Một nhà trị liệu tâm lý nổi tiếng tại Mỹ cho biết, ở tuổi 47, cô đã có hàng chục năm trong nghề trị liệu và hầu hết khách hàng của cô là những người thuộc thế hệ trẻ. Trong 5 năm gần đây, cô đã ngồi cùng hàng trăm người trẻ tuổi, lắng nghe về những đấu tranh, sợ hãi và cả những chiến thắng của họ.
"Cơ hội làm việc với người trẻ tuổi là một món quà giúp tôi suy ngẫm thêm về cuộc sống, nhìn lại quá khứ và nghĩ về những gì ta có thể làm khác đi. Ở tuổi 47, tôi vẫn còn nhiều điều cần học hỏi, thế nhưng tôi hi vọng những bài học mà tôi có được từ kinh nghiệm của bản thân và tổng kết từ những người tôi gặp có thể truyền cảm hứng cho các bạn, giúp mọi người có những thay đổi tích cực hơn cho hiện tại." - Cô chia sẻ.
Dưới đây là 7 điều mà chúng ta nên làm ngay khi còn trẻ để tránh hối tiếc về sau:
1. Tiết kiệm tiền - càng sớm càng tốt
Phung phí tiền bạc được xem là quãng thời gian ngốc nghếch mà hầu như ai cũng từng trải qua khi còn trẻ, thế nhưng đây lại là sai lầm về tiền bạc mà tuổi trẻ nên tránh nhất. Theo khảo sát, gần 60% số người được hỏi thừa nhận rằng không biết tiết kiệm tiền giữ vị trí số 1 trong danh sách những điều họ hối tiếc nhất.
Phần lớn người trẻ tuổi thường có suy nghĩ nhân lúc mình còn trẻ mà tận hưởng cuộc sống, các thú vui mà mình yêu thích. Cho đến sau này, khi học được những kiến thức cơ bản về tiết kiệm và đầu tư thì không ít người mới hối hận khi không tiết kiệm từ trước đó.
Ở tuổi ngoài 40, thứ khiến bạn có cảm giác an toàn không phải là những cuộc vui hay quần áo đắt tiền mà là một sự an ổn về tài chính.
2. Xử lý các vấn đề trong công việc - bằng chính sức mình
Khi còn trẻ chúng ta có quá nhiều lo lắng và sự bó buộc, có thể chúng ta còn non trẻ, chúng ta cần học hỏi nhiều ở mọi người, thế nhưng nếu bạn bị từ chối tăng lương, hãy hỏi làm sao để bạn được tăng lương. Khi cảm thấy mình bị đối xử bất công trong công việc, hãy mạnh dạn nói lên suy nghĩ cuả mình thay vì ngậm miệng chịu đựng vì sợ ảnh hưởng tới con đường sự nghiệp.
Việc bắt đầu một công việc ở độ tuổi 20 có thể rất khó khăn, thế nhưng tự mình xử lý những tình huống xấu có thể giúp bạn trưởng thành hơn, đồng thời tạo thêm cảm hứng cho công việc của bạn. Bạn có thể không có nhiều năm kinh nghiệm, nhưng bạn có quyền yêu cầu những gì bạn xứng đáng và cần phải tự tìm thấy ý nghĩa và niềm vui trong công việc của mình.
3. Học nói lời cảm ơn
Ở tuổi 20, chúng ta có cả 1 thế giới đang chờ để khám phá, chúng ta bận rộn đến mức thường quên mất những người thân yêu bên cạnh. Ta luôn nghĩ mình có "sau này" để thể hiện tình cảm của mình với họ. Nhưng có thực sự là ta sẽ luôn có "sau này" để bộc lộ sự cảm kích của mình với họ hay không?
Đừng quá tự tin vào thời gian và rồi phải hối tiếc rằng "giá như mình đã nói tiếng "cảm ơn" sớm hơn". Cho dù là bạn bè, người yêu hay cha mẹ, hãy luôn bày tỏ sự yêu thương, biết ơn của mình với họ, để không bao giờ phải hối tiếc nếu một ngày họ có rời xa ta.
4. Buồn bã vì bị thất nghiệp
Thất nghiệp ở tuổi 28 là một trải nghiệm tồi tệ, mọi ước mơ, những nỗ lực của bạn trước đó dường như đều sụp đổ. Tương lai bỗng trở nên thật mịt mù khi nhìn thấy bạn bè xung quanh đã ổn định công việc, có gia đình vui vẻ, những chuyến du lịch lý thú và mình thì vẫn lênh đênh vô định.
Bạn thường nghe mọi người nói rằng "Mình sắp 30 rồi nhưng vẫn chưa có một sự nghiệp ổn định" hoặc rằng "Mình quá áp lực với công việc hiện tại nhưng gần 30 tuổi rồi, nếu còn nghỉ việc mình biết phải làm gì?"... Vì lý do nào đó, chúng ta đều lấy 30 làm cái mốc cho những thành công nhất định trong cuộc đời mình. Nếu không đạt được, nghĩa là bạn đang thất bại.
Và lời khuyên dành cho bạn là, đừng lãng phí thời gian để ám ảnh bản thân vào những mục tiêu mà mình chưa đạt được, hãy sống chậm lại, cảm nhận những may mắn và hạnh phúc mình đang có. Tự vấn lại bản thân về mục tiêu đời mình và dành sự nỗ lực cho thứ bạn cảm thấy thực sự quan trọng.
5. Không sợ hãi và nắm bắt cơ hội
Khi bạn thất bại, hãy suy nghĩ lại về lựa chọn của mình và cân nhắc các lựa chọn khác. Có thể đó chưa chắc đã là thứ bạn dành sự ưu ái để phát triển, thế nhưng biết đâu bạn đang tìm ra lối thoát cho những bế tắc của mình từ đây.
Đừng sợ hãi với thứ mới, chỉ cần bạn chịu nỗ lực, chấp nhận cả những rủi ro có thể xảy đến, biết nắm bắt lấy cơ hội cho bản thân, không gì là không thể.
6. Chăm sóc tốt bản thân
Sức khỏe mang lại một loại tự do và hạnh phúc mà rất ít người nhận ra - cho đến khi chúng không còn nữa. Khi còn trẻ, bạn thường lãng phí thứ "vốn" tự thân này, bạn nghĩ mình khỏe mạnh, không gì là không thể. Vậy nhưng, khi ngoài 30, 40 các vấn đề mới chậm rãi xuất hiện. Đừng viện lý lẽ rằng bạn quá bận nên không có thời gian đến phòng tập thể dục, hoặc bạn thích ăn những đồ ăn đó, dù nó không tốt cho sức khỏe cũng không sao.
Nhưng vấn đề không phải bạn sẽ ra đi sớm hơn người khác mà bạn có thể bị dày vò bởi một căn bệnh mãn tính nào đó chỉ vì lười biếng hoặc coi thường sức khỏe của bản thân.
7. Ít quan tâm đến những gì người khác nghĩ
Bạn không thể kiểm soát được suy nghĩ của người khác, vì vậy hãy ít quan tâm đến việc người khác nghĩ gì về bạn đi. Điều này không chỉ khiến bạn không bị gò bó trong việc luôn cố gắng khiến người khác hài lòng, mà còn mang tới cho bạn sự tự tin, mạnh mẽ để sáng tạo hơn và làm tốt hơn.
Hãy là chính mình, coi bản thân là ưu tiên hàng đầu trong mọi vấn đề và bớt đặt nặng việc người khác nghĩ vì và muốn gì ở bạn./.