Khi nửa kia nhác việc nhà Thứ Hai, 30/11/-0001, 00:00
Rất nhiều người lười biếng với việc nhà
tamsubantre.org - Trong công việc và những hoạt động xã hội hàng ngày, cả nam giới và phụ nữ đều rất tích cực, nhưng khi đối diện với việc nhà, chẳng phải ai cũng sẵn sàng với nó.
Nỗi niềm biết tỏ cùng ai?
Vừa bước vào nhà, Hải giật bắn vì cảm giác đau nhói dưới chân. Hóa ra, anh vừa đạp phải món đồ chơi của cu tí. Đây chẳng phải là lần đầu tiên gặp phải sự cố này, nhưng anh vẫn rất bực mình. Phóng tầm mắt khắp nhà, Hải thở dài ngao ngán khi thấy quần áo vất ngổn ngang, đồ chơi của con rải dọc từ giường xuống đất. Bên cạnh đó, vết bánh xe bám đầy đất cát chưa được quét khiến căn nhà trở nên lộn xộn hơn. Nhặt đôi tất bẩn mắc ở khe ghế, Hải lầm rầm một mình: “Lấy vợ lười khổ thế này đây”.
Không như những người chồng khác được ung dung nghỉ ngơi sau mỗi giờ tan sở, Hải thường xuyên phải dọn dẹp nhà cửa. Nhiều hôm về muộn, anh hoảng hồn khi thấy con đang lê la dưới nền đất bẩn, còn vợ thì say sưa bên chiếc ti vi. Điều đáng nói là vợ anh – không những không giúp chồng mà còn “góp tay” bày bừa. Quần áo thay ra, thay vì xếp gọn vào nơi quy định hoặc bỏ vào máy giặt, cô thường để luôn trên giường ngủ. Dù Hải đã cằn nhằn điều này rất nhiều lần, song chứng nào vẫn tật nấy.
Ngày trước, khi ở với mẹ chồng, vợ Hải cũng chẳng động chân động tay vào việc gì. Khi được nhắc nhở, cô “lý sự”: “Đi làm đã mệt, về nhà phải nghỉ ngơi chứ”. Cảm thấy ngại ngùng vì việc gì mẹ mình cũng phải làm, Hải xin ra ở riêng để vợ chăm chỉ hơn, nhưng cuối cùng anh lại là người phảiđảm nhiệm tất cả. Nhiều lúc cáu gắt, anh bảo: “Sao em lại cho mình cái quyền đi làm về thì được nghỉ ngơi? Anh cũng đi làm mà về nhà vẫn trăm thứ việc?”. Lúc này, vợ Hải lại cười hiền: “Vì anh khỏe hơn em mà. Làm thêm tí việc thì có sao?”.
Cũng sở hữu một nửa siêu lười, Lan luôn cảm thấy phiền muộn khi chồng cô chẳng bao giờ chịu mó tay vào bất cứ việc gì. Đi làm về, anh có thói quen xem hết chương trình thể thao này đến chương trình thể thao khác, mặc vợ quay cuồng với việc nhà. Nào là nấu cơm, rửa bát, quét nhà, nào là tắm rửa cho con, tất cả mọi việc đều một tay Lan cáng đáng. Thậm chí, ngay khi đứa con nhỏ muốn đi vệ sinh, anh ngồi xem ti vi cũng phải gọi: “Em ơi, con nó muốn đi tè”. Đến bữa cơm, ngay cả việc xới cơm cho mình, chồng Lan cũng phải nhờ đến vợ. Nhiều lần cô than thở, mong chồng san sẻ việc nhà, nhưng anh lại nói với giọng tỉnh bơ: “Ơ, việc đó là thiên chức của người vợ mà”.
Thay đổi - bằng cách nào?
Ngại việc nhà không chỉ là tâm lý chỉ có ở nam giới, ngày nay, có không ít chị em phụ nữ cũng mắc phải “chứng bệnh” này. Điều này tất nhiên sẽ gây ức chế cho người còn lại và đây chính là lý do làm nảy sinh khoảng cách giữa hai người đầu gối, tay ấp.
Như trường hợp của Hải, thời gian đầu vì nghĩ: “Thôi cứ nhịn vợ một tí cho cửa êm nhà ấm”, anh chăm chỉ làm mọi việc trong nhà. Nhưng khi hàng xóm bắt đầu xì xào về chuyện anh bị vợ “đè đầu cưỡi cổ”, hay “thằng đàn ông mặc váy”, Hải bắt đầu thấy nóng mặt. Bực người rồi quay sang giận vợ vì quá lười, anh thường xuyên cáu gắt vì những chuyện rất nhỏ nhặt. Rồi Hải bắt đầu mơ ước về mẫu phụ nữ giỏi tề gia nội trợ, đảm chăm sóc chồng con. Chính vì thế, càng ngày anh càng thất vọng về người bạn đời của mình. Nhất là khi bạn bè kể chuyện được vợ nấu cho món nọ, món kia, hay đơn giản là việc họ phàn nàn vị vợ giặt cái áo này chưa sạch, Hải cũng thấy chạnh lòng.
Còn như Lan, vì ngày nào cũng vất vả với việc nhà, cô gần như mất hết nhu cầu về “chuyện ấy”. Cứ mỗi lần nằm xuống giường, việc duy nhất cô muốn là ngủ một giấc thật say. Chính vì vậy, đời sống gối chăn trở nên lạnh lẽo. Mâu thuẫn gia đình cũng bắt đầu xuất hiện khi chồng cô tỏ ra ngờ vực: “Chắc em ăn nem, ăn chả ở đâu rồi nên mới chẳng thiết cơm nhà”.
Với những người không phải làm việc nhà, tất nhiên họ sẽ chẳng hiểu những công việc không tên ấy chiếm nhiều thời gian thế nào.Do đó, mỗi khi người kia kêu ca, họ đều nghĩ rằng: “Có mỗi tí việc mà cũng cằn nhằn”. Thế nên, cách chữa “bệnh lười” cho nửa kia là liệt kê tất cả các việc phải làm trong ngày (để họ thấy, việc nhà chẳng hề ít). Từ đó, lên kế hoạch phân chia rõ ràng. Trên thực tế, nhiều người cũng muốn giúp vợ, giúp chồng song lại chẳng biết bắt đầu với việc gì. Để việc phân chia nhiệm vụ được khởi động, tất nhiên, trước đó, hai bạn cần có một buổi nói chuyện thẳng thắn. Bạn hãy nói cho nửa kia cảm giác khi tất cả mọi việc đều đến tay và mong muốn thực sự của bạn. Thêm vào đó, bạn cần xác định tư tưởng: có thể trong thời gian đầu, nửa kia sẽ chẳng thể làm tốt mọi việc do đó, thay vì than thở, hãy động viên để họ có động lực làm tiếp.
Trong trường hợp như của Lan, bạn nên giải thích rõ ràng lý do vì sao mình không còn ham muốn trong “chuyện ấy”. Việc này vừa giúp bạn tránh hiểu lầm, vừa để chồng thấy rằng, nếu việc nhà không được sẻ chia, rất nhiều hậu quả không mong muốn sẽ xảy đến. Vì thế, cùng nhau làm việc vừa tạo không khí vui vẻ, vừa là cách “thắp lửa” cho “chuyện ấy”.
Việc nhà vốn là những công việc lặt vặt, không tên, nhưng nó lại khiến người ta mệt mỏi khi phải đối mặt sau một ngày lao động kiếm sống. Thế nên, để cảm nhận hết sự vất vả của nửa kia khi không được chia sẻ, bạn hãy thử làm tất cả những điều đó trong khoảng 1 tháng, thậm chí chỉ một tuần thôi. Khi đó, chắc chắn bạn sẽ hiểu được giá trị đích sự của sự sẻ chia này.
Ngọc Ngọc
Nhận xét(0 Nhận xét)
Chúng tôi mong muốn nhận được nhận xét của bạn.
Bạn vui lòng nhập đầy đủ các trường có dấu *
Các tin mới hơn
- Hiệu ứng Zeigarnik và trí nhớ Thứ Sáu, 28/06/2024, 00:00
- Mối quan hệ toxic là gì? 5 dấu hiệu "tình yêu" độc hại Thứ Sáu, 17/05/2024, 14:00
- Mối quan hệ độc hại, vì sao lại khó buông bỏ? Thứ Sáu, 17/05/2024, 13:00
- 3 Đặc điểm nhận dạng một “ma cà rồng” cảm xúc? Thứ Năm, 16/05/2024, 14:00
- Liệu nỗi sợ và chấn thương tâm lý có thể giúp bạn sống tốt hơn? Thứ Sáu, 10/05/2024, 12:00
- Khi yêu thương đủ lớn mọi giới hạn điều được xóa nhòa Thứ Năm, 11/04/2024, 14:00
- MỐI QUAN HỆ LÀNH MẠNH Thứ Tư, 03/04/2024, 00:00
- Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2-4): Yêu thương, thấu hiểu, đồng hành cùng trẻ tự kỷ Thứ Ba, 02/04/2024, 00:00
- 3 điều không nên kiểm soát trong cuộc sống hôn nhân Thứ Sáu, 22/03/2024, 12:00
- Những hệ luỵ khi chồng nhận xét quá thẳng thắn về bạn đời Thứ Năm, 21/03/2024, 15:00