mà bệnh thì chỉ có HIV mà thôi. Mặc dù kết quả xét nghiệm đã cho thấy rằng tôi và mẹ tôi không hề nhiễm HIV, nhưng kết quả đó cũng không được ông bà và mọi người thừa nhận: “Biết đâu mẹ con mày lại sắp đặt chuyện này để lừa mọi người thì sao’’. Ông tôi đã nói như vậy khi mẹ đưa cho ông bà xem kết quả xét nghiệm.
Ông bà ngoại đều mất khi mẹ tôi còn nhỏ. Giờ đây gia đình nhà nội lại xa lánh mẹ con tôi. Vì sợ mang tiếng là ruồng rẫy cháu nội và con dâu, ông bà không lên tiếng “từ“ mẹ con tôi, nhưng thái độ và hành động của ông bà và những người trong họ hàng khiến tôi rất tủi thân. Tôi còn nhớ những năm tết đến, trong khi các cháu trong họ đều được sắm quần áo đẹp thì tôi mặc đồ cũ do hàng xóm mang cho. Trong khi các anh em họ hàng trạc tuổi tôi hoặc lớn hơn tôi đều được ông bà phát tiền mừng tuổi thì đến lượt tôi, ông lại trừng mắt: “Đi ra ngoài chơi’’. Ông thường dặn dò mọi người phải cẩn thân kẻo lại bị lây nhiễm HIV từ tôi. Vì vậy mà những người khác dần lánh xa chúng tôi. Điều đó khiến cho cả hai mẹ con tôi vô cùng buồn rầu.
Mẹ vẫn tần tảo buôn bán dọc bến xe để nuôi tôi ăn học. Còn tôi, tôi còn quá nhỏ để có thể làm được điều gì đó giúp cho mẹ bớt khổ hơn mặc dù rất thương mẹ.
Tôi còn nhớ, trong một buổi học trên lớp, cô giáo hỏi tất cả các bạn về ước mơ của mỗi người. Tới lượt tôi, tôi đã ngập ngừng: “Con luôn ước mong sao cho mọi người không xa lánh hai mẹ con con, nể trọng mẹ con và cuộc sống của mẹ con con sung túc hơn’’. Cô giáo đã nói với tôi và cả lớp rằng: “Mỗi người trong số các con đều có những ước mơ của riêng mình, nhưng điều cần thiết hơn và quan trọng hơn là hãy cố gắng biến ước mơ trở thành sự thật bằng hành động của mình. Đừng để những ước mơ đó chỉ dừng lại ở mơ ước mà thôi...’’.

Tôi còn nhớ rằng tôi đã luôn trăn trở rằng tôi sẽ phải làm gì để thực hiện ước mơ đó. Tôi sẽ đến và nói với ông bà, với mọi người rằng đừng xa lánh mẹ con tôi hay nhờ họ hãy giúp đỡ mẹ con tôi để cuộc sống của chúng tôi bớt khổ hơn? Tôi biết rằng dù có làm những việc như vậy thì cũng không ai chìa tay ra giúp đỡ mẹ con tôi. Chỉ có một con đường duy nhất, đó là tôi phải chăm chỉ học hành để khi lớn lên, tôi có thể giúp mẹ bớt khổ và bớt gánh nặng khi phải lo lắng cho tôi mà thôi.
Mẹ tôi đã thực sự vui mừng khi tôi thi đỗ vào một trường đại học sư phạm. Từ biệt mẹ, tôi lên thành phố. Sức khoẻ của mẹ tôi ngày một yếu dần, phần vì vất vả sau bao tháng năm tảo tần bươn chải để nuôi tôi ăn học, phần vì buồn rầu sau cái chết của bố tôi. Lên thành phố, tôi vừa đi học, vừa đi dạy thêm, làm thêm để có thể kiếm tiền vừa ăn học, vừa gửi về cho mẹ chút ít, hy vọng mẹ sẽ đỡ vất vả hơn. Tôi tốt nghiệp ra trường và xin dạy học ở trường cấp ba của huyện. Liên tiếp nhiều năm đạt giáo viên dạy giỏi, tôi được đồng nghiệp và các em học sinh quí mến, nể phục. Ông bà, anh em họ hàng đã nhìn mẹ con tôi với ánh mắt khác đi. Họ nói rằng mẹ tôi thật giỏi khi tần tảo một mình nuôi con, ông bà khen tôi là đứa giỏi giang, là đứa cháu duy nhất trong họ học hành nên người. Ông bà và mọi người đã gần gũi, quan tâm tới mẹ con tôi nhiều hơn. Nhờ cậy tôi giúp đỡ các cháu nhỏ trong họ hàng học tập. Sự thay đổi trong cách cư xử của mọi người khiến mẹ tôi sống vui vẻ hơn...
Có thể đối với ai đó, những điều tôi làm được chỉ là những việc làm nhỏ nhưng đối với tôi nó thực sự có ý nghĩa lớn. Tôi đã thực hiện được ước mơ của mình.
Câu nói ngày xưa của cô giáo, vẫn in sâu trong tâm trí tôi đến tận bây giờ, khi tôi đã là một giáo viên cấp ba môn toán ở trường huyện và có lẽ nó sẽ còn đi theo tôi đến cuối cuộc đời này. “Hãy cố gắng biến ước mơ trở thành sự thật bằng những hành động của mình, đừng chỉ dừng lại ở mơ ước“, câu nói này, đã trở thành lẽ sống trong tôi.
Kiều Nga (Hà Tĩnh)
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Hiệu ứng Zeigarnik và trí nhớ Thứ Sáu, 28/06/2024, 00:00
- Mối quan hệ toxic là gì? 5 dấu hiệu "tình yêu" độc hại Thứ Sáu, 17/05/2024, 14:00
- Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ? Thứ Sáu, 17/05/2024, 13:00
- 3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc? Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Liệu nỗi sợ và chấn thương tâm lý có thể giúp bạn sống tốt hơn? Thứ Sáu, 10/05/2024, 12:00
- Khi yêu thương đủ lớn mọi giới hạn điều được xóa nhòa Thứ Năm, 11/04/2024, 14:00
- MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH Thứ Tư, 03/04/2024, 00:00
- Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2-4): Yêu thương, thấu hiểu, đồng hành cùng trẻ tự kỷ Thứ Ba, 02/04/2024, 00:00
- 3 điều không nên kiểm soát trong cuộc sống hôn nhân Thứ Sáu, 22/03/2024, 12:00
- Những hệ luỵ khi chồng nhận xét quá thẳng thắn về bạn đời Thứ Năm, 21/03/2024, 15:00