Khổ vì bố mẹ người yêu “sính của” Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00

Bố mẹ người yêu “sính của”, nối ám ảnh của không ít bạn trẻ
tamsubantre.org - Bố mẹ người yêu “sính của” là nỗi ám ảnh của rất nhiều bạn trẻ. Đã có những cặp đôi “tan đàn xẻ nghé” vì những đòi hỏi rất đỗi vô lý từ các bậc phụ huynh kiểu này.
Ai cũng thích xe đẹp?
Những tưởng sự “sính xe tay ga” chỉ xuất hiện ở những “cô bé cậu bé” tuổi teen nhưng ngay cả những bác trung niên cũng tỏ ra ưu ái cho chủ nhân của những chiếc xe đắt tiền.
Hương (23 tuổi, chủ một shop thời trang, Hà Nội) chia sẻ về lần nàng bỗng được mẹ người yêu “cũ” nhiệt tình hỏi han: “Hồi ấy hai đứa mình bị cấm yêu nhau nên cứ nghĩ là do anh ấy đang ôn thi lại đại học, còn mình thì không có ý định thi nên bác cho là “không được”. Nhưng tình thế thay đổi 180 độ sau hôm đi ăn cưới về, mình cưỡi con SH vào nhà anh ấy chơi. Từ hôm ấy, mình được quý lắm, được mời vào nhà chơi, được tháp tùng bác đi chỗ nọ chỗ kia. Trước đó, vì nhà mình và nhà anh ấy gần nhau, chỉ non một cây số, nên thỉnh thoảng, muốn tạt qua nhà… ngắm nhau, mình vẫn mặc nguyên bộ đồ thể thao và lấy con ngựa sắt của thằng em đang học cấp ba để đi cho tiện. Có lẽ vì thế nên bác ấy nghĩ gia cảnh nhà mình tồi tàn đến nỗi chẳng có nổi chiếc xe máy mà đi. Đúc rút từ kinh nghiệm bản thân nên lúc cậu em mình học đại học, khi nó đến nhà bạn gái chơi, mình vẫn bảo nó đi xe đẹp thay vì chiếc xe số mà nó vẫn thích”.
Câu chuyện của Hương không hiếm vì cũng có khá nhiều người khác bày tỏ mình đã được “cộng điểm vì đi xe đẹp trong lần ra mắt nhà người yêu”. Tuấn Anh (23 tuổi, sinh viên Đại học Giao thông vận tải) là một ví dụ: “Người yêu mình quê ở Bắc Giang. Nhân dịp giỗ ông, cô ấy muốn giới thiệu mình với mọi người luôn thể nên chúng mình định khăn gói quả mướp về quê cô ấy. Trước khi đi, mẹ mình cẩn thận dặn mình là đừng đi cái xe Dream cũ mà mình vẫn đi học, mẹ sẽ cho mình mượn tạm chiếc LX mẹ vẫn đi để lấy le với nhà bạn gái. Mình tặc lưỡi bảo mẹ không muốn vì đi đường xa thì đi xe số thích hơn. Nhưng hôm ấy, mình đã rất hối hận vì không nghe lời mẹ mình. Khi đến cổng nhà người yêu, chiếc Dream của mình kêu như một ông già lên cơn ho rũ rượi, và mọi người bên nhà nàng đã thì thầm với nhau, sao giai Hà Nội gì mà đi xe lởm thế khiến mình vừa ngượng, vừa bực mình. May mà người yêu mình vẫn vui vẻ thoải mái và còn nói với mình là em thích đi xe này hơn”.

Hương được quý vì cô đi “xe đẹp”
Nhưng Hương và Tuấn Anh trong hai câu chuyện trên vẫn còn có xe đẹp để đi hay “lúc nào cũng có thể mượn”, còn những bạn trẻ chỉ có “con Wave chiến” nhưng lại “yêu nhầm” người yêu có bố mẹ “sính xe đẹp” thì không được may mắn như thế. Thuý Hà (22 tuổi, sinh viên) kể về mối tình của mình: “Nhà mình không khá giả nên ngay từ thuở sinh viên, mình đã lăn lộn kiếm tiền để tự trang trải sinh hoạt. Hồi ấy, tích cóp mãi, mình mua được một chiếc “Giấc mơ Trung Hoa”, chính là cái Dream Tàu nên mình vui lắm, đi đâu cũng đi. Lần đầu tiên vào nhà người yêu là lần mình phóng thẳng từ chỗ làm thêm vào. Hôm ấy, mình đã phát bực vì những câu nói có phần mát mẻ của mẹ người yêu như: kiểu xe Tàu này giờ chẳng mấy ai đi nữa rồi, hay một chiếc xe nhà bác phải mua được gần chục chiếc như thế”.
Bố mẹ người yêu… “thích nhận quà”
Không dừng lại ở việc “thích xe đẹp”, nhiều bạn trẻ còn “khốn khổ” vì bố mẹ người yêu “thích nhận quà” còn hơn cả con cái.
Thành Vinh (26 tuổi, trưởng phòng kinh doanh của một công ty tư nhân) kể về những lần “dại bố vợ” của mình: “Một lần, mình đến nhà người yêu, giờ là vợ mình chơi. Bác ấy tấm tắc khen ngợi bác hàng xóm có anh con rể đem biếu chai rượu quý. Mình muốn lấy lòng bác nên ngay hôm sau, lùng sục mua bằng được chai tương tự đem đến cống nạp, cho dù lúc ấy, chai rượu cũng bằng 1/3 tháng lương của mình. Sau này, thỉnh thoảng nhận được những gợi ý tương tự kiểu như thế, mình lại cun cút đi mua. Rồi người yêu mình biết giá trị của những món quà nịnh bố cô ấy không hề nhỏ nên cấm tiệt mình. Cô ấy bảo, mình làm hư ông cụ và doạ cắt đứt nếu cứ phung phí theo kiểu ấy”.
Trường hợp của Việt (24 tuổi, cựu sinh viên Đại học Thương Mại) thì bi đát hơn nhiều: “Nhà người yêu mình có hai chị em gái. Chị gái cô ấy có anh người yêu là đại gia, lại hay đi đó đây nên đặc sản các địa phương mang về làm quà cho bố mẹ cô ấy nhiều lắm. Trong khi đó, mình vừa ra trường, đồng lương còn eo hẹp nên không thể đua theo. Lúc đầu, cũng chỉ nghĩ đơn giản là sau này mình có điều kiện, mình cũng sẽ có dịp thể hiện tấm lòng. Nhưng rồi nhiều lúc thấy chán và tủi thân lắm. Có những hôm nhà làm cơm, mình và anh người yêu cô chị cùng ngồi đấy, mẹ cô ấy chỉ giữ mỗi anh kia ở lại ăn cơm. Mình biết ý nên xin về sớm. Lúc sau, về đến nhà trọ thì người yêu mình đến, hai đứa đi ăn miến trộn với nhau. Cô ấy hỏi mình sau này anh cưới em hay anh cưới mẹ em, nếu cưới cô ấy thì đừng lo lắng gì. Điều đó làm mình càng yêu, càng thương cô ấy lắm”.
Không chỉ những chàng trai mà ngay cả các cô gái cũng bị rơi vào tình cảnh “khóc dở mếu dở” vì chưa thể có quà cho bố mẹ người yêu. Thanh Dung (23 tuổi, giáo viên, Hà Nội) buồn bã nói: “Mình vừa ra trường, may mắn được làm giáo viên hợp đồng ở một trường trung học, lương chỉ gọi là có thôi chứ chẳng đáng bao nhiêu. Dịp lễ, Tết, anh người yêu mình vẫn thường tự bỏ tiền ra mua quà rồi đưa cho mình, bảo mình mang đến biếu. Mình ngại lắm, nhưng anh ấy bảo anh ấy biết tính bố mẹ, rất sính quà cáp và tất cả vì tương lai hai đứa sau này. Một lần, mẹ anh ấy biết và tỏ thái độ không vui. Sau này, dù mình có mang gì đến, và anh ấy có nói đấy là tiền mình bỏ ra mua, nhưng bác ấy vẫn bảo của sông lại về sông khiến mình rất buồn”.
Hãy nghe người yêu bạn nói!
Nếu không may gặp phải những “nhạc phụ nhạc mẫu” như vậy, bạn đừng vội chán nản hay có suy nghĩ “nên chia tay người yêu”. Điều bạn cần làm lúc này là khẳng định lại tình cảm và thái độ của người yêu bạn. Giống như người yêu Việt đã nói: “Anh lấy em chứ không phải lấy mẹ em”. Nghĩa là điều quan trọng nhất vẫn ở tình cảm hai bạn dành cho nhau chứ không phải bạn đã “tặng hay mang gì đến cho bố mẹ người yêu”. Thêm vào đó, việc bạn yêu thương con gái (con trai) của họ thật lòng và có thể mang lại cho cô ấy/anh ấy không chỉ hạnh phúc vật chất mới là điều quan trọng nhất!
Vệ Nam
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Hiệu ứng Zeigarnik và trí nhớ Thứ Sáu, 28/06/2024, 00:00
- Mối quan hệ toxic là gì? 5 dấu hiệu "tình yêu" độc hại Thứ Sáu, 17/05/2024, 14:00
- Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ? Thứ Sáu, 17/05/2024, 13:00
- 3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc? Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Liệu nỗi sợ và chấn thương tâm lý có thể giúp bạn sống tốt hơn? Thứ Sáu, 10/05/2024, 12:00
- Khi yêu thương đủ lớn mọi giới hạn điều được xóa nhòa Thứ Năm, 11/04/2024, 14:00
- MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH Thứ Tư, 03/04/2024, 00:00
- Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2-4): Yêu thương, thấu hiểu, đồng hành cùng trẻ tự kỷ Thứ Ba, 02/04/2024, 00:00
- 3 điều không nên kiểm soát trong cuộc sống hôn nhân Thứ Sáu, 22/03/2024, 12:00
- Những hệ luỵ khi chồng nhận xét quá thẳng thắn về bạn đời Thứ Năm, 21/03/2024, 15:00